Toàn cảnh năng lực quân sự của Iran trước nguy cơ đối đầu với Israel
Nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Israel đã thu hút sự chú ý đến các lực lượng vũ trang của Iran.
Họ có những năng lực gì?
Lãnh tụ Iran, Ayatollah Ali Khamenei (rìa trái) dự một buổi lễ tốt nghiệp sĩ quan ở Tehran vào tháng 10/2019. Ảnh: EPA
Sau khi vụ không kích được cho là của Israel nhằm vào tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria, Tehran đã phản ứng bằng lời đe dọa trả thù cho các tướng lĩnh và quân nhân thiệt mạng.
Giới chức Mỹ và Israel đánh giá rằng phản ứng của Iran có thể sẽ được tiến hành từ lãnh thổ của nước này.
Đó cũng là những gì người Iran đã làm sau khi cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh ám sát Tướng Qassim Suleimani của Iran vào năm 2020. Tehran đã bắn tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và làm bị thương hơn 100 lính Mỹ.
Các quan chức Israel tuyên bố họ sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran bằng một đòn phản công, điều này có thể khiến Iran trả đũa nhiều hơn và có thể khiến đối đầu trở thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Thậm chí có khả năng một cuộc xung đột kiểu đó sẽ kéo theo sự can dự của Mỹ, mặc dù Washington đã nói rõ rằng họ không liên quan gì đến vụ tấn công Damascus.
Lực lượng vũ trang hùng mạnh của Iran
Theo đánh giá hàng năm vào năm ngoái của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), lực lượng vũ trang Iran nằm trong số những lực lượng lớn nhất ở Trung Đông, với ít nhất 580.000 quân nhân đang tại ngũ và khoảng 200.000 quân nhân dự bị đã qua đào tạo, thuộc quân đội truyền thống và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Một cuộc duyệt binh ở Tehran năm 2023. Ảnh: New York Times
Cả quân đội và Vệ binh Cách mạng đều có các lực lượng lục quân, không quân và hải quân riêng biệt và đang hoạt động, trong đó IRGC chịu trách nhiệm về an ninh biên giới của Iran. Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang điều phối các quân chủng và đề ra chiến lược tổng thể.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng còn điều hành Quds Force, một đơn vị tinh nhuệ phụ trách trang bị vũ khí, huấn luyện, hỗ trợ mạng lưới các nhóm vũ trang ủy quyền trên khắp Trung Đông được gọi là “trục kháng cự”. Các lực lượng dân quân này bao gồm Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria và Iraq, nhóm Hamas và Islamic Jihad ở Gaza.
Video đang HOT
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran là lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người đưa ra tiếng nói cuối cùng đối với mọi quyết định lớn.
Mặc dù các lực lượng dân quân ủy quyền không được tính là một phần của lực lượng vũ trang Iran, nhưng các nhà phân tích nói rằng họ được coi là một lực lượng đồng minh trong khu vực – sẵn sàng chiến đấu, được trang bị vũ khí mạnh mẽ và trung thành về mặt tư tưởng – và có thể hỗ trợ Iran nếu bị tấn công.
Ông Fabian Hinz, chuyên gia về quân đội Iran tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin, cho biết: “Mức độ hỗ trợ và các loại hệ thống mà Iran cung cấp cho các tổ chức phi nhà nước thực sự chưa từng có về máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Chúng có thể được coi là một phần trong khả năng quân sự của Iran, đặc biệt là Hezbollah, nhóm có mối quan hệ chiến lược thân thiết nhất với Iran”.
Iran có những loại vũ khí nào?
Trong nhiều thập kỷ, chiến lược quân sự của Iran tập trung vào răn đe, ưu tiên phát triển tên lửa tầm xa và chính xác, máy bay không người lái và hệ thống phòng không. Họ đã xây dựng một đội xuồng cao tốc lớn và một số tàu ngầm nhỏ có khả năng làm gián đoạn giao thông vận tải và nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đi qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz.
Ông Hinz cho biết Iran sở hữu một trong những kho vũ khí tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái lớn nhất ở Trung Đông. Số này bao gồm tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm, cũng như tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.000 km. Chúng có năng lực và tầm bắn để tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Trung Đông, bao gồm cả Israel.
Tầm bắn các loại tên lửa của Iran. Ảnh: Guardian
Trong những năm gần đây, Tehran đã tập hợp một lượng lớn máy bay không người lái với tầm hoạt động khoảng 1.900-2.300km và có khả năng bay thấp để tránh radar. Iran không giấu giếm việc nỗ lực tăng cường quân sự, công khai kho máy bay không người lái và tên lửa trong các cuộc duyệt binh, đồng thời có tham vọng xây dựng một ngành kinh doanh xuất khẩu lớn về máy bay không người lái.
Các chuyên gia cho biết, các căn cứ và kho chứa vũ khí của Iran nằm rải rác, chôn sâu dưới lòng đất và được tăng cường phòng không, khiến chúng khó bị tiêu diệt bằng các cuộc không kích.
