Toà án tối cao đang làm rõ “cú điện thoại can thiệp án” ở Hà Tĩnh
Trao đổi với PV Dân trí, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, cơ quan này đang làm rõ vụ việc lãnh đạo TAND tỉnh Hà Tĩnh “gọi điện” can thiệp quá trình xử án xảy ra tại TAND Thị xã Hồng Lĩnh đang gây bức xúc dư luận.
TAND Tối cao đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Thắng – Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, giải trình những nội dung trả lời trên báo chí (Ảnh: Pháp luật TPHCM).
“Ngay sau khi báo chí phản ánh về vụ việc, TAND Tối cao đã thành lập một đoàn công tác vào Hà Tĩnh để làm rõ sự việc. Chúng tôi đang chờ đoàn công tác về báo cáo xem tình hình như thế nào. Báo chí đã phản ánh như thế thì phải làm triệt để vì không khéo sẽ gây dư luận, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tòa án, đặc biệt ở đây là liên quan đến nguyên tắc độc lập của hội đồng xét xử, liên quan đến quy định thực hiện pháp luật như thế nào”- ông Nguyễn Sơn nói với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 24/10.
Theo ông Nguyễn Sơn, câu chuyện xảy ra ở Hà Tĩnh vừa qua liên quan đến một trong những nội dung đã được TAND Tối cao đề cập, chú ý đến khi xây dựng Luật Tổ chức TAND.
“Chúng tôi đã cố gắng xây dựng tòa án sơ thẩm đặt tại tòa án cấp huyện, tòa án cấp tỉnh, tòa cấp cao và TAND tối cao để độc lập trong xét xử. Hiện nay, ngành cũng đang xây dựng quy chế nghiêm cấm trong một tòa án, lãnh đạo tác động đến hoạt động xét xử; không đề cập đến vấn đề quản lý lãnh đạo liên quan đến nội dung vụ án, mà chỉ quy định về thời hạn, chấp hành pháp luật của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án” – ông Sơn nói.
“Trả lời báo chí, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, ông này đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TAND thị xã Hồng Lĩnh nhờ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để kết án “vừa có lý vừa có tình”. TAND Tối cao đã yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh giải trình việc này?”- PV Dân trí đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Sơn đáp: “Tất cả thông tin báo chí nêu chúng tôi đều yêu cầu phải làm rõ, có hay không có, cụ thể thế nào. Hiện tại chúng tôi đang yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh giải trình nội dung mà báo chí đã nêu, trả lời báo chí là có hay không những việc như phản ánh để xem xét bản chất sự việc như thế nào”.
Ông Sơn nhận định, sự việc này ảnh hưởng cả đến hệ thống tòa án, sẽ phải xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Video đang HOT
Trước đó, một số tờ báo phản ánh việc VKSND Thị xã Hồng Lĩnh kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án đánh bạc do TAND Thị xã Hồng Lĩnh xử ngày 12/8/2015 (tuyên cho bị cáo có tiền sự được hưởng án treo). Dự kiến ngày 2/11 tới đây, TAND tỉnh Hà Tĩnh sẽ xử phúc thẩm vụ án này.
Trước thắc mắc về việc tại sao lại xử án treo thay vì án tù giam, ông Lương Sỹ Nam – Thẩm phán TAND Thị xã Hồng Lĩnh (chủ tọa phiên tòa) nói: “Các anh đọc bản án thì thấy nếu không có chỉ đạo thì không ai làm việc này cả”. Còn ông Bùi Xuân Cần – Chánh án TAND Thị xã Hồng Lĩnh, nói thêm: “Vụ án này quá rõ ràng rồi, phải xử tù giam nhưng trong tỉnh có điện thoại ra nên tôi trao đổi với thẩm phán tinh thần đó”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng – Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, trần tình: “Không có tiền bạc, không có chạy án đâu, bản án phúc thẩm vào ngày 2/11 sắp tới sẽ trả lời tất cả”. Ông Thắng cũng thừa nhận trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TAND Thị xã Hồng Lĩnh nhờ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để kết án “vừa có lý vừa có tình”.
Ông Thắng phân trần thêm: “Trong việc này không có chuyện tư lợi, tư túi, không có chuyện lồng việc cá nhân vào đây. Tôi nói thẳng ra là không có chạy án, không vòi vĩnh, không có tiền bạc. Sau khi có kháng nghị, tôi đã lên lịch xét xử phiên phúc thẩm vào ngày 2/11 và đã gửi giấy triệu tập rồi. Về mặt nguyên tắc, vụ án này chưa có hồi kết, án chưa có hiệu lực pháp luật”.
Thế Kha
Theo Dantri
Đêm tự do đầu tiên của "người tù hai thế kỷ" Huỳnh Văn Nén
Rời trại giam vào chiều 22/10 sau 18 năm ngồi tù, ông Huỳnh Văn Nén đã có một đêm trắng để tận hưởng những phút tự do đầu tiên bên người thân.
Một thế giới khác
Theo hồ sơ vụ án, ông Huỳnh Văn Nén (ngụ xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) bị bắt ngày 17/5/1998 vì tình nghi giết bà Lê Thị Bông (ngụ cùng xã) để cướp tài sản. Đến ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt ông mức án tù chung thân về tội "giết người".
Ngày 12/11/2014, TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, hủy phần tội danh và hình phạt của bản án sơ thẩm ngày 31/8/2000, trả hồ sơ về điều tra lại. Sau đó, Công an Bình thuận đã tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra lại, nhiều lần ra lệnh tạm giam đối với ông Nén để điều tra.
Đêm đầu tiên đoàn tụ với gia đình của ông Huỳnh Văn Nén
Theo các luật sư tham gia bào chữa cho ông Nén, trong thời gian điều tra lại 10 tháng qua, cơ quan điều tra không tìm được bằng chứng nào kết tội, ông Nén vẫn kêu oan nên đến ngày 22/10 đã được cho tại ngoại. Như vậy, tính đến ngày 22/10, ông đã ngồi tù hơn 17 năm 5 tháng.
Rời trại tạm giam của Công an tỉnh Bình Thuận từ 17h30 ngày 22/10, đến gần 23h đêm ông Nén mới về tới nhà. Đến tận 1 - 2 giờ sáng 23/10, nhà ông Nén vẫn sáng đèn để tiếp khách khứa, người thân đến chia vui. Nhìn quê hương bản quán, hàng xóm láng giềng mà ông lạ lẫm vô cùng.
Ông tâm sự: "18 năm, ngày tôi mới bị bắt và đi trại, đường về nhà chủ yếu là đường đất, giờ đường được trải nhựa hết rồi. Nhà cửa, khung cảnh cũng khác, nên tôi không thể nhận ra. Có khi, giờ mà đi ra đường tôi còn bị lạc!".
Đường từ trại tạm giam thuộc Công an tỉnh Bình Thuận tại Phan Thiết về nhà ông ở xã Tân Minh chỉ hơn 60km, nhưng đấy là con đường nhớ nhớ quên quên đối với ông. Ông nói: "Đi trên đường quốc lộ thì có chỗ tôi còn nhớ, nhưng khi xe bắt đầu rẽ vào đường thôn thì tôi không còn nhận ra".
18 năm, khoảng thời gian đủ dài để không chỉ cảnh vật mà con người cũng thay đổi. Quãng thời gian đằng đẵng sống trong trại cũng khiến "người tù hai thế kỷ" quên mất cả năm sinh của con mình. Ông nhìn 3 đứa con trai Thành Công, Thành Lượng và Thành Phát, chỉ từng đứa kể năm sinh, nhưng toàn... kể nhầm.
Ông Nén chỉ cậu út Huỳnh Thành Phát mà than: "Ngày tôi mới bị bắt, nó còn nhỏ xíu, giờ nó lớn hẳn rồi kìa". Cậu út cũng bùi ngùi chia sẻ, ngày ba cậu bị bắt, cậu chưa đủ nhận thức để biết chuyện gì đang xảy ra, vì năm đó mới 3 tuổi. Giờ thoắt cái 18 năm đã qua, ba cậu giờ khác, già hơn nhiều so với ký ức của cậu.
Vẫn chưa tin mình đang được tại ngoại
Ông Nén bộc bạch: "Cho đến tận chiều 22/10, tôi cũng chưa biết mình sẽ được tại ngoại. Khoảng 4h20 chiều (các phạm nhân thường đoán giờ thông qua tiếng kẻng của trại, chứ không có đồng hồ - PV), có một anh bạn tù kêu tôi thu dọn đồ đạc, quần áo. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ được chuyển trại vì điều này khá quen thuộc với tôi 18 năm nay, chứ cũng không hề nghĩ rằng mình được thả. Phải đến vài chục phút sau, khi được cán bộ báo là chuẩn bị được về nhà, tôi như ù tai vì không tin rằng mình sắp được tại ngoại!".
Đến bây giờ ông Nén vẫn không tin mình được tại ngoại
Những bước chân đầu tiên mà ông Huỳnh Văn Nén bước ra khỏi cánh cửa trại tạm giam là những bước chân lâng lâng, không tin vào cảm giác của chính mình. "Người tù hai thế kỷ" bước mấy bước ra khỏi cổng trại tạm giam mà như muốn quỵ gối vì không quen. Phải đến khi được ông Nguyễn Thận - nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, người giúp đỡ ông Nén kêu oan, đỡ tay, ông mới lấy lại được thăng bằng.
"Tôi không tin rằng khung cảnh và những gì đang diễn ra với mình lúc này là sự thật. Ở trong trại, tôi thèm ăn nhiều thứ lắm, nhưng đến lúc người nhà dắt vào nhà hàng, hỏi tôi thèm ăn gì thì tôi lại không nhớ nổi, rồi cũng chẳng buồn ăn, cũng không biết là mình muốn gì!" - ông Nén bần thần kể.
Khoảng 23h đêm 22/10, ông Nén mới về đến nhà tại thị trấn Tân Minh. Cho đến lúc đặt chân vào nhà, "người tù hai thế kỷ" vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng. Ngồi trong nhà, ông liên tục đốt thuốc và nhấp từng ngụm trà đậm đặc, bù cho những ngày tháng thèm thuốc đến khô cả cổ trong những ngày ở trong trại.
Cảm xúc của người đàn ông đã trải qua gần 1/3 đời người ở trong tù này cũng thay đổi liên tục. Có lúc ông trầm ngâm khá lâu, ánh mắt sâu lắng nhìn về nơi xa xăm. Có lúc ông lại cười mỉm, rồi bật thành tiếng một mình vì vẫn chưa tin những gì đang diễn ra.
Ông bảo: "18 năm vừa rồi, tôi coi như mình bỏ nhà đi bộ đội cho nhẹ lòng. Tôi chưa bao giờ thừa nhận mình phạm tội. Tôi kiên quyết đến mức những năm sau này, các cán bộ cũng không còn hỏi tôi về chuyện đã xảy ra nữa!"./.
Theo Trọng Vũ
Theo_VOV
Vụ án vườn điều: Ông Huỳnh Văn Nén được tạm tha Lúc 17h15 ngày 22/10, ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết án tù chung thân và đã bị giam 17 năm 5 tháng rưỡi do bị kết tội giết người, đã được gia đình đón ra khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận. Sáng 22/10, vợ chồng bà Huỳnh Thị Kim Ngân, chị ruột ông Huỳnh Văn Nén, làm đơn gửi...