Toàn cảnh tòa phúc thẩm tuyên án vụ Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm
Tòa phúc thẩm cho rằng trong giai đoạn thi hành án nếu bị cáo Trương Mỹ Lan khắc phục 3/4 hậu quả thì được xem xét giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Sau gần 1 tháng xét xử phúc thẩm, ngày 3.12, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Để bạn đọc tiện theo dõi, Báo Thanh Niên nêu lại những nội dung chính quan trọng của bản án.
Lý do tòa không chấp nhận giảm án tử hình
Tòa tuyên phạt y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù), vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù). Tòa buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng. Theo quy định pháp luật, bị cáo không đủ điều kiện được miễn giảm án phí dân sự đối với số tiền 673 tỉ đồng.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền gửi đơn xin ân xá giảm án tử hình lên Chủ tịch nước.
Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Lan mức án tử hình về 3 tội danh là “đúng người, đúng tội, không oan sai”.
Theo tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không đủ điều kiện được miễn giảm án phí dân sự đối với số tiền 673 tỉ đồng. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Các pháp nhân trả cho bị cáo Lan, và các tài sản mà bị cáo đưa vào khắc phục hậu quả cũng chưa có cơ sở pháp lý để xem xét giá trị tài sản. Tại cấp phúc thẩm, mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan nói tự nguyện đề nghị xử lý 440 mã tài sản, dùng các tài sản như dự án 6A (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM)… để đưa vào khắc phục hậu quả vụ án. Thế nhưng các tài sản bị cáo đưa vào chưa rõ về quy định pháp lý và mức định giá nên chưa đủ điều kiện để xét mức độ khắc phục hậu quả là bao nhiêu.
“Hậu quả vụ án đặc biệt lớn, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nên không có cơ sở giảm án tử hình cho bị cáo Trương Mỹ Lan về tội tham ô tài sản”, bản án nêu.
Tuy nhiên, tòa cho rằng sau khi bản án kết luận, nếu bị cáo vẫn tích cực phối hợp, tiếp tục nộp tài sản khắc phục đủ 3/4 hậu quả vụ án thì có thể xem xét giảm từ án tử hình xuống chung thân.
Long đong ‘núi’ tài sản Trương Mỹ Lan sau phiên tòa phúc thẩm
3 doanh nghiệp phải trả cho bị cáo Trương Mỹ Lan gần 10.000 tỉ đồng
Thứ nhất, TAND cấp cao tại TP.HCM buộc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại 2.880 tỉ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành án.
Thứ hai, tòa phúc thẩm còn buộc Công ty CP T&H Hạ Long (gọi tắt Công ty T&H Hạ Long) và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (gọi tắt Công ty Âu Lạc) có nghĩa vụ nộp lại hơn 6.000 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.
Tòa không giao cho SCB xử lý dự án 6A của bị cáo Trương Mỹ Lan. ẢNH: NHẬT THỊNH
Đối với dự án 6A có diện tích 26 ha, thuộc khu Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM (đang do SCB nắm giữ), trước đó bị cáo Lan yêu cầu SCB trả lại và tự nguyện dùng tài sản này để góp vào khắc phục hậu quả. “Vấn đề này lại chưa được cấp sơ thẩm xem xét, nên cấp phúc thẩm không có căn cứ để giải quyết, cũng không thể giao cho SCB xử lý mà sẽ thực hiện theo quy định thi hành án”, bản án nêu.
Đối với số tiền 5.000 tỉ đồng mà bị cáo Lan đòi SCB trả lại vì cho rằng đã dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này, theo tòa phúc thẩm, SCB đã thực hiện và hoàn thành tăng vốn vào cuối năm 2021… Nội dung này chưa được điều tra, truy tố, xét xử, nếu các bên thấy cần thiết thì khởi kiện trong một vụ án khác.
SCB không được toàn quyền quyết định tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan
Tòa phúc thẩm tiếp tục tuyên kê biên nhà đất 21 – 21A Trần Cao Vân (Q.1, TP.HCM), nhà đất tại 19 – 21 – 23 – 25 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), nhà đất tại 78 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), nhà đất tại 110 – 112 Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), 1 du thuyền, 2 tàu, 18 ô tô.
Tòa giao cho SCB phối hợp cơ quan thi hành án dân sự để tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.120 mã tài sản đang bị thế chấp cho ngân hàng này để đảm bảo cho 1.243 khoản vay, hợp đồng tín dụng…
Về xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho các khoản vay này, được thực hiện dưới sự giám sát của Viện KSND tối cao, Bộ Công an, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Tòa đề nghị SCB trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, thì sau khi xử lý xong các khoản nợ được đảm bảo bằng các tài sản tương ứng, thì phần còn lại (nếu có) cần phối hợp với Bộ Công an. Mục đích để xác định tài sản nào thuộc quyền sở hữu của bị cáo Lan, thì dùng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn trong vụ án.
