Tôi đã trở thành BLV eSports như thế nào?
Chỉ đơn giản, tôi thích trở thành BLV eSports. Đã đến lúc đứng trước gương, bô bô cái miệng một mình một gương để mài dũa cách nói trước đám đông.
Đã nhiều lần trong đời, tôi chán ngán cuộc sống hiện tại, đó là lúc tôi trượt thi Đại hoc, đó là lúc tôi lẳng lặng bước đi với dòng nước mắt lưng tròng sau khi thất tình, đó là lúc tôi thấy đời chơi xỏ mình vì nhiều lần thất bại cùng những đam mê, ước mơ và hoài bảo còn dang dỡ.
Hai mươi, tôi chẳn có gì trong tay, ngoài chục ngàn tiền mẹ cho hàng ngày, và vẫn “ở ké ăn bám” gia đình một cách nhơ nhác.
(Ảnh minh họa)
Hai mươi, tôi chẳng nổi có một hoài bảo, một ước mơ, một đam mê để theo đuổi. Vì nhìn quanh quất chẳng ai vỗ vai động viên mình thực hiện những điều đó.
Hai mươi, tôi vẫn lủi thủi một mình dạo phố trên những con đường vất vít mạng nhện của Sài Gòn. Rồi tặc lưỡi, hắng giọng nói vu vơ những điều gì đó mà không hiểu mình nói cái gì.
Hai mươi, tôi ước gì… giá như quay trở lại nhiều năm trước, giá như lúc còn học sinh tập trung học hành, nghiêm túc luyện thi thì giờ này chắc đã không chưng hửng như thế.
Và một ngày bình thường đến tầm thường như bao ngày khác của tuổi hai mươi chưng hửng…
Video đang HOT
Tôi chơi game như một nhu cầu tinh thần thiết yếu giữa đời sống hiện đại tại đất Sài Gòn. Và bắt đầu tìm hiểu những kỹ năng, kỹ thuật, thủ thuật… để tích cóp cho mình những cách đánh, áp sát trận đậu một cách tinh tế đến nghệ thuật. Đó là những giây phút, những khoảng lặng trong bốn bức tường nhưng ồn ào trong thế giới ảo, và chính từ những lần chơi game tôi bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ của mình. Ít nhất là làm một điều gì đó khiến nhiều người để ý tới và thấy bản thân vẫn còn có ích cho đời.
Trò chơi của tôi đặt nặng tính đối kháng, đòi hỏi tư duy chiến thuật và kỹ năng thi đấu của người chơi rất rất cao. Cao đến nổi, nó được gọi là trò chơi eSports ( thể thao điện tử), cần phải bỏ thời gian luyện tập nhiều giờ, thường xuyên và ổn định hàng ngày.
Chừng vài tháng, tôi cảm nhận mình không đủ khả năng đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp của một game thủ eSport. Nên bắt đầu viết bài sẻ chia kiến thức chuyên môn trong game, cũng như xem các trận stream live từ nhiều game thủ nổi tiếng khác.
Chính những lúc viết bài, đòi hỏi vận dụng vốn từ lẫn kiến thức trong game rất nhiều, giúp tôi nâng cao kỹ năng giao tiếp văn bản. Và từ những trận chiếu streaming trực tiếp, tôi đã tích cóp ngôn ngữ từ những BLV eSport trên VETV. Hai yếu tố đấy đã dung hòa và hòa tan đến thẩm thấu trong màng não tôi, đến nổi nó thôi thúc tôi cần phải làm điều gì đặt biệt hơn là viết bài, xem streaming trực tiếp.
(Ảnh minh họa)
Và suy nghĩ trở BLV eSport bắt đầu len lỏi, nó hậm hực trong lòng ngực qua từng ngày khi mỗi lần ngồi oằn lưng cùng màn hình vi tình với những trận đấu streaming trực tiếp có bình luận của VETV. Đã đến lúc đứng trước gương, bô bô cái miệng một mình một gương để mài dũa cách nói trước đám đông. Chỉ đơn giản, tôi thích trở thành BLV eSports.
Nhiều lúc tập, kêu ò ó o rồi quang quác như con gà lưỡng tính, khi thì ri ri như chú dế mèn phiêu lưu ký, lúc thì cười khúc khích chẳng hiểu vì sao cười. Rồi cau mặt, nheo mắt, khịt mũi, chép miệng, nhún vai và ưỡn ngược để tạo phong cách mà chẳng biết phong cách là gì? Đó là chân dung những buổi tập một mình để luyện giọng lưu loát, rèn cách nói trơn tru và thu lu một mình để tạo sắc vóc của một BLV eSports tương lai.
Sực nhớ, ngoài cái việc tập luyện giọng nói, cách nói, sắc thái mà còn ở cách chọn quần áo để mặc (nói rõ hơn là phong cách) mỗi lúc xuất hiện trước cộng đồng (đang suy tưởng). Rồi chạy vù ra khỏi cửa, vọt lên xe gắn máy lảnh qua mấy shop đồ nam. Đi nhiều shop, qua nhiều giờ mới chọn được vài bộ hợp sty. Dẫu hiểu rằng, phong cách không phải tự nhiên mà nó bộc phát, mà chẳng phải gượng là có, mà nó là sự đúc kết qua một thời gian nhất định mới hình thành. Nhưng mà chí ít phải tươm tất, chứ không thể bờm xờm khi bình luận trước đám đông được (nếu được quay hình).
Chợt nhớ, đầu tóc “dài thườn thượt” như Chí Phèo. Lại lảnh qua tiệm hớt tóc tỉa tót đầu tóc cho gọn gàng, ông hớt tóc bảo, “Cắt kiểu này thì em phải về vuốt keo để tóc dựng lên, trông nó mới ngầu!”. Ờ!, thì thì về vuốt keo như lời ổng, săm soi cái gương cả chục phút, nhìn mái tóc chỗ thì đứng dựng như chỉ thiên, chỗ thì khép nép như hai lúa mới lên Sài Gòn. Lắc mái tóc rồi trù trừ một hồi mới định hình được một kiêu ưng ý nhất. Và định tính sẽ để kiểu này về sau luôn, mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Theo nghề bình luận cũng lắm công, lắm phu chứ bộ.
Đúng là học ăn, học nói, học gói, học mở đều có tất khi muốn trở thành một BLV eSports. Trước mắt đã phải học lại cách nói, cách gói, cách mở rồi! Ngán, nhưng mê phải trót theo trọn.
Lướt qua một khoảng thời gian, mừng quýnh lên vì mọi khổ tâm, khổ lực nay đã hóa thành thành quả ngọt ngào. Cách nói đã có uy hơn trước, hài hước hơn xưa. Giọng nói đã lưu loát hơn, thích nhấn khúc này muốn nhã khúc kia đều có thể làm chủ đươc. Và đặt biệt, quần áo, tóc tai, giầy nịch, phụ kiện tân trạng đều được “ôm” vào người một cách hài hòa, đến nổi người khác nhìn vào đều biết đó là ai! Đấy đã thành công, thành công trong việc tạo nên phong cách cho riêng mình khi xuất hiện trước cộng đồng để bình luận viên.
(Ảnh minh họa)
Tôi bắt đầu mua webcame, rồi chọn một kênh stream (Alo, tv.csmtalk.vn, v.v…) ưng ý, đề cà để mò mà chiếu live cho anh chị em game thủ xem. Nhưng trước tiên, tôi tạo phòng tự chơi tự bình luận. Thoạt đầu, cũng xoay ngang xoay dọc nói được vài câu có ý có nghĩa. Đôi lúc, cách nói cũng rề rà, thi thoảng gãi đầu ấp úng chẳng biết nói sao cho hợp tình hợp lý với tình huống dỡ khóc dỡ cười trong trận. Đúng là khi bình luận, sự thong thả trong cách nói, độ điềm tĩnh trong giọng nói, và kinh nghiệm ứng phó từng tình huống trong trận phải trải nghiệm mới mong nhanh nhẩu trong cách bình luận. Hên mà tự nói, tự nghe, tự bình, tự đánh, chứ mà để người thứ ba chứ đừng nói đám đông nghe được chắc bị “ăn gạch” xối xả.
