Tính lại thời gian thu phí BOT An Sương: Tính thế nào?
Theo chuyên gia, dự án BOT đã hết hạn thu phí thì phải trở thành đường của Nhà nước, người dân có quyền đi đường đó mà không phải trả tiền.
Gần hai tháng nay, nhiều tài xế phản đối trạm thu phí BOT An Sương-An Lạc ( quận Bình Tân, TP.HCM) vì cho rằng trạm hoạt động quá hạn, Thanh tra Chính phủ xác định trạm đã hết hạn thu phí từ tháng 1/2017, nhưng đến nay BOT này vẫn thu phí và thu thêm đến năm 2033.
Lý giải về thời gian thu phí kéo dài đến năm 2033, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng (IDICO) cho rằng, dù hợp đồng với Bộ GTVT đã hết hạn nhưng đơn vị ký thêm nhiều phụ lục với TP.HCM để xây dựng 4 công trình cầu vượt tại các nút giao trên tuyến Quốc lộ 1.
Trong văn bản gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và các cơ quan chức năng, Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán lại toàn bộ dự án BOT An Sương-An Lạc. Giá trị quyết toán sẽ được điều chỉnh theo kết quả của kiểm toán, từ đó tính toán lại thời gian thu phí phù hợp.
Bày tỏ quan điểm về việc TP.HCM sẽ tính lại thời gian thu phí BOT AN Sương-An Lạc theo thực tế, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp (Đại học Xây dựng) khẳng định, về nguyên tắc, trạm BOT hết hạn thu phí thì không được tiếp tục thu nữa, dự án trở thành đường Nhà nước và người dân đi qua không phải đóng phí.
Đối với dự án BOT An Sương-An Lạc và một số công trình cầu vượt được chủ đầu tư BOT An Dương-An Lạc xây thêm, vị chuyên gia cho biết, dự án nào phải tính dự án ấy, phải công khai và minh bạch cách tính phí, thời gian thu phí và đối tượng thu phí.
“Chủ đầu tư BOT An Sương-An Lạc xây thêm 4 công trình cầu vượt như cầu vượt Tỉnh lộ 10, cầu vượt Hương lộ 2, cầu vượt Ngã 4 Gò Mây… Thử hỏi mấy công trình cầu vượt này có liên quan đến BOT An Sương-An Lạc hay không?
BOT An Sương-An Lạc đã hết hạn thu phí thì phải quyết toán, chấm dứt thu phí, còn mấy dự án cầu vượt thì cần tính xem chi phí xây dựng các cây cầu đó hết bao nhiêu tiền, ai đi cầu vượt thì thu phí người đó, ai không đi thì thôi.
Nếu cầu vượt ấy không liên quan đến con đường trên thì không thể thu phí con đường ấy để hoàn vốn cho cầu vượt.
Trường hợp khẳng định việc bổ sung các hạng mục công trình cầu vượt vào dự án là đầy đủ tính pháp lý thì khi tính toán lại cũng sẽ phải chuyển sang dự án BOT khác để hoàn vốn cho việc xây dựng cầu vượt, còn BOT An Sương-An Lạc đã hết thời gian thu phí.
Video đang HOT
Về thời gian thu phí đến năm 2033 thì cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để tính toán xem có hợp lý không. Nếu được chấp thuận thì có thể thu phí để hoàn vốn cho cầu”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám chỉ rõ.
Theo vị chuyên gia, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án BOT rất nhập nhèm: làm đường này thu phí đường khác, làm đường tránh thu phí đường quốc lộ, gây bức xúc cho người dân.
“Người dân sẵn sàng đóng phí BOT nhưng BOT đó phải công khai, minh bạch”, ông nhấn mạnh.
Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương-An Lạc) được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2000 theo hình thức BOT. Công trình được giao cho IDICO thực hiện, có chiều dài toàn tuyến 13,6 km, rộng 36,2 m (gồm 8 làn xe), tổng vốn đầu tư hơn 831 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng cuối năm 2004.
Chủ đầu tư bắt đầu thu phí hoàn vốn qua trạm BOT An Sương-An Lạc (trạm chính) và 5 trạm phụ từ ngày 2/1/2005, thời hạn 145 tháng.
Đến năm 2010, dự án được Bộ GTVT chuyển giao cho UBND TP.HCM quản lý. Cuối năm đó Thủ tướng cho phép thành phố đầu tư bổ sung 2 cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10-Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B-Quốc lộ 1 vào dự án BOT An Sương-An Lạc.
Đến năm 2017, Thủ tướng đồng ý cho UBND TP.HCM quyết định theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2-Tây Lân-Quốc lộ 1 và nút giao Lê Trọng Tấn-Nguyễn Thị Tú-Quốc lộ 1 (Gò Mây) vào dự án BOT An Sương-An Lạc.
Thành Luân
Theo Datviet
Thanh tra giao thông khó phạt nguội
Sở GTVT TP.HCM lên kế hoạch mở rộng phạt nguội xe từ các trạm cân sang xe đang chở hàng, chở khách trên đường nhưng lúng túng vì vướng luật.
Sở GTVT TP.HCM đang giao thanh tra giao thông (TTGT) nghiên cứu cách xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông, vận tải đường bộ thông qua dữ liệu hình ảnh, hay như thường nói là phạt nguội. Phương thức này vừa tiết kiệm nhân lực, vừa minh bạch công tác thu phí. Tuy nhiên, hiện sở này khá lúng túng vì vướng luật.
