Tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp THPT: Học sinh được lợi gì?
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra đề xuất năm 2020 vẫn tổ chức kỳ thi, nhưng với mục đích chính là để công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12, đã có nhiều tranh luận quanh đề xuất này.
Kỳ thi năm nay sẽ có mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Tại cuộc họp ngày 21.4, Bộ GDĐT báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đề xuất của Bộ, nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trước ngày 15.6, kỳ thi THPT sẽ được tổ chức vào đầu tháng 8.
Tuy nhiên, để đảm bảo khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của luật, kỳ thi sắp tới sẽ chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.
Địa phương được giao trách nhiệm chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Bộ GDĐT tiếp tục ra đề thi cho toàn quốc, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.
Đối với mục tiêu tuyển sinh đại học, năm nay các trường đại học sẽ thực hiện việc tự chủ tuyển sinh.
Video đang HOT
Trước đó có một số kịch bản được đưa ra với kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Đồ họa: Văn Thắng-Hồng Cường.
Học sinh lo nhiều trường đại học tổ chức thi riêng
Trước phương án thi mà Bộ GDĐT đưa ra, Nguyễn Phương Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết em đồng tình với việc vẫn nên tổ chức kỳ thi thay vì phương án bỏ thi để xét tốt nghiệp như một số đề xuất trước đó.
Kỳ thi năm nay có mục đích chính để công nhận tốt nghiệp và Phương Anh cho rằng điều này vừa có lợi, vừa là bất lợi cho học sinh trong điều kiện việc học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo học sinh này, nếu kỳ thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, thì đề thi sẽ nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực, căng thẳng. Điều này là có lợi. Tuy nhiên sẽ bất lợi nếu các trường đại học thấy đề thi không đủ độ phân hóa để có thể xét tuyển đại học và có xu hướng tổ chức kỳ thi riêng.
“Giờ chúng em chỉ biết chờ đợi sẽ không nhiều trường tổ chức thi riêng trong năm nay, vì không còn nhiều thời gian để chúng em ôn tập và chuẩn bị nữa. Có lợi nhất cho học sinh lớp 12 lúc này là ổn định kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 rồi sang năm thay đổi như thế nào cũng được”- Phương Anh cho biết.
Tỉ lệ số trường đưa ra phương án tuyển sinh đến thời điểm này. Ảnh: Đặng Chung
Cân nhắc phương án đảm bảo quyền lợi cho học sinh
“Bất ngờ” là cảm xúc của thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) trước phương án dự kiến năm nay tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp THPT.
“Đây là phương án làm xã hội việt vị. Vì thời gian qua chúng ta tranh luận 2 phương án. Một là vẫn giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm, với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để trường đại học tuyển sinh. Hai là phương án bỏ thi, chỉ thực hiện xét tốt nghiệp. Nhưng Bộ GDĐT vừa đưa ra phương án không nằm trong số những phương án trên”- thầy Tùng cho biết.
Về quan điểm cá nhân, giáo viên này ủng hộ phương án 1 để đảm bảo quyền lợi học sinh. Lý do là kỳ thi năm nay như dự kiến vẫn được tổ chức gần giống với năm trước, vẫn là 3 môn bắt buộc, 1 môn tổ hợp, tổ chức tại các địa phương như mọi năm. Khác là năm 2019 có sự tham gia của các trường đại học ở khâu trông thi, chấm thi còn năm nay thì không.
“So với kỳ thi năm trước, kỳ thi năm nay diễn ra gần tương tự, nhưng rất tiếc chỉ đạt được 1 mục đích, mà mục đích này không phải là quan trọng, vì mọi năm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, có nơi lên đến 98-99%. Sau khi thi tốt nghiệp xong, học sinh sẽ tham gia tuyển sinh của các trường đại học. Và sẽ có nhiều trường hợp xảy ra, trường xét tuyển bằng học bạ, có trường lấy điểm thi THPT, trường tổ chức thi riêng, sẽ thành trăm hoa đua nở khiến học sinh trở tay không kịp.
Nên phương án đảm bảo quyền lợi nhất cho học sinh lúc này là ổn định như năm 2019, cả về mục đích của kỳ thi. Mọi thay đổi đều cần có thời gian để học sinh chuẩn bị tâm lý, thích nghi. Chúng ta nói tổ chức thi với mục đích chính xét tốt nghiệp THPT để giảm áp lực, đỡ tốn kém, nhưng theo tôi chưa phù hợp với điều kiện năm nay, vì quá gấp gáp cho cả học sinh, trường đại học. Trong khi năm học này rất đặc biệt, rất khó khăn, học sinh đã chịu nhiều thiệt thòi rồi”- thầy Trần Mạnh Tùng kiến nghị.
