Tôi là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam
‘Hạnh phúc’, ‘xúc động’, ‘tự hào’, ‘vỡ òa’… là những cụm từ gói ghém hết cảm xúc của tôi trong 5 ngày chinh phục Ama Dablam – đỉnh núi mơ ước của những người leo núi thực thụ.
Tôi đứng trên đỉnh Ama Dablam vào ngày 9/11.
Ama Dablam (Nepal) được giới chuyên môn đánh giá là đỉnh Matterhorn – biểu tượng kỹ thuật của dãy Himalaya – bởi địa hình cheo leo. Những nhà leo núi thực thụ đều muốn ghi dấu ấn trên đỉnh núi này, tôi cũng không ngoại lệ.
Trước khi đến Ama Dablam, tôi từng chinh phục nhiều ngọn núi, gồm đỉnh Kosciuszko cao nhất Australia (2.228 m), “nóc nhà châu Phi” Kilimanjaro (5.895 m) và những đỉnh thuộc Himalaya (Nepal) như Nagarjuna (5.050 m), Kala Patthar (5.550 m), trại 3 Everest (7.500 m) và Lobuche (6.119 m).
Đầu năm nay, tôi lên kế hoạch chinh phục Ama Dablam cao 6.812 m. Khác với những lần trước, hành trình này mang ý nghĩa đặc biệt, giúp tôi thoát khỏi thời khắc đen tối đến kiệt quệ của bản thân. Đồng thời là bệ phóng cho ước mơ chạm đỉnh “người khổng lồ” 8.000 m trong tương lai.
Tôi là Nguyễn Thị Thanh Bình (sống tại Hà Nội), làm việc trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục. Giờ đây, tôi có thể tự hào nói rằng mình là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đứng trên đỉnh Ama Dablam.
Thách thức của địa hình
Cán đích đỉnh Lobuche cao 6.119 m là cách tôi lấy mốc thích nghi. Tôi xác định dốc hết sức lực cho hành trình Ama Dablam với 6 tháng ròng nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình, khí hậu cùng kỹ thuật leo núi trên băng tuyết. Mỗi ngày, tôi đều tập luyện cường độ cao, kết hợp leo núi, chạy bộ, gym và yoga.
Từ sân bay quốc tế Tribhuvan, tôi bay thẳng đến Lukla – sân bay ở Nepal được mệnh danh là nguy hiểm nhất thế giới do đường băng ngắn, áp suất thấp – để bắt đầu hành trình dài 5 ngày.
Tôi không còn bỡ ngỡ với dạng địa hình hiểm trở, nhưng Ama Dablam thật sự “khó nuốt”.
Video đang HOT
Địa hình Ama Dablam hiểm trở, khó chinh phục, ngay cả với nam giới.
Ngày đầu tiên, vách núi đá dựng đứng đón chào tôi từ trại 1 (điểm bắt đầu), thay vì độ khó tăng dần như những ngọn núi khác. Tuyết rơi dày hơn 15 cm nên đường leo trơn trượt, tôi phải ghì chặt tay vào sợi dây, chân nhấn sâu xuống tuyết để tiến lên. Từ sáng đến chiều, tôi vượt hết dốc này đến dốc khác, mỗi dốc leo cả tiếng mới đến đỉnh. Đêm xuống, tôi nghỉ lại ở đó.
Ngày tiếp theo, tôi leo từ trại 1 đến trại 2. Địa hình vẫn là những vách đá không độ nghiêng. Trên mỏm đá cheo leo và chật hẹp, hàng chục chiếc lều đang dựng. Càng lên cao, nhiệt độ càng xuống thấp, tuyết bắt đầu rơi nặng hạt, kèm theo gió mạnh, đủ sức khiến một người trưởng thành khó đứng vững.
Tuy nhiên, tôi đối mặt với tâm thế bình tĩnh, đội hướng dẫn viên bản địa cũng hỗ trợ hết mình. Mặt khác, việc người bạn đồng hành dừng bước tại đỉnh Lobuche cũng gửi lại cho tôi sự quyết tâm và động lực để hoàn thành những trại tiếp theo.
Đường lên trại 3 trong ngày thứ 3 là vách băng nghiêng 90 độ, nhưng vẫn êm ái hơn việc đu dây trên vách đá. Tôi ấn tượng với đường leo này, có nhiều đoạn người vắt vẻo qua vách đá, nhìn xuống là vực sâu hun hút.
Đối với nữ giới, địa hình Ama Dablam gây nhiều bất lợi vì cấu tạo cơ tay không khỏe bằng nam giới. Trong khi đó, việc sử dụng các kỹ thuật leo núi như jumar (kỹ thuật leo vách đá có dây thừng), rappel (kỹ thuật đu dây vách đá), prusik (kỹ năng leo sử dụng nút dây) đòi hỏi đôi tay mạnh. Thế nhưng, tôi muốn chứng minh rằng nữ giới hoàn toàn có khả năng chinh phục.
Bật khóc trên đỉnh núi
Không phải ngẫu nhiên Ama Dablam được mệnh danh là nữ hoàng núi tuyết. Khung cảnh ở từng trại đẹp đến mức tôi không ngừng ca thán. Điểm nhấn của ngọn núi này là trại 2, một vách núi chênh vênh giữa trời, tuyết trắng phủ xen kẽ cùng biển mây bồng bềnh phía dưới.
Đứng trên đỉnh núi, tôi lâng lâng trong hạnh phúc vì công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.
