Tình tiết mới vụ rơi máy bay Indonesia: Nghi vấn van tiết lưu tự động bị lỗi
Theo một nguồn tin thân cận, các nhà điều tra vụ tai nạn máy bay xảy ra hôm 9/1 của hãng hàng không Indonesia Sriwijaya Air đang xem xét khả năng van tiết lưu tự động bị trục trặc có thể dẫn đến việc phi công mất kiểm soát.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đứng bên mảnh vỡ máy bay gặp nạn của hãng hàng không Sriwijaya Air trong chuyến thị sát hiện trường ngày 20/1. Ảnh: EPA-EFE
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn tin giấu tên đưa tin một trong hai động cơ của chiếc Boeing 737-500 đã tạo ra nhiều lực đẩy hơn động cơ còn lại ngay trước khi chiếc máy bay chở 62 người lao xuống biển Java. Người này cho biết thiết bị này cũng đã gặp sự cố trong các chuyến bay trước đó.
Các vấn đề liên quan đến van tiết lưu tự động trên chiếc Boeing 737 đã từng gây ra các sự cố trước đây. Sự cố tương tự này trên một mẫu máy bay khác cũng là nguyên nhân của một vụ tai nạn chết người ở Romania năm 1995 .
Ông Nurcahyo Utomo, trưởng nhóm điều tra tại Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia (NTSC), xác nhận rằng họ đang xem xét điều tra sự cố liên quan đến van tiết lưu.
“Van tiết lưu gặp trục trặc là một trong những yếu tố mà chúng tôi đang xem xét.. Nhưng tại thời điểm này, tôi không thể khẳng định rằng đó là một yếu tố gây ra vụ tai nạn hay vụ tai nạn có liên quan đến vấn đề này”, ông nói.
Hiện tại, nhóm của ông Utomo vẫn đang làm việc với các kỹ sư của Boeing để điều tra dữ liệu từ hộp đen cđã tìm thấy dưới biển vào tuần trước. Lực lượng cứu hộ vẫn đang cố gắng xác định vị trí mô-đun bộ nhớ của bộ ghi âm buồng lái của máy bay đã bị vỡ khi va chạm.
Theo các chuyên gia, lực đẩy không đều từ các động cơ có thể khiến máy bay đổi hướng hoặc thậm chí bị nghiêng và hạ cánh đột ngột, nếu không được xử lý đúng cách.
Video đang HOT
Chuyến bay mang số hiệu SJ182 của Hãng hàng không Sriwijaya đã đột ngột lao xuống độ cao hơn 3000 km trong khoảng 15 giây, chỉ vài phút sau khi cất cánh trong cơn mưa lớn từ Jakarta, theo ứng dụng theo dõi các chuyến bay FlightRadar24. Tất cả các thành viên trên chuyến bay đều thiệt mạng.
Mẫu máy bay 737-500 của Boeing hoạt động lần đầu tiên vào năm 1989. Theo trang web Planespotters.net, chiếc máy bay gặp nạn đã được đưa vào hoạt động từ tháng 5/1994. Chiếc máy bay phản lực thuộc mẫu cũ hơn dòng Boeing 737 MAX đã từng gây ra hai vụ tai nạn chết người khác, bao gồm các vụ ngoài khơi Indonesia, vào năm 2018 và 2019, các vụ tai nạn này đã gây chấn động toàn cầu.
Hiện NTSC chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Hôm 19/1, ủy ban cho biết họ đang có kế hoạch công bố những phát hiện sơ bộ trong vòng 30 ngày sau thảm kịch. Theo thông tin ban đầu, cả hai động cơ dường như vẫn hoạt động trước khi máy bay chạm nước, theo NTSC.
Tờ Tempo của Indonesia đưa tin trong những ngày gần đây hệ thống điều hòa tự động của máy bay cũng đã bị trục trặc liên tục trước khi vụ tai nạn xảy ra.
Những chiếc máy bay phản lực hai động cơ như Boeing 737 được thiết kế để bay dựa trên một động cơ duy nhất trong trường hợp khẩn cấp, do đó, lỗi van tiết lưu tự động tạo ra lực đẩy không cân bằng sẽ không đủ để máy bay tự hạ cánh.
Tuy nhiên, trường hợp lực đẩy không đều nghiêm trọng có thể gây ra nhiều vấn đề với khả năng điều khiển máy bay. Nếu máy bay ở trong mây hoặc phi công không theo dõi chặt chẽ tình trạng của máy bay, phi cơ có thể mất kiểm soát nghiêm trọng trước khi phi hành đoàn phản ứng.
Giống như một máy lái tự động, van tiết lưu tự động trên máy bay Boeing 737-500 có thể được các phi công sử dụng để thiết lập tốc độ tự động, do đó giúp giảm khối lượng công việc của họ và hao mòn động cơ.
Năm 2001, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã yêu cầu các nhà khai thác dòng máy bay phản lực Boeing 737-500 thay thế thiết bị van tiết lưu tự động sau khi có báo cáo về lực đẩy không đều. Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy vấn đề này xảy ra trong vụ tai nạn gần đây, nhưng điều này có thể tạo ra nguy cơ mất an toàn.
