Tôn vinh và hy vọng
Hôm nay (20/11) Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ trong lịch sử cha ông đã răn dạy: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” và “ Tôn sư trọng đạo” đã trở thành một trong những giá trị văn hóa Việt.
Ảnh minh họa
Cũng nên nhắc lại: Theo Quyết định số 167, ngày 4/7/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký), mục đích của việc lấy ngày 20/11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam là để “thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên; để nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo”.
Dù còn rất nhiều vấn đề đáng phải bàn, tuy nhiên, những thành quả mà ngành Giáo dục và đào tạo có được trong những năm qua là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành; sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đặc biệt là sự đóng góp lớn lao của gần 1,4 triệu thầy, cô giáo – những người đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự nghiệp trồng người cao quý và trực tiếp tạo ra “sản phẩm đặc biệt”của giáo dục là con người có văn hóa và tri thức.
Rất, rất nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao cả.
Video đang HOT
Đất nước hội nhập, trong môi trường cách mạng công nghệ 4.0 đang đòi hỏi mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, dù ở cương vị nào nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy. Từ các nhà lãnh đạo đến các bậc phụ huynh không ai không mong muốn, các thầy cô giáo tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, tâm huyết, sáng tạo, phấn đấu để trở thành những nhà giáo tốt, những người “anh hùng vô danh”, hoàn thành nhiệm vụ cao quý là đào tạo thế hệ trẻ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xã hội luôn mong mỏi các nhà giáo Việt Nam ngày càng “đổi mới và sáng tạo trong dạy và học”, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh, sinh viên; gương mẫu đi đầu trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Năm 2019 này ngành Giáo dục và đào tạo có sáng kiến lần đầu tiên tổ chức tôn vinh danh hiệu “Nhà giáo của năm”. Điều đó thể hiện sự trân trọng, tri ân của ngành Giáo dục đối với đội ngũ thầy, cô giáo; đồng thời tin tưởng đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để khẳng định vị thế, vai trò, hình ảnh của nhà giáo trong xã hội. Đây cũng là hy vọng mà xã hội gửi gắm.
Tôn vinh đội ngũ nhà giáo trong ngày 20/11 luôn là một thông điệp của hy vọng; rằng, người thầy phải thật sự mẫu mực trong dạy người, dạy chữ./.
Ngô Đức Hành
Theo baophapluat
Sáng mãi tinh thần tôn sư trọng đạo
Dân tộc Việt Nam có rất nhiều truyền thống. Mỗi một lĩnh vực, mỗi một cộng đồng xã hội đều có những truyền thống chung của dân tộc và có cả truyền thống riêng.
Trong đó ngành giáo dục Việt Nam có một truyền thống vô cùng đặc biệt đó là truyền thống "tôn sư trọng đạo", một truyền thống nổi bật trong giáo dục dân tộc, nó được hình thành, củng cố và phát triển trải qua hàng ngàn năm lịch sử cùng với sự phát triển của đất nước.
Tôn sư trọng đạo: "Tôn sư" là tôn trọng, kính trọng thầy dạy "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, tôn vinh người thầy, nghề dạy học. "Trọng đạo" trước hết là đạo đức, đạo làm con, đạo làm trò, nói rộng hơn là trọng đạo lí làm người.
Ảnh minh họa.
Truyền thống tôn sư trọng đạo đã thấm sâu vào nhận thức, tình cảm, trở thành những hành vi của người Việt Nam qua các thế hệ. Trước hết, để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn công lao của người thầy giáo, tôn vinh người thầy trong việc rèn luyện, giáo dục nhân cách cho các thế hệ học trò để họ trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Vì thế mà cha ông ta thường nói "không thầy đố mày làm nên".
Mặt khác xã hội tôn vinh thầy giáo ở vị trí cao trong xã hội, bởi thầy giáo không chỉ tiêu biểu cho tri thức mà thầy giáo còn là người giàu lòng nhân ái, sống mẫu mực, đạo đức trong sáng. Có thể nói cái tâm cái trí của người thầy giáo là tấm gương sáng của con người trong mọi thời kì lịch sử. Truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được thể hiện trong sự khiêm nhường học hỏi của trò; thể hiện ở sự "hết lòng vì học sinh thân yêu" của thầy giáo.
Trong lịch sử giáo dục của dân tộc, mối quan hệ thầy và trò luôn là trò kính trọng thầy, thầy tôn trọng nhân cách của trò với tinh thần dân chủ, bình đẳng, tôn trọng giúp đỡ nhau với mong muốn "hậu sinh khả úy" vì sự tiến bộ xã hội là nét đặc trưng trong truyền thống tôn sư trọng đạo.
Cận kề Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, nhiều phụ huynh, học sinh đã cùng nhau tìm chọn các món quà giản đơn mà hết sức ý nghĩa để tỏ lòng tri ân thầy cô, những người lái đò cần mẫn, tận tụy với sự nghiệp trồng người. Từ đó chúng ta càng thấy rõ hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc.
Nguyễn Dũng
Theo PLXH
Ngày Nhà giáo Hàn Quốc: Đủ hoạt động kỷ niệm thú vị, một loài hoa dành tặng thầy cô trong dịp này Là một đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, người dân Hàn Quốc coi thầy cô giáo cũng như cha mẹ của mình và dĩ nhiên trong ngày tri ân thầy cô cũng có nhiều điều thú vị. Hàn Quốc nổi tiếng là đất nước hiếu học và giàu truyền thống tôn sư trọng đạo. Vào ngày Nhà giáo, các trường...