Tội lỗi trượt dài
Trong khi những đối tượng có ý đồ xấu, lợi dụng nghề giúp việc để ra tay phạm pháp thì nhiều gia chủ lại rất chủ quan. Điều này thể hiện ở chỗ quá tin tưởng vào người giúp việc, hớ hênh trong việc cất giữ tài sản quý, không chấp hành quy định khai báo tạm trú, thậm chí còn không biết rõ lai lịch của người giúp việc.
Ảnh minh họa
Thấy sơ hở là ra tay…
TAND quận Hoàn Kiếm vừa tuyên phạt Mai Thị Oanh (SN 1991) cùng Hoàng Thị Dân (SN 1993), đều trú ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa 18 và 4 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Theo truy tố, trước khi bị phát hiện và bắt giữ, Oanh cùng Dân được chị Lê Thị Văn Oanh (trú ở phố Hàng Điếu, Hoàn Kiếm) thuê giúp việc gia đình. Ngoài tiền công hàng tháng, 2 đối tượng còn được chị Văn Oanh nuôi ăn ở ngay tại nhà.
Đầu tháng 1-2011, trong lúc dọn phòng tầng 2, Oanh mở ngăn kéo tủ giường lấy trộm một chiếc lắc đeo tay bằng vàng trắng. Khoảng 1 tuần sau, Oanh lại lấy trộm của chủ nhà một chiếc nhẫn bạch kim. Lòng tham của người giúp việc này vẫn chưa dừng lại khi đã tự ý mở tủ, tiếp tục lấy cắp một dây chuyền vàng vào ngày 23-1-2011.
Ngoài ra Oanh còn khai nhận, trước đó còn trộm của chị Văn Oanh 140.000 đồng, một chìa khóa cửa ra vào nhà và một chìa khóa xe máy Honda Spacy. Cũng khoảng đầu tháng 1-2011, Hoàng Thị Dân lén lấy trộm một dây chuyền kim loại màu trắng của chủ nhà. Khi bị sa thải, đối tượng đã mang theo dây chuyền về quê sử dụng. Theo định giá, tổng tài sản Oanh và Dân trộm cắp của chủ nhà là hơn 17,6 triệu đồng.
Cách đây chưa lâu, TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã xử phạt Lê Thị Thái (SN 1980, trú ở Bình Lục, Hà Nam) 18 năm tù giam về tội giết người và cướp tài sản. Hồ sơ vụ án thể hiện, Thái vốn từ quê nhà vào TP Hồ Chí Minh học. Trong thời gian ở trọ, đối tượng đã lén lấy cắp giấy tờ tùy thân của một người bạn, rồi ra trung tâm tìm việc làm đăng ký.
Video đang HOT
Sau ít ngày chờ đợi, đối tượng được bố trí đến giúp việc cho một gia đình giàu có ở một quận trung tâm thành phố. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Thái đã cuỗm gọn 5.500USD, 1.700SGD, 3.000 Đài tệ và nhiều tài sản quý giá khác. Sau khi bỏ trốn về quê, đối tượng lại quay vào TP Hồ Chí Minh để gây án tiếp. Rạng sáng hôm sau, trong lúc bà N.T.T (ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) ngủ say, Thái đã dùng đá đập vào đầu nạn nhân. Bị bà T truy hô, đối tượng tiếp tục cầm dao đâm vào mặt, vào người bà chủ, gây thương tích 6% sức khỏe. Sau đó, Thái giật lấy dây chuyền, tháo nhẫn và đôi hoa tai trên người bà T.
Thận trọng khi tìm người giúp việc
Nhìn lại những vụ án mà thủ phạm là người giúp việc trong thời gian gần đây có thể thấy rõ, hầu hết các vụ việc đều rơi vào loại tội phạm trộm cắp tài sản. Nhìn nhận hiện tượng người giúp việc gây án, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Công ty Luật Bảo Thiên – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cuộc sống hiện đại, giúp việc là một nghề kiếm sống chân chính và cũng là nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình.
Hầu hết người giúp việc đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, ít hiểu biết pháp luật và coi nghề người giúp việc chỉ mang tính tạm bợ, thời vụ. Do đó, khi gặp phải những bức bách về tiền bạc, một số trường hợp sẵn sàng vi phạm đạo đức. Đó cũng chính là lý do khiến tòa án luôn mở lượng khoan hồng đối với một số trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và phạm tội có tính cơ hội.
