Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Bác Hồ
Tổng Bí thư: “Trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay và thế hệ mai sau là làm tất cả những gì có thể làm được theo lời dạy của Bác”.
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chiều 2/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên khu di tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh anh chị em đã làm tốt công tác đón tiếp đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.
Điều vui mừng, xúc động là đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế đến với Khu di tích ngày càng nhiều hơn, thể hiện tình cảm yêu kính đối với Bác. Anh, chị em trong Khu di tích ngày càng thấm thía tư tưởng, tình cảm của Bác, tích cực học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Tổng Bí thư chỉ rõ năm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn khởi kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Năm nay cũng là năm thứ 46, Bác Hồ đi xa vào cõi vĩnh hằng. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ Người, đây cũng là dịp để ôn lại tư tưởng, tình cảm, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm thía những lời dạy của Người để học tập và làm theo.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện bất hủ; sản phẩm của một tư tưởng, một trí tuệ, một tâm hồn, một nhân cách lớn của đất nước ta, dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới; kết tinh tất cả những tư tưởng vĩ đại về độc lập, tự do cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân; quyền bình đẳng, quyền tự do của con người.
Tư tưởng của Tuyên ngôn rất phong phú, nhiều mặt; Bác đã nói lên quyết tâm đấu tranh giành và giữ cho được độc lập, tự do của Tổ quốc, phấn đấu làm hết sức mình mang lại quyền lợi, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bác nói, phải đem tất cả tinh thần và lực lượng, của cải và vật chất để giữ cho được quyền tự do, độc lập ấy.
Vậy trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay và thế hệ mai sau là làm tất cả những gì có thể làm được theo lời dạy của Bác, giữ gìn cho được giang sơn, gấm vóc này; quyết tâm xây dựng, phát triển cho được đất nước tươi đẹp này, để mang lại độc lập, tự do, quyền được sống hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là mong ước, nguyện vọng của nhân dân và lý tưởng của Bác Hồ.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Video đang HOT
Tổng Bí thư chỉ rõ năm nay, toàn Đảng tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hai yêu cầu lớn đặt ra là làm sao tất cả các cấp, các ngành quán triệt cho được tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đi đúng con đường Bác Hồ kính yêu đã vạch ra; đồng thời sáng suốt lựa chọn, bầu những người thực sự có đức, có tài, thực sự vì Đảng, vì dân, vì nước, vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đây là nhân tố quyết định thành công của đất nước, của Đảng, của dân tộc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh có đường lối đúng, đồng thời phải có cán bộ tốt, cán bộ trung kiên, tuyệt đối vì Đảng, vì dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Marx-Lenin. Như Bác Hồ đã nói, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Marx-Lenin.
Tổng Bí thư chia sẻ, mỗi lần đến khu di tích không chỉ tham quan, mà còn để học tập, tự kiểm nghiệm, nghĩ về công việc của mình.
Tổng Bí thư mong muốn cán bộ, nhân viên khu di tích, bằng tất cả tình cảm của mình, tiếp tục truyền đạt những tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người đến với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế; tích cực học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.
Càng gần Bác, càng phải gương mẫu, cả trong công việc chung cũng như trong đời thường, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng một tập thể thương yêu, đoàn kết tốt.
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham quan Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội năm 2015, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam.
Với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển,” triển lãm giới thiệu, tôn vinh những thành tựu kinh tế-xã hội, tiềm năng và triển vọng của đất nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là giai đoạn đổi mới, hội nhập.
70 năm qua, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu hát triển Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Từ một nền kinh tế tự cấp tự túc, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 300 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần tổng sản phâm quốc nôi (GDP).
Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với gần 300 tỷ USD từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào gần 20.000 dự án. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới.
Tại triển lãm, Tổng Bí thư đã đến thăm từng gian trưng bày của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Với gần 70 gian trưng bày theo 4 nội dung, trong đó Khu trưng bày khái quát thể hiện sự ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thành tựu kinh tế-xã hội tiêu biểu; tiềm năng và lợi thế của đất nước.
