‘Tôi khỏe ra, da đẹp hơn sau nhiều lần hiến tiểu cầu’
Nhiều bệnh nhân vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhờ được truyền tiểu cầu kịp thời từ người tình nguyện.
“Nhiều người muốn làm từ thiện, song không phải ai cũng có thể khi không có điều kiện tài chính. Với hiến máu và tiểu cầu, tôi thấy rất đơn giản để hiện thực ước muốn cho đi của mình. Chỉ cần có tấm lòng và sức khỏe, tôi có thể làm được”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (38 tuổi, ở Lâm Thao, Phú Thọ) chia sẻ bên lề chương trình “Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu giai đoạn 2018 – 2020″ ngày 26/12.
Chị Hiền (giữa) tìm hiểu về trang Zalo của Trung tâm Máu quốc gia. Ảnh: Công Thắng.
Gắn bó với các hoạt động tình nguyện từ nhỏ, tiếp xúc, gặp gỡ những trường hợp mồ côi, neo đơn, khuyết tật…, chị Hiền nhận ra bản thân may mắn. Chị tự nhủ mình cần làm gì đó để tri ân cuộc đời. Hiến máu là lựa chọn của chị.
Đều đặn mỗi năm, chị đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để hiến máu 3-4 lần. Sau đó, chị biết hiến tiểu cầu có thể thực hiện cách nhau 21 ngày. Nhờ đó, chị có thể giúp nhiều người bệnh hơn. Sau 3 năm, chị đã có 38 lần tặng tiểu cầu.
Người phụ nữ chia sẻ việc hiến tiểu cầu giúp chị được nhiều hơn mất. “Trước đây, tôi hay bị hoa mắt, chóng mặt, ốm vặt. Từ khi hiến máu và tiểu cầu, các triệu chứng đó hoàn toàn biến mất. Tôi thấy khỏe hơn, da cũng đẹp hơn”, chị kể.
Anh Nguyễn Văn Khải (28 tuổi, ở Nam Định) cũng chia sẻ bản thân đã có 10 lần hiến máu và 50 lần hiến tiểu cầu. Năm 2013, cha anh Khải bị tai nạn, mất rất nhiều máu. Nhờ những giọt máu tình nguyện, cha anh mới có thể sống sót. Hơn ai hết, anh hiểu việc hiến máu có giá trị ra sao. Hiện anh duy trì hiến tiểu cầu, đều đặn 21-30 ngày/lần.
Tại buổi gặp mặt do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ương tổ chức, họ là những gương mặt tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn người hiến tiểu cầu thường xuyên.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Văn Khải (28 tuổi, ở Nam Định) đã có 10 lần hiến máu và 50 lần hiến tiểu cầu. Ảnh: Công Thắng.
Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng.
Trước đây, để có được tiểu cầu, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng hoặc gộp từ 3-4 người hiến để có một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, y học đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.
Khi gạn tách tiểu cầu, thành phần khác trong máu như bạch cầu, tế bào gốc sẽ được lọc và trả lại cho người hiến. Lượng tiểu cầu trong một lần gạn tách từ một người hiến tương đương 10 đơn vị máu toàn phần, rất có lợi cho công tác cấp cứu.
Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu nói trên đã được triển khai từ năm 2000 với số đơn vị tiểu cầu gạn tách trong 10 năm đầu là 11.337 đơn vị. Mười năm trở lại đây (giai đoạn 2010-2020), con số này lên tới 222.187 đơn vị, tăng gấp 20 lần giai đoạn trước đó và tiếp tục có xu hướng tăng.
'Cháu bé ấy không thể chờ đến khi có tiểu cầu'
Vượt quãng đường hơn 100 km tới Hà Nội, được truyền tiểu cầu, Việt mới ngừng xuất huyết. Nhưng nhiều đứa trẻ khác không may mắn như vậy khi gặp thời điểm khan hiếm tiểu cầu.
Mới hơn 6 tuổi, bé Nguyễn Tuấn Việt đã có 5 năm chiến đấu với bệnh ung thư máu. Từ 18 tháng tuổi, Việt phải làm quen với hóa chất, những mũi tiêm truyền. Cũng chừng ấy thời gian, cậu bé phải mỏi mòn chờ tiểu cầu.
Mỏi mòn chờ tiểu cầu
Trong 5 năm qua, chị Nguyễn Vân Anh (mẹ Việt) nhớ nhất là những khi con bị xuất huyết do giảm tiểu cầu. Máu mũi bé chảy không ngừng. Bé nôn ra máu. Nhiều lúc, Việt chảy máu suốt nửa ngày không cầm.
Một lần, Việt chảy máu bất chợt trong đêm. Chị Vân Anh phải bắt xe từ Quảng Ninh lên Hà Nội. Chị ôm con trong tâm trạng lo lắng suốt quãng đường dài. Khi vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), được truyền tiểu cầu, con chị mới ngừng chảy máu.
Bé trai mới 6 tuổi nhưng đã chiến đấu với ung thư máu suốt 5 năm. Ảnh: Công Thắng.
Đợt này, bé mới nằm viện 20 ngày nhưng đã truyền tới 19 đơn vị tiểu cầu và 9 đơn vị máu. Chị ngậm ngùi: "Cháu chưa phải nằm viện vào dịp Tết nên không phải chờ tiểu cầu quá một ngày. Nhưng tôi biết vào dịp Tết hay những đợt thiếu máu, có cháu phải chờ đến 2-3 ngày vẫn chưa có tiểu cầu để truyền. Và cháu bé ấy đã không thể chờ đến khi có tiểu cầu vì bệnh quá nặng".
Cũng mang trong mình bệnh ung thư máu, chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng thiếu tiểu cầu, xuất huyết nghiêm trọng. Nhờ truyền tiểu cầu, sức khoẻ của chị dần được cải thiện. Với người bệnh ung thư máu như chị, sau khi truyền hoá chất, các chỉ số trong máu đều sụt giảm. Họ cần được truyền máu, tiểu cầu để duy trì sự sống.
"Tôi từng chứng kiến người phải tiếp 50 bịch máu và 70 bịch tiểu cầu một đợt truyền hoá chất. Tôi cũng có lúc phải chờ đợi từng bịch tiểu cầu. Tôi hiểu được cảm giác chờ đợi máu và tiểu cầu của các bệnh nhân đang điều trị tại viện. Cảm ơn tấm lòng vàng đã giúp chúng tôi hồi sinh", chị Trang nói.
"Cầm cự" khi mang thai và sinh con nhờ tiểu cầu
Mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, chị N.T.N. cũng phải chờ đợi từng đơn vị tiểu cầu trong thời điểm khan hiếm máu. Khi mang thai ở tuần thứ 36, chị N. phải nhập viện gấp vì tiểu cầu chỉ còn 5 G/L, trong khi giới hạn bình thường là 150-400 G/L. Trước đó, chị nằm viện nhiều lần do thiếu máu và giảm tiểu cầu.
Tiểu cầu giảm sâu rất nguy hiểm (có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não...). Với phụ nữ mang thai, tình trạng còn đáng lo ngại hơn nhiều. Chị N. đối mặt nguy cơ bị xuất huyết, thiếu máu nuôi dưỡng thai nhi. Nếu không được truyền máu hoặc tiểu cầu kịp thời, sức khỏe của chị sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí, sự sống của thai nhi cũng bị đe dọa.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh giảm tiểu cầu có thể nguy hiểm tính mạng người mẹ và em bé. Ảnh: Công Thắng.
BSCKII Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết: "Những trường hợp như chị N. thường phải mổ chủ động vì tiểu cầu thấp. Việc sinh tự nhiên sẽ rất nguy hiểm. Do có nguy cơ chảy máu khó cầm nên trước, trong và sau quá trình mổ lấy thai, sản phụ cần truyền số lượng lớn chế phẩm máu".
Sau những ngày "cầm cự", chị N. phải mổ lấy thai gấp. Em bé đã chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình nhưng tiểu cầu của chị vẫn ở mức rất thấp, cần tiếp tục điều trị.
Mặc dù trong thời điểm thiếu máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vẫn kịp thời huy động hàng chục đơn vị tiểu cầu, giúp sản phụ vượt cạn thành công. Đến nay, em bé đã được 4 tháng tuổi và sức khỏe của cả 2 mẹ con đều ổn định.
Trong giường mổ, phòng cấp cứu, nhiều người bệnh đã vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhờ truyền tiểu cầu.
Theo bác sĩ Thảo, khối tiểu cầu là chế phẩm, loại thuốc đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Trên thực tế, nhiều bệnh lý khác nhau cần truyền tiểu cầu như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương...
Tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần do người khỏe mạnh hiến tặng hoặc được gạn tách từ một người hiến bằng hệ thống máy tách tự động. Do khối tiểu cầu có hạn sử dụng ngắn (từ 3-5 ngày), việc đáp ứng nhu cầu tiểu cầu phục vụ điều trị luôn là thách thức với các trung tâm Truyền máu, đặc biệt trong những kỳ nghỉ dài ngày và dịp thiếu máu.
Covid-19 và câu chuyện của 38 bộ não, 87 lá phổi và 42 trái tim Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những nghiên cứu trên người chết thắp lên hy vọng có thể cứu được những người sống. Khi nhà bệnh lý học Amy Rapkiewicz khám nghiệm tử thi những nạn nhân nhiễm virus corona, bà phát hiện ra những thương tổn đối với các cơ quan như phổi, thận và gan khá tương đồng...