Toán học Việt Nam liệu có thực sự dẫn đầu ASEAN?
Theo các nhà toán học, tuy nhiều năm dẫn đầu các nước ASEAN về số lượng công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín nhưng chỉ số này không đủ giúp nền toán học nước nhà đạt đẳng cấp “dẫn đầu” khu vực.
Số lượng công bố quốc tế ngành toán Việt Nam liên tục dẫn đầu ASEAN từ 5 năm nay – ẢNH QUÝ HIÊN CHỤP LẠI TÀI LIỆU
Bất ngờ vì bước tiến bộ lớn
Như Thanh Niên đã đưa tin, theo báo cáo khảo sát của nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam Scientometrics for Vietnam (S4VN), toán học Việt Nam nhiều năm dẫn đầu các nước ASEAN về công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín. Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là từ những người thuộc giới học thuật.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều nhà toán học cho rằng, đây là một tin vui và rất ý nghĩa với cộng đồng toán
“Để có được thành tích khoa học của một quốc gia, cần có sự nỗ lực của rất nhiều cá nhân, và ngược lại, những nỗ lực đó cần được ghi nhận. Toán học hay bất cứ khoa học nào không phải là cuộc chơi của một vài cá nhân xuất sắc, mà thực sự cần một cộng đồng. Cộng đồng đó có lớn, có mạnh có nhiều thành viên giỏi thì mới sản sinh ra các cá nhân xuất sắc. Mặt khác, thành tích chung của một cộng đồng sẽ được nâng lên nếu mỗi cá nhân có ý thức đóng góp cao”.
GS Phùng Hồ Hải ( Viện trưởng Viện toán học – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam)
học trong dịp đầu năm mới. GS Đinh Nho Hào, Viện toán học – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nói: “Cá nhân tôi thấy đây là một tin vui và cảm thấy bất ngờ, vì chưa bao giờ tôi nghĩ rằng số công bố Web of Science của Việt Nam lại cao hơn của Singapore!”.
Các nhà toán học người Việt hiện đang làm việc tại các trường đại học danh tiếng của thế giới cũng cho biết, họ thật sự bất ngờ trước tin vui này.
GS Lê Tự Quốc Thắng, Học viện Công nghệ Georgia (1 trong 5 trường mạnh nhất nước Mỹ về các ngành kỹ thuật), cho biết dù vẫn thường xuyên có mối liên hệ và cộng tác với cộng đồng toán học trong nước, nhưng ông cũng không ngờ giới toán học nước nhà lại đạt được bước tiến bộ lớn như thế.
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện toán học – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, cho rằng để đạt được tiến bộ vượt bậc của toán học nước nhà hiện nay thì vai trò của quỹ Nafosted và của Chương trình trọng điểm phát triển toán học 2010 – 2020 là cốt yếu.
Video đang HOT
GS Ngô Bảo Châu cũng bình luận: “Những con số này có thể làm minh chứng cho sự khởi sắc của toán học Việt Nam trong 10 năm gần đây, lấy mốc là sự kiện Việt Nam đăng cai IMO năm 2007 và khởi động chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển toán học 2010 – 2020 theo gợi ý của ông Nguyễn Thiện Nhân khi đó là Phó thủ tướng”.
Vẫn thiếu những đỉnh cao
Nhưng theo GS Phùng Hồ Hải, bảng xếp hạng vừa rồi của nhóm S4VN là dựa trên số lượng công bố trong khi số lượng công bố lại không phải là tất cả, mà chỉ là một chỉ dấu trong nền toán học. Vì thế, mặc dù số công bố ISI ngành toán của Việt Nam hơn Singapore, nhưng không thể chỉ căn cứ vào đó để nói rằng nền toán học của chúng ta hơn họ.
Bởi, nếu phân tích sâu hơn các chỉ số, chẳng hạn xét số lượng những bài báo công bố ở các tạp chí Q1 (là các tạp chí chiếm vị trí cao nhất trong danh mục các tạp chí quốc tế uy tín – phóng viên) thì chưa chắc mình đã hơn Singapore, và nếu xét số lượng những bài được đăng trên tạp chí đỉnh cao thì chắc chắn ta thua bạn.
GS Đinh Nho Hào thì khuyến cáo, ngoài thông tin đáng khích lệ mà nhóm S4VN công bố, giới toán học nước nhà cần quan tâm để cải thiện một số vấn đề có tính cốt lõi để đánh giá sự phát triển của một nền khoa học. Chẳng hạn như Việt Nam chưa có các công bố xuất sắc và chưa được thế giới công nhận là “có đẳng cấp” vì chưa có nhà toán học Việt Nam nào được mời làm các báo cáo mời ở các hội nghị quan trọng. Ngoài ra, ta cũng chưa có được một trường phái nào trong toán học.
Còn GS Lê Tự Quốc Thắng cho biết, sau khi đọc bài trên Thanh Niên, ông đã tiếp tục tìm hiểu sâu hơn chất lượng công bố của các nhà toán học Việt Nam năm 2017, thì nhận thấy: Việt Nam không có bài nào trong 10 tạp chí toán học có thứ hạng cao nhất, còn Singapore có 1 bài; Việt Nam có 23 bài trong các tạp chí hạng A* của Hội Toán học Úc, Singapore có 56 bài; Việt Nam có khoảng vài ba bài trong các tạp chí “đỉnh cao nhất” (được đăng ở Adv in Math), trong khi Singapore khoảng chục bài trên các tạp chí như vậy, gồm 1 bài trong Ann Sci ENS, 6 bài ở Adv in Math, 2 bài ở SIAM J On Discrete Math, 1 bài ở Amer J Math.
Tuy nhiên, GS Lê Tự Quốc Thắng cho rằng, vẫn có thể hy vọng vào tương lai của nền toán học Việt Nam. “Tôi thấy lớp trẻ ở Việt Nam nhiều người làm toán giỏi, có triển vọng”, GS Thắng nói.
Theo thanhnien
Toán học Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số lượng công bố trên tạp chí uy tín
Toán học Việt Nam nhiều năm dẫn đầu các nước ASEAN về công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín là thông tin vừa được đưa ra bởi nhóm S4VN trên trang của nhóm sáng nay, 1.1.
Toán học Việt Nam liên tục dẫn đầu ASEAN từ năm 2014 đến nay - ẢNH QUÝ HIÊN CHỤP LẠI TÀI LIỆU
Toán học Việt Nam vượt Singapore hơn 10 bậc
Lúc 6 giờ 30 sáng nay, 1.1, ngày đầu tiên của năm mới 2019, nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam Scientometrics for Vietnam, viết tắt là S4VN, đã giới thiệu báo cáo của nhóm về kết quả công bố quốc tế trên các tạp chí ISI (là những tạp chí quốc tế có uy tín) của ngành toán Việt Nam, về số lượng và chất lượng, trong mối tương quan với các nước ASEAN từ năm 2010 đến nay.
Theo báo cáo này, số lượng công bố ISI của ngành toán học Việt Nam trong năm 2018 (tính đến 28.10) xếp thứ 32 trên thế giới (304 bài), dẫn đầu các nước ASEAN, bỏ xa nước thứ 2 (là Singapore, 196 bài) khoảng hơn chục bậc. Năm 2017, Việt Nam đạt vị trí 31 với 368 bài, trong khi đó Singapore đạt vị trí 46 với 190 bài.
Vị trí xếp hạng thế giới về số lượng công bố ISI ngành toán của Việt Nam và các nước ASEAN - ẢNH QUÝ HIÊN (CHỤP LẠI TÀI LIỆU)
Điều đáng chú ý, Việt Nam đã liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay, mặc dù trước đó vị trí này liên tục thuộc về Singapore.
