Toàn thế giới đã ghi nhận trên 271,2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 271.272.003 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 5.332.221 người không qua khỏi.
Số bệnh nhân bình phục là trên 243,9 triệu người.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào thông báo có thêm 1.358 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh/thành phố, trong đó chỉ có một trường hợp nhập cảnh. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 91.816 ca, trong đó có 250 ca tử vong. Nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine để mở cửa trở lại đất nước vào đầu năm tới, bộ trên đã chỉ đạo triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại các “Vùng xanh du lịch” hoặc địa phương dọc tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc.
Thái Lan ghi nhận 2.862 ca mắc mới cùng 37 ca tử vong, nâng tổng số các ca từ đầu dịch tới nay lên 2.174.906 ca, trong đó có 21.231 người không qua khỏi. Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 Thái Lan (CCSA) đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với những người đến nước này theo các chương trình “hộp cát” (mô hình du lịch thử nghiệm), từ 5 ngày lên 7 ngày, bắt đầu từ 16/12.
Nhà chức trách Singapore đang tiếp tục tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với kịch bản bùng phát dịch COVID-19 trở lại trong bối cảnh đã xuất hiện các ca nhiễm biến thể mới Omicron. Tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 16 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca trong cộng đồng. Ngoài các biện pháp thắt chặt cơ chế xét nghiệm với người nhập cảnh đã và đang thực hiện, giới chức Singapore xác định sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng mũi bổ sung để gia tăng sức đề kháng cho người dân; mở rộng chương trình tiêm cho đối tượng từ 18-29 tuổi bắt đầu từ 14/12 tới và triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi có vaccine vào cuối tháng 12. Đồng thời, Singapore sẽ đẩy mạnh triển khai xét nghiệm thường xuyên bắt buộc tại các công sở và các cơ sở cộng đồng để sớm phát hiện, truy dấu và khoanh vùng lây nhiễm biến thể Omicron.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Tại Indonesia, chính phủ đã ban hành quy định bổ sung về việc kiểm soát hoạt động đi lại của người dân và các hoạt động kinh tế xã hội trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm 2021 và Năm mới 2022. Quy định mới bổ sung yêu cầu những người trên 17 tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc chưa tiêm vì lý do bệnh lý tạm thời không được đi du lịch. Những người muốn đi đường dài bằng các phương tiện giao thông phải mang theo đầy đủ giấy tờ chứng nhận tiêm chủng, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ trước khi khởi hành.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHS) ngày 14/12 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 76 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, gồm 51 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 25 ca nhập cảnh. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng có 44 ca ở tỉnh Chiết Giang. Đến nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 99.856 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số các ca mắc mới ở nước này tiếp tục ở mức dưới 6.000 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp, song số ca nguy kịch và tử vong tăng lên mức cao nhất trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của biến thể mới Omicron. Theo KDCA, Hàn Quốc đã ghi nhận 5.567 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 5.525 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 528.652 ca. Trong khi đó, số ca nguy kịch và số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên mức cao nhất với lần lượt là 906 ca và 94 ca. Như vậy, số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc đến nay là 4.387 ca, tỷ lệ tử vong là 0,83%. KDCA đã xác nhận có thêm 5 ca nhiễm biến thể Omicron.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay Narita, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết nước này đã chuẩn bị 13.000 phòng cách ly cho những người trở về từ nước ngoài, tăng 2.000 phòng so với tuần trước, nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Cho đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 17 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 4 ca nhiễm mới ghi nhận tại sân bay ngày 14/12.
Tại châu Âu, Pháp ngày 13/12 ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày trung bình trong 7 ngày ở mức 48.879 ca, mức cao nhất trong hơn một năm qua. Số ca nhập viện đã lên tới 14.527 ca – mức cao nhất kể từ ngày 5/6. Tới nay, Pháp có tổng cộng trên 8,2 triệu ca nhiễm và trên 120.000 ca tử vong do COVID-19. Trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng, người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết nước này đang cân nhắc siết chặt quy định đối với du khách đến từ Anh.
Đức cùng ngày ghi nhận 30.823 ca nhiễm mới và 473 ca tử vong do COVID-19. Tới nay, Đức có tổng cộng hơn 6,5 triệu ca nhiễm và hơn 106.000 ca tử vong do COVID-19. Theo thống kê, khoảng 69,9% dân số Đức đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 23,8% đã tiêm mũi tăng cường. Đức đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi sẵn có bệnh lý nền dựa trên những khuyến nghị của Ủy ban Thường trực về vaccine (STIKO) nước này.
Tại Na Uy, chính phủ nước này đã cam kết đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi vaccine tăng cường trong tuần này. Theo Bộ trưởng Y tế Na Uy Stephen Donnelly, nước này cũng rút ngắn khoảng cách giữa mũi tiêm vaccine thông thường và mũi vaccine tăng cường từ 5 tháng xuống 3 tháng.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Sullana, Piura, miền bắc Peru. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Mỹ, Peru – quốc gia ghi nhận tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, cho biết nước này đang ứng phó với tình trạng số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại. Số ca mắc mới hằng ngày đã tăng lên trung bình trên 1.500 ca trong tuần qua sau khi dao động ở mức 800 ca trong giai đoạn từ tháng 9 đến đầu tháng 11 năm nay. Ngoài ra, số ca tử vong cũng đã tăng từ mức trung bình 28 ca/ngày trong một tháng trước lên 56 ca/ngày trong tuần qua. Tính đến nay, quốc gia Nam Mỹ với 33 triệu dân đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 201.000 ca tử vong.
Trong khi đó, Chính phủ Argentina thông báo kể từ ngày 1/1/2022, người dân trên 13 tuổi tại nước này sẽ phải chứng minh đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 để được tham gia các sự kiện trong không gian kín hoặc các hoạt động ngoài trời có trên 1.000 người tham dự. Đến nay, có khoảng 31,1 triệu người Argentina đã hoàn tất phác đồ tiêm phòng. Ngoài ra, trên 1,9 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Tại Brazil, nước này đã bắt đầu yêu cầu du khách nước ngoài xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi nhập cảnh vào quốc gia này. Động thái mới nhất nói trên đã đảo ngược lại quyết định tuần qua khi Brazil ban đầu loại trừ việc yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm chủng, bất chấp khuyến nghị từ Anvisa trong bối cảnh Brazil cho đến nay đã ghi nhận ít nhất 11 ca nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Người đứng đầu Cơ quan Y tế Canada Theresa Tam cho biết số ca mắc COVID-19 ở nước này dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng trong những ngày tới do sự lây lan của biến thể Omicron, nhất là ở tỉnh đông dân Ontario. Tỉnh Ontario ngày 13/12 đã ghi nhận 1.536 ca mắc mới COVID-19 (trong đó có 80 ca nhiễm biến thể Omicron), tăng hơn 70% so với tuần trước đó.
Tại Mỹ, giới chức y tế bang California cho biết sẽ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng trong không gian kín trên toàn bang trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/12 và kéo dài trong một tháng. Đây là một trong những biện pháp mà bang đông dân nhất nước Mỹ này áp dụng nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đang khiến các bệnh viện tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp rơi vào tình trạng quá tải.
Số ca mắc COVID-19 tại Peru đang tăng cao trở lại
Ngày 13/12, Peru - quốc gia ghi nhận tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, cho biết nước này đang ứng phó với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Sullana, Piura, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Hernando Cevallos nhấn mạnh đại dịch đang tái bùng phát tại Peru. Số ca mắc mới hằng ngày đã tăng lên trung bình hơn 1.500 ca trong tuần qua sau khi dao động ở mức 800 ca trong giai đoạn từ tháng 9 đến đầu tháng 11 năm nay. Ngoài ra, số ca tử vong cũng đã tăng từ mức trung bình 28 ca/ngày trong một tháng trước lên 56 ca/ngày trong tuần qua.
Tính đến nay, quốc gia Nam Mỹ với 33 triệu dân đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 201.000 ca tử vong. Hiện nước này chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Delta - biến thể chủ đạo hiện nay.
Tại khu vực Mỹ Latinh, số ca tử vong ở Peru hiện chỉ đứng sau Brazil và Mexico - hai quốc gia có dân số cao hơn lần lượt 7 lần và 4 lần so với Peru. Riêng trong tuần qua, số ca tử vong tại Peru trong vòng 24 giờ đã lần đầu tiên vượt 100 ca trong 4 tháng trở lại đây. Theo dữ liệu do hãng tin AFP (Pháp) tổng hợp, tỷ lệ 612 ca tử vong trên 100.000 dân tại nước này cao hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng số ca mắc mới gia tăng, kể từ ngày 10/12 vừa qua, Peru đã yêu cầu phải xuất trình chứng nhận vaccine mới có thể vào các cửa hàng, ngân hàng, các cơ quan công quyền và sân bay. Theo Bộ Y tế Peru, cho đến nay, đã có 72% dân số nước này được tiêm phòng đầy đủ.
Cùng ngày, Chính phủ Argentina thông báo kể từ ngày 1/1/2022, người dân trên 13 tuổi tại nước này sẽ phải chứng minh đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 để được tham gia các sự kiện trong không gian kín hoặc các hoạt động ngoài trời có trên 1.000 người tham dự.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, với quy định mới này, người dân trên 13 tuổi sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng ít nhất 14 ngày trước khi tham dự sự kiện. Chứng chỉ tiêm phòng cũng có thể được xác nhận thông qua ứng dụng Cuidar trên điện thoại di động.
Bộ Y tế Argentina cho biết chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández quyết định triển khai biện pháp trên nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 45 triệu người tại quốc gia Nam Mỹ này. Tính đến nay, có khoảng 31,1 triệu người Argentina đã hoàn tất phác đồ tiêm phòng. Ngoài ra, hơn 1,9 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Khả năng miễn dịch đặc biệt trước COVID-19 sẽ giảm dần qua thời gian Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những người đã mắc COVID-19 và tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh, sẽ có miễn dịch "lai" hay miễn dịch "đặc biệt" với các loại biến thể của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Israel cho thấy hàng rào "kép" này sẽ mất đi sức mạnh qua thời gian. Nhân viên y tế...