Tôi rất lo khi khen học sinh là biết ‘vâng lời’!
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết ông rất lo khi đọc hàng trăm cuốn học bạ của học sinh giỏi thì đều có câu khen là biết “ vâng lời”.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng mục tiêu giáo dục học sinh biết vâng lời cần phải thay đổi – ẢNH TUỆ NGUYỄN
Tại cuộc tọa đàm về áp lực giáo viên, nguyên nhân và giải pháp do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng nay, 14.12, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội, chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến cho nghề giáo trở nên quá áp lực và máy móc.
Thầy Hòa cho rằng, giáo viên của chúng ta khoảng 70% được đào tạo theo cách cũ nên cổ hủ và bảo thủ, nghĩ rằng không có ai hơn mình, mình sinh ra để dạy bảo mọi người, nên rất khó thay đổi. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
Nguyên nhân thứ hai đến từ mục tiêu giáo dục của chúng ta. Lâu nay chúng ta dạy học sinh ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật và thầy cô là sản phẩm của lối dạy đó nên không chấp nhận học sinh hư, bức xúc và xử lý học sinh khi em nào không vào khuôn phép, không vào kỷ luật. Tự giáo viên gây bức xúc cho mình nên bạo lực với học sinh, vì nghĩ rằng làm như vậy là trách nhiệm của mình phải đưa học sinh vào “khuôn khổ”.
Thầy Hòa nêu ví dụ: “Tôi đọc hàng trăm cuốn học bạ thì có tới 90% học bạ của học sinh giỏi có câu đầu tiên là “ngoan, vâng lời” và tôi rất lo lắng với nhận xét như vậy. Cách giáo dục đó nhất thiết phải thay đổi, chúng ta phải dạy con người có sáng tạo, biết phản biện, chứ nếu chúng ta làm thế thì làm triệt tiêu khả năng sáng tạo của học sinh”.
Nguyên nhân nữa mà nhà giáo Nguyễn Văn Hòa chỉ ra, đó là lối dạy của chúng ta hiện nay chủ yếu cung cấp kiến thức, nặng về điểm số, chạy theo thi cử, thành tích, chỉ tiêu thi đua. Chính điều đó tạo ra áp lực khi cấp trên gây áp lực cho nhà trường, nhà trường áp lực cho giáo viên, giáo viên áp lực cho học sinh, cha mẹ cũng áp lực cho thầy cô và chính thầy cô cũng áp lực cho mình.
“Nhà trường chưa tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, nhà trường không có yêu thương, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, làm chỗ dựa cho thầy cô. Thầy cô mắc khuyết điểm thì lại phê bình, lại điều tra, lập hội đồng kỷ luật”, thầy Hòa nói.
Phải là thầy hiệu trưởng chứ không thể là “anh/chị hiệu trưởng”
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng, giải pháp để giải tỏa áp lực nghề nghiệp là phải làm cho giáo viên thay đổi, làm mới mình, giáo viên phải tự cảm thấy mình hạnh phúc thì mới khiến học sinh hạnh phúc được.
Video đang HOT
Mục tiêu của giáo dục phổ thông cũng phải thay đổi, mẫu học sinh hiện nay mà chúng ta đưa lên là mẫu hình học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng của các cuộc thi. Cần hướng tới mục tiêu chính là phải dạy người, không chạy theo thành tích điểm số.
Ông Hòa nhận xét, ở cấp tiểu học đã có Thông tư 22 về đánh giá học sinh rất đúng, bỏ đánh giá nặng về điểm số. “Tuy nhiên, cấp THCS và THPT chưa làm được điều đó, vẫn đánh giá theo cách 60 năm nay, từ thời tôi đi học phổ thông vẫn làm. Chúng ta dán tem, dán nhãn sớm quá lên mỗi cá nhân khi xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu kém. Nếu là học sinh yếu kém thì cả đời vẫn mang nhãn dán yếu kém đó. Các nước không làm như vậy, mỗi HS có một điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Phải thay đổi cơ chế gây ra áp lực chính là ở chỗ đó”, thầy Hòa nêu quan điểm.
Về bình xét thi đua với giáo viên, thầy Hòa cho hay trường ông chỉ quan tâm tới 2 chỉ số là chỉ số hạnh phúc của học sinh và chỉ số tiến bộ so với chính học sinh đó, chứ không phải so với học sinh khác. Tổ tâm lý của trường mỗi năm 2 lần phải lấy được chỉ số đó và so sánh thi đua. Lớp nào có học sinh tiến bộ so với chính em đó, lớp nào học sinh hạnh phúc khi đi học, thì lớp đó được khen.
Ông Hòa đề nghị việc đào tạo lại hàng chục vạn giáo viên sẽ rất khó, nhưng Bộ GD-ĐT phải chủ trì đào tạo lại hiệu trưởng các nhà trường. Hiệu trưởng sẽ là người giúp cho giám đốc sở, cho Bộ trưởng làm chuyển biến giáo viên của mình.
“Hiệu trưởng phải là thầy hiệu trưởng, chứ không phải là anh/chị hiệu trưởng. Thực sự phải là “thầy” hơn giáo viên một “cái đầu”, làm chuyển biến và chịu trách nhiệm về giáo viên của mình. Bài toán giáo viên như vậy sẽ được tháo gỡ”, thầy Hòa nêu quan điểm.
