Tình yêu trẻ tự kỷ (2): Nỗi lòng của giáo viên với những học trò đặc biệt
Tình thương yêu, sự chăm sóc từ gia đình là điều rất cần thiết trong quá trình hỗ trợ phát triển bản thân cho trẻ tự kỉ. Nhưng để các bạn nhỏ có thể hoà nhập một cách nhanh chóng và đúng hướng thì cần thêm sự hỗ trợ của những giáo viên đặc biệt ở các trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ.
Có một nghề giáo đặc biệt
Có nghề giáo “chẳng giống ai”, khi những người dạy không đứng trên bục giảng, không có giáo án và cũng chẳng có khái niệm nghỉ hè. Đó là những cô giáo dạy trẻ tự kỷ: Các cô vừa là người dạy dỗ, là người bạn tâm giao, vừa như mẹ hiền dạy cho học trò của mình những kỹ năng sống đơn giản nhất mà bất kỳ đứa trẻ bình thường nào cũng cần biết.
Mỗi ngày qua đi, “những người thầy người cô đặc biệt” đều phải nỗ lực, cố gắng từng chút với niềm hy vọng chưa bao giờ tắt về một ngày, các em học sinh của mình có thể giống như các bạn khác, trở thành những đứa trẻ có thể đến trường để học tập, vui chơi, lớn lên và trưởng thành.
Những bài học ngày đầu tiên của bé, cô giáo dạy cách cầm nắm và nhận biết
Những bức tranh bé có thể nhìn thấy, nhưng không biết cách để gọi tên
Để dạy dỗ các bé tự kỷ, giáo viên phải thật sự yêu trẻ, sẵn sàng biểu đạt tình cảm của mình. Họ cần có tâm huyết với nghề thì mới đủ kiên nhẫn để dạy dỗ các bé. Đăc biệt, họ cần có những kỹ năng chuyên môn để khai thác hết tiềm năng và có thể giúp trẻ hòa nhập với xã hôi.
Vốn là sinh viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, song sau khi ra trường, chị Bùi Thị Hồng (SN 1983, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã quyết định học thêm chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm dành cho trẻ tự kỷ. Sau khi học, chị Hồng đã chọn hướng đi mới chính là sự nghiệp của mình.
“Ban đầu, tôi băn khoăn lắm! Công việc vừa vất vả, vừa đòi hỏi nhiều kỹ năng. Nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã rất thích chơi với trẻ con, nhìn thấy những bạn nhỏ đặc biệt này mình vừa thương, vừa xót xa. Chính vì thế, tôi đã chọn hướng đi này”, chị Hồng chia sẻ.
Còn đối với chị Phạm Thị Vy – nữ giáo viên gắn bó với công việc gần 4 năm – thì đây là một nghề có áp lực công việc cao, bởi đối tượng học đặc biệt, trong khi không có một chương trình giáo dục cụ thể nào mà hầu hết các giáo viên phải tự nghiên cứu tâm lí và tính cách riêng của từng bé, để có một bài giảng phù hợp.
“Điều quan trọng khi làm công việc này là phải có sự kiên trì, nhẫn nại và cần có lòng yêu thương trẻ vô điều kiện”, chị Vy trải lòng.
Là giáo viên, ai cũng mong rằng ngày Nhà giáo sẽ nhận được những món quà chân thành và lời chúc của học sinh. Nhưng với các cô dạy trẻ tự kỷ, 20-11 cũng là một ngày bình thường như bao ngày khác.
Cô Nguyễn Thị Hương (SN 1995; trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Đối với tôi, đã qua 5 năm gắn bó với nghề giáo đặc biệt này, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe những lời chúc hay nhận những bó hoa tươi thắm từ học sinh của mình vào ngày lễ 20-11. Nhưng nếu các con tiến bộ hơn so với trước dù chỉ một chút thì đó là những món quà ý nghĩa nhất, tôi cảm thấy như ngày nào cũng là 20-11″.
Trải lòng với những kỷ niệm buồn vui
Phải nhìn thấy tiết học của các cặp cô – trò, mọi người mới phần nào hiểu hết những khó khăn và sự vất vả của nghề giáo đặc biệt này. Mỗi thành viên ở lớp có tính cách và phản ứng khác hẳn nhau. Vì thế, cách xử lý và cách dạy của mỗi cô cũng không ai giống ai.
Có những bạn nhỏ mặc dù đã lớn nhưng vẫn không chịu hợp tác, vừa nôn trớ, la hét, tự đánh bản thân… Cũng chính vì những lí do đó mà ở trung tâm giáo dục chuyên biệt, ngoài dạy kiến thức, giáo viên còn dạy trẻ những kỹ năng đơn giản nhất như cầm đồ vật, lau tay, rửa chân, hay nhận biết những đồ vật cần thiết…
Cô Diệu Linh (SN 1998, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đó là những việc làm đơn giản với đứa trẻ bình thường, nhưng với trẻ tự kỷ, để dạy các em biết tự lau tay và rửa chân khi bẩn thì các cô phải kiên trì nhiều tuần, thậm chí tới cả tháng trời. Để cho các con phân biệt và gọi tên những đồ vật quen thuộc, các cô phải dạy rất nhiều lần trong khoảng thời gian dài, có khi lên đến nửa năm”.
Cho bé chơi, nhưng vẫn phải học. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được
Các bạn nhỏ được hướng dẫn cách đánh vần và cách phát âm cho đúng
Cô giáo Trần Thị Thùy Trang với kinh nghiệm 3 năm giảng dạy chia sẻ: “Mỗi bạn nhỏ là một tính cách khác nhau và tiếp nhận cách dạy không giống nhau. Có nhiều em vào đây trong tình trạng chống đối với người lạ, mà cụ thể là các cô giáo, bằng cách la hét, khóc lóc rồi quay lưng, che mặt, ăn vạ… Những trường hợp cô giáo ‘chịu trận’ như bị các con cào cấu, đi vệ sinh hay nôn trớ lên người là những câu chuyện quá đỗi bình thường tại đây. Phản ứng thông thường ấy của trẻ tự kỉ diễn ra rất tự nhiên, lí do cũng rất dễ hiểu nhưng vô cùng khó để giải quyết”.
Ngoài những khó khăn ở trên lớp, cô giáo Nguyễn Phương còn thấy nhiều trắc trở ở quá trình trao đổi với phụ huynh, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Bởi theo cô Phương, có không ít phụ huynh ngại khi nói chuyện với giáo viên về bệnh của con mình, hoặc ngại cho mọi người biết con mình bị tự kỷ.
Khi đưa con đi học, họ chỉ đứng ở phía xa và để trẻ tự vào lớp. Chính vì thế, cô giáo không trao đổi đươc tình hình học tập của bé.
“Việc kết hợp các phương pháp giáo dục giữa gia đình và nhà trường còn gặp rất nhiều trở ngại. Chúng tôi sẵn sàng chủ động, và chúng tôi mong muốn các phụ huynh cũng vậy!”, cô Phương bày tỏ.
Sau mỗi giờ học, bé được cô giáo cho ngồi xổm để giảm tăng động và tăng khả năng tập trung
Mặc dù mỗi ngày lên lớp, các cô giáo đều phải đối mặt với những vất vả, nhưng các bé cũng mang lại không ít niềm vui, niềm xúc động lớn lao cho những giáo viên của mình.
Cô Nguyễn Ly (SN 1997, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể về một học sinh 4 tuổi mình đang dạy: “Những ngày đầu tiên đến lớp, bé chỉ biết khóc và bắt cô bế. Nhiều khi bé cứ tưởng cô là mẹ nên cứ đòi bú sữa. Mình phải mất rất nhiều thời gian giải thích để con hiểu, dù con cứ lao đến mình. Đến giờ cũng đã nửa năm, bé đã biết nói những câu giao tiếp cơ bản, nhận biết được nhiều thứ, biết chào cô và bố mẹ sau mỗi giờ tan trường. Nhìn bé cười, phụ huynh cười mà lòng mình cũng vui theo”.
Còn với cô Thanh Loan (24 tuổi), sau 4 năm gắn bó với công việc dạy những bạn nhỏ đặc biệt, cô cũng đã nhận lại không ít niềm vui.
“Mình nhận dạy bé từ những ngày đầu tiên, khi mà con còn chưa nói được từ nào, chưa ý thức được việc vệ sinh cá nhân. Sau một thời gian, cháu đã có thể ‘tốt nghiệp’ và chuẩn bị bước vào lớp 1. Đặc biệt, vào ngày 8-3 vừa rồi, tôi rất xúc động khi được bé gọi điện và chúc mừng cô. Những lời chúc còn chưa hoàn chỉnh nhưng đó cũng là động lực và niềm tin để cho tôi cố gắng hơn”, cô Loan xúc động nhớ lại.
“Với các thầy cô, dù gắn bó với trẻ rất lâu, có nhiều kỷ niệm, nhưng các cô không hề mong muốn trẻ ở lại mãi trung tâm, cũng không hy vọng một ngày nào đó đón bé trở lại. Hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy các con có thể ‘tốt nghiệp’ và hòa nhập với cuộc sống bình thường”, cô Loan chia sẻ.
Dưới đây là video clip ghi lại chia sẻ của các cô giáo ở trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ:
Trẻ tự kỷ có thể hòa nhập tốt với xã hội là điều mà gia đình, nhà trường và xã hội luôn mong muốn. Để làm được như vậy, mỗi bé cần có sự quan tâm, yêu thương, hi sinh của các bậc cha mẹ, cùng với nền tảng giáo dục đặc biệt từ các trung tâm chuyên biệt.
Thế giới đã chứng kiến không ít vĩ nhân mắc chứng tự kỷ, như: Albert Einstein, Thomas Jefferson, Charles Darwin… Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại của cha mẹ cùng sự dạy dỗ từ thầy cô, họ đã khai thác được những tiềm năng vốn có và phát triển bản thân trở thành những thiên tài.
Với loạt 2 bài vừa qua về trẻ tự kỷ, hy vọng các em sẽ luôn được quan tâm, chăm sóc đúng đắn để trẻ tự kỷ phát triển tốt, trở thành những người góp ích cho xã hội.
Buồn vui chuyện nghề của cô giáo không đứng trên bục giảng, không giáo án...
Việc chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, vì đa số trẻ đều gặp nhiều khó khăn trong phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ... Vì vậy, chỉ có sự tâm huyết, tình yêu đối với con trẻ mới giúp các cô giáo theo đuổi nghề nghiệp đến cùng.
Nghề chọn mình, mình chọn trẻ
Tại quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An gần 10 năm nay vẫn duy trì tổ chức một lớp học đặc biệt. Ở đó, các buổi học không hề có giáo án, các giáo viên cũng không đứng trên bục giảng, đối tượng trong lớp đều là các em mắc tự kỷ - chứng rối loạn về phát triển hành vi, ngôn ngữ và tương tác xã hội. Là người đầu tiên tham gia dạy từ những ngày đầu, cô Tôn Thị Trí (SN 1985), trưởng phòng dạy trẻ tự kỷ không thể nhớ hết những khó khăn, vất vả mình và đồng nghiệp đã trải qua.
"Cũng là mang danh giáo viên nhưng công việc ở đây không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Nhiều lúc vô cùng mệt mỏi và áp lực mà không biết nói với ai. Phải thật sự tâm huyết và dành hết tình yêu thương cho trẻ mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi đã mấy lần muốn bỏ nghề, nhưng nghề đã chọn mình rồi thì phải theo thôi", cô Trí cười.
Cô Tôn Thị Trí vốn là Thạc sĩ tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên đại học Toulouse (Pháp). Sau khi về nước, cô Trí được mời làm việc tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội trong lĩnh vực phát triển tâm lý trẻ em. Năm 2010, quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thành lập đề án về việc mở một lớp dạy các trẻ tự kỷ và cô Trí là người được chọn. Mặc dù đã lường trước những khó khăn, nhưng cô Trí vẫn không ngờ công việc này lại vất vả như vậy. Cơ sở thiếu thốn đủ bề do mới thành lập, không có giáo án cụ thể nào để dạy trẻ tự kỷ, thái độ của các bậc phụ huynh có con em rối loạn tự kỷ...
Việc dạy trẻ tự kỷ cần sự kiên nhẫn.
Hạnh phúc khi trẻ biết cườiTheo cô Trí, phần lớn các gia đình đều tự ti khi có con em phát triển không bình thường, vì vậy xu hướng của họ thường là giấu kín không cho ai biết. Trong khi đó, việc giáo dục trẻ tự kỷ thì 50% phụ thuộc vào gia đình, các cô giáo chỉ chiếm 30%, ngoài ra còn có yếu tố xã hội nữa. "Hiện nay, tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Song chúng ta có thể cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm ở lớp học. Đặc biệt, để cải thiện cho trẻ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng...", cô Trí cho hay.
Đặc biệt, triệu chứng tự kỷ sẽ xuất hiện trước khi trẻ được 3 tuổi. Trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm mới có thể hòa nhập xã hội. Phần lớn trẻ tự kỷ thể hiện sự tiến bộ nhờ vào can thiệp sớm. Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ không thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường.
Cũng theo cô Trí, đến với lớp học này, các bậc làm cha mẹ phải chấp nhận sự thật về bệnh tình của con mình. Bởi thế, việc làm tư tưởng cho phụ huynh có vai trò rất quan trọng. Khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ phải thực sự kiên nhẫn. Có em dù đã lên 6, 7 tuổi nhưng vẫn như "đứa trẻ sơ sinh", không có kỹ năng giao tiếp, thậm chí chưa biết nói chuyện, tự vệ sinh cá nhân; có em đã 10 tuổi nhưng rụt rè, không phân biệt được màu sắc, nhận biết thế giới xung quanh; có em thường xuyên chạy nhảy, có hành vi đánh cô giáo...Công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Hơn nữa, cùng một triệu chứng nhưng với mỗi trẻ lại có cách điều trị khác nhau. Do vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo. Ngoài chuyên môn, mỗi ngày các cô đều tự trau dồi thêm kiến thức để phục vụ quá trình giảng dạy.
