Tình yêu thương của cô gieo niềm vui, sự sống
Tôi xem cô giáo Nguyễn Thị Hường là người mẹ thứ hai, trong trái tim tôi lúc nào cũng có hình bóng thân thương của cô – người đã cùng tôi trải qua những ngày tháng đẹp đẽ
Tôi được sinh ra trong một gia đình có đầy đủ ông bà nội ngoại, các bác và các anh chị em trong nhà đều hết lòng thương quý tôi vì tôi là con gái đầu lòng của bố mẹ, mà bố mẹ tôi lại là con út.
Cùng cô xây đắp kỷ niệm vui
Ông bà nội kể: “Bố cháu từ nhỏ đã chịu thiệt thòi vì năm lên 2 tuổi bị liệt một chân sau cơn sốt cao. Khi đó, ông bà sống ở miền núi, nhà nghèo không đưa bố cháu ra Hà Nội chạy chữa được, nên bố cháu phải chịu tật nguyền, ảnh hưởng cuộc sống, cố gắng học hết cấp III thì đi học nghề”.
Sau này kinh tế đỡ hơn, ông bà mua một ngôi nhà nhỏ gần đường cho bố làm nghề sửa xe máy. Nhìn bố cặm cụi suốt ngày với những bước đi khập khiễng mà tôi thương bố vô cùng. Mẹ tôi trước khi lấy bố tôi là nhân viên nhà bếp, nấu ăn cho sinh viên của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn ( Thanh Hóa). Sau tôi còn có một đứa em năm nay cũng vào trường chuyên với tôi.
Gia cảnh khó khăn nhưng chị em tôi được ông bà, bố mẹ chăm sóc chu đáo. Bố mẹ làm tất cả để chúng tôi được no đủ, an tâm học hành. Từ lớp mầm non đến tiểu học, chị em tôi được ông nội (đã về hưu) với chiếc xe máy cũ ngày hai buổi đưa đón đến trường. Lúc đó tôi thường hứa với lòng, mình phải học thật giỏi để cả nhà được vui và tôi đã làm được. Suốt cấp tiểu học, tôi luôn là học sinh giỏi.
Năm lớp 5, tôi được trường chỉ định làm liên đội trưởng. Cuối năm đó, tôi được chọn tham gia cuộc thi liên đội trưởng giỏi toàn tỉnh Thanh Hóa. Qua 3 vòng thi, tôi đã đoạt giải nhất, được Tỉnh Đoàn tặng giấy khen và được chọn đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh. Cả Trường Tiểu học Trường Sơn và ông bà, cha mẹ tôi đều vô cùng vui mừng.
Năm đó tôi được tuyển thẳng vào Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ của TP Sầm Sơn. Ước mơ được học tại trường chuyên thành hiện thực, tôi vô cùng sung sướng.
Tôi được xếp vào lớp 6A2 do cô Nguyễn Thị Hường làm chủ nhiệm. Ở trường chuyên này, giáo viên chủ nhiệm lớp nào thì theo lớp đến hết cấp. Tôi gắn bó với cô Hường và từ đây, cô thường dành cho tôi những tình cảm đặc biệt – vừa thân thương như người mẹ vừa nghiêm khắc trong học tập lại gần gũi, chan hòa ngoài cuộc sống. Biết nhà tôi nghèo, cô càng động viên tôi gắng học. Tôi mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo như cô.
Tôi lại được làm liên đội trưởng. Do có kinh nghiệm ở trường tiểu học nên khi chỉ huy Đội ở trường này tôi càng làm tốt hơn. Phong trào Đội của trường được Thành Đoàn đánh giá cao và xếp loại nhất trong phong trào hoạt động của khối nhà trường toàn thành. Cảm xúc dâng trào nhất của tôi là mỗi đầu tuần được chỉ huy đội trống, mặc đồng phục làm lễ chào cờ. Khi tôi dõng dạc hô và nhìn thầy cô cùng các bạn nghiêm trang ngước lên lá cờ Tổ quốc đang từ từ kéo lên đỉnh cột mà lòng vừa xúc động vừa tự hào.
