Tôn Hà Anh cô bạn Amser nhận học bổng của 5 trường đại học Mĩ
Trong số các trường mà Hà Anh được nhận học bổng để học trong năm tới, có trường đại học danh giá nhất nước Mĩ là trường Harvard đấy!
Họ và tên: Tôn Hà Anh Ngày sinh: 25/12/1992 Cựu học sinh lớp Anh1 – Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Hiện đang học tại trường THPT St.Andrew’s (Mỹ) Thành tích: – Học bổng toàn phần của 5 trường đại học danh tiếng tại Mĩ: Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley. – Học bổng Harvard Faculty of Arts and Science Scholarship do tập thể giáo sư tại Harvard bầu chọn năm 2011. – 1 trong 60 học sinh xuất sắc nhất nước Mỹ được nhận danh hiệu National Scholar, và được trao tặng Học bổng quốc gia (National Scholarship) đề cử bởi trường đại học Brown trong số 31000 đơn từ khắp thế giới. – Được nhận vào chương trình Columbia Undergraduate Scholars Program – chương trình dành cho 120 học sinh xuất sắc nhất trong số 35000 học sinh dự tuyển vào trường đại học Columbia năm 2011. – Giải thưởng của Hội đồng giáo viên trường St. Andrew”s năm 2010 dành cho học sinh xuất sắc nhất về Toán và Khoa Học, đồng thời là học sinh có điểm luận văn cuối kỳ cao nhất trong lịch sử trường St. Andrew”s – 99/100 – Huy chương bạc môn Toán toàn bang Delaware 2010 – Á khoa thi đầu vào lớp 10 trường Hà Nội – Amsterdam năm 2007 Hoạt động xã hội: – Ban tổ chức Aids Walk – sự kiện gây quỹ cho HIV/AIDS lớn nhất tại bang Delaware – Tại trường St.Andrew’s, Hà Anh “kiêm” rất nhiều chức vụ nhé: Chủ tịch ban chỉ đạo chương trình ngoại khóa, Chủ tịch hội cựu học sinh khóa 2007 – 2011, Chủ tịch hội học sinh ngoại quốc, Trưởng ban tổ chức chương trình Tuần lễ trái đất và Giờ trái đất năm 2010. – Người quản lý và điểu khiển chiến dịch ủng hộ Energy Bill 2010 – dự luật năng lượng của Mỹ năm 2010 và vận động toàn trường viết thư trình lên quốc hội Mỹ. – Đồng trưởng ban tổ chức hội thảo US Boarding Talk năm 2009 và 2010, Ban tổ chức Hội thảo kinh doanh Vietabroader 2010 – 1 trong 35 học sinh tham dự Diễn đàn tuổi trẻ Việt Nam 2009 – Các hoạt động ngoại khóa: thành viên đội hát thánh ca, giúp đỡ trẻ em khuyết tật vùng New Castle, thành viên đội bơi lội, khúc gôn cầu, đấu kiếm và tennis.
Chào Hà Anh. Bảng thành tích của bạn thật “khủng” quá! Được học bổng toàn phần từ 5 trường đại học nổi tiếng của Mỹ: Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley, bạn sẽ chọn trường nào để tiếp tục học trong năm học sau?
Trước khi tớ quyết định trường đại học tớ sẽ vào trong năm tới, tớ đến thăm hai trường gần trường cấp 3 tớ đang theo học nhất là Princeton và Harvard, còn Wellesley thì tớ đã đến thăm từ năm trước rồi. Và cuối cùng tớ đã chọn trường Harvard vì chất lượng và sự danh tiếng của nhà trường.
Hà Anh đến thăm quan trường đại học Harvard.
Thăm quan trường đại học Princeton.
Tớ không thể quên ngày đông tháng 11 năm trước khi tớ đến thăm Harvard Square, và đứng từ ngoài cánh cổng Harvard nhìn vào trong trường và tự hỏi bao giờ mình mới đứng trong khoảng sân kia. Giờ thì tớ đã chạm được vào giấc mơ của mình. Cảm nhận đầu tiên của tớ trong chuyến thăm trường vừa rồi là các sinh viên đều rất xuất sắc. Họ rất đỗi khiêm nhường nhưng thành tích của họ rất đáng ngưỡng mộ. Có người bạn tớ mới quen tự học ở nhà trong suốt 12 năm học mà không một ngày đến trường hay có gia sư dạy kèm. Các giáo sư tại các trường đại học này đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực mà họ giảng dạy (đa số sinh viên được chính người biên soạn sách giáo khoa/ viết sách giảng dạy).
