Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều
Sáng 14-11, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1950-2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Cùng dự với các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường, có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; lãnh đạo Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo,…
Từ buổi đầu thành lập, trường chỉ có một lớp trung học rồi trở thành trường phổ thông cấp 2 3, sau đó là trường cấp 3 đầu tiên của ngoại thành Hà Nội và là một trong những trường đi đầu theo phương hướng vừa học vừa làm để đào tạo học sinh vừa có kiến thức văn hoá vừa biết lao động sản xuất. Các thế hệ giáo viên và học viên nhà tường luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, có nhiều đóng góp cho đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xúc động ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên là học sinh có sáu năm liên tục (từ năm 1957 đến năm 1963) được học tập, được giáo dục, dạy dỗ đầy tâm huyết của nhà trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, Trường PTTH Nguyễn Gia Thiều là một trong những trường có bề dầy lịch sử, có phong trào và nền nếp dạy tốt, học tốt, một điểm sáng của ngành giáo dục Thủ đô, có đầy triển vọng tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Riêng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đây là ngôi trường thân yêu, mang đầy dấu ấn và để lại nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Từ đáy lòng mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chân thành cảm ơn và không bao giờ quên công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn giũa của nhà trường, của các thầy giáo, cô giáo và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cán bộ, nhân viên nhà trường, sự đùm bọc, giúp đỡ, cộng tác của các bạn học sinh cùng thời.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh nhà trường vui mừng gặp lại nhà giáo Lê Đức Giảng, nguyên Bí thư Chi bộ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B của trường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất vui mừng, phấn khởi và tự hào về những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong 70 năm qua. So với thời kỳ đồng chí học tập thì đến nay trường khang trang hơn, sạch đẹp hơn nhiều, quy mô to lớn và các điều kiện, phương tiện học tập thuận tiện và văn minh, hiện đại, đầy đủ hơn; trình độ và chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng cao hơn, tốt hơn.
Video đang HOT
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhớ lại, thời đồng chí học thì trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất; các phương tiện, phòng thí nghiệm, thư viện,… rất đơn sơ, thiếu thốn. Anh chị em học sinh phần lớn là ở xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, hầu hết đi bộ hàng chục cây số. Nhiều người, trong đó có đồng chí phải đi ở nhờ, ở trọ, thậm chí vừa học vừa đi làm thêm để kiếm sống,…
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, không phải ngẫu nhiên nhà trường liên tục nhiều năm được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc, đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và được đón nhận nhiều phần thưởng, nhiều huân, huy chương và các danh hiệu vinh dự cao quý khác,…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, kết quả mà các thế hệ của nhà trường đã đạt được, làm nên truyền thống vẻ vang và rất đáng tự hào. Đồng chí chia sẻ, không chỉ bây giờ mà ngay từ khi còn học tại trường cách đây gần 60 năm, đồng chí đã rất vui sướng, tự hào về mái trường mình được học.
Nhớ lại năm 1962, nhà trường tổ chức cuộc thi bích báo giữa các lớp của khối 10, khi đó đồng chí học lớp 10B, đã viết bài thơ nhan đề “Năm cuối cùng của đời học phổ thông” với cảm xúc rất ngây thơ nhưng rất chân thành.
Trong đó có các câu: Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/Tôi học 10B – Nguyễn Gia Thiều/Nay đã trở nên “người anh cả”/Cuộc đời vui bay bổng cánh diều!… Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/Năm cuối cùng của thời học phổ thông/Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?!
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại lễ kỷ niệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin rằng, với truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, với nhiều thành tích và kinh nghiệm đã tích luy được, trong thời gian tới, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ tiếp tục phát triển vươn lên, không ngừng tiến bộ, ngày càng thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, đáp ứng tốt những yêu cầu mới ngày càng cao hơn, khó hơn, xứng đáng với danh xưng Nguyễn Gia Thiều, xứng đáng với sự tin yêu, tin cậy và đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước tặng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Vương Đình Huệ trao Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng nhà trường.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng nhà trường 70 suất học bổng dành cho các học sinh tiêu biểu, xuất sắc; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng nhà trường một phòng máy vi tính.
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37
Sáng 12/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.
VTC News xin đăng tải lại toàn văn bài phát biểu:
Thưa Quý vị Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và các Đối tác,
Thưa Quý vị đại biểu và các vị khách quý,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được phát biểu tại Lễ khai mạc chuỗi Hội nghị quan trọng nhất của ASEAN trong năm - Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác.