Khu trưng bày của khối các bộ, ngành Trung ương tập trung giới thiệu: Thành tựu của từng ngành, lĩnh vực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1986 đến nay)…
Khu trưng bày của các địa phương gắn liền với những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội; tiềm năng và triển vọng; những sắc màu văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Khu trưng bày của khối các doanh nghiệp hướng tới nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giới thiệu, tôn vinh thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm gian trưng bày của TTXVN, một trong những cơ quan báo chí lớn, có bề dày truyền thống 70 năm trưởng thành cùng đất nước, cơ quan báo chí đầu tiên được phong tặng 2 danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Đến nay, TTXVN đã trở thành một tổ hợp truyền thông với 32 đơn vị đầu mối, trong đó có các ban biên tập thông tin nguồn và nhiều cơ quan báo chí, xuất bản, hơn 60 sản phẩm thuộc mọi loại hình báo chí (tin nguồn cung cấp cho hệ thống truyền thông, kênh truyền hình, báo in, báo điện tử…). TTXVN hiện có 63 cơ quan thường trú trong nước, 30 cơ quan thường trú ở khắp 5 châu lục, là một trong những Trung tâm thông tin đối ngoại quan trọng nhất cả nước…
Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật, các ấn phẩm thông tin tại gian trưng bày của TTXVN, thể hiện sinh động quá trình 70 năm ra đời và phát triển của TTXVN, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Theo TTXVN
'Không để thế lực xấu lái luật pháp đi con đường khác'
Tổng bí thư yêu cầu ngành tư pháp tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp đi con đường khác, nhất là trong điều kiện hội nhập.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu dài 20 phút tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành tư pháp và đón nhận huân chương Độc lập hạng nhất chiều nay.
Biểu dương những đóng góp của ngành, Tổng bí thư nhấn mạnh, ngành tư pháp phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
"Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng".
Tuyệt đối không mơ hồ
Tổng bí thư yêu cầu Bộ Tư pháp, ngành tư pháp có trách nhiệm đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, làm rõ và từng bước bổ sung, đổi mới cả về lý luận và thực tiễn hoàn thiện thể chế. Trong đó có học hỏi kinh nghiệm của các nước nhưng phải biết sàng lọc, biết vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
"Tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng".
Cụ thể, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan định hướng chương trình lập pháp đến năm 2020 cơ bản để nước ta có hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ luật, kỷ cương với mục đích cuối cùng là hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để mọi cá nhân, tố chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật.
"Phải khắc phục tình trạng "phép vua thua lệ làng", thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân khi giải quyết công việc. Dù ta có xây dựng bao nhiêu luật pháp, có đúng có hay bao nhiêu chăng nữa mà không đi vào cuộc sống thì chẳng có ý nghĩa gì", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Ngành tư pháp được tặng huân chương Độc lập hạng nhất
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng công tác tư pháp đã có sự trưởng thành vượt bậc; gắn kết, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên, ngành còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém như chưa tham mưu được một cách đầy đủ cho Chính phủ và Quốc hội giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật còn phức tạp, nhiều tầng nấc, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chậm đi vào cuộc sống; hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật chưa cao. Bên cạnh đó vẫn còn những thủ tục hành chính chưa thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp...
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh trong thời gian tới, ngành sẽ chủ động tham mưu, đề xuất, bổ sung, phát triển những định hướng, giải pháp tổng thể nhằm tái cấu trúc thể chế quản trị nhà nước theo các nguyên tắc pháp quyền đã được xác lập trong Hiến pháp năm 2013.
"Phải làm sao cho pháp luật minh bạch hơn, đơn giản hơn để mọi người trong xã hội đều dễ chấp hành, thực hiện hơn và cũng là để cho cơ quan, công chức nhà nước thi hành nghiêm chỉnh hơn, áp dụng pháp luật công bằng, nhất quán hơn", ông Cường nói.
Thu Hằng
Theo VNN
Tổng Bí thư: Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ an ninh quốc gia Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Công an nhân dâ n (19/8/1945 - 19/8/2015), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp, làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn...