Tỏa sáng những điển hình làm theo lời Bác
(HNM) – Kỷ niệm 67 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2015), ngành GD-ĐT Thủ đô đã tuyên dương 1.200 đại biểu là các điển hình tiên tiến đại diện cho các tập thể, giáo viên, HS trong phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015.
Theo đánh giá của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, 5 năm qua, giáo dục Thủ đô tiếp tục có bước chuyển mạnh cả về quy mô và chất lượng, xứng đáng vị thế “đầu tàu” của cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo những năm tiếp theo.
Thời gian qua, ngành giáo dục Thủ đô đã tổ chức nhiều phong trào thi đua tạo động lực cho giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Bá Hoạt
Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, ngành GD-ĐT Thủ đô đã phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi ở mọi lĩnh vực hoạt động, tạo động lực cho thầy và trò chung sức gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần làm nên bề dày thành tích cho sự nghiệp giáo dục chung của cả nước. Việc tổ chức tuyên dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến đã trở thành truyền thống của ngành GD-ĐT Thủ đô nhằm động viên những nỗ lực của thầy và trò toàn ngành trong suốt một năm học đồng thời tạo sức lan tỏa về khí thế thi đua ra toàn ngành.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, 1.200 giáo viên, HS có mặt tại buổi lễ tuyên dương, khen thưởng năm 2015 là những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa thi đua yêu nước của ngành GD-ĐT Thủ đô dâng lên Bác Hồ kính yêu đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người. Từ năm 2010 đến 2015 là giai đoạn giáo dục Thủ đô tiếp tục ổn định và có nhiều chuyển biến mạnh về mọi mặt: Toàn thành phố có 2.574 trường học và cơ sở giáo dục; hơn 45 nghìn nhóm, lớp với hơn 1,6 triệu HS các cấp học. Việc đa dạng hóa các loại hình trường, lớp các cấp học trong 5 năm qua ở Thủ đô đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.
Đây cũng là giai đoạn toàn ngành tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, ngành học. Chất lượng dạy và học vì thế từng bước được nâng lên. Năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp ở các độ tuổi đều tăng so với năm học 2010-2011, trong đó có gần 30% trẻ nhà trẻ và 97% trẻ mẫu giáo, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 1,7% đến gần 5%, tùy theo độ tuổi. 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, số HS 6 tuổi vào học lớp 1 hằng năm đạt 100%. Cấp trung học 5 năm qua tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng và giữ trong mức ổn định với tỷ lệ trung bình là 97,29%. Kết quả HS thi vào ĐH luôn trên mức điểm sàn của cả nước từ 1 đến 1,5 điểm. Số lượng thủ khoa hằng năm ngày một tăng và không chỉ tập trung ở nội thành, mà còn có sự góp mặt của nhiều trường vùng xa như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì… Tại kỳ thi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa và khoa học những năm qua, HS Hà Nội tiếp tục ghi dấu ấn, tự tin khẳng định vị thế, đem lại niềm vinh dự, tự hào cho Thủ đô và cả nước. Ngành học giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp cũng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, góp phần triển khai hiệu quả đề án xây dựng xã hội học tập, đồng thời tăng cường rèn kỹ năng thực hành, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Không chỉ học giỏi, chăm ngoan, HS Thủ đô còn là những tấm gương giàu lòng nhân ái, biết sẻ chia với bạn bè trong lúc khó khăn, tích cực tham gia hoạt động xã hội, rèn luyện thể chất, âm nhạc, mỹ thuật…
Đây là minh chứng cụ thể, rõ nét cho những nỗ lực của cả thầy và trò toàn ngành trong suốt 5 năm qua với một mục tiêu chung là nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nên những chủ nhân tương lai xây dựng đất nước phát triển. Với những kết quả tiêu biểu ấy, hàng trăm đơn vị, cá nhân của ngành GD-ĐT đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó ngành GD-ĐT Hà Nội hai lần được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
40 HS tiêu biểu ngành GD-ĐT Hà Nội năm học 2014-2015
- Cấp tiểu học: Nguyễn Cao Hưng (Kim Đồng, Ba Đình); Nguyễn Hiệp Giang (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm); Lê Phương Thùy (Thị trấn A, Đông Anh); Nguyễn Tùng Lâm (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm); Nguyễn Công Trung Hiếu (Song Phương, Hoài Đức); Lê Hải Anh (Gia Thụy, Long Biên); Hoàng Lê Trà My (Thanh Lâm, Mê Linh); Đinh Công Thịnh (Đồng Tâm, Mỹ Đức); Nguyễn Đình Hải Đăng (Trung Văn, Nam Từ Liêm); Đinh Thị Lan Anh (Phù Lỗ A, Sóc Sơn); Lương Thành Chương (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân); Nguyễn Đình Duy Anh (Tản Hồng, Ba Vì); Nguyễn Ngọc Anh (Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm); Quách Hoàng Nhi (Nam Thành Công, Đống Đa); Nguyễn Thị Hương Giang (thị trấn Phùng, Đan Phượng).
- Cấp THCS: Nguyễn Mạnh Thảo (Hoàng Diệu, Chương Mỹ); Chu Thị Quỳnh (Nghĩa Hương, Quốc Oai); Nguyễn Nam Anh (Lê Quý Đôn, Cầu Giấy), Nguyễn Thị Phương (Xuân Khanh, Sơn Tây); Đỗ Thùy Dương (Hoàng Liệt, Hoàng Mai); Nguyễn Khả Nhật Long (Thạch Thất, Thạch Thất); Lê Thành Công (Lê Lợi, Hà Đông); Nguyễn Khánh Duy (Phú Túc, Phú Xuyên); Khuất Thị Ngọc Ánh (Phúc Hòa, Phúc Thọ); Trần Minh Châu (Chu Văn An, Tây Hồ); Nguyễn Minh Thành (Nguyễn Trực, thị trấn Kim Bài, Thanh Oai); Nguyễn Gia Khiêm (Thường Tín, Thường Tín); Nguyễn Văn Cao (Nguyễn Thượng Hiền, Ứng Hòa); Nguyễn Kim Ngân (Lương Yên, Hai Bà Trưng); Nguyễn Linh Ngọc (Ngũ Hiệp, Thanh Trì).
- Cấp THPT: Lê Minh (Hà Nội – Amsterdam), Nguyễn Hoàng Sơn (Trần Nhân Tông); Nguyễn Thu Hương (Lưu Hoàng); Lâm Thị Ngọc Dung (Nguyễn Văn Cừ); Đỗ Thị Liên (Hai Bà Trưng – Thạch Thất); Nguyễn Sơn Hoành (Cầu Giấy); Nguyễn Văn Hoài Nam (Ba Vì); Phạm Hồng Ngọc (Nhân Chính).
Theo HNM