Toán học – nền tảng để doanh nghiệp, đại học theo kịp thời cuộc 4.0
“Đằng sau khoa học công nghệ chính là toán học. Đằng sau đa phần hoạt động của cuộc sống là những công thức toán học phức tạp. Toán học vô cùng quan trọng trong nền kinh tế mới của Việt Nam, dù chúng ta nhận biết hay không nhận biết được thì đó vẫn là điều hiển nhiên”.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tại diễn đàn “ Toán học trong công nghiệp” tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị toán học Việt – Mỹ năm 2019 tại trường ĐH Quy Nhơn.
Diễn đàn “Toán học trong công nghiệp” do GS. Vũ Hà Văn – Yale University, USA, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu dữ liệu lớn, VINGROUP dẫn dắt với các diễn giả là PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành CIRTech, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM; TS. Nguyễn Vũ Lưu – Phó Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel và ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Giám đốc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ Ngân hàng BIDV, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam.
Hơn 500 đại biểu tới dự diễn đàn “Toán trong công nghiệp”
Toán giúp tối ưu hóa, chuẩn hóa mọi sản phẩm
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, rất nhiều thầy cô và sinh viên từng có một thời gian đồng nhất rằng học giỏi tức là học giỏi Toán, đến tận bây giờ vẫn như vậy. Toán học mang cho chúng ta tư duy logic và nền tảng để phát triển trong tương lai.
Sau 30 năm đổi mới, sự phát triển kinh tế của nước ta dựa vào 3 động lực: tài nguyên thiên nhiên, lao động rẻ và khoa học công nghệ (KHCN). Muốn đất nước phát triển hơn nữa chúng ta không thể cứ trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ mà phải đầu tư cho KHCN và nền kinh tế tri thức.
“Đằng sau KHCN chính là Toán học. Đằng sau đa phần hoạt động của cuộc sống là những công thức Toán học phức tạp. Toán học vô cùng quan trọng trong nền kinh tế mới của Việt Nam, dù chúng ta nhận biết hay không nhận biết được thì đó vẫn là điều hiển nhiên”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vũ Lưu – Phó Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel dẫn chứng, công nghệ mới nhất là công nghệ 5G mà các nhà khoa học dự báo có thể tạo nên tác động kinh tế to lớn từ Toán học. Những phát minh sáng chế bắt nguồn từ Toán học tạo nên ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế.
Ông Lưu cho hay, ở Viettel có 3 lĩnh vực sử dụng Toán nhiều gồm: nghiên cứu thiết kế các thiết bị viễn thông (4G, sắp tới là 5G – luôn dùng đến thuật toán về mã sửa đổi), công nghiệp về hàng không vũ trụ (máy bay không người lái, thuật toán dẫn đường điều khiển), ra quyết định kinh doanh (bài toán dự báo hành vi khách hàng, dữ liệu có cấu trúc để ra quyết định đúng, trúng đích khách hàng).
Trong nền cách mạng công nghiệp 4.0, Toán học càng đóng vai trò quan trọng, nhất là về phần xác suất thống kê, tối ưu hóa.
Trong suốt hơn 4 năm thực hiện dự án hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, Toán học luôn gắn liền với nghiên cứu của PGS. Nguyễn Xuân Hùng – trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Ông Hùng cho hay, trước khi chọn sinh viên vào dự án, ông luôn quan tâm CV (sơ yếu lý lịch) của bạn đó có mạnh về Toán hay không.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Giám đốc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ Ngân hàng BIDV, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam chia sẻ: “BIDV vừa thực hiện một trung tâm số hóa cơ sở dữ liệu để phân tích hành vi, phản ứng của khách hàng với dịch vụ của mình. Chúng tôi có cơ sở dữ liệu, khách hàng, thị trường nhưng Toán giúp tối ưu hóa, chuẩn hóa sản phẩm đưa đến khách hàng nhờ đọc được hành vi, phản ứng của họ”.
Các diễn giả tại diễn đàn “Toán trong công nghiệp”
Doanh nghiệp và trường đại học cần làm rõ để hiểu nhau hơn
Ông Nguyễn Vũ Lưu – Phó Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel cho hay, từ trước nay các cấp lãnh đạo của tập đoàn rất muốn thúc đẩy hợp tác với các trường đại học hiệu quả để tri thức Toán học mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng chuyển biến thực tế không nhiều.