Theo thanhnien
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không yêu cầu tỉ lệ học sinh lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, sắp tới Bộ sẽ rà soát toàn bộ hoạt động của giáo viên, cái gì không phù hợp thì cắt giảm, kiên quyết không đưa tỉ lệ học sinh lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên.
Trong bối cảnh nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra vừa qua một phần do áp lực dạy học của giáo viên, ngày 14/12, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm "Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp".
Không vin vào áp lực để đi ngược chuẩn mực nhà giáo
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe ý kiến của các đại biểu liên quan đến áp lực giáo viên. Ông cho hay, ngành giáo dục có nhiều việc phải làm và có kết quả. Tuy nhiên, nhiều việc yếu kém cần nhìn nhận, xây dựng để giải quyết vấn đề.
"Ai cũng biết giáo dục phải ổn định nhưng theo Nghị quyết 29- NQ/TW-2013, thay đổi thế nào để không sốc và tạo động lực giáo viên? Khi thực sự xem đổi mới là nhiệm vụ của mình, giáo viên sẽ tìm thấy cơ hội và thành công", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, gần đây, dư luận bàn luận nhiều về áp lực giáo viên, ông cũng rất trăn trở về việc này. Phần lớn thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề nhưng trước tiên họ phải có công việc, thu nhập ổn định. Đó là một nhu cầu lớn.
Bộ trưởng đánh giá vị thế của thầy cô trong nghề rất cao quý nhưng cũng chính vì thế đôi khi lại tạo ra áp lực và cần sự chủ động trong cách tìm ra nguyên nhân, giải pháp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại tọa đàm.
Áp lực của giáo viên rất rộng, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, đến môi trường xã hội, gia đình và học sinh. Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh hiện nay chỉ có 1-2 con, rất đầu tư, chăm sóc, thậm chí có những người chiều con quá.
"Giáo viên chịu áp lực nhưng không phải vì thế mà vin vào áp lực để đi ngược chuẩn đạo đức. Cũng không phải vì trường hợp cá biệt mà khái quát lên khiến thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho thầy cô yên tâm, còn làm sai ở đâu sẽ sửa. Nếu không sửa, giáo viên sẽ được đưa ra khỏi ngành. Thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ", ông Nhạ phát biểu.
Sẽ cắt giảm nhiều hoạt động để giáo viên đỡ áp lực
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, trường sư phạm phải đào tạo giáo sinh phù hợp, có tri thức, kiên nhẫn, yêu nghề. Phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng dạy người, rèn luyện giáo sinh phải được chú trọng, phát huy phẩm chất nhà giáo. Khi ra trường, họ sẽ trở thành giáo viên tự ứng xử được các vấn đề, chủ động giảm áp lực cho chính mình.
"Tôi quan tâm đến một số vấn đề, trước hết chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm có phù hợp không. Trong quá trình đào tạo, chương trình đào tạo bồi dưỡng, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường với phẩm chất, kỹ năng ấy, các em có thể tự ứng xử được nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực", bộ trưởng khẳng định.
Nhìn nhận về một số câu chuyện không hay trong giáo dục vừa xảy ra gần đây, nguyên nhân một phần do áp lực thi đua, Bộ trưởng cho rằng, nhiều thầy cô hiểu sâu sắc về khoa học giáo dục, tâm lý, có kỹ năng xử lý tình huống, sẽ chủ động hơn, ít áp lực hơn.
Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ.
Ngược lại những thầy cô chưa được trang bị, không phù hợp với nghề. Thậm chí có những cơ sở đào tạo ngắn, chỉ có chứng chỉ là ra làm giáo viên mà rèn luyện phẩm chất, kỹ năng là một quá trình.
Những yếu tố trong nhà trường để hình thành nên một cô thầy trong tương lai ảnh hưởng rất lớn đến năng lực xử lý tình huống và giảm áp lực cho giáo viên.
Do đó, ông bày tỏ, muốn nghe kỹ về khía cạnh này, trước khi nghe những khía cạnh khác như áp lực từ phụ huynh, một số học sinh không nghe lời thầy cô, môi trường xã hội nhiều tiêu cực, truyền thông...
Để các thầy cô có một môi trường yên tâm trong giảng dạy và tiếp tục phấn đấu đóng góp cho ngành, tới đây, ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động bổi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường.
Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất. Việc cắt giảm này không phải cắt một cách cơ học mà những gì không phù hợp thì bỏ.
"Trước đó, Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi nhưng tới đây, cả việc làm sổ sách đánh giá cũng phải giảm bớt, đặc biệt kiên quyết không đưa tiêu chí 100% học sinh phải lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên, như thế là không đúng với tinh thần giáo dục.
Điều này, yêu cầu các Sở GD&ĐT phải triển khai mạnh hơn nữa", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Giáo dục bằng cách tát học sinh: 'Phải chăng giáo dục Việt Nam là phải bạo lực?' 2 vụ việc ép trẻ tát bạn thời gian vừa qua đã cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam TS.Vũ Thu Hương cho biết: "ép trẻ tát bạn cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam"...