Iran lấy vũ khí ở đâu?
Các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến Iran không được tiếp cận với vũ khí công nghệ cao và thiết bị quân sự được sản xuất ở nước ngoài, như xe tăng và máy bay chiến đấu.
Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran với Iraq vào những năm 1980, rất ít quốc gia sẵn sàng bán vũ khí cho Iran. Khi ông Ayatollah Khamenei trở thành lãnh đạo tối cao của Iran vào năm 1989, một năm sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã ủy quyền cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng phát triển ngành công nghiệp vũ khí nội địa và đổ nguồn lực vào nỗ lực này. Điều này đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Iran. Ông Khamenei muốn đảm bảo rằng Iran sẽ không bao giờ phải phụ thuộc vào các cường quốc nước ngoài cho nhu cầu phòng thủ của mình nữa.
Các chuyên gia cho biết ngày nay, Iran tự sản xuất một lượng lớn tên lửa và máy bay không người lái trong nước và ưu tiên sản xuất quốc phòng. Những nỗ lực sản xuất xe bọc thép và tàu hải quân lớn của nước này đã đạt được nhiều kết quả khác nhau. Iran cũng nhập khẩu các tàu ngầm nhỏ đồng thời mở rộng và hiện đại hóa hạm đội sản xuất trong nước.
Các mô hình máy bay không người lái tại triển lãm công nghiệp quốc phòng Iran ở Tehran năm ngoái. Ảnh: Getty Images
Điểm yếu của quân đội Iran
Theo giới chuyên gia, quân đội Iran được đánh giá là một trong những quân đội mạnh nhất khu vực về trang bị, sự gắn kết, kinh nghiệm và chất lượng nhân sự nhưng lại thua xa sức mạnh và sự tinh nhuệ so với lực lượng vũ trang Mỹ, Israel và một số nước châu Âu.
Điểm yếu lớn nhất của Iran là lực lượng không quân. Phần lớn máy bay của nước này có niên đại từ thời Shah Mohammed Reza Pahlavi, người lãnh đạo Iran từ năm 1941 đến 1979, và nhiều chiếc đã không thể hoạt động vì thiếu phụ tùng thay thế. Các chuyên gia cho biết nước này cũng đã mua một đội tàu nhỏ từ Nga vào những năm 1990.
Bên cạnh đó, chuyên gia phương Tây đánh giá, xe tăng và xe bọc thép của Iran đã cũ và nước này chỉ có một số ít tàu hải quân lớn.
Các cuộc tấn công có làm gián đoạn hoạt động của quân đội Iran?
Các vụ tấn công và ám sát được cho là do Israel tiến hành chỉ có tác động ngắn hạn đến các hoạt động trong khu vực của Iran, khi loại bỏ các chỉ huy có nhiều năm kinh nghiệm và có mối quan hệ với những người đứng đầu lực lượng dân quân đồng minh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, chuỗi chỉ huy của các lực lượng vũ trang bên trong Iran vẫn còn nguyên vẹn và đó sẽ là những người chỉ đạo các cuộc tấn công tiềm tàng vào Israel hoặc các mục tiêu khác và bảo vệ lãnh thổ Iran nếu chiến tranh nổ ra.
Lý do tên lửa Iran có thể bắn trúng mục tiêu ở Israel dù bị gây nhiễu GPS
Những nỗ lực của Israel nhằm gây nhiễu GPS là vô ích, vì không có tên lửa nào do Iran chế tạo trong thập kỷ qua sử dụng hệ thống định vị quốc tế.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) phóng tên lửa trong một cuộc tập trận quân sự ở miền trung Iran vào tháng 1/2021. Ảnh: Sputnik International
Theo đài Sputnik (Nga), quân đội Israel đã tăng cường làm nhiễu tín hiệu GPS trên khắp đất nước như một động thái chuẩn bị cho sự trả đũa tiềm tàng từ Iran, hoặc các lực lượng dân quân dòng Shiite sau vụ tấn công tòa nhà lãnh sự trong đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus, Syria, khiến một số tướng lĩnh cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng.
Về phần mình, người Iran báo hiệu rằng những nỗ lực của Israel nhằm gây nhiễu GPS là vô ích, vì không có tên lửa nào do nước Cộng hòa Hồi giáo này chế tạo trong thập kỷ qua sử dụng hệ thống định vị quốc tế. Hãng tin Fars dẫn một nguồn tin trong IRGC cho biết, không có tên lửa nào được chế tạo ở Iran trong 12 năm qua sử dụng hệ thống định vị quốc tế, bao gồm Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS).
Ông Konstantin Sivkov, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, đồng thời là tiến sĩ khoa học quân sự, cho biết tuyên bố của Iran hoàn toàn không phải là cường điệu. Ông nhấn mạnh đến thực tế là tên lửa Tomahawk đầu tiên do Mỹ sản xuất đã thực hiện các cuộc tấn công chính xác trước khi Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) đi vào hoạt động.