Năm 2021 chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ của TP Sầm Sơn, Thành Đoàn về trường đề nghị cô Hường chọn một em đại diện cho đoàn thanh thiếu niên và nhân dân thành phố đọc lời chúc mừng đại hội. Cô Hường viết bài và cùng tôi tập luyện cách trình bày. Trong buổi lễ, tôi dẫn đầu đoàn thanh thiếu niên lên chúc mừng đại hội và đọc lời chúc mừng, toàn thể hội trường vỗ tay nhiệt liệt.
Đầu năm lớp 8, tôi được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa bình chọn là một trong 7 đội viên toàn tỉnh được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX. Tôi cùng đoàn được viếng Lăng Bác, được vào Phủ Chủ tịch và được dự đại hội tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, được gặp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi được cùng các bạn lên nhận bằng khen của Trung ương Đoàn do bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội – trao, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bắt tay, xoa đầu động viên và tặng quà.
Khi tôi về, cô Hường ôm chầm tôi, mắt rớm lệ, tôi muốn nói bao điều mà không được, chỉ muốn cô mãi truyền cho tôi tình cảm ấm áp. Đến bây giờ kỷ niệm vẫn đầy ắp.
Video đang HOT
Những hình ảnh của tác giả và cô giáo Nguyễn Thị Hường. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tình cô sâu sắc qua biến cố
Niềm vui chưa được bao lâu thì một biến cố ập đến!
Đó là buổi sáng 15-10-2021. Trên đường đến trường cùng các bạn trong đội văn nghệ của trường tập luyện các tiết mục chuẩn bị cho lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, gần sang hết đường, tôi bị một chiếc xe máy của 2 người say rượu tông thẳng vào.
Tôi văng lên vỉa hè, đầu bị vỡ 2 mảnh sọ. Thầy cô trong trường ùa ra, vẫy xe đưa tôi đến thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Sau này nghe mẹ kể lại, suốt buổi chiều tôi nằm trên bàn mổ, thầy cô và các bạn ôm nhau khóc tại phòng chờ của bệnh viện.
Bốn giờ phẫu thuật dài như vô tận!
Khi đưa tôi lên phòng hồi sức, bác sĩ khuyên mọi người về nhưng cô Hường nhất định không đi mà ở lại với bố mẹ tôi qua đêm. Nghe bác sĩ nói hy vọng sống của tôi chỉ còn 1%, cô càng khóc nhiều, mẹ tôi ngã gục trên ghế.
Sau 14 ngày được tiêm bằng những loại thuốc đắt tiền, buổi tối ngày thứ 15, tôi nhúc nhích được tay chân và từ từ mở mắt. Cả phòng nơi tôi nằm mọi người òa lên vui mừng.
Tôi nhận ra người đầu tiên đang nhìn tôi là cô Hường, cô mừng quá, khóc rưng rức, ai nấy xung quanh tôi mắt cũng đỏ hoe.
Sau 5 tháng điều trị tích cực tại các bệnh viện tỉnh và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tôi phải tập đi vì chân phải bị ảnh hưởng. Điều kỳ diệu là mắt và giọng tôi không bị tổn thương, chỉ có hai bên thái dương bị lõm. Hai bên sọ phía sau khi chưa ghép bị xẹp hẳn xuống.
Ở trường, cô Hường đã vận động các bạn và phụ huynh giúp đỡ gia đình tôi, người ít, người nhiều đem đến giúp bố mẹ tôi 70 triệu đồng phụ giúp tiền thuốc men. Sau 3 lần mổ nữa tại Bệnh viện Việt Đức, việc ghép 2 mảnh sọ trên đầu tôi mới giúp tạm lành vết thương.
Tôi phải học lại lớp 8, lúc này cô Hường đã theo lớp lên chủ nhiệm lớp 9A2. Tuy cô không làm chủ nhiệm lớp 8 mà tôi học lại nhưng cô vẫn gần gũi, động viên và chăm sóc tôi như trước.