Đối với trường đại học Harvard, năm 2011 có gần 35000 học sinh từ khắp thế giới dự tuyển vào trường, nhưng chỉ có một số ít học sinh được nhận. Là một trong những sinh viên xuất sắc ấy, cảm nghĩ của Hà Anh là gì?
Niềm vui đi cùng với trách nhiệm. Tớ tự nhủ sẽ cố gắng học tập và tận dụng các cơ hội mà mình sẽ có trong bốn năm học sắp tới để có thể học tập, phát triển kiến thức và kinh nghiệm xã hội, làm sao để không phí hoài những gì Harvard mang lại.
Học giỏi như vậy, bí quyết của Hà Anh là gì?
Tớ luôn quan niệm có đam mê, quyết tâm và không ngại mạo hiểm là có tất cả. Niềm đam mê là động lực để tớ cố gắng học hành và hoạt động xã hội mà không chịu quá nhiều áp lực và căng thẳng. Nhiều đêm thức học, có lúc tớ buồn ngủ đến nỗi đánh rơi cả bút, đang đọc Hamlet cho lớp Văn học Mỹ mà đầu lại nghĩ sang công thức toán của lớp Kinh tế . Lúc đấy chỉ ước rúc vào chăn nằm ngủ thôi. Nhưng nghĩ đến việc nếu bây giờ mình đi ngủ, kế hoạch bị phá vỡ, bài tập ngày này sẽ chồng chất lên ngày kia và mình sẽ bị tụt lại là tớ lại phải chống mắt lên học tiếp.
Còn về không ngại mạo hiểm, ý tớ là khi học thì nhất định không được có định kiến, ví dụ như có nhiều người nói mình chỉ thích tự nhiên thôi nên các môn xã hội mình không cố gắng lắm, và ngược lại. Chính định kiến mình có sẵn trong đầu sẽ gây ra trở ngại rất lớn trong học tập.
Hà Anh làm nghiên cứu tại Viện Khoa học trường đại học Delaware (Mĩ).
Video đang HOT
Thế còn môn Tiếng Anh, để đi du học và học giỏi như thế chắc chắn phải có vốn Tiếng Anh vững lắm. Bạn đã học Tiếng Anh như thế nào vậy?
Về việc học Tiếng Anh, tớ vẫn theo đuổi cách học truyền thống thôi. Trước đây tớ học lớp chuyên Anh ở trường Giảng Võ, và lên cấp 3 tớ học chuyên Anh ở Ams. Những năm tháng ấy đã cung cấp cho tớ nền tảng ngữ pháp Tiếng Anh rất vững. Ngoài ra tớ đọc và làm thêm rất nhiều bộ sách Tiếng Anh. Tớ bao giờ cũng có 3 quyển vở dày, một quyển ghi chuyên về từ mới và các dạng của từ, một quyển chuyên ghi về ngữ pháp, và một quyển chuyên ghi về giới từ. Khi đọc sách, tớ tóm tắt lại và ghi vào vở. Cách này bắt tớ phải học, phải hiểu và phải nhớ những thứ mình đọc. Còn khi luyện tập, có lỗi sai tớ đánh dấu lại và thường xuyên kiểm tra lại những chỗ sai và nhớ cách làm đúng.
Ngoài ra, tớ cố gắng sưu tầm, photo các sách văn học Tiếng Anh để đọc. Khi đọc bao giờ tớ cũng ghi những cảm nghĩ của mình vào lề sách và sau cứ sao khoảng vài chương, tớ lại ngồi viết một bài tiểu luận ngắn về nhân vật và những ẩn ý của tác giả mà tớ rút ra được. Tớ đã dành cực kì nhiều thời gian cho môn Tiếng Anh luôn đấy, và cuối cùng đã nhận được kết quả như mong muốn.
Hồ sơ vào các trường đại học nước ngoài ngoài bảng điểm ra cần có bài luận văn nữa. Hà Anh có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm viết luận văn cho chúng tớ không?
Tớ nghĩ nên bắt đầu viết luận văn sớm. Tớ bắt đầu viết luận văn từ hè lớp 11 lên lớp 12, tức là nửa năm trước khi nộp hồ sơ. Những bài đầu tiên mình viết ra chưa chắc về sau đã dùng, nhưng cứ phải viết vì trong quá trình viết sẽ nảy ra nhiều ý tưởng và có thêm kinh nghiệm viết bài. Sau đó cần đọc đi đọc lại nhiều lần, vì nhiều khi mới viết xong thì mình cảm thấy rất ưng, nhưng sau khi đọc lại mới phát hiện ra những chỗ cần sửa. Khi ban tuyển sinh đọc bài luận của mình, người ta không chỉ đánh giá nhân cách và phẩm chất của mình mà còn nhìn vào cả cách mình tư duy và diễn đạt, vì đó là hai kĩ năng tối quan trọng kể cả trong quá trình học đại học và về sau này.
