Tình yêu trẻ tự kỷ (1): ‘Trái tim thép’ của bậc làm cha mẹ
Hành trình của những người cha, người mẹ có con là trẻ tự kỷ không chỉ là nước mắt, tình yêu thương vô bờ mà còn là sự kiên nhẫn, chịu đựng…
Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em, bao gồm những khiếm khuyết nặng nề về khả năng tương tác xã hội, giao tiếp và những quan tâm, hoạt động bó hẹp, định hình.
Đây là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nhiều người hiểu nhầm tự kỷ là bệnh. Cách hiểu này dẫn đến những sai lệch về quan niệm, cách điều trị cho trẻ tự kỷ.
Do lầm tưởng tự kỷ là một bệnh, mọi người sẽ ngầm hiểu rằng đã là bệnh thì sẽ có thuốc chữa và trẻ có thể bình phục hoàn toàn. Vì thế, nhiều phụ huynh đã đưa con đi tìm thầy thuốc chạy chữa khắp nơi, cho con uống các loại “thuốc bổ quý hiếm” mà quên mất rằng trẻ tự kỉ muốn can thiệp hiệu quả cần phải có sự quan tâm, của các cô giáo, đặc biệt là tình yêu, kiên nhẫn từ gia đình.
Bai 1: “Trái tim thép” của bậc làm cha mẹ
Hành trình của những người cha, người mẹ có con là trẻ tự kỷ không chỉ là nước mắt, tình yêu thương vô bờ mà còn là sự kiên nhẫn, chịu đựng…
Những lần khóc cùng con
Việc thừa nhận con bị tự kỷ là điều không dễ đối với các bậc cha mẹ, không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận sự thật này. Nhiều phụ huynh đã tự dằn vặt bản thân trong một thời gian dài, vì họ không muốn tin con mình khác với những đứa trẻ bình thường, hay cần một chế độ chăm sóc đặc biệt. Thậm chí, có những người hiểu lầm rằng, con mình có vấn đề về tâm thần.
Chia sẻ về những ngày đầu tiên phát hiện con mình bị tự kỷ, chị P.B (32 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Đến giờ, tôi cũng không thể nào quên được quên được cái cảm giác tuyệt vọng, hụt hẫng khi bác sỹ thông báo cháu mắc hội chứng tự kỷ điển hình. Mọi thứ như sụp đổ. Tôi phải chấp nhận sự thật là cháu đã 3 tuổi nhưng nhận thức không bằng một bạn nhỏ 18 tháng. Hơn nữa, không loại thuốc đặc trị nào có thể chữa khỏi. Nhìn con, tôi không thể kìm lòng được, tôi khóc và tự dằn vặt bản thân rất nhiều. Tôi đã từng phủ nhận kết quả của bệnh viện bởi nghĩ rằng bố mẹ đều là lãnh đạo ở các công ty thì con không thể nào mắc bệnh tự kỷ được”.
Trẻ tự kỷ được học cách đếm và nhận biết mọi thứ xung quanh
Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu thì chị và gia đình biết chỉ có sự quan tâm và tình thương mới là phương thuốc hiệu quả nhất, nên đã chấp nhận sự thật và cùng bước vào “cuộc chiến” giành lấy cuộc sống bình thường cho con.
Trẻ tự kỷ thường thích được ngắm mình trong gương và tự nói chuyện với chính mình
Cũng giống như gia đình chị B, khi nhắc về cậu con trai đầu lòng đã 5 tuổi, anh C.M (35 tuổi, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cũng đã nhiều lần không kìm nén được cảm xúc. Với tình yêu của người bố dành cho con, anh luôn sẵn sàng hi sinh tất cả để cho con hòa nhập với cuộc sống bình thường.