Video đang HOT
Bàn về nguyên nhân sự hợp tác doanh nghiệp và đại học chưa mạnh như mong muốn, PGS. Nguyễn Xuân Hùng – Đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ: “Trong quá trình làm với doanh nghiệp chúng tôi gặp phải vấn đề là doanh nghiệp không tin trường đại học. Một doanh nghiệp từng kể với tôi rằng: “Chúng tôi chỉ tìm đến 5 đại học nhưng đến đó chỉ tốn tiền chứ chưa làm được gì!”…
Theo ông Hùng, trường đại học và doanh nghiệp cần hợp tác trên tinh thần tạo giá trị win – win (đôi bên cùng có lợi) và có cam kết qua các hợp đồng. Phía doanh nghiệp phải sẵn sàng đầu tư khoản mạo hiểm cho nghiên cứu và nhà khoa học cũng sẵn lòng chân thành, cam kết tạo uy tín, giá trị ứng dụng.
“Khi doanh nghiệp hiểu, chia sẻ thì họ sẽ tìm đến trường đại học. Chữ tín, tinh thần hợp tác win – win, sẵn lòng hợp tác thì khó khăn nào cũng vượt qua”, PGS. Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, muốn hợp tác thành công đôi bên phải rất tâm huyết, tin tưởng.
“Trong 10 hợp tác chỉ có 2-3 cái thành công. Điều đó đến từ đòi hỏi gấp gáp, có hiệu quả ngay lập tức của doanh nghiệp trong khi các nhà khoa học làm nghiên cứu có khi kết quả chỉ đến trong tương lai.
Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp có sứ mạnh lớn mới nhìn xa được về tầm quan trọng Toán và đầu tư dài hơi vào dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu vì một tương lai không còn lệ thuộc vào công nghệ và dữ liệu”, đại diện này nhận định.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Giám đốc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ Ngân hàng BIDV phân loại 2 mục tiêu thường thấy của hợp giữa doanh nghiệp với các trường đại học, nhà khoa học.
Một là giúp doanh nghiệp có kiến thức cơ bản để bắt kịp công nghệ thế giới đã làm.
Hai là tạo ra giá trị hoàn toàn mới, sáng tạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh đột phá đòi hỏi đưa ra các đề tài nghiên cứu đặt hàng nhà khoa học. Điều đó dẫn đến hai hình thức hợp tác, một ngắn hạn, một dài hạn.
“Trong thực tế khi hợp tác với trường đại học, khi có sản phẩm chúng tôi nhận ra tư duy của 2 bên không khớp với nhau. Tư duy doanh nghiệp Việt Nam là đã bỏ ra phải thành công, nghiệm thu chạy được doanh nghiệp mới trả tiền. Như vậy cực kỳ khó với nhà nghiên cứu. Vì có những bài toán cực kỳ khó, không thể “ăn xổi” được. Nhiều trường hợp nhà trường không ra kết quả thì doanh nghiệp truy đòi trả lại tiền”, ông Quỳnh dẫn chứng.
“Doanh nghiệp nên chấp nhận rủi ro khi đầu tư nghiên cứu khoa học – có thể đầu tư nhưng chưa ra được kết quả. Đồng thời, nhà quản lý doanh nghiệp, đại học nên nghĩ cách xây cái cầu (các quỹ) để hai bên bắt tay, hợp tác cùng đóng góp. Dùng một khoản quỹ không lợi nhuận để trao học bổng, tài trợ cho nhà khoa học hiện thực điều họ mong muốn có thể tạo mối gắn kết tốt giữa đôi bên”, Ông Đỗ Ngọc Quỳnh đề xuất.
“Về phía doanh nghiệp, khi làm việc với các trường đại học không nên đưa ra vấn đề rộng quá mà phải đặt ra cái đề thật cụ thể như vậy việc hợp tác sẽ hiệu quả hơn. Còn về phía các trường đại học cũng nên hiểu cho doanh nghiệp rằng, có những dự án chúng tôi phải có những kết quả phải xong ở thời điểm nhất định để giải quyết bài toán kinh doanh”. Đó là góp ý của ông TS. Nguyễn Vũ Lưu Phó Trưởng ban Chiến lược tập đoàn Viettel.
GS Ngô Bảo Châu cùng các đại biểu tham dự diễn đàn
Thiết kế môn toán gắn với thực tế
Bàn về việc giảng dạy Toán học ở các trường hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, dạy Toán ở phổ thông Việt Nam có nội dung kiến thức tương đối tốt nhưng nên mở rộng ứng dụng của Toán học trong các khía cạnh đời sống.