Học tập chăm chỉ suốt ngày như vậy, thế Hà Anh nghỉ ngơi thư giãn như thế nào?
Ngoài thời gian học tập, tớ dành hầu hết quỹ thời gian còn lại để chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tớ là thành viên của 4 đội thể thao ở trường là: khúc gôn cầu, bơi lội, đấu kiếm và tennis. Ngoài ra, cuối tuần tớ hay chạy bộ trong rừng để thư giãn và tăng cường sức khỏe để còn có sức mà học tập. Tớ cũng làm part-time và tham gia các hoạt động xã hội nữa. Tớ là thực tập sinh ở ban tuyển sinh ở St. Andrew”s và làm bồi bàn tại các sự kiện của trường. Tớ cũng tham gia hát cho đội thánh ca của nhà thờ, và vừa rồi tớ vừa tham gia vào vở nhạc kịch mùa đông “Babes In Arms” nữa.
Hà Anh trong vở nhạc kịch đó này!
Các buổi chiều sau khi chơi thể thao và tham gia hoạt động ngoại khóa, tớ đi làm vườn và ươm và trồng cây giống trong nhà kính. Bọn tớ trồng rất nhiều loại cây như các loại hoa, dâu tây, các loại đỗ, khoai tây, cà chua… Những sản phẩm bọn tớ làm ra được chuyển thẳng đến trường để làm thức ăn cho học sinh đấy. Nhiều lúc ngồi ăn súp, tớ lại chỉ cho bạn tớ: cái này chắc chắn là cà chua bọn tớ vừa chuyển về hôm qua .
Hà Anh khi làm vườn.
Hà Anh có thể chia sẻ về cuộc sống và việc học của bạn ở bên kia không? Đi du học khá sớm từ năm lớp 11 như vậy, Hà Anh có kỉ niệm nào đáng nhớ không?
Tớ quyết tâm sang Mỹ từ cấp 3 là để thay đổi con người tớ. Và sau 2 năm tớ thấy mình đã học được rất nhiều điều. Cuộc sống bên này vô cùng quy củ chặt chẽ nên tớ phải sắp xếp thời gian rất kĩ càng để có thể hoàn thành khối lượng công việc mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Các lớp học đều từ 10 đến 15 người. Giáo viên chỉ đưa ra kiến thức, còn học học sinh được đưa ra ý kiến của mình và hỏi các thầy cô giáo. Chính từ những lớp thảo luận như thế này mà tớ được bày tỏ chính kiến của mình, qua đó phát triển khả năng diễn đạt và tư duy, và học được rất nhiều điều từ các bạn cùng lớp cũng như các thầy cô.
Còn kỉ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm. Thời gian đầu tiên tớ đến trường là thời gian khó khăn nhất nhưng cũng nhiều điều đáng nhớ nhất. Trường tớ rất chú trọng đến khả năng viết của học sinh nên đến năm lớp 11, trường tớ bắt buộc học sinh phải lấy AP English Literature (văn học Mỹ trình độ đại học). Tớ đã rất lo lắng vì nghe các anh chị đi trước nói không bao giờ nên học lớp đấy vì đối với học sinh nước ngoài vô cùng khó. Nhưng đến khi học, tớ mới nhận ra niềm đam mê với văn học Mỹ (và bài luận cuối kì của Hà Anh đã đạt số điểm kỉ lục của trường – 99/100 cơ đấy! )
Còn một kỷ niệm vui nữa là trong khoảng thời gian đầu tiên đến trường, trường quá rộng nên tớ thường xuyên bị lạc. Các bạn đến bây giờ vẫn nói đùa về tớ những ngày đầu tiên – một cô gái thấp bé luôn chạy loanh quanh khắp trường tìm lớp học.
Dự định sau này của Hà Anh là gì? Học ở ngôi trường xuất sắc Harvard ra, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng xin được việc ở Mĩ hay nhiều nước khác. Bạn có định quay về Việt Nam làm việc không?
