‘Tôi không thể sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi’
“Tôi dạy học không nghĩ đến tiền nong, cũng không tiêu tốn gì ngoài tiền ăn, không nghĩ đến mua nhà, mua xe”, TS Trần Nam Dũng nói.
Không làm giàu bằng nghề dạy học
Năm 1988, tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Mát-xcơ-va, TS Trần Nam Dũng được nhận vào Đại học Tổng hợp. Khoản lương đầu tiên thầy giáo trẻ nhận được ngày ấy là 800.000 đồng. Ông gắn bó với nghề giáo viên từ đó.
Thầy Dũng kể: “Tôi dạy học không nghĩ đến tiền nong, cũng không tiêu tốn gì ngoài tiền ăn, không nghĩ đến mua nhà, mua xe”. Ngoài giảng dạy trên lớp, thầy giáo này còn đưa học trò về nhà dạy học, đùm bọc như những đứa con.
Nhắc đến chuyện trở về Việt Nam thay vì làm việc ở nước ngoài, thầy giáo dạy toán vui vẻ trả lời: “Nếu đó không là niềm vui, niềm đam mê do chính học trò mang lại, thì tôi không thể đứng vững như ngày hôm nay”.
Thầy Trần Nam Dũng đoạt huy chương bạc Toán quốc tế năm 1983.
Người giành huy chương bạc kỳ thi Olympic Toán (IMO) năm 1983 (huy chương đầu tiên của Quảng Nam, Đà Nẵng) đã có gần 10 năm là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM. Thầy bảo luôn giữ quan điểm: Dạy và học không phải để kiếm sống.
“Lương của tôi đi dạy đôi khi chỉ đủ đóng tiền học phí cho con. Có lần, vợ tôi nói vui, ‘huề’ như vậy thì nên ở nhà tự dạy con”, giảng viên của Đại học Quốc gia TP HCM chia sẻ.
TS Trần Nam Dũng kể lại câu chuyện, năm 2001, khi con trai tròn một tuổi, dù còn nợ tiền mua nhà, hai vợ chồng vẫn quyết định đi Nga chơi hai tuần. “Tôi sống thoải mái, biết sức mình sẽ làm được, chẳng có vấn đề gì. Tôi không bao giờ đặt nặng mục tiêu kiếm tiền nhờ dạy học”.
Nếu muốn làm giàu thì nhanh nhất là luyện thi đại học, nhưng thầy Dũng bảo, không thể “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Ông tự nhận, luyện thi đại học không phải sở trường của mình, dạy học sinh đâu phải chỉ nhờ cái tên. Giáo viên này cho biết, chỉ dạy học sinh năng khiếu, đó là niềm vui, đam mê, giúp các em có thêm niềm tin trong sự chọn lựa.
“Tôi cũng luôn tâm niệm, làm toán để trở thành người giỏi toán, chứ không phải thành thợ giải toán”, ông nói.
Thầy giỏi phải biết truyền cảm hứng
Trần Nam Dũng được mệnh danh là “cao thủ” luyện thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Những gương mặt nổi bật trong số học trò của vị tiến sĩ toán học này là Lê Quang Nẫm (huy chương vàng Olympic Toán châu Á – Thái Bình Dương 1997), Phạm Tuấn Huy (huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế 2013, 2014), Võ Anh Đức (huy chương vàng toán quốc tế 2013), Cấn Trần Thành Trung (huy chương vàng toán quốc tế 2013), Hoàng Anh Tài (huy chương bạc toán quốc tế 2015).
Video đang HOT
Theo ông, giáo viên giỏi phải truyền được cảm hứng, yếu tố tiền đề này sẽ mang đến đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ cho học trò.
Quan niệm trên bắt nguồn từ khi Trần Nam Dũng còn là cậu học trò cấp ba. Thầy chủ nhiệm của ông đã có cách dạy sáng tạo, yêu cầu mỗi học sinh tự chuẩn bị đề toán cho cả lớp giải trong từng tháng. Ông đam mê toán từ những bài tập nhỏ do chính bạn bè mình đưa ra.
