Tội ác quá tồi tệ
Họ là những người nghèo khổ, chân yếu tay mềm, nhiều người già cả, tật nguyền… mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Mỗi ngày họ cuốc bộ hàng chục cây số, tới khắp hang cùng ngõ hẻm kiếm từng đồng tiền mồ hôi nước mắt. Vậy nhưng những kẻ bất lương cũng không tha.
ĐỒNG TIỀN NHỌC NHẰN
Từ miền đất lắm gió Lào, cát trắng của huyện Triệu Phong, Quảng Trị, chị Thế Thị An (46 tuổi) vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp với 200.000 đồng tiền vốn. Do bệnh thấp khớp và đau cột sống nên chị chẳng làm được việc gì nặng, chỉ có thể đi bán vé số dạo. Mỗi ngày trừ tiền cơm nước, phòng trọ, chị cũng dành dụm được dăm ba chục ngàn gởi về quê nuôi bốn đứa con ăn học. Đã ba năm chị bám trụ Sài Gòn bằng cái nghề tưởng chừng nhàn hạ, vậy mà cũng đầy âu lo và nước mắt. Chị kể, hồi mới vào chưa biết “nghệ thuật” bán hàng nên mỗi ngày đi rát cả chân chỉ bán được vài xấp là cùng; gặp hôm trời mưa, chị ôm cả đống vé số mà khóc thầm. Thế nhưng chuyện đó không tức tưởi và đau đớn bằng việc chị bị bọn bất lương cướp giật. Một hôm đang đi trên đường Hoàng Diệu (quận 4), chị được hai cậu choai choai đi xe máy gọi mua vé số. Lật qua giở lại mấy lần, bỗng đứa ngồi sau giật luôn hai cọc vé, giang chân đạp chị ngã sóng soài rồi bỏ chạy. Sau lần ấy chị không bán ngoài đường nữa, vào hàng quán mới rút vé ra mời. Vậy nhưng cũng có hôm ở khu vực vắng vẻ, chị bị đám nghiện kề dao vào cổ lấy sạch vé số, tiền bạc. Chị bảo: “ Xã hội cũng có người này kẻ nọ nhưng trấn lột, cướp giật vé số của những người tận cùng nghèo khổ như tụi tui thì không còn là người nữa”. Trong nắng chiều tà, nhìn hình bóng gầy yếu, liêu xiêu của chị, chúng tôi không khỏi xót xa cho những phận đời mong manh…
Cụ bà Phan Thị Hoa (75 tuổi, quê Phú Yên) bị cướp mất 150 tờ vé số
Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày nào cụ Trần Văn Đóa cũng còng lưng cầm xấp vé số đi quanh chợ Bến Thành. Tuổi già, chân chậm, mỗi ngày may lắm cụ chỉ bán được trăm tờ là cùng. Cụ quê ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, các con đã lớn nhưng đều lam lũ, nghèo khó chẳng nuôi được cha mẹ già. Cách đây dăm năm, vợ chồng cụ quyết định vào thành phố sinh nhai bằng nghề bán vé số dạo. Cuộc sống tuy cực nhọc nhưng hai cụ cũng đủ cơm cháo qua ngày, buồn vui có nhau. Thế nhưng cũng chừng ấy năm, thân già đã bao lần bị bọn thanh niên sức dài vai rộng, lười biếng, giật dọc, lừa gạt. Một hôm đang bán ở công viên 23-9, có cặp nam nữ ăn mặc bảnh bao gọi mua vé số. Họ mua 5 tờ và rút vé cũ ra dò. Cụ mừng lây vì họ trúng và đổi hai tờ giải sáu. Chiều về đại lý đổi lại, cụ mới té ngửa vì vé đã bị cạo sửa, gần cả triệu bạc không biết rồi đây sẽ lấy gì bù vào. Cụ khóc rấm rứt không chỉ vì mất tiền mà còn khóc cho những đứa trẻ kia mới bằng tuổi cháu chắt cụ mà đã hư đốn, nỡ lừa cả người già yếu, mưu sinh bằng nghề lương thiện.
Video đang HOT
PHẬN ĐỜI TỨC TƯỞI
Người già, phụ nữ bán vé số dạo thường dễ bị tấn công nhất. Lúc 18 giờ 45 ngày 20-3-2012, bà Nguyễn Thị Trang (51 tuổi) đang đi bộ bán vé số tại khu vực Nhà văn hóa Thanh niên (Q1) thì gặp một thanh niên đi xe máy tới hỏi mua. Thấy xấp vé số bà đang cầm trên tay, gã yêu cầu đưa hết để lựa số đẹp. Cùng lúc, một chiếc xe máy khác chở đôi nam nữ trờ tới, dừng lại. Gã thanh niên ban đầu liền đưa cả xấp vé số cho cô gái mới tới kêu lựa đi, đồng thời hỏi bà Trang còn cọc nguyên nào không, đưa hết để gã mua. Tưởng gặp khách sộp, bà Trang lấy cọc vé số 60 tờ của đài Cần Thơ ra đưa. Hai chiếc xe máy đột ngột rồ ga phóng đi. Trước khi tẩu thoát, gã thanh niên đi một mình còn đạp bà té xuống đường. Từ vùng quê Phú Yên nghèo khó vào TP. Hồ Chí Minh bán vé số dạo mấy năm nay, mỗi ngày đi rũ cả chân bà Trang cũng chỉ bán được khoảng 200 tờ, tiền ăn học của hai đứa con đều nhờ vào những tờ vé số này. Từ lúc bị giật mất hơn 400 tờ vé số, bà lo sốt vó vì không biết đào đâu ra 4,2 triệu đồng để trả cho đại lý.
Người khuyết tật vẫn cần mẫn mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo
Bên cạnh những người bán vé số dạo lớn tuổi, phụ nữ yếu ớt, có cả những đứa trẻ tuổi thiếu niên, nhi đồng nên khi bị trấn lột, cướp bóc đều không thể chống trả. Gia đình nghèo khó, vừa học hết lớp 4, em Võ Văn Phúc ở Tân Trụ, Long An đã phải theo mẹ lên TP.Hồ Chí Minh bán vé số. Thấy em nhỏ tội nghiệp, lễ phép nên nhiều người mua ủng hộ, mỗi ngày em bán được hơn trăm tờ. Hôm vừa rồi đang đi trên đường Nguyễn Thị Thập (Q7), em bị ba đối tượng xông đến khống chế, cướp hết hai cọc vé số và toàn bộ khoản tiền bán được. Sợ về bị mẹ đánh, em ngồi thui thủi bên vệ đường khóc nức nở, người dân đi qua thương tình góp ít tiền an ủi cậu bé đáng thương. Cô Phạm Thị Lan (ngụ P.Tân Kiểng) không giấu được bực tức: “Cái quân mất dạy ấy chắc không còn tính người, sức dài vai rộng lại ăn cướp của đứa bé mới 10 tuổi đầu”…
Đa phần trong số họ là các chị em phụ nữ nghèo khổ, xa quê
Cướp giật vé số của người bán dạo không chỉ chiếm đoạt miếng ăn nhỏ nhoi hàng ngày của họ mà còn đẩy những con người nghèo khổ đến đường cùng, không có vốn liếng để tiếp tục mưu sinh. Hành động bất lương ấy cần được coi là tội ác, phải nghiêm trị. Tuy nhiên, qua những trường hợp trên, bà con bán vé số dạo cần cảnh giác, không đổi thưởng tùy tiện, không bán ở những nơi vắng vẻ, đêm khuya, dưới lòng đường; đặc biệt cần đề phòng những thanh niên vừa ngồi trên xe máy vừa đòi hỏi lựa chọn cả xấp vé số. Người Việt Nam vốn nhân ái, bên cạnh việc mua vé số ủng hộ, rất cần sự đồng lòng ngăn chặn cái ác, truy đuổi và bắt giữ những kẻ táng tận lương tâm ra tay cướp vé số.
Theo CATP
Cụ bà 75 tuổi bị giật 150 tờ vé số
Hình ảnh một cụ bà gương mặt khắc khổ ngồi khóc giữa trưa nắng như đổ lửa trên đường phố Sài Gòn khiến ai chứng kiến cũng không khỏi xót lòng.
Anh Nguyễn Xuân Danh, một người dân chứng kiến vụ việc kể lại: Từ sáng sớm hàng ngày, rời khu nhà trọ ở đường Lãnh Binh Thăng, quận 11 (TP. HCM) cụ bà Phan Thị Hoa (75 tuổi, quê Phú Yên) đi khắp cùng đường cuối hẻm để bán vé số nuôi sống bản thân và gởi tiền về phụ nuôi các cháu ở quê.
Khoảng 10h sáng nay 9/3, khi đi bán đến trước cổng trường cấp 2 Phạm Ngọc Thạch, đường Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình - TP. HCM, cụ Hoa mừng rỡ khi có đôi nam nữ thanh niên đi trên chiếc xe tay ga dừng lại kêu cụ đưa vé số cho họ lựa. Bất ngờ gã thanh niên vặn ga vọt mất cùng sấp vé số gần 150 tờ khiến cụ Hoa ú ớ không thể la nổi.
Bà Hoa khóc ngất khi bị cướp mất vé số.
Khi phát hiện anh Danh và nhiều người định đuổi theo nhưng chúng đã hòa vào dòng xe cộ đông đúc rồi biến mất.
Mất trắng vé số đồng nghĩa với việc toàn bộ vốn liếng hơn 1 triệu 500 ngàn của cụ Hoa không còn, cụ ngồi bệt trước cổng trường khóc tức tưởi khiến ai chứng kiến cũng không khỏi xót lòng.
"Bà ơi tụi cháu gom mỗi đứa được ít tiền giúp bà làm vốn khác để lấy vé số, bà đừng buồn nữa nhé bà", một em học sinh trường Phạm Ngọc Thạch đã thay mặt các bạn của mình đưa bà Hoa vài trăm ngàn do các em gom góp lại để an ủi bà lão.
Theo Bee.net.vn
Gia tăng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Giám đốc giao tài xế xách va ly tiền ra ôtô con để đi công chuyện. Lợi dụng lúc ông đang loay hoay khóa cửa, gã tài xế nổ máy xe phóng đi. Mượn xe máy bạn bè rồi đem đi cầm, ôm tiền của công ty bỏ trốn..., những kiểu chiếm đoạt tài sản như thế đang diễn ra ngày càng nhiều....