Như vậy sẽ rất thu hút và giúp các em sinh viên hiểu được tầm quan trọng của Toán qua ví dụ cụ thể. Ông Hải cho hay, ở bậc đại học, bản thân Khoa Toán ở ĐH Khoa họcTự nhiên dự định sắp tới sẽ mở Toán học cho kinh tế, Toán học cho xã hội để mang tính ứng dụng hơn.
Đồng quan điểm, PGS. Nguyễn Xuân Hùng – trường Đại học Công nghệ TP.HCM kể chuyện sinh viên từng tâm sự với mình rằng: “Thầy ơi, em không thích môn Toán vì em chứng minh công thức rồi không biết dùng nó ở đâu cả”.
Ông Hùng cho biết, tình yêu Toán tăng dần theo thời gian khi ông sang Mỹ học. Bởi vì, giáo sư đưa cuốn sách mà bên cạnh mỗi công thức Toán học là một ví dụ về ứng dụng của Toán.
Theo ông Hùng, nên thiết kế môn Toán gắn với thực tế như vậy sẽ có tính thu hút, hấp dẫn người trẻ hơn và tùy theo từng ngành nghề, công ty mà bạn trẻ có sự đầu tư học Toán cụ thể (Toán cơ bản/ Toán cao cấp…). Và không chỉ đại học mà các doanh nghiệp cũng có thể đặt những bài toán đó.
Hồng Hạnh – Lệ Thu
Theo Dân trí
Giáo sư Brian Boe: "Muốn nền toán học phát triển phải đầu tư nhiều cho thế hệ trẻ"
"Muốn nền toán học phát triển, một trong những điều quan trọng nhất là phải tập trung đầu tư rất nhiều tiền cho các nhà toán học trẻ để có cơ hội làm việc nghiên cứu. Tặng thật nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên để khuyến khích họ theo học ngành Toán".
Đó là chia sẻ của Giáo sư Brian Boe, Trường Đại học Georgia - Mỹ, Thư ký thường trực Hội Toán học Mỹ, đồng trưởng Ban chương trình Hội nghị Toán học Việt - Mỹ năm 2019.
Giáo sư Brian Boe
Trao đổi với PV Dân trí, GS Brian Boe cho biết, Hội nghị Toán học Việt - Mỹ 2019 là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Hội Toán học Việt Nam và Hội Toán học Mỹ.
Công tác chuẩn bị cho Hội nghị này tới bây giờ là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi được làm việc với rất nhiều đại diện đến từ Hội Toán học Việt Nam, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Ban chương trình, Ban tổ chức địa phương, và Trung Tâm Quốc Tế Khoa học và Giáo Dục liên ngành (ICISE). Tôi thực sự rất biết ơn thời gian mọi người đã dành ra để chuẩn bị cho Hội nghị này.
Tôi nghĩ rằng, đã có một Hội nghị tuyệt vời với 6 bài giảng đại chúng, 3 bài giảng đến từ phía Mỹ và 3 bài giảng đến từ phía Việt Nam. Hội nghị cũng đã có 13 báo cáo tiểu ban về nhiều lĩnh vực Toán khác nhau, từ thuần túy tới ứng dụng.
"Các nhà khoa học đã có một Hội nghị thật hữu ích và hào hứng. Tôi mong mọi người sẽ gặp những cộng tác viên mới và bắt đầu những kế hoạch chung mới, và tôi mong đây sẽ là điểm khởi đầu cho một sự liên kết về Toán học mới giữa hai đất nước chúng ta" - GS Brian Boe bày tỏ.
Tại sao Hội Toán học Mỹ lại chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị toán học Việt - Mỹ, thưa ông?
Hội Toán học Mỹ là hiệp hội Toán học lớn nhất thế giới, với khoảng 30.000 thành viên đến từ 127 quốc gia. Hai nhiệm vụ chính của chúng tôi trong thế kỉ 21 là đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng quan hệ.
Đẩy mạnh nghiên cứu bao gồm hỗ trợ các buổi hội thảo, xuất bản tạp chí và ấn phẩm, và sử dụng cơ sở dữ liệu Mathematical Reviews và MathSciNet để công cuộc nghiên cứu có thể dễ dàng được tiếp cận.
Xây dựng quan hệ bao gồm tổ chức các Hội nghị, cung cấp kinh phí cho các nhà khoa học tới tham dự các Hội nghị quốc tế như Hội nghị quốc tế của các nhà Toán học (ICM) và Hội nghị Toán học Châu Mỹ (MCA), và hỗ trợ một Chương trình giao lưu giảng viên.
Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi, mà cả hai nhiệm vụ trên đều nhắm tới, là hợp tác với Hội Toán học của các quốc gia khác để có thể đồng sáng lập và đồng tài trợ những cuộc gặp gỡ quốc tế như chương trình này.
Hàng năm, Hội Toán học Mỹ sẽ kết hợp với một nước để tổ chức sự kiện toán học quốc tế.
Sau khi nhận đề xuất của Việt Nam, chúng tôi đã đi đến thảo luận, lên kế hoạch tổ chức hội nghị toán học Việt - Mỹ này. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để làm việc với Việt Nam.
Các nhà toán học Việt Nam trao đổi với các nhà toán học Mỹ
Từ Hội nghị này mở ra sự hợp tác như thế nào giữa các nhà toán học Việt Nam và nhà Toán học Mỹ?
Tôi khẳng định chắc chắn là sau hội nghị toán học này, nền toán học của 2 nước sẽ có nhiều cơ hội trao đổi hơn.
Những nhà toán học 2 nước đã có cơ hội nói chuyện với nhau, hiểu biết về nhau thì họ sẽ dễ dàng tìm ra được điểm chung trong nghiên cứu của họ.
Sau đó, họ cùng nhau trao đổi để cùng viết nên một bài báo, một cuốn sách hay công trình nghiên cứu nào đó. Rất có thể, chúng tôi sẽ tổ chức thêm một hội nghị toán học Việt - Mỹ nữa.
Ông có chia sẻ gì để nền toán học Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
Nền toán học giữa 2 nước hiện nay có sự khác biệt. Với Mỹ rất quen với các bài giảng toán học đại chúng, hoạt động này diễn ra thường xuyên. Nhưng qua làm việc với các nhà toán học Việt Nam, tôi thấy các nhà toán học Việt Nam chưa quen lắm với các bài giảng đại chúng. Do đó, các nhà toán học Việt Nam cần chủ động hơn trong việc chia sẻ này.
Một điều nữa mà tôi thấy, những hội nghị toán học quốc tế lớn ở các nước khác, thường được tổ chức trong các trường đại học mới có đủ cơ sở vật chất, phòng học, công cụ để có thể trợ giúp. Trong khi đó, ở Việt Nam có Trung tâm ICISE, nơi hội nghị đang diễn ra, quả nhiên là một địa điểm lý tưởng để đàm đạo về Toán học. Điều này thật đáng tự hào.
Nước Mỹ đã làm thế nào để thu hút giới trẻ quan tâm tới học toán, nghiên cứu toán?
Ở Mỹ cũng rất khó để thu hút các bạn trẻ vào học và nghiên cứu về toán. Điều này không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều nước khác trên thế giới cũng vậy vì môn Toán rất khó.
Hội toán học Mỹ có trên 30.000 thành viên đến từ 127 quốc gia. Quá nửa số đó là những người trẻ, họ là sinh viên, người học sau đại học.
Hội toán học Mỹ đã tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo, tạo điều kiện cho những người trẻ có cơ hội làm việc với những người có kinh nghiệm, để có thể ra các sản phẩm cho cộng đồng biết đến.
Thậm chí việc phát hành sách, báo cũng để các bạn trẻ tham gia. Đó có thể là lý do để có nhiều bạn trẻ đi theo ngành toán.
Tuy nhiên, muốn nền toán học phát triển, một trong những điều quan trọng nhất là phải tập trung đầu tư rất nhiều tiền cho các nhà toán học trẻ để có cơ hội làm việc nghiên cứu. Tặng thật nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên để khuyến khích họ theo học ngành Toán.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Hồng Hạnh (thực hiện)
Theo Dân trí
Ba nhà toán học nữ trẻ được khen thưởng tại hội nghị Toán học Việt Mỹ Chiều tối 12/6, tại Hội nghị Toán học Việt - Mỹ 2019 đang diễn ra tại Quy Nhơn, 3 nhà toán học nữ trẻ (dưới 35 tuổi) đã được đề cử khen thưởng. Trong số 26 nhà khoa học nữ là người Việt Nam làm việc trong nước có báo cáo tại Hội nghị Toán học Việt - Mỹ 2019 ((VNUS 2019) diễn...