“Tôi không đồng tình việc thầy cô đánh học trò, nhưng phải nhìn một cách toàn diện”
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “việc thầy cô đánh trò, dĩ nhiên tôi không đồng tình, nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh phân tích xem vì sao một số thầy cô mất kiểm soát bản thân như vậy.”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Trước nhiều sự việc xảy ra trong ngành giáo dục như cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp, cô giáo đánh học sinh vì viết bài chậm và những câu chuyện xung quanh học đường, tình thầy trò, PV Infonetđã có cuộc phỏng vấn trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
- Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc trước những hành động của giáo viên với học sinh như cô giáo bắt học sinh quỳ, tát học sinh chỉ vì viết bài chậm , … Xin ông cho biết q uan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết tôi xin nói rằng, ở thời nào và nước nào cũng có hành vi không phù hợp với chuẩn mực của nhà giáo, chứ không phải điều đó chỉ có ở Việt Nam và bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân có ấn tượng là vì các hành vi này xuất hiện dày đặc hơn một phần do internet phát triển.
Khi có bất kỳ việc gì xảy ra, người ta nhanh chóng đưa lên mạng xã hội và dư luận chỉ cần như thế đã vô cùng bức xúc, ném đá vào những người bị cho là có hành vi không phù hợp.
Cá nhân tôi không đồng tình với việc đánh học trò. Giáo dục học sinh, thầy cô phải làm gương, phải kiên trì và phải có tình thương, có tính nhân văn. Bạo lực không thể làm các em tốt lên.
Các thầy cô có hành vi bạo lực hình như không đọc báo, không thường xuyên sinh hoạt nghiệp vụ để có kỹ năng ứng xử trước những tình huống như trên.
- Có nhiều giáo viên họ cho rằng mình nóng tính, quen tay đánh học sinh. Vậy phải làm thế nào để môi trường sư phạm không còn roi vọt, thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Theo tôi, những người có khuynh hướng bạo lực không nên làm trong ngành sư phạm. Tuyển sinh ngành này nếu chỉ bằng bài thi trên giấy thì rất khó chọn người chính xác. Tôi cho rằng tuyển sinh sư phạm cần bổ sung hình thức phỏng vấn bên cạnh thi viết để đánh giá được lòng yêu trẻ, yêu nghề, tính mô phạm của thí sinh bởi vì dạy học không đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống như nhiều nghề khác.
Video đang HOT
Hình ảnh nữ giáo viên tát và đánh tới tấp vào đầu học sinh ở Trường Tiểu học Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) xảy ra vừa qua đã gây phẫn nộ trong dư luận.
Phương thức đào tạo sư phạm cũng cần thay đổi. Giáo sinh chỉ nên học 50% thời gian ở trường đại học, còn lại phải học và thực hành trong môi trường phổ thông để hiểu biết nghề nghiệp, làm quen với tình huống sư phạm và học cách giải quyết những tình huống có thể gặp trong nghề giáo.
Ngoài ra, các trường phổ thông nên tăng cường thông tin, bồi dưỡng hiểu biết pháp luật cho thầy cô, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm để thầy cô có cách xử sự đúng đắn.
- Trẻ em bây giờ không chỉ là “búp trên cành” mà còn là vàng, là ngọc trong các gia đình. Để bảo vệ con cái mình, nhiều bậc cha mẹ không biết đúng sai nên hễ thầy cô dạy gì “quá” là đến trường lớp làm ầm ĩ, thậm chí tấn công lại thầy, cô giáo của con mình. Theo ông, đây có thực sự là một cách giám sát giáo dục hay chỉ là cách làm cho học sinh không còn sợ thầy, cô nữa?
GS Nguyễn Minh Thuyết:Thời nay, phương tiện thông tin đại chúng nhạy bén, đặc biệt mạng xã hội phát triển, tin tức đưa lên nhanh, không hề bị kiểm duyệt. Nhiều thông tin không được kiểm chứng hoặc được tuyên truyền theo ý chủ quan, thậm chí có động cơ không trong sáng.
Tôi cho rằng báo chí và bất kể ai đưa thông tin gì lên mạng cũng cần có trách nhiệm với tin, bài của mình, cần kiểm tra tính xác thực của thông tin và đưa tin với động cơ đúng đắn. Bởi vì những hình ảnh méo mó về giáo dục, về thầy cô và về người lớn nói chung đưa trên mạng xã hội hay trên báo chí sẽ có thể làm cho thế hệ trẻ nhìn thầy, cô, nhìn người lớn với cái nhìn rất tiêu cực, từ đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của các em. Điều này cũng giống như trong nhà, mẹ nói xấu bố, bố đánh mẹ thì cha mẹ không thể dạy được con cái nên người.
Thay vì đưa lên mạng xã hội để câu kéo sự chú ý của dư luận và báo chí thì người có thông tin nên gửi đến các cơ quan chức năng để xử lý. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm xử lý kịp thời chuyện xảy ra để người dân thấy sự công bằng xã hội, từ đó tin tưởng vào công lý và có cách xử lý đúng đắn hơn, không cần nhờ đến sự can thiệp của mạng xã hội.
