Tổ trưởng, ban giám hiệu đã có phụ cấp chức vụ sao lại ưu tiên xếp hạng II?
Tổ trưởng, ban giám hiệu đã được hưởng phụ cấp chức vụ, giảm số tiết,… nên nếu ưu tiên cho họ trong việc chuyển xếp lương hạng II là bất hợp lý.
Sau bài viết “Tất cả giáo viên hạng II cũ sẽ sang hạng II mới không cần thời gian giữ hạng?” được đăng tải ngày 12/10 trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều quan tâm, bình luận và chia sẻ của thầy cô giáo đang đứng lớp.
Bài viết nhận được rất nhiều sự đồng tình của dư luận về việc bất cập của việc chuyển xếp lương từ hạng II cũ sang hạng II mới hầu như theo cảm tính, không căn cứ tiêu chuẩn, mỗi nơi cách hiểu khác nhau nên cách vận dụng và xếp lương mới cũng khác nhau.
Rất nhiều người cho rằng chỉ riêng việc cả hệ số lương 2,67- 3,99 cùng có thể chuyển qua hệ số lương 4,0 là vô cùng bất hợp lý, không nên xuất hiện trong một Thông tư bổ nhiệm, xếp lương ảnh hưởng đến cả triệu giáo viên.
Trong đó, một thêm vấn đề rất nhiều người quan tâm là việc một số địa phương, đơn vị khi thực hiện phương án lương mới thì chỉ xếp những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn từ hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) sang hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38).
Còn hầu hết tất cả các trường hợp khác thì dù có thành tích gì hoặc những người từng làm hiệu trưởng, tổ trưởng cũng không được sang hạng II mới mà phải chuyển xuống hạng III mới (cùng hệ số 2,34-4,98).
Đây cũng là một bức xúc chung của rất nhiều người không giữ chức vụ, có nhiều thành tích cống hiến nhưng lại chuyển xuống hạng III mới.
Một bạn đọc có tên N.T.K.G có địa chỉ mail gi….@gmail.com phản ánh bức xúc: “Tôi thấy cách xếp lương hạng II mới với tiêu chí giáo viên cốt cán của trường (những người đang giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng) là rất bất hợp lý.
Giáo viên cốt cán đã được hưởng phần trăm của phụ cấp chức vụ. Nếu hạng 2 mà đưa ra tiêu chí ấy thì rất thiệt thòi cho những giáo viên trước đây họ cũng từng làm tổ trưởng và họ đạt hết tất cả các tiêu chí của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT nhưng nay họ không làm tổ trường họ lại bị tụt hạng. Điều đó rất không công bằng và Thông tư này đã phủ nhận công lao phấn đấu của họ. Thông qua Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp lãnh đạo xem xét”.
Theo quan điểm của người viết thì đây không phải là bức xúc của riêng bạn đọc trên mà cũng là tâm tư, trăn trở của nhiều bạn đồng nghiệp đã từng làm cán bộ quản lý không chỉ ở ở tiểu học mà cả ở trung học cơ sở, trung học phổ thông. Họ đã đạt nhiều thành tích trong quá khứ nhưng trong đợt chuyển xếp lương mới họ lại không được quan tâm, phải bị xuống hạng III mới.
Ảnh minh họa: Nhandan.vn
Ưu tiên xếp lương hạng II cho giáo viên là tổ trưởng, ban giám hiệu là chưa đúng?
Giống như câu chuyện bạn N.T.K.G phản ánh, người viết cũng đọc được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà giáo trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội than phiền một số địa phương ưu tiên chỉ xếp hạng II cho tổ trưởng, tổ phó, hiệu trưởng, hiệu phó,… còn các giáo viên khác dù có thành tích gì thì cũng chuyển xuống hạng III mới là có diễn ra ở một số địa phương khi thực hiện phương án bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mới.
Tuy nhiên, theo hiểu biết của bản thân và những căn cứ pháp lý là Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT, Luật Viên chức 2010, Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức…, trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật người viết không thấy có bất kỳ nội dung nào có việc quy định ưu tiên cho những người là tổ trưởng, tổ phó, ban giám hiệu đương nhiệm.
Video đang HOT
Trong các Thông tư 02, 03 thì ở hạng II có các tiêu chuẩn về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn nay tuy cao hơn tiêu chuẩn của giáo viên hạng III nhưng trong tất cả các tiêu chí đều không có quy định nào quy định giáo viên đang giữ nhiệm vụ tổ trưởng hay ban giám hiệu thì được ưu tiên chuyển xếp hạng II mới.
Chỉ có một số tiêu chí thường gắn với nhiệm vụ tổ trưởng như: Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên; Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên; Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi,…
Tuy những tiêu chuẩn này thường gắn với tổ trưởng, ban giám hiệu nhưng vẫn có những giáo viên thực hiện hoặc những người từng làm cán bộ quản lý đã từng trải qua.