Cô thường giúp tôi học ôn tại nhà. Nhờ có cô mà sức học của tôi tuy giảm sút rất nhiều so với trước nhưng cuối năm lớp 8 tôi vẫn được xếp loại học sinh tiên tiến. Giờ đây, ước mơ làm cô giáo của tôi đành gác lại nhưng những kỷ niệm với cô không bao giờ phai nhòa trong cuộc đời tôi.
Cảm ơn cô, em yêu cô nhiều lắm!
Dưới tán rừng Động Châu (Lệ Thủy - Quảng Bình)
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là cánh rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn, núi đồi trùng điệp nằm bên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Để phát huy giá trị tài nguyên rừng, tạo sinh kế cho người dân, mới đây, tỉnh Quảng Bình cho phép triển khai thí điểm loại hình du lịch khám phá thiên nhiên ở các phân khu phù hợp. Miền thiên nhiên diệu kỳ này đang đợi chờ những bước chân du khách khám phá.
Đu dây vượt thác Dương Cầm, thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)
Với tỷ lệ che phủ 98%, sự đa dạng sinh học và phong cảnh tuyệt đẹp chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa, khoa học và du lịch độc đáo, rừng Động Châu - Khe Nước Trong là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, mở ra triển vọng mới cho du lịch khám phá thiên nhiên giữa đại ngàn Trường Sơn.
"Khu rừng hy vọng"
Nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Bình, giáp với biên giới Việt Nam - Lào, rừng Động Châu - Khe Nước Trong vốn là rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt nên ngày càng phong phú về loài động, thực vật và đa dạng sinh học. Vì thế, tháng 6/2020, Quảng Bình quyết định thành lập khu dự trữ thiên nhiên để ngày càng làm giàu thêm vốn rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên liên tục rộng lớn nhất ở Việt Nam và chỉ còn tồn tại ở một số khu vực dọc biên giới Việt Nam - Lào. Đặc biệt, khu vực này còn bảo tồn được một diện tích lớn rừng nhiệt đới thường xanh còn tính chất nguyên sinh trên vùng đất thấp - kiểu rừng hiện đã trở nên rất hiếm ở Việt Nam.
Giải thích về thuật ngữ "rừng thường xanh", Phó Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong Trương Minh Quảng cho biết, đây là khái niệm để chỉ những khu rừng bốn mùa xanh cây lá. Sự đa dạng của rừng nguyên sinh với hàng nghìn loài thực vật có đặc điểm sinh trưởng khác nhau đã tạo nên rừng "thường xanh". Khi loài này rụng lá, loài kia đang ra hoa, kết trái... xen kẽ nhau.
Nhờ thế, rừng Động Châu - Khe Nước Trong "thường xanh" trong cả bốn mùa và thảm thực vật nơi đây rất dày và ẩm quanh năm. Nổi bật ở đây là hàng nghìn loài cây bản địa, trong đó có nhiều cây cổ thụ đường kính năm đến bảy người ôm nằm ở độ cao từ 700m đến 900m so với mực nước biển. Tầng tầng, lớp lớp cổ thụ như đan vào nhau để che chắn, mang lại sự bình yên cho vùng đồng bằng ở phía nam tỉnh Quảng Bình trong mùa mưa lũ.
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong được Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam - Lào có hệ động, thực vật rất phong phú. Trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Theo đánh giá của các nhà khoa học lâm nghiệp, rừng Động Châu có nhiều loài cây gỗ quý hiếm như gụ mật, gụ lau, lim xanh, vù hương, dạ hương... Đây còn là môi trường sống của nhiều loài chim quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa toàn cầu như: trĩ sao, khướu mỏ dài và khướu má xám, các loài gà lôi... Rừng Động Châu - Khe Nước Trong được Tổ chức Bảo tồn chim thế giới công nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và vùng chim đặc hữu rừng kín thường xanh đất thấp của Việt Nam. Các nhà khoa học lâm nghiệp gọi đây là "khu rừng hy vọng" - niềm hy vọng lưu trữ và hồi phục hệ sinh thái thiên nhiên lâu đời được giữ vững ở đây.