Số lượng công bố ISI ngành toán các nước ASEAN - QUÝ HIÊN (CHỤP LẠI TÀI LIỆU)
Về số lượt trích dẫn, từ 2015 đến nay, Việt Nam cũng đã vượt Singapore về số lượt trích dẫn tới các công bố ISI này.
Ví dụ, năm 2015 các bài báo ISI của Việt Nam có 763 trích dẫn, còn Singapore là 698. Năm 2016, Việt Nam có 665 trích dẫn, Singapore là 539 trích dẫn. Năm 2017, Việt Nam có 424 trích dẫn, Singapore 225 trích dẫn. Theo giải thích của các nhà chuyên môn, theo thời gian, số trích dẫn một công bố tăng dần lên.
Số lượt trích dẫn của các công bố ISI ngành toán các nước ASEAN - QUÝ HIÊN (CHỤP LẠI TÀI LIỆU)
Các lĩnh vực khoa học Việt Nam đều tăng trưởng
Bắt đầu từ tháng 11.2018, nhóm S4VNđã lần lượt trình bày các báo cáo kết quả công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong mối tương quan với các nước ASEAN.
Theo các báo cáo này, ngành vật lý Việt Nam hiện đang đứng thứ tư tại ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Vị trí của ngành vật lý Việt Nam trên thế giới, tính theo số lượng công bố ISI, trong các năm 2014 - 2017 ở vào khoảng 56 - 58. Năm 2018, tính đến 28.18, vị trí của ngành vật lý Việt Nam là 46, vượt qua Thái Lan (đang ở vị trí thứ 51).
Vị trí xếp hạng thế giới theo số công bố ISI ngành vật lý các nước ASEAN - ẢNH QUÝ HIÊN (CHỤP LẠI TÀI LIỆU)
Trong các lĩnh vực khoa học nói chung, Việt Nam vươn từ vị trí 55 năm 2013 lên vị trí 51 năm 2017 và năm 2018, tính tới 28.10, đang ở vị trí 46. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan, tính theo số công bố ISI về khoa học và công nghệ.
Trong các các ngành kỹ thuật, Việt Nam cũng có những tiến bộ vượt bậc, từ vị trí 57 năm 2013 lên vị trí 48 năm 2017 và năm 2018, tính tới 28.10, Việt Nam đang ở vị trí 40. Tính theo số lượng công bố ISI phân ngành kỹ thuật, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, Việt Nam cũng có những tăng trưởng đáng kể, tính theo số lượng công bố ISI, từ vị trí thứ 65 năm 2013 lên vị trí thứ 58 năm 2017 và năm 2018 hiện đang ở vị trí thứ 46.
Trao đổi với Thanh Niên, anh Trần Danh Nhân, đại diện nhóm S4VN, cho biết nhóm chọn công bố kết quả của ngành toán vào ngày đầu tiên của năm mới với những thông tin rất tích cực như là món quà đầu năm dương lịch dành cho các nhà khoa học Việt Nam.
S4VN là dự án của một số nhà khoa học trẻ đến từ các đơn vị đào tạo khác nhau trong nước nhằm cung cấp thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Hiện tại, dữ liệu của dự án được khai thác chủ yếu từ nguồn dữ liệu thuộc Web of Science do Viện Thông tin khoa học (Institute of Scientific Information - ISI) cung cấp.
Mục tiêu của S4VN là góp phần minh bạch hoá kết quả hoạt động khoa học tại Việt Nam thông qua việc cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy và có khả năng đối sánh cao, hướng đến đối tượng độc giả là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học, và những người quan tâm đến lĩnh vực trắc lượng khoa học nói chung.
Theo thanhnien
Sôi nổi ngày hội Toán học mở lần đầu tiên phía Nam Sáng ngày 9/12, Ngày hội Toán học mở (MOD) khai mạc tại trường ĐH Sài Gòn đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham dự. Đây là lần đầu tiên MOD có mặt tại TPHCM sau nhiều lần tổ chức tại Hà Nội. MOD là chuỗi các chương trình về toán nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh...