Tổ chức thi tốt nghiệp THPT: Nâng cao vai trò giáo viên
“Áp lực như GV đứng lớp khối 12″ là câu nói khái quát hết vai trò của thầy cô được phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 12.
HS lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ được tổ chức ôn tập thêm với thời lượng 2 tiết/tuần cho một môn học. Ảnh: Hà Phương
Thầy cô vừa truyền thụ kiến thức, phân tích kết quả từng bài kiểm tra để đánh giá, phân loại khả năng tiếp nhận của từng HS; vừa chuẩn bị cho trò cả kỹ thuật và tâm lý thi cử…
Ôn thi cùng học trò
Tuần đầu tiên đi học trở lại sau hơn 3 tháng nghỉ học để phòng, chống dịch Covid 19, GV khối 12 Trường THPT Tôn Thất Tùng (Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tổ chức ôn tập, củng cố lại kiến thức học qua truyền hình và trực tuyến.
Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết: “Với HS không tham gia học trực tuyến, trên truyền hình, nhà trường tổ chức học trái buổi giúp HS nắm kiến thức cơ bản. Sau khi rà soát lại chương trình, lược bỏ kiến thức được Bộ GD&ĐT tinh giản, thời gian học và ôn tập của lớp 12 không quá cập rập. Chính vì vậy, nhà trường chủ trương vừa dạy học, vừa ôn tập, hệ thống hóa lại các kiến thức đã học, cho HS tiếp xúc với một số dạng đề theo cấu trúc của đề minh họa tập dượt dần”.
Cô Hồ Thị Thảo Sương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Ngoài nhiệm vụ dạy học và ôn tập theo chủ trương học đến đâu ôn thi đến đấy, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên khối 12 còn đồng thời hướng dẫn học sinh làm quen với dạng đề và cách làm bài thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các tổ chuyên môn tham khảo đề thi minh họa để phân tích và ra đề thi thử. Dự kiến nhà trường sẽ tổ chức thi thử cho HS vào đầu tháng 7″.
Theo cô Sương, kết quả bài kiểm tra học kỳ II của khối lớp 12 theo đề thi chung của Sở GD&ĐT Đà Nẵng vào giữa tháng 6 sẽ được các giáo viên bộ môn phân tích kỹ để các tổ chuyên môn điều chỉnh lại phương pháp, cách thức ôn tập cũng như định hướng lại nội dung ôn tập. Đợt thi thử do nhà trường tổ chức sau kiểm tra học kỳ II nửa tháng cũng là “phép thử” để đánh giá hiệu quả của những điều chỉnh trên và giúp HS lấp “lỗ hổng” cho thời gian ôn thi còn lại.
Video đang HOT
“Để việc ôn tập hiệu quả, nhà trường quan tâm theo dõi, đánh giá, phân loại học lực HS, có phương pháp ôn tập phù hợp. Giáo viên thường xuyên động viên và có hình thức khen thưởng kịp thời cho những học sinh chăm chỉ học tập tốt; Theo dõi khu ở nội trú, nhắc nhở HS học bài, ngủ đúng giờ, giữ gìn vệ sinh chung và tuân thủ chế độ nghỉ ngơi hợp lý để bảo đảm sức khỏe” – thầy Phạm Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THTP Phạm Phú Thứ cho biết.
Những GV đứng lớp có HS người dân tộc Cơ tu của Trường THPT Phạm Phú Thứ (Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ngoài 2 tiết dạy ôn tập trái buổi/tuần cho HS đại trà còn có thêm 2 tiết phụ đạo cho 21 HS ở nội trú tại trường.
Biết sức của học trò mình đến đâu, mạnh yếu thế nào trong từng môn học là trách nhiệm mỗi GV đứng lớp. Thầy Phan Quốc Duy (GV môn Toán, Trường THPT Trần Phú) kể: Nhóm GV tổ Toán do Sở GD&ĐT triệu tập để tham gia chương trình dạy học qua truyền hình đều theo dõi việc làm bài tập sau mỗi tiết dạy. “Có 2 đường link để HS tải bài tập về làm. Với đường link bài luyện tập của tiết học, HS có điện thoại thông minh chỉ cần quét mã vạch, GV có thể nắm được mức độ hoàn thành, biết các em mất bao nhiêu thời gian để trả lời cho từng câu hỏi”. Đây cũng là căn cứ để GV điều chỉnh tốc độ giảng bài, hướng dẫn HS làm bài tập cho tiết sau – thầy Duy trao đổi.