Tòa giao cho SCB phối hợp cơ quan thi hành án dân sự để tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.120 mã tài sản đang bị thế chấp. ẢNH: NHẬT THỊNH
Nhiều bị cáo được giảm án trong vụ Trương Mỹ Lan
Tội nhận hối lộ
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) bị tòa bác kháng cáo, y án tù chung thân.
Tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng
Bị cáo Bùi Anh Dũng (72 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB) bị phạt y án tù chung thân.
Bị cáo Tạ Chiêu Trung (45 tuổi, cựu thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) bị phạt 18 năm tù (sơ thẩm 20 năm tù).
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, cựu Tổng giám đốc SCB) bị phạt y án tù chung thân.
Tội tham ô tài sản
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (37 tuổi, cựu quyền Tổng giám đốc SCB) bị phạt 17 năm tù (sơ thẩm 18 năm).
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (38 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc SCB) bị phạt 15 năm tù (sơ thẩm 16 năm).
Bị cáo Hồ Bửu Phương (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị phạt 16 năm tù (sơ thẩm 20 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Phương Anh (41 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) bị phạt 15 năm tù (sơ thẩm 17 năm tù).
Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (54 tuổi, Trưởng văn phòng HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị phạt 13 năm tù (sơ thẩm 15 năm tù).
Bị cáo Trương Huệ Vân (38 tuổi, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan) bị phạt 13 năm tù (sơ thẩm 17 năm tù).
Bị cáo Dương Tấn Trước (41 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) bị phạt 6 năm tù (sơ thẩm 11 năm tù).
Tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng
Bị cáo Trần Thuận Hòa (48 tuổi, cựu thành viên HĐQT SCB) bị phạt 2 năm tù (sơ thẩm 4 năm tù).
Bị cáo Lê Khánh Hiền (50 tuổi, cựu Tổng giám đốc SCB) bị phạt 3 năm tù (sơ thẩm 5 năm tù).
Bị cáo Phạm Văn Phi (49 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc SCB) bị phạt 6 năm tù (sơ thẩm 8 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (58 tuổi, cựu Phó chủ tịch HĐQT SCB) bị phạt 11 năm tù (sơ thẩm 13 năm tù).
Bị cáo Diệp Bảo Châu (cựu Phó tổng giám đốc SCB) bị phạt 8 năm tù (sơ thẩm 10 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Cửu Tính (39 tuổi, Phó tổng giám đốc SCB) bị phạt 10 năm tù (sơ thẩm 11 năm tù).
Bị cáo Đỗ Phú Huy (43 tuổi, cựu Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và đầu tư SCB) bị phạt 13 năm (sơ thẩm 14 năm tù).
Bị cáo Khổng Minh Thế (45 tuổi, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) bị phạt 5 năm tù (sơ thẩm 6 năm tù).
Bị cáo Mai Hồng Chín (37 tuổi, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định thuộc Khối tái thẩm định SCB) bị phạt 8 năm tù (sơ thẩm 10 năm tù).
Bị cáo Mai Văn Sáu Nhở (41 tuổi, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) bị phạt 11 năm tù (sơ thẩm 12 năm tù).
Bị cáo Lương Thị Hồng Quế (43 tuổi, Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng khách hàng doanh nghiệp SCB) bị phạt 1 năm 6 tháng tù (sơ thẩm 3 năm tù).
Bị cáo Lê Anh Phương (39 tuổi, cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn) bị phạt 5 năm tù (sơ thẩm 7 năm).
Bị cáo Phan Tấn Khôi (46 tuổi, cựu Giám đốc SCB chi nhánh Đông Sài Gòn) bị phạt 6 năm tù (sơ thẩm 7 năm tù).
Bị cáo Hồ Bảo Ngọc (44 tuổi, cựu Giám đốc SCB chi nhánh Phạm Ngọc Thạch) bị phạt 5 năm tù (sơ thẩm 6 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Anh Thép (38 tuổi, cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn) bị phạt 5 năm tù (sơ thẩm 6 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tú (38 tuổi, Phó giám đốc SCB chi nhánh Cống Quỳnh kiêm Giám đốc Hub cho vay bất động sản TP.HCM) bị phạt 3 năm tù (sơ thẩm 4 năm tù).
Bị cáo Phạm Thế Quảng (35 tuổi, cựu Phó giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành) bị phạt 1 năm 6 tháng (sơ thẩm 2 năm tù).
Bị cáo Lê Văn Chánh (45 tuổi, cựu Giám đốc Phòng Định giá và quản lý tài sản SCB) bị phạt 2 năm tù (sơ thẩm 5 năm tù).
Bị cáo Trần Thị Kim Chi (34 tuổi, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land) bị phạt 3 năm tù (sơ thẩm 4 năm tù).