Do đó giáo viên vẫn có nhiều người đạt các tiêu chuẩn này không nhất thiết phải là đương nhiệm cán bộ quản lý.
Ở tất cả các tiêu chuẩn đều không có quy định về thời gian đạt các tiêu chuẩn, tức là nếu đã đạt cách đây 1 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn vẫn xem như là đạt các tiêu chuẩn.
Do đó, không có việc phân biệt những người đương nhiệm hiệu trưởng, tổ trưởng và những người từng làm hiệu trưởng, tổ trưởng trước đây.
Bên cạnh đó, ý kiến trình bày của bạn N.T.K.G cũng khá chính xác bởi lẽ cán bộ quản lý nhà trường đang thực hiện nhiệm vụ đã được giảm số tiết theo quy định (hiệu trưởng chỉ dạy 2 tiết/ tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/ tuần, tổ trưởng giảm 3 tiết/ tuần, tổ phó giảm 1 tiết/ tuần), họ còn được hưởng phụ cấp chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó (từ 0,25-0,55 tùy theo hạng trường), tổ trưởng 0,2, tổ phó 0,15 nên nếu ưu tiên cho họ trong việc chuyển xếp lương hạng II mới là bất hợp lý.
Phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đạo đức, nhiệm vụ,… không phải tổ trưởng, hiệu trưởng nào cũng tốt, giỏi hơn giáo viên.
Bên cạnh đó theo vị trí việc làm có quy định, đối tượng giáo viên cũng có giáo viên hạng II, giáo viên hạng III nên giáo viên dù giữ nhiệm vụ cán bộ quản lý hay không nếu đạt tiêu chuẩn giáo viên hạng II đều được chuyển sang hạng II mới mà không cần phải là cán bộ quản lý.
Do đó, đơn vị nào ưu tiên cho cán bộ quản lý được chuyển sang hạng II mới, không xét đến giáo viên đủ tiêu chuẩn là không đúng tinh thần Thông tư mới, không đúng với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì nên dừng lại và xếp công bằng cho tất cả giáo viên.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cụ thể vấn đề trên đừng để thiệt thòi cho giáo viên cả nước.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Chuyển hạng xếp lương, giáo viên nháo nhác tìm kiếm công văn 1099 Cục Nhà giáo
Bộ nên tập hợp tất cả những thắc mắc, những bất cập, hướng dẫn cách thực hiện cho thống nhất, tránh mỗi nơi làm mỗi khác sẽ dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài về sau
Ngay thời điểm này, các địa phương trên cả nước đang tiến hành việc chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp theo chùm thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT. Do chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục nên xảy ra tình trạng mỗi trường làm mỗi khác khiến xảy ra nhiều bức xúc.
Việc chuyển xếp hạng theo chùm Thông tư đang nhận được nhiều thắc mắc của giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn).
Bảo vệ quyền lợi cho mình, giáo viên loay hoay không biết hỏi ai
Điều đáng nói ở chỗ, những thắc mắc giáo viên lại không biết hỏi ai. Hỏi hiệu trưởng cũng mỗi người mỗi phách dẫn đến tình trạng hiệu trưởng hiểu sao thì làm vậy. Quyền lợi chính đáng của thầy cô bỗng chốc lại rơi vào tình trạng hên xui. Gặp hiệu trưởng vận dụng thoáng thì được nhờ, hiệu trưởng cứng nhắc làm sợ sai thì chịu thiệt thòi.
Giáo viên bỗng chốc rơi vào tình cảnh tự tìm hiểu, tự kiếm tìm, dò hỏi trường này trường kia, thậm chí hỏi cả những tỉnh thành khác với mong muốn có minh chứng cho hiệu trưởng trường mình tham khảo.
Vì thế cho nên, Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB phúc đáp về việc triển khai thực hiện Thông tư số 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT mặc dù Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục gửi riêng cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời không thấy đăng tải công khai nhưng đã được giáo viên cả nước tìm kiếm rất nhiều.
Mỗi ngày, người viết bài nhận khá nhiều tin nhắn của đồng nghiệp xin công văn do họ tìm kiếm trên mạng, trên cổng thông tin điện tử của Bộ cũng không thấy. Nhiều thầy cô giáo cho biết, dù Cục Nhà giáo gửi riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đây chính là vấn đề nổi cộm mà các địa phương đang lúng túng khi chuyển xếp hạng cho giáo viên lần này.