Ảnh minh họa/ INT
Những người “gác cửa”
Ban giám hiệu các trường THPT ở Đà Nẵng đều lên kế hoạch để phổ biến Quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng như Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để GV quán triệt, giải thích cặn kẽ với phụ huynh và HS “mới cái gì, không mới cái gì”, phân tích cho phụ huynh thấy điểm thuận lợi trong đổi mới công tác thi và tuyển sinh… “Công tác truyền đạt rất quan trọng. Với cái mới, người tiếp nhận thường có tâm lý phản ứng. Nhưng một khi có đầy đủ thông tin, không bị mơ hồ, phụ huynh và HS sẽ hết hoang mang, lo lắng” – cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Hải Châu, TP Đà Nẵng) thông tin.
Các giáo viên được điều động tham gia công tác thi THPT ở Đà Nẵng đều buộc phải nhớ 5 “quy tắc vàng” trong xử lý các tình huống có thể xảy ra trong khi làm công tác thi: Cần bình tĩnh nắm rõ vấn đề để xử lý; đặt an toàn tính mạng của con người là trên hết; lấy quyền lợi của thí sinh là trên hết; phải phù hợp với quy chế thi; phối hợp với các lực lượng chức năng, không được đơn phương xử lý vấn đề.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “ Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, những người tham gia quá trình tổ chức kỳ thi phải nắm vững quy chế, nghiệp vụ. Các kinh nghiệm trong công tác coi thi, tổ chức thi đều phải được lưu ý hết và được nhắc đi nhắc lại trong mỗi kỳ thi cho dù đó có thể là quy định không mới như giám thị không ký nhầm vào ô giám khảo…”.
Chính vì vậy, kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng là tạo tình huống giả định trong các buổi tập huấn nghiệp vụ thi: Thí sinh quên không mang theo thẻ dự thi; sử dụng mực khác màu để làm bài thi; đề thi bị mờ, nhòe… hay cách bắt thăm phát đề trắc nghiệm, niêm phong bì đựng bài thi, thậm chí đến việc hướng dẫn thí sinh tô số báo danh, mã số đề thi… đều được đưa ra để hướng dẫn, tập dượt kỹ càng.
Một kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng được áp dụng có hiệu quả những năm qua là in và phát cẩm nang cho cán bộ coi thi như lúc nào phát đề thi, quy trình thu bài, vị trí ký của giám thị trong bài thi… để sử dụng trong suốt kỳ thi, tránh những sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của thí sinh. Trong tập huấn nghiệp vụ thi, các cán bộ, GV làm công tác thi đều được nhắc đi nhắc lại phải tuân thủ và không được sáng tạo quy chế thi, không được đơn phương xử lý vấn đề và đặc biệt là không được thực hiện các “chỉ đạo miệng”.
Giáo viên đôn đáo tìm học sinh sau nghỉ phòng dịch
Sau thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cán bộ, giáo viên ở nhiều địa phương thuộc tỉnh vùng cao Điện Biên lại đôn đáo đi tìm học trò.
Một buổi "thượng sơn" để vận động học sinh đến lớp của giáo viên vùng cao.
Vận động, tuyên truyền và cả răn đe cũng có. Thế nhưng, nhận thức của đồng bào vùng cao còn hạn chế nên nhiều khi mọi nỗ lực của giáo viên gần như bất thành.
Bỏ học... "làm chui"...
Tròn 1 tháng kể từ khi tỉnh Điện Biên cho học sinh đi học trở lại, song ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng (Điện Biên) vẫn trăn trở tìm giải pháp để chỉ đạo các trường học vận động học sinh trở lại lớp.
Huyện Mường Ảng có 36 trường học với hơn 500 lớp, gần 14.000 học sinh theo học các cấp. Trước khi tái giảng sau đợt nghỉ dịch kéo dài, 1.224 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn đã "đôn đáo" phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, bản trên địa bàn vận động học sinh đến lớp. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 5, tỷ lệ học sinh ra lớp ở cấp tiểu học và THCS mới chỉ đạt khoảng 95 - 98%. Theo ông Thống, Phòng GD&ĐT huyện đang chỉ đạo các trường tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã vận động số học sinh còn lại đến lớp.