6h sáng ngày thứ 4, tôi chạm chân lên đỉnh Ama Dablam đúng vào thời khắc mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên. Trong màu vàng ruộm của bình minh, nước mắt tôi lăn dài, cảm xúc sau bao ngày dồn nén, thậm chí có suy nghĩ từ bỏ leo núi, dường như vỡ òa. Đứng lặng người một lúc mới tin là sự thật, tôi rối rít cám ơn những người đồng đội giúp tôi chinh phục.
Ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, hùng vĩ và mênh mông, phía xa là đỉnh Everest – nơi tôi đặt chân đến – kề bên đỉnh Lhotse (Tây Tạng – Nepal) và đỉnh Nuptse (Nepal).
Để tận hưởng cảm giác hạnh phúc, tôi ngồi bệt trên nền tuyết trắng xóa, chậm rãi đọc vài trang sách giữa bốn bề tuyết sơn.
Thế nhưng, tôi suýt bật khóc lần nữa khi từ đỉnh trở về trại 1 lúc 1h30 sáng. Trời tối om, tay chân rã rời vì lạnh và đói, khi băng qua những vách núi giữa trời, tôi cảm giác tay có thể tuột bất cứ lúc nào. Với một người thị lực kém, tôi chấp nhận bò trườn trên những tảng đá để đảm bảo an toàn. Đặt chân đến trại 1, tôi thở phào vì đã qua chặng đường thót tim.
Không phải đỉnh núi có giá trị nhất, thứ mang lại giá trị cho những người leo núi chính là một hành trình dài chinh phục.
Suy cho cùng, thứ mà người leo núi theo đuổi chính là cảm giác đứng tại vị trí cao nhất, sau khi vượt qua giới hạn để tái sinh một lần nữa, chứ không phải danh hiệu nào đó hay những bức ảnh nhiều sự tán thưởng.
Có thể nói, trong suy nghĩ của nhiều người, leo núi được “đóng đinh” dành cho nam giới. Nhưng nhiều năm gần đây, nữ giới đã có những thành tích vượt trội, chẳng hạn như Kristin Harila – người Nauy có thành tích leo 14 đỉnh trong 92 ngày, vượt xa kỷ lục của vận động viên nam Nirmal Purja (leo 14 đỉnh trong 189 ngày).
Để đến được với ước mơ của mình, nữ giới chắc chắn phải hy sinh nhiều hơn. Với tôi, thế giới ngày nay hiện đại và bình đẳng. Nữ giới có quyền sống rực rỡ, hiên ngang đón nhận ánh bình minh trên “đỉnh núi” ước mơ của mình.
Người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Manaslu cao 8.163m
Theo thông tin từ tờ Himalaya Daily (Nepal), vào ngày 22/9 vừa qua, Nguyễn Mạnh Duy đã ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Manaslu cao 8.163m, một trong những đỉnh núi hiểm trở nhất thế giới.
Nguyễn Mạnh Duy (phải) trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Manaslu cao 8.163m thuộc dãy Himalaya. Đồng hành cùng anh trong thử thách này là hướng dẫn viên Sherpa giàu kinh nghiệm Temba Bhote (trái). (Ảnh: Himalaya Daily)
Đỉnh Manaslu, nằm trong dãy Himalaya, được biết đến với địa hình khó khăn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó lường, khiến việc chinh phục ngọn núi cao thứ 8 thế giới trở thành thử thách lớn ngay cả với những nhà leo núi dày dạn kinh nghiệm.
Nguyễn Mạnh Duy đã hoàn thành kỳ tích này dưới sự dẫn dắt của Temba Bhote, một hướng dẫn viên người Sherpa giàu kinh nghiệm.
Bhote, Giám đốc điều hành của Công ty Adventure 14 Summit Pvt. Ltd, đã đồng hành cùng Duy trong suốt hành trình chinh phục ngọn núi Manaslu.
Đặc biệt, cả hai đã cùng lên đến đỉnh mà không cần thực hiện các vòng leo hạ độ cao để thích nghi, điều hiếm có trong giới leo núi chuyên nghiệp.
Ông Rajendra Dhakal, quan chức chịu trách nhiệm về thông tin liên lạc của Chính phủ Nepal cho biết, Duy đã chạm đỉnh Manaslu vào lúc 14 giờ 51 phút chiều 22/9.
Đây là một dấu mốc quan trọng không chỉ với cá nhân Nguyễn Mạnh Duy mà còn với lĩnh vực thể thao mạo hiểm Việt Nam.
Còn đối với Bhote, anh đã trở thành hướng dẫn viên đầu tiên dẫn dắt một nhà leo núi người Việt Nam lên đỉnh Manaslu, một trong những đỉnh núi thử thách nhất trên thế giới.
Thành công của Nguyễn Mạnh Duy cũng thể hiện tinh thần kiên cường, ý chí quyết tâm chinh phục thử thách của người Việt Nam trên bản đồ thể thao quốc tế, đồng thời khẳng định sự chuyên nghiệp và vai trò quan trọng của các hướng dẫn viên Sherpa trong việc hỗ trợ những nhà leo núi trên toàn thế giới.
Di sản văn hóa của thế giới (Phần 1) Dãy Himalaya hùng vĩ không chỉ là đích đến của những người leo núi mạo hiểm từ khắp nơi trên thế giới mà còn là nơi cư trú của một trong những tộc người đặc biệt nhất: Người Sherpa. Vượt lên trên hình ảnh của những người dẫn đường can đảm, người Sherpa mang trong mình một di sản văn hóa quý giá,...