Từ dốc Bãi Đạn trên nhánh tây đường Hồ Chí Minh, các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cầu Khỉ dẫn chúng tôi bắt đầu hành trình len lỏi dưới tán rừng, ngược về nơi khởi nguồn của Khe Nước Trong. Đúng như tên gọi, nước khe trong vắt, mát lạnh, soi rõ từng hòn cuội nhỏ và những đàn cá tung tăng bơi lội. Sau vài chục phút đi bộ và lội suối, chúng tôi dừng bước chiêm ngưỡng cây vù hương cổ thụ vươn cao tỏa bóng xuống một vùng rừng rộng lớn. Năm người xúm lại, tay cầm tay nhưng vẫn chưa đủ cho một vòng quanh gốc cây.
Đi dưới tán rừng Động Châu
Các nhân viên bảo vệ rừng cho biết, đi sâu vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, còn rất nhiều cây cổ thụ lớn như thế. Mỗi cây được đánh dấu và có một hồ sơ riêng về lịch sử phát triển. Trên nền mầu xanh không đồng nhất của khu rừng, lộc non phớt đỏ xen lẫn mầm xanh nhú lên trong nắng. Nhiều cây hoa vàng thân leo phủ kín lối đi và xen giữa những gốc cây già trầm tư bên bờ suối là vô số cây hoa rừng đỏ tươi tạo nên những bức tranh nhiều mầu sắc giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Dưới tán rừng thường xanh Động Châu - Khe Nước Trong là thế giới kỳ thú của hàng nghìn loài động, thực vật. Chúng đang được sống trong sự bảo vệ nghiêm ngặt và tình yêu thiên nhiên của những người giữ rừng mẫn cán nơi đây.
Chinh phục những ngọn thác hùng vĩ
Chuyến thăm rừng Động Châu - Khe Nước Trong đã làm cho chúng tôi mê mẩn cảnh sắc nơi đây nên quyết định trở lại khu dự trữ thiên nhiên bên mái Trường Sơn bằng một hành trình trải nghiệm với rừng xanh và thiên nhiên hoang sơ. Qua Cầu Khỉ rồi Bãi Đạn trên nhánh tây đường Hồ Chí Minh chưa tới 2km, chúng tôi dừng xe bên bìa rừng rồi theo lối mòn đổ dốc thẳng xuống suối Tiên. Trong khoảng 4km, dòng suối Tiên đã có ba thác nước rất đẹp, mỗi thác một vẻ. Thác Tóc Tiên nhẹ nhàng, thác Dương Cầm ảo diệu, thác Cổng Trời cao vút.
Men theo dòng chảy trong vắt của suối Tiên len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh, vượt qua nhiều thác ghềnh, chúng tôi đến thác Dương Cầm. Thác cao hơn 50m, dốc nghiêng khoảng 70 độ, nước chảy tràn trắng xóa, nhìn từ trên cao, thác trông giống như phím đàn dương cầm. Phong cảnh choáng ngợp, con người bỗng chốc trở nên bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ. Anh bạn đi cùng tấm tắc, đây đúng là địa điểm lý tưởng để tổ chức hoạt động vượt thác. Bạn nhân viên của Công ty du lịch Netin phụ trách kỹ thuật vừa hỗ trợ từng người mang đai bảo hộ vừa giới thiệu từng loại thiết bị, hướng dẫn kỹ năng sử dụng dây, móc khóa an toàn, kỹ thuật leo núi để vượt thác.
Dù khá tự tin nhưng mỗi chúng tôi đều thấy hồi hộp trước thử thách vượt thác, loại hình du lịch lần đầu tiên được đưa vào khai thác ở Việt Nam. Từng người bước đến chân thác, nắm chặt sợi dây thừng dùng lực kéo bằng cả hai tay cộng thêm sự hỗ trợ phía trên thác của hai nhân viên thông qua một dây chuyên dụng. Ai nấy chậm rãi từng bước. Tiếng thác ầm ào réo gọi, từng tia nước dội xuống bắn tung tóe như níu lấy đôi chân hồi hộp của người leo. Lời động viên của bạn phụ trách kỹ thuật bị tiếng thác nước đổ nuốt chửng, những ngón chân bấm ghì xuống mặt đá, mắt lóa lòa vì nước, cảm giác tim đập như trống nhạc...