Nghe nhiều game thủ râm ran về vụ BLV eSport nào đó, anh này thì nói liên tục khiến người nghe cảm nhận như tiếng bô bô trong mấy phát thanh nhả ra liên hồi. Còn anh kia thì bình luận như tỉnh rụi, nói ít như kiểu ê lệ, thẹn thùng, y như sợ nói sai nói vấp trước mặt người yêu. Bởi vậy, sự khác biệt lớn nhất mà BLV eSports so với BLV của những môn thể thao khác nằm ở chỗ hài hước. Chứ không đơn thuần ở chuyện nói ít, nói nhiều, nói nhanh hay nói chậm trong quá trình bình luận.
Nó không phải kiểu châm biếm hay tráo phúng, mà chỉ đơn giản là hài hước. Nói ra là hiểu, hiểu là cười, cười mà nhớ đến chục tháng nhiều ngày. Cũng không khó, nhưng chẳng phải dễ dàng nếu BLV eSports không nắm bắt trào lưu của những “thuật từ” dành riêng trong giao tiếp văn bản, đến ngôn ngữ lời nói trong làng game, ví dụ:
- Sút… sút… một cú sút đẹp tuyệt vời!
- Bóng đá là như thế quý vị các bạn à! Có thể dùng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể để sút vào lưới. Từ đầu gối, cho tới… đầu môi!
- Miss Fortune đã pentakill. À không! Đó là Gangplank. Không phải, chính xác hơn đó là Miss Fortune.
- Lần trước tôi đã dành tặng cho game thủ A một chữ nhẫn. Lần này, nếu anh ta lại tiếp túc chiến thắng, tôi xin dành cho anh ta chữ tâm. Và chúng ta cũng thấy sự nhẫn… ớ ớ, quyết tâm của anh ta thế nào!
Sự hài hước không quá lố, cũng không quá nhàm, nếu không đâm ra nhạt. Đó là cảm nhận sau nhiều lần gượng, gắng, níu tiếng cười người nghe. Nhiều khi, có người cười khanh khách, có kẻ cười khúc khích, có đứa cười hích hích, bấm bụng nhịn cười, hay cười lăn bò càng để tạo ra nhiều tiếng cười muôn hình vạn trạng thì đó là thành công rất lớn của một BLV eSports.
(Ảnh minh họa)
Trì trí, giữ lửa và có nhiệt huyết trong bình luận luôn là điều khó khăn nhất của BLV eSports. Không phải bình luận trận đấu nào cũng vui vẻ, nhoẻn miệng cười đều đều. Cũng đôi lúc cau mặt, giọng nghiệm nghị và chưng hửng mỗi khi gặp trở ngại sức khỏe, thiếu kinh nghiệm để phân bố khoảng cách bình luận giữa các trận đấu, và cũng có thể ban đầu nhiệt tình quá đâm ra đuối sức về sau.
Để trở thành BLV eSports đã khó, nhưng duy trì công việc bình luận lại càng khó hơn. Khó đến nổi, người ta tặng trước là chữ “nhẫn”, sau là chữ “tâm” cho người làm bình luận game eSports. Nhưng chợt nghĩ ra, mới hiểu, nếu gắn ghép chữ “nhân” và chữ “tâm”, thành ra “nhẫn tâm”. Bởi vậy, làm BLV eSports cũng lắm công phu.
Ai cũng có niềm đam mê để theo đuổi, nhưng để biến đam mê thành công việc đã khó, mà hóa công việc kiếm ra tiền để mưu sinh lại càng khó hơn. Khi mà công việc BLV eSports tại Việt Nam vẫn còn chập chưỡng hình thành cùng nền eSports đang phát triển. Tôi biết điều đó chứ, nhưng tôi tin nếu còn niềm tin vào chính mình mà trước đây tôi đã đánh mất, dại gì đánh mất niềm tin đó lần nữa. Và BLV eSport đã xuýt xoa, khơi gợi niềm tin trổi dậy trong trái tim tôi một lần nữa. Tôi thấy sống ý nghĩa hơn nếu được làm công việc mình yêu thích. BLV eSports chờ ta nhé!
Theo VNE