Ảnh chụp công văn 1099/NGCBQLGD-CSNGCB do một đồng nghiệp ở Vĩnh Phúc cung cấp đang được rất nhiều thầy cô giáo trên cả nước tìm kiếm.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trả lời riêng cho thầy giáo Phạm Khánh, giáo viên dạy bậc trung học cơ sở ở Thái Nguyên về việc có đủ thời gian công tác để xét chuyển qua hạng mới.
Thông tư là do cấp Bộ ban hành, lẽ ra những khúc mắc trong quá trình thực hiện Bộ Giáo dục cần có công văn trả lời chung để các địa phương có căn cứ thi hành, đằng này trả lời riêng lẻ nên địa phương khác cũng không thể áp dụng vì cho rằng đây không phải là hướng dẫn chung.
Những vấn đề đang gây tranh cãi trong chùm thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cần được hướng dẫn cụ thể đề cần tháo gỡ
Thứ nhất, giáo viên đang giữ hạng II cũ có đầy đủ văn bằng chứng chỉ, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định của giáo viên hạng II, đạt các thành tích giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng chưa đủ 9 năm công tác liệu có đủ điều kiện về thời gian công tác để xét chuyển sang hạng II mới hay không?
Trong thực tế, một số địa phương đã chuyển những giáo viên này xuống hạng III, một số nơi khác lại cho họ chuyển sang hạng II mới.
Bộ cũng đã trả lời riêng cho thầy giáo Phạm Khánh là giáo viên dạy bậc trung học cơ sở hiện ở Thái Nguyên đang giữ hạng giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ (mã số V.07.04.11) nhưng chưa đủ 9 năm, có bằng cử nhân sư phạm và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Thầy Phạm Khánh thắc mắc liệu mình có đủ điều kiện về thời gian công tác để xét chuyển sang hạng II mới (mã số V.07.04.31) hay không? Bộ Giáo dục cho biết:
Trường hợp của ông Phạm Khánh không phải là thi hoặc xét thăng hạng mà là bổ nhiệm lại hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ (Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định mới (Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT) nên không cần phải xét tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng.
Không riêng gì thầy giáo Phạm Khánh, trên cả nước có hàng trăm ngàn nhà giáo trong hoàn cảnh thế này vì vậy rất cần một hướng dẫn chung, cụ thể, thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, Khi được chuyển sang hạng II mới, những giáo viên đang ăn hệ số lương 2.67; 3.0; 3.33; 3.66 không được chuyển sang hệ số lương của hạng II mới là 4.0. Một số địa phương nêu lý do nếu chuyển như thế thì mức tăng cao quá, chỉ được chuyển xếp qua hệ số lương gần nhất.
Trong khi đó, Điều 8 Cách chuyển xếp lương của các thông tư đều nêu rõ: b) Giáo viên tiểu học hạng II, mã số V.07.03.28, và Giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
Vì thế, khi những thầy cô giáo đã được chuyển xếp qua hạng II mới dù đang ở hệ số 2.67; 3.0; 3.33; 3.66 đều được hưởng hệ số lương 4.0 mà không phải đợi đến khi đạt hệ số 3.99 mới được xếp qua hệ số 4.0 như nhiều trường học hiện nay đang áp dụng.
Thứ ba, về vấn đề thực hiện nhiệm vụ của giáo viên theo Điều 4 các thông tư. Đây được xem là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay, khiến nhiều địa phương lúng túng khi triển khai chuyển xếp hạng.
Khi chuyển xếp hạng giáo viên, một số địa phương chuyển hết giáo viên đang ở hạng II cũ sang hạng II mới. Một số nơi khác thì chỉ xét cho giáo viên làm tổ trưởng chuyên môn, nơi khác nữa xét thêm cho những giáo viên đã làm tổ trưởng chuyên môn trước đó. Việc chuyển xếp hạng không thống nhất thế này, dẫn đến nhiều giáo viên được lợi, nhiều người khác lại rất thiệt thòi.
Trả lời vấn đề này cho tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 21/10/2021, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã gửi Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB phúc đáp về việc triển khai thực hiện Thông tư số 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ:
Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).
Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sơ giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chúng tôi cho rằng, thay vì cứ trả lời riêng cho từng cá nhân, cho từng tỉnh thì Bộ Giáo dục nên tập hợp tất cả những thắc mắc, những bất cập mà các địa phương đang mắc phải trong việc chuyển xếp hạng để ra công văn hướng dẫn cách thực hiện sao cho thống nhất, tránh mỗi nơi làm mỗi khác sẽ dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài về sau.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Chúc mừng các thầy cô hạng II Vĩnh Phúc, bao giờ mới đến lượt GV tỉnh khác đây? Vẫn có hiệu trưởng ở địa phương tôi công tác cho rằng, đó là văn bản trả lời cho tỉnh khác chứ không phải tỉnh mình. Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT. Do mỗi địa phương thậm chí trong cùng một huyện, thị...