Từ cậu học sinh trường bình thường, chỉ nằm trong danh sách dự bị tham gia đội tuyển học sinh giỏi, Trần Nam Dũng bứt phá lên top đầu. Năm 1983, chàng trai Nam Dũng được chọn đi thi toán quốc tế. Điều này đã không còn bất ngờ với bạn bè cùng trang lứa.
Trở thành giáo viên, thầy Dũng không chỉ quan tâm lớp học sinh giỏi, mà luôn để ý đến những em yếu kém. “Thấy bài kiểm tra của một học sinh liên tục bị 2-3 điểm, tôi tìm cách động viên, hướng dẫn, khi tiến bộ sẽ khen ngợi để em có thêm tự tin. Năm đó, em thi tốt nghiệp đạt điểm khá cao. Như vậy, nhiều học sinh có tố chất học tốt nhưng khi bị ‘dừng nhịp’ sẽ khó lòng đuổi theo bạn bè. Lúc này, vai trò của giáo viên rất quan trọng”, thầy giáo này chia sẻ.
TS Trần Nam Dũng đánh giá, toán học là bộ môn trừu tượng, luôn đứng trên thực tế. Vì vậy, cách tốt nhất để hiểu các vấn đề là phải đi vào lịch sử toán học, nhằm hiểu khái niệm, định lý ra đời như thế nào? Đây là phần tạo hấp dẫn cho học sinh mà nhiều giáo viên dễ dàng bỏ qua.
Người xây dựng cộng đồng toán học
TS Trần Nam Dũng là người tiên phong xây dựng cộng đồng toán học với những hoạt động mạng, trại hè lý thú, nhằm khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu toán cho giới trẻ tại khu vực miền Nam, khởi nguồn từ mạng Trí tuệ Việt Nam.
Được mệnh danh tượng đài vững chắc của cộng đồng người đam mê toán, sau nhiều năm nỗ lực, thầy Dũng đã có thế hệ học trò tâm huyết.
Hiện tại, ngoài giảng dạy tại trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP HCM, ông tham gia dạy trực tuyến tại Zuni.vn và giảng tại các tỉnh thành lân cận.
“Là người gần gũi học trò, tôi cảm nhận rất rõ niềm đam mê toán học, sự khát khao học hỏi của các em. Khát khao đó thôi thúc tôi phải dấn thân. Tôi biết, nếu chỉ một mình thì dù có phân thân như Tôn Ngộ Không cũng không thể làm được, mà phải lôi kéo mọi người, đặc biệt các bạn trẻ, giáo viên, bằng sự nhiệt tình của mình”, TS Trần Nam Dũng nói.
Là người thầy nhưng ông luôn thấy chính mình học hỏi được nhiều từ học sinh. “Lỗi lớn nhất của thầy giáo là biết quá nhiều, một bài toán đã rõ lời giải nên không còn sự sáng tạo. Trí tuệ tập thể của các em sẽ đưa ra được ý đúng và sai, đều rất đáng học hỏi. Điều hay nhất của nghề giáo là một bài giảng được lặp lại nhiều lần, mỗi lần thêm những điều mới mẻ”.
Vị tiến sĩ trăn trở, học sinh Việt Nam có nhược điểm so với bạn bè quốc tế là học thụ động, ít tranh luận. Điều này do quan niệm đã xưa cũ khi coi giáo viên là người có quyền lực lớn.
Theo Zing
Thầy của GS Ngô Bảo Châu và tấm huy chương đầu tiên
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa - một trong những người đoạt huy chương toán quốc tế đầu tiên - chia sẻ, Ngô Bảo Châu là cậu học trò luôn kiên trì giải những bài toán khó.
Luôn có những bài toán không tìm được lời giải
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa mở đầu câu chuyện bằng trích dẫn từ những bức ảnh đen trắng úa màu thời gian: "Tôi ra đời trong đêm đông Hà Nội 11/1955. Mẹ bế tôi về nhà, lúc đó ở 53 phố Huế. Tôi lớn lên trong vòng tay của mẹ và trong vòng tay của anh chị em. Rồi biết ngồi, biết đi, biết đánh ruồi, phủi bụi, biết làm toán, trồng hoa".