ĐẶNG CHUNG
Thi THPT mùa dịch Covid-19: Nên giữ hay bỏ?
Các ý kiến của cả chuyên gia và học sinh đều mong muốn giữ kỳ thi này để giảm xáo trộn cho học sinh khi tuyển sinh đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra 2 kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đó, nếu học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6/2020, thì vẫn đủ thời gian chuẩn bị để học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi theo kế hoạch đã điều chỉnh (từ 8 đến 11/8/2020).
Trong điều kiện, học sinh đi học lại sau ngày 15/6, Bộ sẽ trình Chính phủ, Quốc hội cân nhắc phương án thi phù hợp hơn, bao gồm cả việc không tổ chức kỳ thi này và địa phương thực hiện xét tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến mong muốn giữ kỳ thi này để giảm xáo trộn cho học sinh khi tuyển sinh đại học.
Nhiều học sinh, giáo viên và chuyên gia giáo dục chia sẻ, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhằm tránh bị động là rất đúng đắn, đáp ứng mong đợi của các nhà trường và học sinh. Cả 2 phương án này đều bao quát được các tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để cơ sở giáo dục, học sinh biết và có định hướng học, ôn tập phù hợp.
Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường đại học FPT và em Phạm Tô Lâm Phong, học sinh trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) nêu ý kiến: "Bây giờ thí sinh và phụ huynh có thể yên tâm hơn khi biết lộ trình vẫn tiếp tục học theo trực tuyến, online... Hai là chờ đến thời điểm gần ngày 15/6, nếu có thể đi học trở lại thì khi đấy sẽ có hướng dẫn chuyên đề thi thay đổi như thế nào, ôn tập như thế nào... Còn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài thì phụ huynh cũng biết là khi đấy không thi THPT quốc gia và các địa phương xét tốt nghiệp".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phương án vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là lý tưởng nhất để đỡ gây xáo trộn cho thí sinh và các trường khi xét tuyển đại học. Nhìn từ thực tế tuyển sinh của các trường đại học hiện vẫn chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nếu bỏ thi và giao cho địa phương xét tốt nghiệp sẽ khó đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, vì đánh giá học bạ học sinh mỗi nơi một khác, chưa đồng đều. Nếu các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng thì sẽ tốn kém, vất vả hơn cho cả nhà trường và thí sinh.
"Kỳ thi này không chỉ để tốt nghiệp mà còn lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển đại học, cho nên có kỳ thi này vẫn sẽ tốt hơn cho các trường. Bởi vì nếu không có mặt bằng so sánh chung thì việc xét tuyển vào đại học có thể xảy ra không công bằng bởi điểm học bạ không thể đồng đều cả nước được. Đấy là chưa kể là nếu bệnh thành tích nữa có những học bạ điểm rất đẹp, toàn điểm cao thôi. Cho nên có kỳ thi này, kết quả kỳ thi này dựa vào đó để xét tuyển đại học thì nó thuận lợi hơn", ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mốc thời gian học sinh đi học trước và sau ngày 15/6 để xây dựng các phương án thi khác nhau, gồm cả không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là hơi cứng nhắc. Việc không tổ chức thi THPT vì bất cứ lý do nào cũng tạo ra sự thiếu công bằng cho các thí sinh khi xét tuyển đại học.
"Ngay cả khi chúng ta đi học vào 15/6 thì chúng ta vẫn có thể đẩy lùi mốc thi THPT quốc gia sau ngày 11/8. Tôi nghĩ là vẫn không vấn đề gì. Vì với các em học sinh lớp 12, thì ngay cả khi xét tốt nghiệp thì hầu hết mong muốn tham gia kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học diễn ra sau đó. Thế thì không có lý do gì chúng ta cứ cứng nhắc một cái mốc. Đặt lên một bàn cân, chúng ta thấy ưu điểm, lợi ích mà kỳ thi THPT mang lại cho các em học sinh, mang lại cho xã hội lớn như vậy thì tôi có mong muốn duy trì kỳ thi năm nay", thầy Tùng nói.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chốt phương án thi THPT quốc gia năm nay, học sinh không nên có tâm lý buông việc học, ngồi chờ khi nào bỏ thi. Các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa để học sinh dù dừng đến trường nhưng không dừng việc học, sẵn sàng tham gia kỳ thi THPT quốc gia, hoặc tham gia thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong trường hợp không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia./.
Minh Hường
8 lý do không nên bỏ thi THPT quốc gia năm nay Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội chỉ những điểm bất hợp lý nếu bỏ thi THPT quốc gia năm 2020. Bộ GD&ĐT mới đây cho biết đang trong quá trình xây dựng 2 kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Theo đó, nếu học sinh đi học trước 15/6 thì vẫn tổ chức...