Tôi đã “thấm” nhiều điều từ rối ren trong xét tuyển đại học
TTO – Là một thí sinh tham gia xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, tôi đã “thấm” nhiều điều từ rối ren trong xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay.
Giúp đỡ nhau để điền thông tin của hai bạn nữ khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trưa 3-8 – Ảnh: Quang Định
Trường hợp bạn của tôi tên Trung thi được 29,5 điểm (đã nhân hệ số môn toán) và ban đầu rất tự tin nộp vào ngành sư phạm toán (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Nhưng sau khoảng 3 đợt cập nhật danh sách, Trung đã bị tuột ra khỏi chỉ tiêu ngành.
“Vì ban đầu mình chủ quan, chỉ định hướng một ngành này, nên bây giờ mình rất hoang mang và lo lắng, không biết nên nộp trường nào khác đây?”, Trung cho biết. Sau khi tìm hiểu, Trung quyết định nộp vào Trường ĐH Sài Gòn vì thấy điểm có vẻ “mềm hơn”. Khi Trung lên trường Sư phạm làm thủ tục rút hồ sơ, thì thấy tình trạng các thí sinh khác cũng đang chờ và xếp thành nhiều hàng dài.
Video đang HOT
“Đứng hơn 2 tiếng đồng hồ, không dám ra ghế đá ngồi vì phía sau mình vẫn còn rất nhiều bạn, đành cắn răng chịu nóng, chịu mỏi chân để rút được hồ sơ. Ai ngờ tới lượt, mình chỉ nhận được một tờ giấy để ghi thông tin, ngày mai đến lấy, chưa kể đến thái độ của cán bộ phụ trách lại không thân thiện tí nào. Lúc đó mình rất bực, nếu chỉ vì một tờ giấy này tại sao trường không sắp xếp phát trực tiếp cho thí sinh mà lại bắt xếp hàng dài để lấy? Ba mình phải nghỉ cả buổi làm, đứng ngoài nắng đợi mình, mà bây giờ ra về tay không, rồi ngày mai lại tiếp tục “viễn cảnh” đứng chờ. Mình cảm thấy trường làm việc như vậy chưa thật sự hợp lý” – Trung bức xúc.
Mỗi nơi mỗi kiểu
Một số trường sắp xếp theo tổ hợp môn (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm…) rất cụ thể và công bằng cho các thí sinh. Tuy nhiên, một số trường ĐH lại chọn cách gom tất cả các tổ hợp vào xét chung (Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM…).
Về phía các trường xét riêng từng tổ hợp môn cũng có sự khác nhau. Đối với Trường ĐH Sài Gòn, trường chia rất rõ các chỉ tiêu cho từng tổ hợp môn, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh biết mình đang nằm ở vị trí nào, có an toàn hay không?
Tuy nhiên, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, nơi tôi nộp hồ sơ, lại có cách làm khác. Đơn cử ở ngành báo chí tuyển 3 tổ hợp môn, trong đó phổ điểm giữa khối C và D1 rất khác nhau, nhưng trường chỉ công bố tuyển 130 chỉ tiêu chứ không phân chia rõ ràng cho từng tổ hợp.
Đem thắc mắc này gọi vào đường dây nóng tuyển sinh của Trường ĐH KHXH&NV, tôi nhận được câu trả lời của cán bộ phụ trách là sau ngày 20-8 sẽ công bố chỉ tiêu từng tổ hợp.
Sau 20-8, các thí sinh đã hết quyền được rút hồ sơ thay đổi, vậy lúc này công bố còn có ý nghĩa gì?
Ngoài ra còn có tình trạng nộp dễ rút khó. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phụ huynh và thí sinh cũng xếp hàng dài, chờ đợi hơn 2 tiếng chỉ để… lấy phiếu đăng ký rút hồ sơ. Sau khi điền vào phiếu rút hồ sơ, các thí sinh được hẹn rằng ngày mai quay lại lấy. Bà Trâm Anh, một phụ huynh ở Vũng Tàu, đứng gần đó, gương mặt cũng rầu rĩ: “Đi xe Vũng Tàu xuống TP.HCM hơn cả tiếng đồng hồ, tới đây chỉ nhận được một tờ giấy và hẹn ngày mai tới lấy. Đâu có dự định ở lại nên không mang hành lý gì, giờ đành phải bắt xe về nhà, rồi ngày mai sắp xếp lên lại”.
Cân nhắc điểm cộng ưu tiên
Bạn Xuân Thảo (20 tuổi, TP.HCM) nhận định: “Theo quan điểm cá nhân của mình, điểm cộng không còn phù hợp đối với đề thi năm nay. Như mọi năm, đề thi được phân bố rất rõ ràng, nên việc các bạn ở dưới tỉnh hay vùng xa xôi khó tiếp cận được với kiến thức nâng cao. Tuy nhiên, đề thi vừa rồi bộ phân ra thang điểm 60% cơ bản, 40% nâng cao, bạn bè mình có đứa nhà khó khăn, không đi học thêm một chữ, mà làm còn được 6-7 điểm. Mình theo dõi các bảng cập nhật của các trường, thấy đa số các thí sinh đều hoàn thành trên mức điểm 6, nên việc cộng một lúc 3,4 điểm là không hợp lý. Tại sao bộ quyết định thay đổi độ khó của đề thi mà không đi kèm với chuyện thay đổi chế độ ưu tiên sao cho hợp lý?”.
Trong đợt thi THTP quốc gia vừa qua, cậu bạn Ngô Vương Minh (lớp 12 tin chuyên ĐHSP Hà Nội) đã trở thành thủ khoa của cả nước với số điểm 29,75 khối B và 29,5 khối A. Dù xuất sắc giành số điểm gần như tuyệt đối, nhưng chỉ sau một thời gian nộp hồ sơ, vị trí xếp hạng ở ngành bác sĩ đa khoa ĐH Y Hà Nội của Vương Minh nhanh chóng thụt lùi 33 hạng do có nhiều thí sinh khác được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích cao trong khi Vương Minh không nhận được bất cứ điểm cộng nào.
Theo Th.S Đào Lê Hòa An (ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam): Điểm cộng ưu tiên sẽ không còn phát huy tác dụng nữa nếu như bộ đang xây dựng một kỳ thi kết hợp như năm nay. Trong tương lai, chúng ta cần đặt ra các chỉ tiêu cụ thể không phân biệt thành phố hay tỉnh thành (gia đình khó khăn, học sinh xuất sắc vượt khó…) chứ đừng áp đặt vùng nào được cộng bao nhiêu nữa.
“Nếu nói rằng thí sinh dưới tỉnh thiếu điều kiện về tài chính, hãy hỗ trợ họ về tài chính, nếu như họ vào được cánh cổng đại học bằng chính sức của mình sẽ miễn giảm học phí, được nhận học bổng. Nếu như thí sinh thiếu điều kiện về tri thức, hãy mở những lớp dạy tăng cường để bổ sung tri thức cho họ. Vấn đề điểm cộng đã có từ lâu, nhưng nó vẫn chỉ là biện pháp tạm thời. Đừng áp đặt và cho rằng nó chính là giải pháp để tạo ra sự công bằng. Hãy để các em gặt hái điểm số bằng chính kiến thức của mình, đừng quy đổi hoàn cảnh khó khăn ra điểm số” – ông An cho biết thêm.
Thật sự bản thân tôi cũng thấy với đổi mới năm nay, cái “được một” là kỳ thi kép giảm áp lực thi cử, giảm chi phí nhưng lại “mất mười” do quá nhiều rối ren, phức tạp.
Theo TTO