Mỗi lần tham dự hoạt động của ASEAN đều để lại cho tôi tình cảm ấm áp về tình đoàn kết, gắn bó như những người anh em trong một đại gia đình. Năm qua, tình cảm ấy càng được nhân lên khi các quốc gia thành viên ASEAN cùng chung tay gắn kết và chủ động thích ứng trước những thử thách, khó khăn mà khu vực Đông Nam Á và thế giới đang phải đối mặt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Thưa Quý vị,
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến thành quả kinh tế - xã hội được tích lũy hàng thập kỷ qua. Năm 2020 đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới. Hơn bao giờ hết, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cần hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển; người dân cần được quan tâm, bảo vệ và sẻ chia để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Điều này chỉ có thể có được nếu các xung đột, cọ xát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thiện chí của các bên.
Thưa Quý vị,
Trên nền bức tranh nhiều gam màu của thế giới, những điểm sáng về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN.
Trong năm 2020, các nước ASEAN đều đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ cam kết chính trị ở cấp cao nhất đến các biện pháp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng của cả bộ máy cũng như giữa các quốc gia thành viên, chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát COVID-19 cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Niềm tin của người dân đối với khả năng ứng phó dịch bệnh của các chính phủ trong khu vực đều ở mức cao.
Trong khi một số thể chế đa phương đang gặp nhiều khó khăn thách thức, ASEAN đã thành công trong việc duy trì ổn định các hoạt động, giữ vững vai trò, vị thế của mình trong năm qua. Các Đối tác tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Xu hướng đối thoại, hợp tác và liên kết có cơ sở ngày càng vững chắc trong bối cảnh khu vực và thế giới ngày nay.
Tuy vậy, con đường trước mắt còn không ít trở ngại. Những tổn thất cả về người, về của mà hàng chục triệu người dân trong khu vực phải gánh chịu do thiên tai và dịch bệnh trong năm qua thật nặng nề. Người dân ASEAN đang trông đợi ở Quý vị Lãnh đạo các quốc gia đề ra những biện pháp hợp tác hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tốt các làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời duy trì các hoạt động và cùng các doanh nghiệp vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả các vùng, miền và mọi người dân của các quốc gia.
Định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới thời kỳ hậu COVID-19 là một vấn đề lớn. Mong muốn và ý chí mạnh mẽ giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã và cần tiếp tục trở thành giá trị cốt lõi của Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN.
Trong bối cảnh mới, các nước ASEAN cần thể hiện bản lĩnh, tích cực phối hợp để hiện thực hóa những sáng kiến và kế hoạch phục hồi, với những phương thức hoạt động và hợp tác mới, thực chất và hiệu quả. Các khuôn khổ đối thoại và hợp tác ở khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm càng cần được phát huy đầy đủ giá trị. ASEAN có thể đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế và củng cố hệ thống đa phương quốc tế với Liên hợp quốc là nòng cốt.
Thưa Quý vị,
Việt Nam luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Tinh thần đó đã đưa Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh trong suốt 75 năm qua và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển phức tạp và khó lường hiện nay.
Quá trình gia nhập và đồng hành cùng ASEAN trong suốt 25 năm qua chính là tiền đề để Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế cùa mình. ASEAN đã trở thành ngôi nhà chung; Cộng đồng ASEAN là cơ sở quan trọng trong việc duy trì bản sắc của Đông Nam Á.
Thưa Quý vị,
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, trên tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam trân trọng sự đoàn kết, ủng hộ, hỗ trợ quý báu từ các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè của ASEAN để Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức, giữ vững đà liên kết, xây dựng cộng đồng và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác, trung lập và ổn định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã từng khẳng định "Đoàn kết là sức mạnh". Chỉ có thông qua hợp tác, tin cậy và chung sức, đồng lòng, ASEAN và thế giới mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khôi phục tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định và phát triền bền vững.
Với niềm tin tưởng vào tình đoàn kết và sức mạnh cộng đồng của ASEAN, tôi xin chúc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các Đối tác thành công tốt đẹp, tiếp tục đưa ASEAN đạt được những bước phát triển mới, quan trọng trong giai đoạn tới, đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của người dân.
Xin cám ơn và chúc sức khoẻ tất cả Quý vị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ dự khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Trả lời họp báo chiều 9/11 thông tin về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết Tổng Bí thư,...