Tổ chức trở lại các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 5-12, Sở cho phép các trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn được tổ chức trở lại các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dành cho thiếu nhi.
Các kỳ thi tiếng Anh này là Cambridge (Starters, Movers, Flyers), tiếng Anh TOEFL (Primary), tiếng Anh Pearson (PTE Young Learners).
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các trung tâm ngoại ngữ, trường học thông tin đến phụ huynh và thí sinh. Cụ thể, phụ huynh và thí sinh truy cập vào đường link http://dangkythi.ttngoaingutinhoc.hcm.edu.vn/register-detail và xác nhận lại ngày kiểm tra phù hợp sau thời gian tạm dừng.
Trước đó, ngày 10-9, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có thông báo tạm ngưng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để hoàn tất hồ sơ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài tại Việt Nam.
Đã có đơn vị được phê duyệt tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS
Ngày 17-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 2 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Ảnh minh họa, Nguồn: internet
Cụ thể, quyết định thứ nhất phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) và IELTS Australia Pty Ltd (Australia).
Quyết định thứ hai phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Linguaskill giữa Công ty cổ phần nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm công nghệ REAP và tổng hiệu trưởng, thạc sĩ và học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge.
Về chứng chỉ IELTS, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu IDP Việt Nam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản lịch tổ chức thi với cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức thi trước 5 ngày, tính đến ngày tổ chức thi; gửi báo cáo về các hoạt động liên quan đến việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS theo định kỳ 6 tháng một lần và khi có sự thay đổi khác. Đơn vị cũng phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có địa điểm thi.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đề nghị các cơ sở khẩn trương hoàn thành hồ sơ theo quy định; đồng thời cam kết, sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL).
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6-6-2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP còn chưa cụ thể. Vì vậy, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Chuyên gia giáo dục: 'Đừng thần thánh hóa chứng chỉ IELTS, điểm 8.0 hay 9.0 chưa có gì để tự hào' Theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, mỗi người nên xây dựng cho mình một lộ trình học tập riêng để thể hiện năng lực của bản thân qua hồ sơ trong bối cảnh 'tiến thoái lưỡng nan' như hiện nay. Những ngày gần đây, thông tin hàng loạt kỳ thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ buộc phải tạm hoãn do...