Hạnh phúc khi đưa trẻ biết cười
Là một trong những cô giáo trẻ nhất của phòng, cô giáo Võ Thị Ngân (SN 1993) vẫn chưa quên cảm giác bị sốc khi ngày đầu tiếp xúc với các em mắc chứng tự kỷ. Vào thời điểm cô Ngân mới nhận việc cũng là lúc một cháu bé 6 tuổi đến từ TP. Vinh được bố mẹ đưa đến trung tâm. Điều đặc biệt, cháu hay quậy phá, đánh mọi người, nếu đã ghét ai thì cháu phải theo đánh thì mới chịu. Với sự kiên trì, nhẫn nại, tận tâm của các giáo viên nơi đây, tính cách của bé dần có những chuyển biến tích cực.
"Thời gian đầu em bị stress vô cùng, rất may có các chị hướng dẫn, dìu dắt. Các chị đề xuất cho em dạy những trẻ có biểu hiện nhẹ hơn để thích nghi, sau đó mới dần dần tiếp xúc với những trẻ khác. Em cũng ưu ái được dạy một số trẻ thuộc dạng tự kỷ đặc biệt khi phát triển kỹ năng hiếm có ở một lĩnh vực chuyên biệt như âm nhạc, nghệ thuật, các con số... Các cháu này khả năng vượt trội về lĩnh vực đó mặc dù chưa được ai dạy. Việc các cháu tiến bộ từng ngày khiến em mừng phát khóc, cảm giác như mọi công sức của mình đã được đền đáp, từ đó có thêm động lực để đi đến hôm nay", cô Ngân nói.
Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng nên việc dạy các bé gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, kỹ năng để đưa ra các phương pháp trị liệu khác nhau. "Cũng là mắc tự kỷ nhưng những trẻ tới đây không giống nhau. Có trẻ chậm phát triển trí tuệ, lại có trẻ tăng động, giảm chú ý và nhiều trẻ khác bị khiếm thính, rối loạn về khả năng ngôn ngữ. Khi trẻ tới đây, các cô giáo sẽ có những bài tập riêng biệt nhằm khắc phục khiếm khuyết, phát huy các thế mạnh của trẻ. Những bài tập này có thể là trò chơi vận động, vẽ tranh, hát múa...", cô Ngân chia sẻ.
Tuy nhiên, việc cô Ngân cảm thấy xót xa là dù cũng làm nghề giáo, thế nhưng vì dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt nên trong những ngày 20/11 chưa bao giờ được nhận một bông hoa nào. Các em thì chưa nhận thức được, các gia đình cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về tình trạng của các con, nên vẫn xảy ra tình trạng bỏ mặc cho giáo viên. Vì vậy đến ngày Nhà giáo Việt Nam thì các thành viên trong trung tâm vẫn tự an ủi và động viên nhau. Bà Nguyễn Thị Lài, Phó Giám đốc quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại, trung tâm có 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho 50 trẻ tự kỷ. Đó là những y tá, bác sĩ, giáo viên mầm non, thạc sĩ, cử nhân chuyên ngành tâm lý học. Họ hướng dẫn trẻ từ động tác đơn giản như nhai, thổi... đến những cử chỉ phức tạp hơn như biết nghe lời, nhận biết màu sắc, thế giới xung quanh. Mặc dù đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã có nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ, trong đó nhiều nơi nhận trông giữ cả ngày. Tuy nhiên, sau gần 10 năm xây dựng, "giáo trình" của quỹ Bảo trợ trẻ em vẫn là 1 trẻ chỉ nên đến 1 lần trong 1 ngày, mỗi lần chỉ 1 tiếng. "Chúng tôi nhận định không nên tách rời trẻ tự kỷ với cộng đồng, vì vậy hàng ngày các trẻ vẫn đến trường học như các bạn cùng trang lứa. Vào khoảng thời gian này, mỗi cô giáo ở đây sẽ đảm nhận chỉ 1 trẻ, để có thể theo dõi sát sao quá trình phát triển và lên giáo trình phù hợp cho em đó", bà Lài nói.
Bà Lài khẳng định, dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Bên cạnh tình yêu thương, tâm huyết với nghề của các giáo viên thì việc điều trị cho trẻ rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của phụ huynh, nhà trường và xã hội. Các bậc làm cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ, nhận biết sớm các triệu chứng của trẻ tự kỷ để có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ sớm tìm lại nụ cười, hòa nhập với cộng đồng.
ANH NGỌC
Theo ĐSPL
Hệ thống Trường tư thục chất lượng cao Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao: Giáo dục giúp trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời. Trẻ mắc chứng tự kỷ ít có sự giao tiếp, tương tác xã hội nên các mối quan hệ và các mặt tâm lý và xã hội đều hạn chế. Ở hệ thống Trường tư thục chất lượng cao Mầm non và Tiểu học (gọi tắt...