Bị cáo Đặng Quang Nguyên (37 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Lavifood) bị phạt y án 3 năm tù.
Bị cáo Bùi Đức Khoa (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Natural Land) bị phạt 9 năm tù (sơ thẩm 11 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Thị Khánh Vân (44 tuổi, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land) bị phạt 3 năm tù (sơ thẩm 4 năm tù).
Bị cáo Chu Lập Cơ (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, là chồng của Trương Mỹ Lan) bị phạt 7 năm tù (sơ thẩm 9 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (42 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP dầu khí Đông Phương) bị phạt y án 5 năm tù.
Bị cáo Đào Chí Kiên (36 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty CP dầu khí Đông Phương) bị phạt y án 3 năm tù.
Bị cáo Hồ Bình Minh (40 tuổi, cựu Phó giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá MHD) bị phạt 5 năm tù (sơ thẩm 6 năm tù).
Bị cáo Trần Văn Nhị (49 tuổi, cựu Phó giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC, chi nhánh TP.HCM) bị phạt 2 năm tù (sơ thẩm 3 năm tù).
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Bị cáo Nguyễn Thị Phụng (51 tuổi, cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngânhàng II) bị phạt 3 năm tù (sơ thẩm 4 năm tù).
Bị cáo Lê Thanh Hà (60 tuổi, cựu Phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước) bị phạt 2 năm tù (sơ thẩm 3 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (35 tuổi, cựu công chức Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (Vụ I), Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị phạt 2 năm tù (sơ thẩm 3 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Duy Phương (42 tuổi, cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II, Thanh tra Chính phủ) bị 1 năm 9 tháng tù (sơ thẩm 2 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Văn Dũng (62 tuổi, cựu Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) bị phạt 8 năm tù (sơ thẩm 11 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan (58 tuổi, cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (sơ thẩm 4 năm tù).
Bị cáo Võ Văn Thuần (62 tuổi, cựu Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) bị phạt 6 năm tù (sơ thẩm 7 năm tù).
Bị cáo Phan Tấn Trung (53 tuổi, cựu Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) bị phạt 6 năm tù (sơ thẩm 7 năm tù).
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (55 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Capella) bị phạt 6 năm tù (sơ thẩm 8 năm tù).
Tòa đang xem xét vụ bị cáo Trương Mỹ Lan xin giảm án tử hình
Sau gần 1 tháng xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ ra phán quyết đối với bị cáo Trương Mỹ Lan xin giảm án tử hình.
Theo kế hoạch, sáng nay 3.12, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm, xin giảm nhẹ hình phạt do đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), tại giai đoạn 1.
Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về mức án tử hình đối với 3 tội danh: tội tham ô tài sản (tử hình), tội đưa hối lộ (20 năm tù), tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (20 năm tù).
Trước đó, trong phần tranh luận, theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan mà đã nộp được 3/4 tài sản, tức nộp 280.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn thi hành án.
Bị cáo Lan tự nguyện dùng nhiều tài sản để khắc phục, cho thấy bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả. "Tuy nhiên, số tiền tham ô là quá lớn, chưa từng có trong lịch sử. Hậu quả để lại không biết đến khi nào mới khắc phục, ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội, nền kinh tế, thị trường tài chính, bất động sản...", đại diện Viện kiểm sát nêu.
Từ đó, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan y án tử hình về tội tham ô tài sản và 20 năm tù tội đưa hối lộ.
Viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lan, giảm cho bị cáo từ 20 năm tù xuống còn từ 16 - 18 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hình phạt chung mà bị cáo Lan bị đề nghị là án tử hình cho cả 3 tội danh. Bị cáo còn bị đề nghị bồi thường cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) người nhận hối lộ của bị cáo Trương Mỹ Lan tới 5,2 triệu USD để bao che sai phạm tại SCB, xin giảm án tù chung thân.
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội cả ở 2 giai đoạn của vụ án
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 4 của TAND TP.HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, trong 10 năm (từ 2011 - 2022), bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Khi SCB bị thanh tra, bị cáo Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời, bị cáo Lan chỉ đạo Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD hối lộ cho Nhàn.
Ngoài vụ án trên, hôm 17.10, ở giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan còn bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân về 3 tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); tội rửa tiền (12 năm tù); tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù). Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.800 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Viện kiểm sát không đồng ý chỉ SCB xử lý dự án 6A của Trương Mỹ Lan Để xử lý dự án 6A ở Bình Chánh của bị cáo Trương Mỹ Lan được hiệu quả, Viện kiểm sát đề nghị tòa phải cân nhắc giao cho nhiều cơ quan cùng tham gia tổ chức xử lý tài sản. Ngày 25.11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đối đáp lại phần tranh luận mà luật sư bị cáo Trương Mỹ Lan...