Chuyên gia Sivkov nói với Sputnik: "Có một hệ thống [định vị] được người Mỹ gọi là 'Tercom' [khớp đường viền địa hình]. Nó hoạt động như thế nào? Tên lửa bay bằng cách sử dụng hệ thống điều khiển. Khi đến gần một địa điểm điều chỉnh nhất định, tên lửa này sẽ bật máy đo độ cao vô tuyến (RALT). Nó đi sát địa hình bằng máy đo độ cao vô tuyến, cho phép nó chụp ảnh địa hình ở một độ cao nhất định, sau đó hệ thống điều khiển trên Tomahawk sẽ đối chiếu địa hình mà nó chụp được với địa hình cài đặt trong tên lửa này và xác định vị trí mục tiêu của tên lửa với độ chính xác đến vài mét".
Ông Sivkov giải thích thêm: "Sau đó, tên lửa cơ động hướng tới mục tiêu đã chỉ định và bay xa hơn đến địa điểm điều chỉnh tiếp theo. Có khoảng hai hoặc ba địa điểm điều chỉnh như vậy, nên đảm bảo tên lửa này phải di chuyển với độ chính xác rất cao vào khu vực mục tiêu. Trong khu vực mục tiêu, tên lửa bay lên một chút và sau đó, với sự trợ giúp của trạm radar hoặc sự hỗ trợ của quang điện tử, nó sẽ chụp ảnh khu vực, sau đó nó so sánh với hình ảnh của khu vực được ghi sẵn, xác định đối tượng phải đánh với độ chính xác rất cao và tấn công vào nó. Độ chính xác của đòn đánh trong trường hợp này có xác suất sai số bán kính là 5-10 mét."
Binh sĩ Iran đứng canh gác bên cạnh tên lửa Kheibar (phải) và tên lửa Shahab-3 (trái) trong cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày al-Quds (Ngày Jerusalem) ở thủ đô Tehran, ngày 29/4/2022. Ảnh: Sputnik International
Chuyên gia Sivkov cho biết thêm, khi GPS bắt đầu hoạt động vào những năm 1990, quân đội Mỹ đã sử dụng nó để điều chỉnh quỹ đạo của tên lửa trong trường hợp có những thay đổi khẩn cấp về nhiệm vụ, mục tiêu và vị trí. Theo chuyên gia này, GPS cho phép bộ điều khiển thực hiện các điều chỉnh đối với nhiệm vụ của tên lửa, trong khi hệ thống Tercom sử dụng dữ liệu được tải lên ban đầu.
"Tuy nhiên, hệ thống Tercom vẫn tồn tại và Iran sử dụng nó. Chúng tôi cũng sử dụng hệ thống như vậy. Điều này khá khả thi. Và người Mỹ có tên lửa như vậy. Ví dụ, Tomahawk có cả hai hệ thống điều khiển chuyến bay - GPS và Tercom", ông Sivkov giải thích .
Theo chuyên gia này, tên lửa do Iran sản xuất sử dụng Tercom có thể dễ dàng bắn trúng mục tiêu. "Độ chính xác của tên lửa Iran phóng để đáp trả vụ ám sát tướng Qassem Soleimani là 10-15 mét xét về xác suất sai số vòng tròn. Đây là kết quả tuyệt vời đối với tên lửa đạn đạo tầm trung. Kết quả này tương đương với Iskander của chúng tôi" - ông Sivkov nói, đề cập đến Chiến dịch Soleimani tử vì đạo của Tehran vào ngày 8/1/2020.
Khi đó, trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani, quân đội Iran đã bắn khoảng 12 tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân al-Asad ở tỉnh Al Anbar, phía Tây Iraq, cũng như một căn cứ không quân khác ở Erbil, nơi có quân nhân Mỹ làm việc. Theo báo chí Mỹ, không có lính Mỹ nào thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Trước đó, Tướng Soleimani, Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của IRGC, bị ám sát trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ khi ông đang di chuyển từ sân bay quốc tế Baghdad vào ngày 3/1/2020.
Cuộc tấn công đáp trả của Iran phần lớn mang tính biểu tượng, với việc Ngoại trưởng Iran lúc đó là Mohammed Javad Zarif nói rằng Tehran không "tìm cách leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ hành động gây hấn nào".
Gần đây, hôm 1/4, một cuộc không kích vào tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở Damascus đã khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có Tướng Mohammad Reza Zahedi, một chỉ huy của Lực lượng Quds, và cấp phó của ông, Tướng Mohammad Hadi Hajriahimi và 5 sĩ quan khác.
Mặc dù Israel không chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng đây được xem là một trong những hoạt động "chiến tranh bóng tối" của Tel Aviv. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố vào ngày 3/4 rằng cuộc tấn công "sẽ không thể không có đòn đáp trả".
Chuyên gia nhận định về thời điểm và hình thức Iran ra đòn trả đũa Israel Tuy không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel, nhưng sau khi toà nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán ở Syria bị tấn công, Iran có thể sẽ ra đòn trả đũa Israel như nhiều quan chức nước này đã tuyên bố. Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên đại...