Mất hơn một giờ đồng hồ, tất cả các thành viên trong đoàn mới vượt được thác Dương Cầm, trong cảm xúc vừa tự hào vừa khâm phục bản thân của mỗi người. Nếu vượt thác khó khăn, đòi hỏi tập trung cao độ và phải dồn sức lực bao nhiêu thì khi lên đến đỉnh thác mới thấy sảng khoái, tự hào bởi mỗi cá nhân đã vượt qua được giới hạn bản thân mà nếu không có trải nghiệm này thì khó lòng biết được. Quả là một hành trình khám phá thiên nhiên vô cùng ấn tượng.
Để phục vụ đoàn khách chúng tôi, Công ty du lịch Netin đã cử đến tám người hỗ trợ, trong đó có hai bạn là người dân tộc Vân Kiều ở bản Rum Ho ở gần Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Các bạn này cho biết, cung đường rừng với lội suối, vượt thác ở đây họ đã quen thuộc nhưng là lần đầu tham gia hỗ trợ cho du khách nên rất vui. Họ mong muốn tua du lịch khám phá này ngày càng được nhiều người biết tới để họ có thêm thu nhập thông qua các hoạt động trợ giúp như vận chuyển đồ cho du khách (porter), hỗ trợ du khách vượt thác...
Xế chiều, chúng tôi lại xẻ ngang rừng trở ra, đến bên bìa rừng dựng lều, cắm trại. Khi màn đêm buông xuống, giữa không gian núi rừng rộng lớn, ngồi quây quần bên bếp lửa nhỏ, cùng nhau trò chuyện, thưởng thức những món ăn độc đáo, ngắm sao trời, cảm giác khi được hòa lẫn vào thiên nhiên hùng vĩ thật khó diễn đạt. Hai ngày một đêm trải nghiệm dưới tán rừng Động Châu hoàn toàn cách ly với sóng điện thoại và sự náo nhiệt của phố thị, tận hưởng đủ các cung bậc cảm xúc khi được khám phá, giao hòa với thiên nhiên hoang dã khiến nhóm chúng tôi ai ai cũng hào hứng.
Giám đốc Công ty du lịch Netin Trần Xuân Cương chia sẻ, muốn phát triển bền vững du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nơi đây phải gắn với hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số để giảm áp lực phụ thuộc vào rừng. Hiện, công ty đang phối hợp các đơn vị thực hiện dự án tăng cường sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại các bản Rum Ho và Trung Đoàn của xã biên giới Kim Thủy.
Dự án nhằm thay đổi nhận thức cho cộng đồng dân cư và giúp bà con Vân Kiều tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, như hỗ trợ cắm trại, vận chuyển hàng hóa, chế biến các món ăn bản địa, biểu diễn văn nghệ dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để phục vụ du khách. Thời gian tới, Công ty Netin phối hợp, hỗ trợ người dân địa phương thí điểm mở các nhà cộng đồng để phục vụ du khách lưu trú; đồng thời nghiên cứu các hoạt động du lịch khác nhằm tạo ra chuỗi giá trị ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Và miền thiên nhiên diệu kỳ nơi điệp trùng núi rừng Trường Sơn phía nam tỉnh Quảng Bình đang chờ đón du khách.
Giếng ngọc gợi nhớ dấu ấn An Dương Vương và Mỵ Châu Trước mặt Đền thờ An Dương Vương và Mỵ Châu (phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn), sự có mặt của giếng ngọc thêm khẳng định giá trị của di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này. Nằm ven Quốc lộ 47 nối TP Thanh Hóa với TP biển xinh đẹp Sầm Sơn, làng Bình Hòa (phường Quảng Châu, TP Sầm...