Tớ chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để được quay về Việt Nam làm việc. Tớ có được ngày hôm nay cũng là nhờ những ngày tháng lớn lên và trưởng thành ở Việt Nam, nên tớ mong sẽ có ngày trở về cống hiến cho đất nước. Hơn nữa, dù đi xa đến đâu, tớ cũng muốn về để ở gần bên và chăm sóc bố mẹ của tớ.
Cám ơn Hà Anh, chúc bạn sẽ ngày càng học giỏi hơn và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống nhé!
Theo PLXH
Tự tìm đường ra biển
"Em phải đến Harvard..." không chỉ là tựa của một cuốn sách dịch của Trung Quốc ăn khách cách đây mấy năm mà còn là hiện thực của nhiều cựu học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam.
Từ nhiều năm qua, tự tìm học bổng du học là một phong trào sôi nổi của học sinh ở ngôi trường danh giá nhất Thủ đô này.
Trần Thu Quỳnh (thứ hai từ phải qua), người sắp được nhận học bổng toàn phần của ĐH Brown, trị giá gần 230.000 USD/khóa học.
Giấc mơ chinh phục ĐH Mỹ
So với bạn bè cùng lớp 12 Anh 2 năm học 2010 - 2011, Hạnh Nga là một học sinh chịu nhiều thiệt thòi. Bố em mất sớm, mẹ em tần tảo nuôi các con ăn học, kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả.
Cô Đặng Ngọc Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh 2 kể: "Có lần Hạnh Nga tâm sự với tôi, em muốn đi học ở Mỹ nhưng nhà em khó khăn. Em chỉ còn một cách là cố gắng để có học bổng".
Quyết tâm của Hạnh Nga đã giúp em chạm được vào ước mơ. Giờ đây học sinh cả trường Ams biết tên Hạnh Nga bởi em sắp trở thành sinh viên của trường ĐH danh giá nhất thế giới - ĐH Harvard.
Hạnh Nga không phải là học sinh trường Ams đầu tiên được nhận học bổng toàn phần của ĐH Harvard. Năm ngoái, cùng một lúc trường Harvard nhận cấp học bổng toàn phần cho hai học sinh quốc tịch Việt Nam, và cả hai đều có bước khởi đầu từ trường Ams: Trịnh Đức Minh, Phan Đức Toàn.
Cả hai đều trúng tuyển vào lớp 10 trường Ams năm học 2006 - 2007. Học xong lớp 10, cả hai đều được học bổng học du học cấp THPT, nhưng người thì đi Mỹ, người đến Singapore. Tháng 9-2010, cả hai lại gặp nhau ở Harvard.
Ngoài ra, học sinh trường Ams trước Minh và Toàn có các chị Nguyễn Bích Ngọc (học Ams năm học 2003 - 2004), chị Hồng Nhung (2000 - 2003)... cũng đã và đang là sinh viên Harvard.
Tuy nhiên, với học sinh trường Ams, Harvard không phải là đỉnh cao duy nhất trong giấc mơ chinh phục các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Ngoài Harvard, có rất nhiều tên tuổi lớn như Yale, Princeton, Stanford, Brown... của giáo dục ĐH Mỹ đã và đang là mục tiêu cho hàng chục thế hệ học sinh trường Ams vươn tới.
Những trường này không chỉ "đỉnh" bởi chất lượng đào tạo mà còn được tiếng "rộng rãi" trong việc cấp học bổng cho sinh viên do nguồn lực kinh tế dồi dào. Thông thường một suất học bổng toàn phần những trường "giấc mơ" khoảng trên dưới 230.000 USD/ khoá học 4 năm.
Trong con đường tìm học bổng du học của học sinh trường Ams, thành công rực rỡ cho đến nay là Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh lớp 12 Anh 1 năm học 2008 - 2009.
Cùng một thời điểm, Hạnh được 11 trường ĐH của Mỹ đồng ý cấp học bổng toàn phần, trong đó có nhiều trường thuộc top 15 trường hàng đầu nước Mỹ: Stanford, Yale, Princeton, Brown, Dartmouth College, Williams, Swarthmore, Oberlin, Mount Holyoke College, Georgetown University.
Trong khi các bạn đồng trang lứa ở Việt Nam đang vùi đầu dùi mài kinh sử chuẩn bị ứng thí cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì Hạnh đau đầu vì không biết chọn trường nào để học! Sau nhiều đắn đo, Hạnh quyết định chọn trường Stanford.
Trần Thu Quỳnh (ngoài cùng bên phải), đang trao đổi với các bạn cùng lớp.