Việc giáo viên đánh học sinh, dĩ nhiên tôi không đồng tình, nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh phân tích xem vì sao một số thầy, cô mất kiểm soát bản thân như vậy. Ở nhà, mình dạy con, cháu chỉ 2, 3 đứa, có lúc mình còn muốn “khùng” lên. Huống chi nhiều thầy cô giáo chịu áp lực của công việc, hằng ngày phải cai quản, dạy dỗ tới 50 – 60 học trò hiếu động, có lúc họ không giữ được bình tĩnh.
Vì vậy, khi giáo viên sai, phụ huynh nên gặp gỡ thầy, cô, bình tĩnh trao đổi. Xử sự như vậy, chắc chắn người có hành vi sai trái sẽ nhận ra lỗi của mình.
Còn việc cô bắt học sinh quỳ là cô sai. Học sinh không quỳ mà bỏ đi, học sinh cũng sai. Phụ huynh lại lấy lý do con mình bỏ ra ngoài không học được bài để tố cô trên mạng thì phụ huynh càng sai. Cách xử sự đúng đắn là gặp cô giáo, hỏi cho rõ ngọn ngành. Nếu cô sai thì bình tĩnh chỉ ra cái sai của cô. Cô không chịu tiếp thu thì đã có ban giám hiệu nhà trường giải quyết. Trên ban giám hiệu còn có phòng giáo dục, sở giáo dục, ủy ban nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Việc phụ huynh xông vào trường làm nhục thầy cô hay bôi xấu thầy cô trên mạng, phụ huynh có thể thỏa mãn được cái tức nhất thời nhưng sẽ làm con mình hư. Hậu quả có thể nhìn thấy ngay. Chắc chắn đó không phải là sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong giáo dục và cách làm đó khó đào tạo được những người công dân tương lai chững chạc, nghiêm túc, nhân văn. Khi các con không nghe lời thầy cô, hay không trọng thầy cô nữa thì coi như hết cách dạy.
- Thực tế như ông nói ở trên, thời nào cũng có chuyện thầy véo tai, gõ thước kẻ vào tay học sinh nhưng tình thầy trò vẫn được nể trọng. Nhưng bây giờ thì ngược lại, theo ông, vì sao lại như thế?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Thầy cô trước đây có 2 loại “vũ khí” là điểm số và kỷ luật, nhưng giờ đây cả 2 loại vũ khí đều bị “tước” hết rồi.
Trước đây, học trò hư, học kém, nhà trường sẵn sàng cho lưu ban, thậm chí có lớp lưu ban cả chục học sinh, nhưng nay thì không. Một phần là do bệnh thành tích, còn một phần nữa là do bây giờ người đi học ở cấp học nào cũng rất đông. Ở Hà Nội, mỗi lớp học trung bình có 60 học sinh, nếu cho lưu ban thì không có chỗ cho các em lớp sau học nữa nên khó có thể để học sinh lưu ban.
Ngày xưa, nhà trường đuổi học 2, 3 ngày, học sinh rất sợ nhưng giờ thì không. Nếu bị đuổi học, họ đã có công cụ là internet và dư luận gây áp lực cho nhà trường. Và nhiều trường bây giờ loay hoay không biết xử lý thế nào.
Trước đây, chuyện học sinh bị đánh cũng là bình thường, phụ huynh không có ý kiến gì. Nhưng đó là một phương pháp dạy học sai lầm và là hành vi vi phạm pháp luật, cần được chấm dứt.
Tôi hết sức bất bình với hành vi bạo lực của một số thầy cô nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên nhìn vấn đề một cách toàn diện, tìm hiểu kỹ trước khi kết tội bất kỳ ai, nhất là đối với những người đang thay chúng ta dạy dỗ con em chúng ta.
Vâng, xin cảm ơn ông rất nhiều!
Theo infonet
Tranh cãi vụ cô giáo bắt học sinh quỳ: Cần có những quy tắc ứng xử riêng?
Trong nhà trường nên xây dựng những quy định, quy tắc ứng xử riêng của trường mình. Ở đó quy định rõ việc ứng xử giữa thầy với thầy, giữa giáo viên với học sinh; giáo viên với cha mẹ học sinh và học sinh với học sinh...
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết, thời gian qua, rất nhiều câu chuyện buồn xảy ra trong môi trường giáo dục từ bạo lực học đường cho đến bạo lực tình dục... Rất tiếc là những vụ việc này chỉ được phát hiện khi gia đình (người bị hại) tố cáo trong khi cả BGH nhà trường im lặng.
"Đây là rõ ràng là tiếng chuông rung động, cảnh báo đối với môi trường học đường hiện nay. Nó không chỉ còn là những sự vụ việc lẻ tẻ mà xuất hiện khá nhiều, bằng nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ là những vụ việc xâm phạm tình dục mà còn cả bạo lực tinh thần, thân thể học sinh", ông Lê Như Tiến nói.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục- Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, môi trường học đường lẽ ra phải văn hóa nhất, môi trường bình an, lành mạnh nhất đối với các em ấy vậy mà giờ đây các thầy các cô lại làm việc đó thì không thể nào làm cho học sinh và xã hội yên tâm được.
"Tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chính môi trường sư phạm, môi trường xã hội đã bị nhuốm màu, đã bị vấy bẩn bởi một số thầy cô không gương mẫu.
Thứ hai, khi các phương tiện Internet, truyền thông đến với thầy cô và các em một cách dễ dàng, điều này ảnh hưởng đến lối sống, hành động của thầy cô và các em.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền không thường xuyên và kịp thời, không phát huy được vai trò.
Nguyên nhân thứ tư, có thể là do không phát huy được vai trò của các tổ chức trong nhà trường- ngoài hội đồng trường còn có đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ, đội thiếu niên tiền phong, hội cha mẹ học sinh...
Qua theo dõi nhiều vụ việc tôi thầy gần như các tổ chức ấy đều im lặng trong khi lẽ ra những tổ chức này phải phát huy vai trò, phát hiện sự việc kịp thời.
Nguyên nhân thứ 5, đó là vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong cơ sở giáo dục đó là hiệu trưởng và BGH. Trên thực tế có những hiệu trưởng không gương mẫu, trực tiếp có hành vi trái thuần phong mỹ tục. Đó chính là những tấm gương "xấu" đối với thầy cô và học sinh?", ông Tiến cho hay.
Nguyên nhân lớn nhất theo, ông Tiến là do công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên có thẩm quyền đối với các nhà trường, giáo viên còn lơi lỏng. Khi xảy ra vụ việc không xử lý một cách nghiêm khắc, thậm chí còn bao che cho nhau, che dấu để giữ ổn định và thành tích của trường mình. Rồi đến vai trò của hội cha mẹ học sinh, nếu có dấu hiệu như vậy thì cha mẹ học sinh phải lên tiếng, thậm chí có quyền giám sát việc học hành của con cái mình trong nhà trường. Khi có những chuyện bất bình thường phải tìm hiểu con cái và liên hệ với các thầy cô chủ nhiệm và BGH nhà trường để xử lý kịp thời thì sẽ không xảy ra những hậu quả đáng tiếng như vừa qua.
"Trước đây, những hành động của nhà giáo không ghi thành nguyên tắc nhưng nó thuộc về phạm trù đạo đức rồi. Theo đó, người thầy không bao giờ được phép hành xử thân mật quá với học sinh, đặc biệt đối với học sinh khác giới; người thầy phải tạo sự nghiêm minh, công bằng đối với các học sinh; tiếp học sinh ở phòng hội đồng chứ không phải tại phòng thầy cô rồi đóng cửa lại như thế; khi tiếp nên có một hai học sinh hoặc cô giáo chủ nhiệm cùng có mặt... Nếu làm được những điều này thì không thể nào có chuyện thầy hoặc cô có những hành vi thân mật với các em được.
Hiện chúng ta mới có những quy định chung chung kiểu: đi học đúng giờ, lên lớp làm bài đầy đủ ... Các quy tắc ấy mới chỉ nghiêng về kiến thức là chủ yếu còn quy tắc về ứng xử, đạo đức giữa con người với nhau thì còn thiếu. Khi mình không có những quy định chặt chẽ, rõ ràng sẽ tạo nên sự lơi lỏng và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện những hành vi thiếu chuẩn mực", ông Tiến cho biết.
Do đó, để hạn chế tình trạng này, theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Trong nhà trường nên xây dựng những quy định, quy tắc ứng xử riêng của trường mình. Ở đó quy định rõ việc ứng xử giữa thầy với thầy, giữa giáo viên với học sinh; giáo viên với cha mẹ học sinh và học sinh với học sinh..."
"Ví dụ thấy học sinh đánh nhau, thầy cô, bạn bè phải làm gì; thấy thầy cô thân mật với học sinh phải ứng xử ra sao... Toàn bộ những điều ấy đều được cụ thể hóa trong bộ quy tắc ứng xử. Ai vi phạm những quy tắc ấy đều phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, trước tập thể trước các cơ quan hành chính, thậm chí loại ra khỏi ngành, cao hơn truy tố trước pháp luật", ông Tiến bày tỏ.
Theo infonet
Hàn Quốc: Thầy đánh trò từng là phương pháp giáo dục hợp lý, đổi luật vì vụ bạo hành nghiêm trọng nhưng vẫn gây tranh cãi Theo người Hàn Quốc từng quan niệm, việc giáo viên đánh học sinh là phương pháp kỷ luật cần thiết trong nền giáo dục, giúp thầy răn đe trò và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Ngoài học sinh mâu thuẫn với nhau thì bạo lực học đường còn bao gồm luôn cả trường hợp giáo viên đánh học sinh. Hầu hết các...