Cũng theo luật sư Tiến, để phòng ngừa đối tượng phạm tội là người giúp việc, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thì các gia đình thuê người giúp việc phải biết tự khắc phục những hạn chế của mình và nâng cao tinh thần cảnh giác. Đặc biệt, Nhà nước cần sớm ban hành một hành lang pháp lý đối với “nghề nghiệp” mới mẻ này.
Theo ANTD
Khi trí thức trở thành tội phạm, Kỳ 1: Lòng tham che mờ nhân cách
Họ đều là những cử nhân xuất sắc từ các trường đại học danh tiếng. Thậm chí, có người đã từng tu nghiệp ở tận nước ngoài. Thế nhưng tài chưa phát tiết thì tật đã phát lộ. Chỉ vì lòng tham mà chính những con người ấy đã đánh mất tự do, chôn vùi tuổi trẻ sau song sắt nhà giam...
Nguyễn Văn Chung chăm sóc cây trong khuôn viên của trại giam
Chung "Giáo sư" trong trại giam
Hơn 13 năm "mặc áo số, ăn cơm phần" ở nhiều trại tạm giam và trại giam khác nhau, thế nên điều mà Nguyễn Văn Chung ngộ ra khi tâm sự với chúng tôi đó là: "Không thể tham lam, không thể lấy đi những đồng tiền là mồ hôi, xương máu của người khác làm của riêng cho mình. Chỉ có làm ăn lương thiện mới thực sự giúp cho mình trở thành một công dân tốt, được sống thanh thản bên người thân...".
Với cái đầu hói và học thức đáng nể nên Nguyễn Văn Chung hay được bạn bè gọi là Chung "Giáo sư". Phạm Chung, SN 1952, nhà ở ngay tại phố Bát Đàn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm 2002, Chung bị TAND Tối cao tuyên phạt 20 năm tù về tội lừa đảo tài sản chiếm đoạt tài sản của công dân (trước đó, năm 1996 Chung bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước) và hiện đang thụ án ở Trại giam số 3 - Bộ Công an.
Biết tôi ở Hà Nội vào, như có sự đồng cảm với những người cùng quê nên cuộc trò chuyện giữa tôi và Chung khá cởi mở: "Tôi ở đây đã ăn trọn 13 cái tết. Quãng thời gian đằng đẵng ấy quá đủ để tôi thấm thía những giá trị của tự do". Ký ức tuổi thơ như chợt ùa về, Chung hồi tưởng: "Nhà có 6 anh em, tôi là con cả. Bố vốn là một cán bộ Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, mẹ công tác trong ngành Hải quan nên kinh tế gia đình cũng khá giả, anh em chúng tôi đều có điều kiện học hành.
Năm 1972, như nhiều thanh niên của Hà Nội, tôi lên đường nhập ngũ, làm tân binh ở Bộ Tư lệnh Thủ đô. Sau thời gian huấn luyện, mắt của tôi bị kém thị lực nên được xuất ngũ về địa phương tiếp tục học tập và thi đỗ vào trường Quản lý Y tế (nay là trường Đại học Y Hà Nội). Tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào làm việc ở bệnh viện Bạch Mai. Làm việc ở bệnh viện một thời gian tôi bỏ nghề vào TP.HCM lấy vợ, sinh con".
Mùa hè năm 1990, Chung và vợ cùng nhau đi du lịch sang Singapore và tham dự khoá học 6 tháng về thị trường chứng khoán của Ngân hàng Standaro Chatrebank (Anh). Về nước, Chung được mời làm Trưởng đại diện Tập đoàn Kotobuki (Nhật Bản) ở Việt Nam với mức lương 2.500USD/tháng. Thế nhưng chưa bằng lòng với công việc, gần 2 năm sau, Chung sang làm Trưởng đại diện Tập đoàn IPP (Mỹ) ở Việt Nam với mức lương hơn 3.000USD/tháng. Thời điểm này, thị trường bất động sản tại TP.HCM chưa mấy sôi động, vốn có đầu óc của một nhà kinh tế, Nguyễn Văn Chung đã lặng lẽ bỏ ra hàng trăm cây vàng mua hơn chục căn biệt thự, nhà, đất ở trong nội thành.
Vết trượt của đại gia
Sau một thời gian ngắn làm việc cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài và kinh doanh bất động sản, Nguyễn Văn Chung trở thành một đại gia có tiếng của TP.HCM. Sở hữu tiền tỷ với vô số nhà lầu, đất đai, trong mắt nhiều người Chung là một doanh nhân thành đạt. Những chiếc xe hơi đời mới Chung lướt đi trên phố khiến những người qua lại trầm trồ ngưỡng mộ. Kiếm được tiền khá dễ dàng nên cách tiêu tiền của Chung cũng theo kiểu "ném tiền qua cửa sổ". Cách sống ấy khiến Chung nhanh chóng trở thành nhân vật trung tâm của mọi lời đàm tiếu.