“Là một người đàn ông, dù đau khổ như thế nào thì tôi cũng không cho phép mình được khóc. Nhưng có những nỗi buồn đến tột cùng, không thể gọi tên, không nói hết thành lời. Thấy bạn bè và anh em của con vui đùa, chơi các trò chơi, nói chuyện với những thành viên trong gia đình, nhưng con mình cứ chăm chú nhìn tay, gọi không thèm để ý, không biết trả lời. Nhìn thấy cảnh đấy, tôi vừa chạnh lòng xót xa, vừa thương con, muốn tìm mọi cách để đưa con thoát khỏi thế giới ấy ngay tức khắc”, anh M tâm sự.
“Quãng đường” từ khi biết đến chấp nhận và tìm cách cho con đi điều trị là rất dài, chính vì thế, các bậc phụ huynh đều có những ấn tượng khó quên trong suốt thời gian đồng hành cùng con.
Chia sẻ về những kỉ niệm cùng con điều trị, chị C (34 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Những lần đầu đưa con đi châm cứu bằng phương pháp đông y, bé không chịu hợp tác. Cháu giãy giụa, làm mình phải buộc tay, buộc chân, cố định đầu con, vừa giữ tay vừa bủn rủn. Đây là lần đầu tiên mình làm những việc như vậy. Nhìn con khóc, thấy thương lắm, không kìm lòng được, mẹ cũng bật khóc theo”.
Con gái của chị C đang dỗ dành và nói chuyện với em
Muốn cho con tốt hơn, các bậc phụ huynh phải chấp nhận thực tế con mình là một đứa trẻ khác biệt, đồng thời phải tìm kiếm những phương pháp hỗ trợ cho bé. Để có thể chấp nhận được điều đó, cha mẹ cần một ” trái tim thép”, cùng với đó là sự hi sinh, kiên nhẫn vì chặng đường đó rất dài.
Những nỗi lo theo năm tháng
Có con bị tự kỷ, cha mẹ phải tập làm quen với những nỗi lo khi trẻ còn nhỏ. Tới lúc trẻ lớn lên, trưởng thành hơn thì nỗi lo vẫn còn đó, nhưng chuyển thành những tâm sự rất khó chia sẻ cùng ai.
Là bố của một trẻ tự kỷ 5 tuổi, anh M (35 tuổi, trú tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) vẫn sợ con mình không tự ý thức được việc vệ sinh cá nhân, sợ con không biết đề đạt khi đói bụng hay khát nước.
Là bởi bé H – con anh – chẳng khác gì một đứa trẻ gần lên 2 tuổi, suốt ngày cười, “đánh cũng chả biết đau, biết khóc”. Những lúc con đi học về, anh thấy cháu bị trầy xước nhưng cũng không biết báo với cô hay kể cho bố mẹ.
Dưới đây là video clip chia sẻ về trẻ tự kỷ:
Sau nhiều năm chạy chữa không có nhiều tiến triển, anh H nhìn thấy con mỗi ngày một lớn, nhưng thay vì sung sướng, hạnh phúc như những người bố khác, nỗi lo lắng của anh càng nhân lên gấp bội.
“Mỗi khi nghĩ đến tương lai sau này của cháu là bao nỗi lo lại chồng chéo lên nhau, bao nhiêu câu hỏi cứ hiện ra trong đầu tôi: Không biết, sau này chúng tôi già đi, cháu sẽ đi đâu, về đâu? Cháu có tự chăm sóc cho bản thân không? Những lúc đó tôi cũng không dám nghĩ tiếp, chỉ biết ‘có bệnh thì phải vái tứ phương’ thôi”, anh H chia sẻ.
Còn đối với chị N.C (40 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái), nỗi lo đeo đuổi chị suốt hàng chục năm qua là người con trai năm nay 17 tuổi, mắc chứng tự kỷ từ lúc nhỏ.
“Là mẹ, ai cũng mong từng ngày để con lớn lên. Còn với tôi, con lớn cũng đồng nghĩa với nỗi lo của chúng tôi tăng lên theo cấp số nhân. Ngoài việc lo con phải đối diện với nhiều cạm bẫy, không có nghề nghiệp để tự nuôi nấng bản thân, thì tôi còn lo sau này vợ chồng tôi già yếu, mất đi, ai có thể thay chúng tôi chăm sóc cháu? Nhiều lúc tôi ước rằng, mình đừng già đi và con mình mãi là một đứa trẻ”, chị C chia sẻ.
Để có thể giải quyết được phần nào những nỗi lo đó, các bậc cha mẹ cần tìm thông tin về những phương pháp hỗ trợ bé, hoặc tìm đến các trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Thực tế hiện nay, các trung tâm chuyên biệt còn rất hạn chế, giáo viên hoặc nhân viên chuyên biệt còn gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị và giáo dục hòa nhập cho các bé tự kỷ.
Chị H.C (37 tuổi; trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ hy vọng rằng, xã hội sẽ có cái nhìn đúng đắn và bao dung hơn về trẻ tự kỷ, và sẽ có nhiều trung tâm hơn để các con có cơ hội phát triển tốt.
“Tôi mong đợi sẽ có thêm những trung tâm chuyên về can thiệp dành cho trẻ tự kỷ. Đó là môi trường thích hợp để các con tiếp thu, học hỏi, phát huy được hết năng lực bản thân”, chị C chia sẻ.
Việc tìm trung tâm chuyên biệt là rất cần thiết đối với những trẻ đặc biệt, bởi đây là môi trường thích hợp nhất để các bé có thể hòa nhập và phát huy những khả năng vốn có
Chăm sóc mot đua tre khoe manh đa là chuyện không đơn giản, nuôi lớn mot đua tre voi nhieu khac biet như trẻ tự kỷ lai cang kho khan gap boi. Trên chặng đường giúp trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội, không ai có thể hỗ trợ con tốt hơn ngoài cha mẹ. Chính vì thế, mỗi phụ huynh thực sự cần giữ “tinh thần thép” để đồng hành với con, nhằm hướng tới những mục tiêu tốt đẹp trong tương lai.
Kỳ sau: Nỗi lòng của giáo viên với những học trò đặc biệt
Tôi chuẩn bị hành trình cho con tự kỷ vào lớp 1 từ lúc học mẫu giáo
Cũng như bao mẹ Vip khác, tôi cũng mong con mình có thể vào học lớp 1 đúng độ tuổi như các bạn. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hành trình cho con tự kỷ vào lớp 1 gian nan gấp bội đứa trẻ bình thường.
Vì vậy, các mẹ cho con can thiệp càng sớm càng tốt, cùng với đó là chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1 cũng không thể chậm trễ ngày nào.
Ngày cuối tuần con đi công viên giao lưu với các bạn nhiều lứa tuổi
Ngay khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường từ lúc 18 tháng tuổi, nhưng phải đến khi con 2 tuổi, tôi mới đưa con đi can thiệp riêng với cô giáo chuyên biệt vào các buổi tối.
Ban ngày, tôi cho con đi học lớp mầm non bình thường, để mong con có thể học ở các bạn bình thường nhanh hơn. Tuy nhiên, khi theo dõi qua camera của lớp và nhiều lần chứng kiến những giờ học tập thể của lớp, con chỉ hoạt động ở thế giới riêng ở góc lớp, cho dù đó là giờ học nào, là hoạt động vui chơi, ăn uống hay nghỉ ngơi của lớp. Thậm chí, có nhiều giờ học, cô chỉ sểnh ra một cái là con đã chạy vụt ra cửa lớp, lang thang ở hành lang hoặc trong sân trường, khiến bao phen các cô giáo phải thót tim, hụt hơi đi tìm con.
Ngoài những giờ học, con được đi công viên để sớm nhận biết mọi thứ xung quanh
Tôi cũng xót xa và vô cùng lo lắng khi khó hoà nhập với môi trường mầm non bình thường, nhưng tôi nghĩ, nếu con không thể hoà nhập được với mọi hoạt động của lớp, không hoà nhập được với các bạn thật nhanh thì con chắc chắn không thể vào lớp 1 đúng độ tuổi. Tôi nghĩ, chỉ cần con biết phân biệt đâu là cô giáo, đâu là mẹ, nghĩa là con có chút nhận thức, thì chúng ta hoàn toàn có thể giúp con hoàn thiện dần những thứ còn khuyết thiếu trong con.