Cạnh tranh căng thẳng hơn
Theo thầy Đỗ Bá Khôi, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam, phong trào tự tìm học bổng du học của học sinh nhà trường trở nên mạnh mẽ từ khoảng hơn chục năm nay, cùng với sự phát triển Internet. Tự học sinh vào trang web của các trường ĐH để tìm hiểu tiêu chí tuyển sinh, khả năng cấp học bổng..., đối chiếu với trình độ và nguồn lực tài chính của bản thân để nộp hồ sơ xin học.
Ngoài ra, các em tìm hiểu thông tin từ các anh chị đi trước, từ bạn bè đang học ở nước ngoài. Năm học nào, lớp nào cũng đều có rất nhiều học sinh nhận được học bổng du học.
"Các trường ĐH nước ngoài đánh giá rất cao tính tự chủ, độc lập của học sinh trong học tập, nghiên cứu. Quá trình tìm hiểu thông tin về các trường cũng như chuẩn bị hồ sơ xin học là một cơ hội cho các em thể hiện sự tự chủ đó", thầy Khôi nhận xét.
Dù là Phó Hiệu trưởng nhưng thầy Khôi vẫn làm giáo viên chủ nhiệm đến năm 2005. Thông thường ở những lớp chuyên toán do thầy chủ nhiệm, khoảng 1/3 học sinh trong lớp du học trong quá trình học hoặc khi vừa nhận bằng tốt nghiệp THPT xong.
Gần 2/3 học sinh học ĐH trong nước một vài năm rồi mới đi. Mỗi lớp chỉ khoảng dăm em học ĐH trong nước. Tuy nhiên, phong trào tìm học bổng du học của các em đặc biệt sôi nổi ở những lớp chuyên Anh. Có lớp Anh 2 có 54 học sinh thì đến khi thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 27 em.
Theo nhiều học sinh trường Ams, tâm thế chuẩn bị các điều kiện và tìm kiếm thông tin du học ngay từ khi bước chân vào trường đã thành truyền thống. Hồng Hoa, lớp trưởng lớp 12 Anh 2 năm học 2010 - 2011 cho biết: "Vào lớp 10 lớp em có 50 bạn thì khoảng một nửa lớp đi học tiếng Anh để thi Toefl, chuẩn bị cho kế hoạch đi Mỹ. Một số bạn khác muốn đi Nhật, đi Singapore thì học để thi IELTS. Trong ba năm học vừa qua, dù đã được bổ sung thêm học sinh nhưng hiện nay lớp em chỉ còn 43 bạn do một số bạn đã đi du học cấp THPT".
Được biết, lớp 12 Anh 2 có khoảng nửa lớp làm hồ sơ xin học bổng của các trường ĐH ở nước ngoài và đến nay khoảng 15 - 16 bạn được toại nguyện. Tuy nhiên, đa số chỉ đạt mức học bổng 50%.
Lớp 12 Toán tuy chỉ có 7 bạn nộp hồ sơ nhưng cả 7 người đều toại nguyện, trong đó có 3 bạn được học bổng toàn phần của những trường danh tiếng: Ngọc Linh, Hải Châu, Thu Quỳnh. Thu Quỳnh, người sắp nhận học bổng toàn phần của ĐH Brown chia sẻ: "Những lứa học sinh về sau có lợi thế bởi nhiều thông tin hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, vì các suất học bổng dành cho học sinh Việt Nam của các trường ĐH là có hạn, số lượng người muốn du học ngày càng nhiều nên sự cạnh tranh cũng căng thẳng hơn".
"Theo tôi nên khuyến khích học sinh tự tìm các nguồn tài chính để theo học đại học ở các nước có nền giáo dục đào tạo phát triển. Nhiều người e ngại các em sẽ không trở về nhưng theo quan sát của tôi, lo lắng này không có căn cứ. Cách đây ít lâu, tôi vừa dự buổi họp lớp của khoá học sinh ra trường cách đây 9 năm. Lớp có 30 em, cả 30 em đều du học. Điểm danh lại, chỉ có 2 em vẫn đang làm việc ở nước ngoài, còn lại đều trở về làm việc, đầu tư trong nước" - Thầy Đỗ Bá Khôi, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam
Theo Tiền Phong
Những cô gái Việt không chùn chân trước Harvard Harvard là một trong những trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh đầu vào thuộc loại cao nhất nhưng nhiều cô gái người Việt nhỏ bé đã không hề chùn bước trước ngưỡng cửa ĐH danh tiếng này. Cô gái hay làm thơ trúng tuyển Harvard Cuối tháng 3 vừa rồi, Tôn Hà Anh, cựu HS Trường THPT Chuyên Hà Nội -...