Ông Thống cho biết thêm: Qua rà soát có trường hợp đã tảo hôn hoặc "trốn" khỏi địa bàn để đi làm ăn xa. Sau thời gian vận động, tuyên truyền song không nhận được sự phối hợp từ phía gia đình, ngành GD-ĐT phải nhờ sự can thiệp của cơ quan công an, gia đình học sinh mới chịu phối hợp, cung cấp thông tin HS.
"Cán bộ, giáo viên đến tận gia đình, vận động học sinh đến lớp song phụ huynh che giấu. Họ bảo các cháu đi chơi ở đâu đó, không cung cấp số điện thoại. Chúng tôi thống nhất với gia đình, như vậy nghĩa là học sinh nằm trong diện "mất tích", phải tìm kiếm và đề nghị cơ quan công an vào cuộc. Lúc này, gia đình mới cho biết rằng các cháu đã bỏ học để đi làm ăn xa", ông Lê Văn Thống chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Văn Thống, kết quả rà soát sơ bộ, trong số những học sinh chưa trở lại lớp, có vài trường hợp đã "dựng vợ, gả chồng", hơn chục em đi làm ăn xa khi đang là học sinh THCS.
Đang đi học vẫn "dựng vợ, gả chồng"
Năm học 2019 - 2020, huyện Tủa Chùa có 41 đơn vị trường học; 614 nhóm, lớp với trên 19.000 học sinh. Cho đến ngày 27/5, còn một số trường hợp chưa thể đến lớp.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng GD&ĐT Tủa Chùa, 21 học sinh THCS đã lấy vợ hoặc lấy chồng. Tình trạng này không chỉ diễn ra sau đợt nghỉ học vừa qua, mà diễn ra thường xuyên. Trong năm học này, giáo viên các trường đều tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao để hạn chế tình trạng tảo hôn. Tuy nhiên, do bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có thói quen cho con em mình lập gia đình sớm nên tình trạng tảo hôn tiếp tục diễn ra.
"Hằng năm, chúng tôi phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng cao về nạn tảo hôn. Thế nhưng, một bộ phận người dân cho rằng, khi đến tuổi "lên nương" (lao động chính), các em có quyền được lấy vợ, chồng. Khi gia đình đồng tình, HS chẳng phản đối thì thật khó để thầy cô khuyên ngăn", ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa bộc bạch.
Cũng theo ông Sơn, phòng cho giáo viên các trường rà soát tình hình học sinh ở tất cả các cấp học và đã lập danh sách, báo cáo với lãnh đạo UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời với đó là việc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cấp ủy, chính quyền các xã tiếp tục vận động phụ huynh để họ tạo điều kiện cho con em mình đến lớp.
"Các em còn nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn. Lấy nhau về rồi bất đồng trong quan điểm sống, không lâu sau đó lại tranh cãi, ly hôn... mang theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Chứng kiến học trò tuổi ăn tuổi lớn đã tay bồng tay bế, lao động vất vả, thầy cô rất đau lòng. Song nếu không có sự đồng thuận từ phía gia đình để cùng giáo dục các cháu sẽ rất khó để cải thiện tình hình. Ngành GD-ĐT không thể đơn độc trong việc này được", ông Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ quan điểm.
Được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát học sinh, giáo viên phải để ý cả những tuyến xe đường dài đi ngoại tỉnh. Có trường hợp thầy cô lên tận xe, yêu cầu học sinh của mình quay lại trường để học, nếu không các em đã "trốn" về các tỉnh dưới xuôi để đi làm "chui". - Ông Lê Văn Thống
Ráo riết ôn tập giữa mùa hè "đỏ lửa"! Nhằm chuẩn bị tốt tâm thế cho HS cuối cấp THPT bước vào "chặng đua" trong mùa lai kinh sắp tới, song hành việc tiếp tục dạy - học để hoàn tất chương trình học kỳ II (HKII), các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng đang gấp rút triển khai ôn tập, hệ thống kiến thức cho HS lớp 12. HS...