2 tuổi, con tôi không có ngôn ngữ, chữ "ạ" con cũng chưa thể bật ra được, con tăng động nhiều và không có nhận thức. Vậy để con có thể đi học lớp 1, trước hết con cần phải giảm sự tăng động ở mức thấp nhất. Nghĩa là trước khi con học được cái chữ, hiểu biết bài giảng, thì con phải ngồi yên một chỗ đến hết giờ học, hoặc ngồi yên hết chờ tập trung chào cờ, ngày lễ ở trường theo quy định.
Để rèn cho con ý thức kỷ luật ở lớp, tôi đã nhờ cô giáo chuyên biệt kèm con ngay từng buổi học ở giờ học của lớp mẫu giáo 3 tuổi. Bởi tôi thấy, cứ khi có cô giáo chuyên biệt ngồi cạnh thì con ngồi yên, khi cô chuyên biệt chưa tới, thì cô chủ nhiệm có nhắc nhở, quát phạt kiểu gì con vẫn bỏ ghế chạy ra góc lớp chơi 1 mình. Tôi và cô giáo chuyên biệt cùng bàn bạc, nhờ cô giúp con ngồi yên tại hàng ghế quy định được 10 phút mỗi giờ học. Sau đó, tuần sau tăng lên 15 phút, các buổi học sau đó cô chuyên biệt cứ tăng dần cho con ngồi yên 1 chỗ đến 20 phút, 30 phút, 45 phút và thậm chí là 1 giờ.
Giao lưu với các trẻ nhiều lứa tuổi cũng là cách giúp con hoà nhập nhanh với thế giới xung quanh
Lúc ấy, tôi chỉ nhờ cô giáo chuyên biệt giúp con rèn ý thức tại lớp, chưa cần quan tâm con học được gì ở giờ học đó, dù là vẽ, là bài hát, hay những bài học nhận biết màu sắc, âm thanh... Tất cả nội dung bài giảng của lớp mẫu giáo sau đó đã được cô giáo chuyên biệt đưa con về phòng học chuyên biệt để dạy kèm 1 mình con thêm về kiến thức bài học trên lớp cộng đồng.
Cứ như vậy từng ngày, từng tuần, từng tháng năm tôi và cô giáo kiên trì trao đổi, phối hợp ở nhà và ở lớp để giúp con không bỏ lỡ 1 nhịp nào trong hành trình tiến vào lớp 1.
Càng lên lớp mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi, càng phải rèn con vào nền nếp học, càng phải giúp con nhận thức về thế giới xung quanh, nhận biết con số, chữ cái bằng nhiều cách khác nhau. Cứ phương pháp này con không nhận thức được, không nhớ được, thì tuần sau tôi và cô giáo chuyên biệt lại bàn bạc, nghiên cứu và thay đổi cách khác để làm sao con dễ nhớ, dễ học và con dần nhận thức tốt hơn.
Để con bớt tăng động, tôi không dùng bất cứ một viên thuốc nào cho con. Bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ của nó, trong khi con Vip của chúng ta hạn chế nhận thức nên mới có những biểu hiện, hành vi khác người. Con không thể tự nhận thức được mọi sự việc xung quanh, vì vậy chúng ta cần giúp con nhận thức được mọi hành vi, biểu hiện của con với mọi hoạt động thường ngày như: đâu là nguy hiểm khi con cắm đầu chạy về phía trước, đâu là chưa đúng khi con lăn ra đất ăn vạ, khóc lóc khi không đạt được ý muốn của mình, đâu là nước nóng sẽ bị bỏng tay... Tôi cùng các cô giáo kiên trì giúp con mỗi ngày, đến khi con có thể ngồi yên để theo một giờ học tại lớp mẫu giáo lớn cùng các bạn.
Về nhận thức, từ lớp mẫu giáo 4 tuổi, con bắt đầu học thêm chữ cái và con số. Nhưng con hay nhại lại lời cô, chứ không tự nói được. Cô cứ dạy nhiều lần, bằng nhiều hình ảnh để con chụp lại trong trí nhớ tốt hơn. Đến lớp mẫu giáo 5 tuổi, con bắt đầu học về bảng cộng chữ số trong phạm vi 10 và bắt đầu tập tô nét chữ, ghép chữ 2 có 2 vần đơn giản như: ba, bà, ông, mẹ, bố, chị... Và học viết chính tên của con, những từ ngữ đó gắn bó với con hàng ngày, nên con dễ hiểu, dễ nhớ.
Lớp 4 hiện nay, con đã tự ngồi học ở lớp rất ngoan, nhận thức chắc khoảng 60% kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục
Khi con đã rèn được ý thức ngồi 1 chỗ theo giờ học của cấp tiểu học, hành vi đánh bạn, biểu hiện ăn vạ, tăng động của con cũng bớt dần. Dù vẫn còn nghi ngại, nhưng tôi vẫn quyết định cho con theo vào lớp 1 học cùng các bạn. Dù đã chuẩn bị rất sớm mọi hành trang cho con vào tiểu học, nhưng ở môi trường mới, con vẫn bộc lộ khá nhiều biểu hiện, hành vi chống đối các cô giáo mới trong giờ học, con không chịu viết bài, ăn vạ... Tôi tiếp tục cho cô giáo chuyên biệt đến kèm con tại trường tiểu học, giúp con tiếp tục hoàn thiện mọi hành vi và nhận thức các bài giảng của lớp 1.
Bởi cách dạy của cô giáo tiểu học cho các bạn bình thường là khá nhanh và đơn giản, nên con Vip không thể nhận thức, tư duy kịp bài giảng. Con không hiểu bài sẽ nhanh chán, sẽ chống đối lại việc ngồi yên trong giờ học, làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Vì vậy, có cô giáo đi kèm sẽ vừa giúp con ổn định hành vi, vừa hỗ trợ con theo cách riêng của mình để giải thích lại mọi kiến thức mà cô chủ nhiệm đang dạy các bạn trong lớp.
Cô chuyên biệt kèm chặt con trong 2 năm đầu tiểu học là lớp 1 và lớp 2, khi con đã hoà nhập tốt hơn với các bạn cùng lớp, thì năm lớp 3, rồi lớp 4 hiện nay, con đã tự ngồi học ở lớp rất ngoan, nhận thức chắc khoảng 60% kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục. Dù đôi lúc có những việc không đúng ý của con, con vẫn chống đối, nhưng ngay khi được cô giáo bộ môn và các bạn trong trường giúp đỡ, nhắc nhở, con đã nhận ra mình sai và biết hứa để sửa, biết xin lỗi các bạn và cô giáo khi làm việc gì chưa đúng.
Tôi cho rằng, chỉ cần con bạn có nhận thức, dù là rất nhỏ thì cũng là tia hy vọng để các mẹ tiếp tục kiên trì, không bỏ cuộc, không hoang mang, mà hãy hỗ trợ con từng ngày, từng việc nhỏ nhất trong mọi sinh hoạt hàng ngày, để con hoàn thiện dần bản thân. Chúng ta là cha mẹ Vip, nên hãy xác định sẽ đồng hành cùng con cả cuộc đời, nên trước khi mong cho con bằng bạn bè, chúng ta sẽ là người thương yêu và hiểu các con mình nhất. Bởi khi hiểu con rồi, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ cùng các cô giáo giúp đỡ con mỗi ngày trong hành trình hoà nhập với cuộc sống./.
Khai mạc hội thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh Trong 2 ngày 4 - 5/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vòng sơ khảo hội thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh lần thứ VII, năm học 2019-2020 cho học sinh THPT. Tham dự hội thi gồm học sinh của khối lớp 10 và 11 đến từ các trường THPT, trường THCS-THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thí sinh...