Có tiền, Chung đi tìm các công trình, dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản theo khắp chiều dài của đất nước. Chân trong chân ngoài, Chung kiêm luôn cả chức Trưởng đại diện Công ty Balongga (Malaysia) tại Việt Nam. Sẵn có học thức, tiền và quan hệ nên những phi vụ làm ăn diễn ra khá chóng vánh biến Chung trở thành kẻ hoang tưởng. Chung không biết mình đã biến thành kẻ tham lam tự lúc nào và lao vào vòng xoáy chỉ biết có tiền là trên hết.
Trong khoảng thời gian 1995-1997, UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) có chủ trương nâng cấp, xây dựng Dự án Khách sạn Thái Nguyên. Biết được thông tin này, Chung đã đứng ra móc nối, tự "quảng cáo" mình có khả năng làm dự thầu cho dự án và "diễn" trò lừa đảo khiến nhiều nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài mắc bẫy.
Chung đã nhận của ông Liao Chun Chin (tức Liêu - quốc tịch Trung Quốc) 40.000USD và của ông Trần Tiến Đạt (đại diện cho Công ty Xây dựng Thành Nam) 500 triệu đồng với lý do là tiền đặt cọc để được dự thầu Dự án nâng cấp khách sạn Thái Nguyên. Tuy nhiên, dự án này mới chỉ là chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên, đang ở giai đoạn chuẩn bị, chưa ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị nào, cũng chưa có giấy phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ấy vậy mà Chung đã lợi dụng việc này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của các bị hại.
Xét hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Chung là đặc biệt nghiêm trọng, cho dù đến cấp xét xử phúc thẩm nhưng Chung vẫn bị tuyên phạt mức án 20 năm tù giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân" theo khoản 3, Điều 157 - BLHS năm 1985 nay BLHS này đã được sửa đổi bổ sung.
Sự khát khao bên kia song sắt
Từ một đại gia tiêu tiền như nước, nhưng khi bước chân vào trại giam Chung mới thấm thía về cái giá của tự do: "Mỗi khi tết đến, tôi nhớ cái giá lạnh se se ngày tết của Hà Nội, nhớ vợ con, bố mẹ ghê lắm! Lúc đó, tôi thèm được nghe giọng nói người Bắc. Cảm giác nao nao không thể tả nổi". Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, Chung nhiều lần nhắc đến lòng nhân ái, bao dung của cán bộ trại giam trong quản lý giáo dục phạm nhân ở đây.
"Kỷ niệm để đời của tôi là vào năm 2004, tôi bị sốt thương hàn tới 39- 40 độ C, huyết áp cao 110/180, lạnh toát trong người nhưng mồ hôi vã ra như tắm. Lúc đó tôi tưởng mình "đứt" rồi, khi dứt cơn sốt tôi phải dậy đi bộ, sợ nằm nhiều bệt luôn. Biết tôi ốm, cán bộ Quê (Trung tá Phạm Mạnh Quê - Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ) đã đi mua 3 thang thuốc của một thầy lang cho tôi uống. Gặp thầy, hợp thuốc, uống xong 3 thang thuốc này, tôi khỏi ốm luôn" - Chung nhớ lại.
Với học thức nổi trội so với những phạm nhân đang thụ án trong trại, Chung được giao công việc giúp cán bộ quản giáo quản lý sổ sách, bưu kiện... của phạm nhân. Những lúc rảnh rỗi, Chung lại lấy sách kinh dịch, sách chuyên ngành y tế, kinh tế ra nghiên cứu. Do cải tạo tốt, Nguyễn Văn Chung nhiều lần được xét giảm án. Mong mỏi ngày trở về với gia đình và xã hội đang đến gần, Nguyễn Văn Chung hồ hởi: "Ra tù, tôi sẽ mở một công ty cho thuê, mua tài chính và mở Trung tâm bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi và đi làm từ thiện...".
Theo ANTD
Vụ án "Tổ trưởng tổ dân phố "quên" 3 bánh heroin": Đánh mất cuộc đời vì một phút nổi lòng tham Chúng tôi theo chân anh cảnh sát khu vực tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Chuẩn (SN 1957, nguyên Tổ trưởng tổ dân phố số 5, khu Tân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), ngày 16-3-2011 bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt án chung thân về tội Chiếm đoạt 3 bánh heroin. Ông Tổ trưởng dân phố và sự "lơ đãng" khó...