Tốn tiền tỷ mong con du học ngoan hơn
K hi con thi trượt đỗ ĐH, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi một khoản tiền không nhỏ để đi học nước ngoài. Ngoài lý do được “mở mày, mở mặt” với mọi người, nhiều cha mẹ chỉ mong cho con ra nước ngoài được rèn rũa để ngoan hơn.
Những hội thảo du học VietAbroader (Mỹ) cung cấp thông tin chi tiết và bổ ích như thế này nhận được rất nhiều sự quan tâm của các em học sinh và gia đình có nhu cầu. (Ảnh: Văn Chung)
Không khó để trở thành du học sinh
Không quá khó để phụ huynh có thể tìm được một suất cho con du học ở trời tây thông qua các trung tâm tư vấn du học mọc lên ngày càng nhiều như hiện nay.
Trong vai người nhà ở một tỉnh lẻ có công ty riêng, điều kiện kinh tế tốt, có con em học lực tầm trung, tiếng Anh kém cần tìm nơi du học “cốt để nó ngoan hơn, biết lo cho mình” tôi đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của các trung tâm tư vấn khi tìm đến.
Video đang HOT
Tại một trung tâm trên phố Liễu Giai (Hà Nội), nữ giám đốc tên Minh ân cần phân tích: Các phụ huynh ở tỉnh lẻ nếu vì lí do này nhiều người chọn cho con học ở New Zealand. Ở đó thì buồn nhưng từ nhà trường, gia đình nơi các em ăn ở và môi trường đều rất quan tâm đến các sinh viên.
Một lý do khác, ở đây có những người Việt quản lí ở đó nên việc liên lạc, thường xuyên trao đổi tình hình giữa phụ huynh ở VN và các con cũng thuận tiện. Thêm nữa, học phí ở đây cũng không phải quá cao so với du học Úc hay Mỹ.
Theo chị Minh: “Mỹ là không nên đi vì đất nước này vẫn được xem là tự do, đôi khi quá mức. Đi New Zealand chỉ cần học lực khá tầm trên 6,0 là được. Quan trọng hơn là hạnh kiểm không bị các thầy cô phê nhiều vì sứ quán New Zealand rất xem trọng hạnh kiểm, lý lịch của sinh viên.
Tuy nhiên, nếu hạnh kiểm yếu khó nhưng vẫn có thể xin được. Ở Mỹ không có khả năng ngoại ngữ thì rất khó. Học ở Anh thì thủ tục đơn giản có thể theo dạng visa du lịch nhưng cần có thêm trình độ IELTS. Mà nghe đến tiếng Anh thì nhiều em ở dạng này sợ lắm. Đi Úc tốn kém, việc chứng minh tài chính cũng lâu”.
Tới một trung tâm khác trên phố Vạn Bảo (Hà Nội), qua trao đổi, nữ tư vấn tại gợi ý cho tôi lựa chọn cho con em đi học ở Singapore. Chị này khuyên: “Nếu anh không ngại rằng nhiều người nói ở đó mọi người không hoàn toàn nói tiếng Anh và chưa thật chuẩn và không “oách” vì là nước châu Á thì đây là lựa chọn hợp lý”.
“Thường thường bậc trung” cũng tốn
Mong muốn chỉ để cho con ngoan hơn nên chỉ cần học ở những trường thường thường. Theo tính toán của chị Minh: Phải mất một năm học tiếng Anh (học phí khoảng 14.000 đô la New Zealand (NZD) cộng thêm các khoản chi y tế,..và ăn ở (dạng “homestay” ở chung với chủ nhà người bản xứ) khoảng 12.000 NZD với tỉ giá tính 16.000vnđ/1 NZD, tổng cộng chi phí cho mỗi năm trung bình từ 400- 500 triệu đồng.
Tùy từng trường mà thời gian học khác nhau, tính trung bình khoảng 3 năm và 1 năm học tiếng là 4 năm, tổng chi phí khoảng trên dưới 2 tỷ đồng.
Tương tự, theo tính toán của nữ tư vấn tại trung tâm trên phố Vạn Bảo, nếu để con đi du học Singapore, gia đình tôi cũng cần chi đến gần 2 tỷ đồng cho 4 năm học của con em mình.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các chi phí đã được go gắn, tính toán tỉ mỉ đến tiết kiệm nhất của các nhà tư vấn. Theo các tư vấn viên này cần phải xem “em nhà anh” thực sự yêu thích và có nổi trội hơn ở lĩnh vực nào thì việc tư vấn mới cụ thể và rõ ràng được.
Tốn tiền tỷ chỉ mong con ngoan hơn.
Không rõ con cái có ngoan hơn, giỏi hơn không nhưng nhiều phụ huynh có điều kiện vẫn sẵn sàng bỏ ra vài tỷ đồng để cho con đi du học.
Nhà bố làm chủ buôn gỗ tại Hà Nội, mẹ làm giám đốc một công ty lớn ở Hòa Bình, chị học giỏi đã tốt nghiệp Học viện Tài chính Hà Nội nhưng Hoàng lại nổi danh bởi thành tích “đầu gấu”, tóc nhuộm xanh đỏ, học ít, chơi nhiều.
Bố mẹ chỉ chờ cậu con trai học xong cấp III là lo điều kiện đưa sang Singapore. Mỗi tháng, bố mẹ gửi cho cậu trên 50 triệu lo đóng học và ăn ở. Vậy mà nhiều tháng nghe bố mẹ Hoàng nói cậu vẫn kêu thiếu.
Sang đất nước với hình ảnh “tượng nhân sư” nổi tiếng, học từ 2003 cho tới nay đã gần 8 năm, cậu vẫn chưa về. Một năm hai lần “ông bà” đặt máy bay sang thăm cậu con “quý tử”. Lần nào về gặp mọi người họ đều thông báo tình hình con vẫn bình thường mà mặt đầy lo lắng.
Lấy “mác” du học, đi để kiếm sống
Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình nông thôn do việc cho con đi bằng đường xuất khẩu lao động khó khăn nên đã đi theo đường dây đi du học. Sau khi sang nước ngoài du học, các học sinh này sẵn sàng bỏ học để đi làm.
Nguyễn Bá Tiến, quê Hà Đông, Hà Nội vốn là học sinh ngoan nhưng học lực yếu. Là con trai duy nhất trong gia đình có bố mẹ làm ruộng. Thi trượt ĐH, sau 1 năm lang thang không có việc gì, bố mẹ lo sợ con hư hỏng, bấm bụng vay lãi đến cả chục phần trăm, quyết tâm cho Tiến đi du học.
Trường mà anh và gia đình lựa chọn là một trường CĐ của Hàn Quốc. Vài tháng đầu, Tiến cũng quyết tâm học hành (theo ý nguyện của bố mẹ). Anh chỉ làm thêm một vài tiếng mỗi ngày (làm thêm bằng cách đi rửa bát thuê cho các quán ăn đêm).
Sau khi đi làm thấy kiếm được, Tiến bèn điện về nhà xin bố mẹ bỏ học và kiếm tiền. Sau nhiều đêm suy nghĩ gia đình cũng đồng ý cho con đi làm. Qua trao đổi với bạn bè, Tiến thật thà: “Sang bên đó tiếng tăm không biết nhiều, có đi học cũng không hiểu gì. Chắc gì đã theo được. Rồi giả sử có tốt nghiệp được thì cũng chỉ là bằng “giả”. Về Việt Nam chắc gì đã làm được gì. Cứ đi làm kiếm ít tiền rồi về buôn bán.”
Theo VNN