Theo các nhà điều tra Romania, lực đẩy không đều trên chiếc Airbus A310 và phản ứng không kịp thời của phi công, đã khiến chuyến bay của hãng hàng không Tarom gặp nạn gần Bucharest vào năm 1995.
Indonesia chưa thể trục vớt hộp đen máy bay gặp nạn
Thợ lặn hải quân Indonesia chưa thể thu hồi hai hộp đen máy bay gặp nạn do chúng nằm giữa nhiều mảnh kim loại sắc nhọn dưới đáy biển.
Tàu hải quân Indonesia hôm 10/1 đã thu được tín hiệu "ping" phát ra từ hai hộp đen trên chiếc Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air bị tai nạn. Chiếc máy bay chở 62 người lao xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta trong mưa lớn hôm 9/1.
Tài hải quân Indonesia tại vị trí trục vớt hộp đen. Ảnh: AP
Đô đốc Yudo Margono, tư lệnh hải quân Indonesia, cho biết các thợ lặn sử dụng thiết bị "định vị ping" công nghệ cao để xác định vị trí hộp đen dưới đáy biển toàn bùn ở độ sâu khoảng 20 mét, nhưng gặp nhiều khó khăn do hộp đen bị chôn vùi dưới hàng tấn mảnh kim loại sắc nhọn của xác máy bay.
Ông cho hay việc loại bỏ những chướng ngại vật này làm chậm nỗ lực trục vớt hộp đen. Một thiết bị lặn điều khiển từ xa đã được điều động tới vị trí tìm kiếm, ít nhất 160 người nhái hôm nay sẽ triển khai để đẩy nhanh nỗ lực thu hồi hộp đen.
Hơn 3.600 nhân viên cứu hộ, 13 máy bay trực thăng, 54 tàu lớn và 20 thuyền nhỏ đang tham gia cuộc tìm kiếm. Họ đã tìm thấy một số bộ phận của máy bay và thi thể nạn nhân ở độ sâu 23 mét.
Lực lượng cứu nạn đã chuyển 74 túi đựng thi thể tới khu vực nhận dạng của cảnh sát. Nạn nhân đầu tiên được nhận dạng hôm 11/1 là Okky Bisma, 29 tuổi, nam tiếp viên hàng không.
Thân nhân người gặp nạn đã tới cung cấp mẫu ADN cho các nhà điều tra. Cảnh sát cho biết cần 4-8 ngày để có kết quả. Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Rusdi Hartono cho hay khoảng 53 mẫu ADN đã được thu thập nhưng vẫn cần nhiều hơn, đặc biệt là mẫu từ cha mẹ và con cái của nạn nhân.
Thông tin trong hai hộp đen chứa dữ liệu hành trình bay và ghi âm buồng lái sẽ là chìa khóa giải thích nguyên nhân máy bay rơi. Hai thiết bị màu cam này sẽ tự động tách khỏi phần đuôi khi máy bay lao xuống biển và Indonesia đang tập trung tìm kiếm chúng ở khu vực giữa đảo Lancang và Laki ở phía bắc Jakarta.
Khi được trục vớt, hộp đen sẽ được trao cho Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia (NTSC), đơn vị giám sát cuộc điều tra. NTSC Indonesia cho hay Singapore sẽ hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm hộp đen và Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ tham gia điều tra.
Soerjanto Tjahjono, chủ tịch NTSC, loại trừ khả năng máy bay phát nổ giữa không trung sau khi xem xét tình trạng các mảnh vỡ mà thợ lặn tìm thấy. Ông cho biết máy bay vẫn còn nguyên vẹn trước khi va vào mặt nước với tốc độ cao, nên mảnh vỡ tập trung ở một chỗ, thay vì văng ra một khu vực rộng lớn nếu phát nổ giữa không trung.
Thảm họa làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng không Indonesia, ngành tăng trưởng nhanh sau khi nền kinh tế mở cửa vào cuối những năm 1990. Mỹ đã cấm các hãng vận tải Indonesia hoạt động tại Mỹ năm 2008 và xóa lệnh cấm năm 2016 với lý do Indonesia đã cải thiện và đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng không quốc tế. Liên minh châu Âu cũng dỡ lệnh cấm tương tự năm 2018.
Trong năm qua, ngành hàng không Indonesia bị ảnh hưởng đáng kể bởi Covid-19 hạn chế đi lại và giảm nhu cầu di chuyển. Sriwijaya Air trước đây chỉ xảy ra một số sự cố nhỏ, nhưng chưa từng bị rơi máy bay gây thiệt hại nhân mạng lớn.
Máy bay Indonesia 'vỡ nát khi va chạm mặt biển' Dựa trên phạm vi mảnh vỡ được tìm thấy, điều tra viên nhận định máy bay của Sriwijaya Air có thể vỡ nát khi lao xuống mặt biển. "Chúng tôi không biết chắc chắn, nhưng nhận thấy các mảnh vỡ nằm rải rác trong khu vực không quá rộng", Nurcahyo Utomo, điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải...