Tinh thần hiếu học của người Việt trên đất Nga
Sinh ra và lớn lên ở Nga, đầu năm học cấp hai, Nguyễn Huy Trường Nam thi đỗ vào trường Phổ thông số 1543, ngôi trường chuyên hàng đầu của thành phố Moskva. Trường Nam liên tiếp giành nhiều giải cao trong các cuộc thi toán, hình học, tin học… của thành phố và trên toàn nước Nga.
Ngoài ra, Nam còn đoạt nhiều giải thưởng khác ở trường trong các cuộc thi tiếng Nga và tiếng Anh.
Nguyễn Huy Trường Nam (ngoài cùng bên trái) tham dự cuộc thi Olympic lập trình Toán toàn Nga năm 2011.
Năm 2009, Trường Nam được vinh dự đại diện cho học sinh Moskva tham gia Hội thảo học sinh quốc tế được tổ chức tại Đức. Sở hữu nhiều thành tích học tập “đáng nể”, cùng với những trải nghiệm thú vị từ các chuyến đi đến nhiều nơi trong nước Nga cũng như các nước khác, nhưng Trường Nam không kể nhiều về thành công của em.
Tinh thần cầu tiến, ham học, vượt khó dường như đã ngấm sâu vào tính cách của Nam – cậu bé xuất thân từ dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng hiếu học, hay chữ ở đất Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh). Từ nhỏ, Nam đã được nghe bố mẹ kể về truyền thống học hành của quê hương, dòng họ và gia đình. Làng Trường Lưu xưa có nhiều danh nhân văn hóa như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự… và nhiều người thành đạt thời nay như Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng…. Trường Lưu cũng là làng đầu tiên ở Việt Nam lập ra “ruộng khuyến học” từ xa xưa. Truyền thống hiếu học ấy càng được hun đúc trong con người Nam dưới sự dìu dắt của bố mẹ em – những nhà trí thức từng học ở Liên xô cũ. Bố mẹ Nam luôn khuyến khích Nam đọc sách để nâng cao kiến thức, luôn dành thời gian lắng nghe và thảo luận về những vấn đề mà em quan tâm. Bố mẹ còn khuyến khích Nam dành nhiều thời gian rèn luyện sức khỏe, tinh thần tự lập, kỹ năng sống qua các hoạt động ngoại khóa như: đi trại hè trong rừng sâu, tham gia các hoạt động xã hội do trường tổ chức…
Trong các chuyến đi, bạn bè người Nga và quốc tế thường vẫn nhớ những mẩu chuyện Nam kể về quê hương Việt Nam, về những món ăn Việt Nam đặc sắc, về không khí ấm cúng của gia đình em, một gia đình truyền thống thuần Việt. Hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam được xây dựng nên từ tâm hồn Nam, một cậu bé sinh ra và lớn lên ở Nga, tiếp nhận sâu sắc nền văn hóa Nga nhưng vẫn luôn tự hào về cội nguồn Việt Nam, thật sự là một điểm sáng đáng quý.
Video đang HOT
Mỗi khi có dịp về thăm Việt Nam, Trường Nam thích về quê nội, ngoại ở Hà Tĩnh, Nghệ An để được đi xe bò, được bước chân trên những con đường đất, được hít thở không khí trong lành buổi sớm mai… và được nghe giọng nói rặt miền xứ Nghệ. Ngọn lửa tình cảm gắn bó với quê hương được thắp sáng trong lòng Nam chính là nhờ vào phần lớn công sức của bố mẹ em. Bố mẹ luôn khuyến khích Nam nói tiếng Việt ở nhà và với bạn bè người Việt, thường kể cho em nghe những mẩu chuyện thú vị về quê hương, cùng em theo dõi những chương trình về văn hóa Việt Nam qua truyền hình…
Ở trường, Nam hòa nhập, tiếp thu kiến thức khoa học và văn hóa một cách dễ dàng nhờ vốn tiếng Nga hoàn hảo, nhờ phương pháp dạy học tích cực, luôn khuyến khích học sinh tự chủ động tìm hiểu và phát huy khả năng của từng em. Thầy cô giáo người Nga không phân biệt màu da hay quốc tịch của học sinh, luôn hết lòng vì các em, gây dựng cho Nam niềm hứng thú học tập và tinh thần ham hiểu biết. Nhờ đó, Nam không bị gò ép để chạy theo thành tích cao trong một môn học riêng biệt nào, em yêu thích các môn học và nhẹ nhàng đoạt giải trong các kỳ thi như vượt qua sự thử sức với chính bản thân mình.
Không những thế, Trường Nam còn giữ tròn “trọng trách” của ông anh cả, luôn bảo ban, giúp đỡ cô em gái tên Linh, trong mọi việc ở trường và ở nhà. Phát huy truyền thống của gia đình, bé Linh cũng liên tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc: giành giải hạng đầu trong cuộc thi tiếng Anh toàn thành phố, hạng nhì cuộc thi Toán toàn quận, hạng 3 cuộc thi đàn piano trongvùng… Thành tích của hai anh em càng góp phần khẳng định ưu thế của học sinh Việt Nam ở Nga, nâng cao mối thiện cảm của nhiều thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh Nga khi nhắc đến những cái tên của học sinh người Việt.
Từ câu chuyện của hai anh em Nguyễn Huy Trường Nam, mong sao mỗi em nhỏ người Việt sinh sống trên đất Nga nói riêng và các nước trên thế giới nói chung luôn cảm thấy hãnh diện về nguồn gốc quê hương Việt Nam, luôn yêu quý và tự hào khi sử dụng tiếng Việt. Trường Nam cũng như các bạn trẻ tài năng người Việt khác sẽ tiếp tục là những sứ giả văn hóa, mang hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam giới thiệu đến bạn bè khắp mọi nơi trên thế giới.
Theo T.Trang
Đại Đoàn Kết
Ở lớp chọn và những điều teen hay lo lắng
Liệu có phải tất cả ai học lớp chọn cũng là tốt?
Hiện nay các bậc phụ huynh đang có xu hướng là muốn con mình được học lớp chọn. Bởi lớp chọn thì sẽ được đầu tư thầy, cô tốt, nhiều học sinh ưu tú. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh chúng mình sẽ được học tập trong một môi trường có thể gọi là "hoàn hảo". Thế nhưng liệu có phải tất cả ai học lớp chọn cũng là tốt?
Ưu điểm của lớp chọn
Ai cũng phải thừa nhận rằng lớp chọn là nơi tập hợp những học sinh ưu tú nhất, những học sinh có khả năng nhất và điểm số cao nhất. Hầu hết các học sinh trong lớp chọn đều là những teen ham học. Vì thế khi bố mẹ có suy nghĩ muốn con mình vào đấy để có môi trường cạnh tranh với các bạn. Sống trong một tập thể mà ai cũng giỏi khiến teen càng thêm nỗ lực và phấn đấu hơn. Bên cạnh đó, lớp chọn là mũi nhọn của nhà trường nên các bạn sẽ được học với những thầy cô tốt nhất, được nâng cao kiến thức và là nguồn chính để chọn vào các kì thi học sinh giỏi của trường.
Bên cạnh đó, việc con mình được học lớp chọn bố mẹ nào cũng cảm thấy rất yên tâm. Bởi các bạn sẽ được trang bị những kiến thức nâng cao, thường xuyên được làm quen và giải những đề trong các kì thi quan trọng của các năm trước để học tập kinh nghiệm. Thành ra khi thi đại học, các bạn sẽ vững vàng hơn về kiến thức lẫn tâm lí.
Thế nhưng bên cạnh đó vẫn có những cái mất...
Nếu là lớp với đại đa số là các teen có gia cảnh khá giả hoặc giàu có thì những bạn điều kiện không được tốt mỗi lần đóng góp quỹ rồi tiền đi chơi, đi du lịch hay các cuộc liên hoan nhân ngày 8/3, 20/10... cũng là một vấn đề nan giải dành cho teen "xóm nhà lá". Nếu tán thành đi chơi thì sẽ không biết lấy tiền ở đâu, nếu không đồng ý thì bạn đó sẽ bị cho là ki bo.
Lỡ gặp phải trường hợp toàn những bạn "mọt sách", luôn mang tâm trạng... "chiến đấu", chỉ quan tâm đến việc học mà lại không thèm giao lưu hay hưởng ứng các cuộc vui của lớp. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn khác, làm mất đi không khí vui tươi của lớp học, mà mỗi ngày đều phải im lặng "chiến đấu" cùng với tập và vở!
Áp lực tâm lí
Tâm lí đã học lớp chọn thì phải giỏi, vô tình tạo thêm gánh nặng lên đôi vai của teen. Nhất là chuyện thành tích! Nó tạo ra sự ganh đua ngầm giữa các bạn với nhau. Vô tình teen sẽ có cho mình tính ích kỉ, không biết cách giúp đỡ bạn trong học tập, coi trọng chuyện thắng thua, điểm chác. Không quan tâm đến tập thể lớp mà chỉ nghĩ về thành tích của mình. Và đây chính là lí do vì sao không khí lớp luôn trong tình trạng căng thẳng, ngột ngạt mặc dù chẳng ai nói ra.
Nhiều bạn có lực học đuối hơn một chút rất dễ chán nản khi thấy mình làm bài điểm thấp so với các bạn khác, cảm giác xấu hổ và từ đó xuất hiện ý nghĩ buông xuôi mọi thứ. Hậu quả là ngày càng kém đi! Không ít teen đã phải năn nỉ bố mẹ xin cho chuyển lớp khác hoặc chuyển trường.
Hoa (19t, học sinh trường THPT BTX) chia sẻ: "Suốt những năm phổ thông mình học lớp chọn. Lớp mình ai cũng chăm chỉ và học giỏi. Nhìn bên ngoài các bạn lớp khác rất nể phục. Thế nhưng không ai biết rằng, khi các bạn lớp khác đang hò hét, nói cười về các kế hoạch chuẩn bị cho ngày 8/3 thì lớp vẫn im thin thít. Nhìn các bạn lớp khác vô tư trao đổi tài liệu rồi ngồi thành từng nhóm giảng bài cho nhau mà mình thấy ghen tị. Lớp mình hiếm khi nào có được không khí vui vẻ như thế lắm. Hình như ai trông lúc nào cũng như đang hối hả với đống bài tập."
Tất nhiên không phải lớp chọn nào cũng buồn và tẻ nhạt như vậy. Vẫn có những tập thể lớp hòa đồng và rất đoàn kết.
Tạm kết
Khoảng thời gian học cùng nhau vô cùng ngắn ngủi. Mới ngày nào chân ướt chân ráo bước vào lớp thì nay đã hết 3 năm cấp 3. Thế nên teen hãy cùng giúp nhau tiến bộ trong học tập, cùng nhau xây dựng những kỉ niệm thật đẹp của tuổi học trò nhé! Đừng quan tâm rằng mình học lớp chọn hay lớp thường, ở đâu cũng có những chuyện vui chuyện buồn, cái được cái mất, chỉ cần teen cố gắng hết sức để đạt được thành tích tốt nhất là được rồi.
Theo PLXH
Nghị lực vượt khó học giỏi của 4 chị em nghèo Thiếu tình thương của mẹ từ khi còn nhỏ tuổi, bốn chị em ở cùng với bố. Gia đình vốn đã khó khăn, khi 4 chị em vào tuổi ăn, tuổi học lại càng thiếu thốn. Nhưng bằng nghị lực vượt khó, năm nào các em cũng đạt học sinh giỏi. Nhắc tới bốn chị em Bùi Thị Lệ, Bùi Thị Linh, Bùi...