Toán đến với cậu bé Vũ Đình Hòa tự nhiên, thân quen như người bạn thời thơ ấu. Bài toán đầu tiên là câu đố của cha: "Vừa gà vừa chó/Bó lại cho tròn/Ba mươi sáu con/Một trăm chân chẵn/Hỏi mấy gà, mấy chó?".
Khi ấy, Vũ Đình Hòa học lớp 1, đã kiên trì tìm đáp án cho bài toán này, chứ không chịu bó tay. Cuốn Toán học vui của tác giả Phạm Văn Hoàn, Lê Hải Châu là sách gối đầu giường của cậu suốt những năm nghèo khó.
Cuối lớp một, Vũ Đình Hòa được thầy giáo phát hiện bị cận thị nhưng nhà nghèo, đến năm lớp bảy mới có kính đeo. Lúc ấy, cậu đã cận nặng 8 đi-ốp.
Thầy Vũ Đình Hòa. Tranh vẽ: Quang Tân.
Vũ Đình Hòa coi việc đeo kính là điềm báo cuộc đời mình sẽ gắn liền việc học. Lên lớp 6, nam sinh thi đỗ chuyên Toán, cũng là trường năng khiếu đầu tiên của Hà Nội, rồi tham gia đội tuyển thành phố năm lớp 7. Đây là bước ngoặt giúp cậu học sinh nghèo theo con đường toán chuyên nghiệp.
Năm 1974, Vũ Đình Hòa dự thi toán quốc tế tại Cộng hòa Nhân dân Đức. Gần ngày thi, cậu học trò ốm do chứng viêm xoang tái phát, cộng thêm suy nhược cơ thể và cú sốc sau khi nhận tin anh trai Vũ Đình Đức hy sinh ở chiến trường.Đã có lúc tưởng như tuyệt vọng, nhưng nghĩ đến ước mơ theo đuổi toán học, chàng trai Hà Nội vượt qua kỳ thi với tấm huy chương bạc đầu tiên của Việt Nam.
Một năm sau, Vũ Đình Hòa sang Đức học Đại học Tổng hợp Greifswaid. Ra trường, ông làm việc tại Viện Tính toán và Điều khiển (1985)... Từ đó đến nay, ông miệt mài nghiên cứu toán, nhiều năm đưa học sinh Việt Nam thi Olympic toán quốc tế. Vị PGS này đã hoàn thành hàng chục bài báo nghiên cứu khoa học, giải quyết nhiều vấn đề mở trong toán học mà các chuyên gia quốc tế bó tay.
Tuy vậy, thầy Hòa chia sẻ, luôn có những bài toán chưa tìm ra đáp số. Ông ví kiến thức như một vòng tròn, khi càng biết nhiều thì biên giới những điều mới mẻ càng mở rộng.
Thầy của GS Ngô Bảo Châu
Năm 2002, thầy Vũ Đình Hòa công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tham gia lựa chọn và bồi dưỡng học trò thi Olympic toán quốc tế. Một trong những học sinh tiêu biểu của ông là GS Ngô Bảo Châu, người giành giải thưởng Fields danh giá nhất về toán học.
Nhận lời mời từ bố mẹ Ngô Bảo Châu, thầy Vũ Đình Hòa dạy cậu học trò từ năm lớp 10 đến hết lớp 12. Điều ấn tượng nhất của người thầy với cậu học trò, ngoài năng lực đặc biệt, là sự kiên trì với những bài toán khó. Những bài tập hóc búa do thầy Hòa nghĩ ra hoặc tổng hợp từ nhiều mỏ nghiên cứu khác, Ngô Bảo Châu đều bền bỉ tìm ra đáp án.
"Chưa có học trò nào tạo cho tôi niềm tin như Ngô Bảo Châu về cách giải toán. Có lần, bài toán khó làm hai thầy trò suy nghĩ cả tuần. Cuối cùng, trong lúc đi học về, Châu nói với tôi rằng: Đề bài thầy giáo ra sai", thầy Hòa kể lại. Ông cũng dự đoán Ngô Bảo Châu sẽ thành tài trong tương lai, dù khi ấy nam sinh này mới học cấp ba.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (bên phải) và GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Hoàng Vinh.
Người đầu tiên đoạt huy chương bạc toán quốc tế nhớ lại, ông chỉ dạy phương pháp cơ bản nhất cho học trò là khơi dậy khả năng tự làm việc. "Điều may mắn nhất của Ngô Bảo Châu là luôn gặp được những người thầy giỏi và trưởng thành trong môi trường hàng đầu thế giới như Pháp".
Chưa từng nghĩ sẽ xa Việt Nam
Năm 1996, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, thầy Hòa có nhiều cơ hội làm việc tại nước bạn. Nhưng ông bảo, "ngày đi học, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ở lại nước ngoài làm việc, dù người Đức rất tốt, chơi với ai sẽ bền chặt, gắn kết cả cuộc đời".
Trở về Việt Nam vào thời điểm nền kinh tế "chạm đáy", cũng là lúc thầy Hòabiết mình bị cắt biên chế từ năm 1990. Lý do người ta nói với ông là Viện Tính toán và Điều khiển (nơi công tác cũ) đã đổi tên thành Viện Công nghệ Thông tin, không có tên Vũ Đình Hòa.
Không nhận lương suốt 7 năm, đã có lúc tưởng như tuyệt vọng, nhưng khi nhìn lại, ông chưa bao giờ hối hận vì đã trở về. Đến giờ, người thầy ấy vẫn nghĩ gắn bó với giáo dục nước nhà là quyết định sáng suốt.
Thầy Vũ Đình Hòa luôn nghĩ cả cuộc đời mình sẽ gắn bó cho nền giáo dục nước nhà. Ảnh: Quyên Quyên.
Nói về giáo dục, ông chia sẻ, những đánh giá của các tổ chức, kỳ thi quốc tế chỉ phản ánh phần nào năng lực khoa học và toán học của đất nước và con người. Ví dụ như Israel, kết quả thi toán quốc tế của họ khá khiêm tốn. Thành tích tốt nhất còn kém thành tích kém nhất của đội tuyển Việt Nam. Nhưng họ có rất nhiều giải thưởng Fields và Nobel. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có một giải thưởng Fields và chưa ai được giải thưởng Nobel danh giá.
Thầy giáo gắn bó với những học sinh thi quốc tế cho rằng, thế giới vẫn đánh giá công trình toán học qua việc có giải quyết vấn đề toán học thật sự nào không, nhưng ở Việt Nam, người ta chỉ đánh giá công trình toán học qua tạp chí đăng bài báo đó. Những điều ấy cho thấy chúng ta cần điều chỉnh thước đo hướng tới thật sự của khoa học, chứ không thể dừng bước ở những hình thức như vậy.
Việt Nam bắt đầu tham gia kỳ thi toán quốc tế từ năm 1974. Bấy giờ, Hoàng Lê Minh đoạt huy chương vàng, Vũ Đình Hòa giành huy chương bạc và hai huy chương đồng thuộc về Tạ Hồng Quảng và Đặng Hoàng Trung. Đây cũng là những người đoạt huy chương đầu tiên về toán học trên trường quốc tế.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam phát triển những lý thuyết, đặt nền móng cho ngành Công nghệ thông tin phát triển.
Trong nhiều năm liền, thầy là trưởng đoàn dẫn đội tuyển toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Trong đó, năm 2012, PGS giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm.
Ông là giám đốc của Trung tâm FYT (Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng trẻ FPT). Đây được coi là ngôi nhà chung cho tài năng trẻ của ngành Công nghệ thông tin.
Theo Zing
Giáo viên hơn 30 năm không có ngày 20/11 Ở khu vực không điện, không đường, không sóng điện thoại, nhiều giáo viên cắm bản chưa từng biết đến món quà, lời chúc ngày 20/11. Trong 64 gương mặt giáo viên tiêu biểu được Bộ GD&ĐT tôn vinh, nhiều thầy cô công tác hàng chục năm ở vùng cao chưa từng được tặng quà ngày 20/11. Cô Lê Thị Hằng, Trường tiểu...