Từ cân hai cấp còn một cấp
Từ cuối tháng 7-2016, Sở GTVT TP đưa vào vận hành các trạm cân tự động, không dừng tại khu vực cầu Giồng Ông Tố 2 và cầu Kỳ Hà 1 (cho chiều xe hướng xuống cảng Cát Lái, quận 2) và hai trạm ở khu vực cầu Ông Lớn (cho hai chiều xe đi về trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7).
Tại các trạm này có hệ thống cân sơ cấp, gồm camera và bàn cân cảm ứng đặt dưới mặt đường. Dữ liệu từ cân sơ cấp sẽ truyền về trung tâm điều khiển đặt tại nóc hầm Thủ Thiêm. Khi xe vi phạm, hệ thống sẽ phát tín hiệu, báo số xe vi phạm với hình ảnh trên màn hình. Sau đó lực lượng CSGT và TTGT sẽ phát lệnh dừng, đưa xe vào bàn cân thứ cấp cân lại và lập biên bản xử phạt. Bản chất của hệ thống cân hai cấp và xử phạt dùng dữ liệu hình ảnh này vẫn là phạt nóng, phạt trực tiếp ngay khi hành vi vi phạm vừa xảy ra.
Sang năm 2018, tại trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc có lắp hệ thống cân một cấp gồm camera, cân cảm ứng. "Các hình ảnh về biển số xe, ngày giờ qua trạm, qua cân, mức tải trọng vi phạm... được gửi về cảnh báo các chủ xe, công ty có xe vi phạm đã có tác dụng làm giảm hẳn số lượng xe chở quá tải lưu thông trên quốc lộ 1, qua trạm BOT An Sương - An Lạc" - ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, cho biết.
Còn ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TP, cho biết từ kết quả của các năm 2016-2018, sau khi nâng cấp, chuyển đổi các trạm cân xe từ hai cấp xuống còn một cấp với độ chính xác cao, Sở giao cho TTGT nghiên cứu xử phạt nguội xe chở quá tải qua dữ liệu hình ảnh.
Camera gắn cố định trên các cần vươn ở các cầu, điểm nóng giao thông sẽ ghi nhận hình ảnh xe vi phạm. Ảnh: L.ĐỨC
Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn tiếp nhận và truyền về các điểm chốt để thanh tra giao thông phạt nóng (ảnh nhỏ). Ảnh: L.ĐỨC
Sử dụng cả camera cầm tay
Theo nghiên cứu và đề xuất của Thanh tra Sở GTVT TP, tới đây TTGT sẽ sử dụng cả camera ghi hình cầm tay, camera gắn trên mũ bảo hiểm của lực lượng này hoặc gắn trên xe chuyên dùng (gồm cả mô tô và ô tô tuần tra giao thông)...
Về lĩnh vực, đối tượng ghi hình, xử phạt, theo ông Lê Hồng Việt, không chỉ bó gọn trong hạ tầng cầu đường, đối tượng là xe quá khổ, quá tải mà sẽ mở rộng sang lĩnh vực vận tải, đối tượng là năm loại xe kinh doanh vận tải (xe khách, du lịch, taxi, xe buýt và xe tải) với các hành vi vi phạm như đi vào đường cấm, giờ cấm; đi sai lộ trình; dừng đỗ không đúng nơi quy định; xe "dù", bến "cóc"...
Để phục vụ cho việc xử phạt nguội qua dữ liệu hình ảnh, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ hình thành Trung tâm Theo dõi và xử lý hình ảnh các loại xe vi phạm. Cạnh đó, theo ông Việt, Thanh tra Sở GTVT TP sẽ hoàn thiện, nâng cấp Phòng Tiếp nhận dữ liệu hình ảnh được chia sẻ từ Trung tâm Theo dõi và xử lý hình ảnh. Phòng Tiếp nhận này hiện đã có ở 286 Lê Hồng Phong, quận 5. Trong tương lai, Phòng Tiếp nhận này sẽ là nơi tiếp nhận hình ảnh từ camera, trích xuất hình ảnh; lập hồ sơ vi phạm; in, gửi thông báo tới người, chủ xe vi phạm...
Theo Thông tư 06/2016 của Bộ GTVT, khi TTGT sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật làm việc tại các trạm cân phải mặc trang phục của ngành. Tiếp thu tinh thần này, Thanh tra Sở GTVT đề xuất khi mở rộng sử dụng dữ liệu hình ảnh để phạt nguội thì TTGT không được mặc thường phục, cải trang, "núp lùm" khi ghi hình bằng camera cầm tay...
Ông LÊ HỒNG VIỆT, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM
Vướng luật
Theo ông Lê Hồng Việt, đến nay Bộ GTVT mới chỉ có Thông tư 06/2017 trao thẩm quyền cho TTGT được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử phạt nóng các hành vi vi phạm về đường bộ (chở quá khổ, quá tải) tại các trạm cân. Muốn xử phạt nguội và mở rộng không gian xử phạt (với camera gắn trên mô tô, ô tô lưu động) và lĩnh vực (thêm mảng vận tải)... thì Bộ GTVT cần ban hành một thông tư mới trao thẩm quyền cho TTGT thực hiện. "Nếu bó gọn như tại Thông tư 06/2017 thì TTGT không thể phạt nguội như ý kiến của một số sở ngành" - ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, để TTGT xử phạt nguội được thì rất cần Bộ GTVT ban hành quy trình thực hiện (từ ghi hình, tiếp nhận, xử lý dữ liệu hình ảnh, ra biên bản, quyết định...). Trước mắt, Bộ GTVT có thể ra thông tư về quy trình cho TTGT TP.HCM và các TP lớn khác thí điểm xử phạt nguội. Sau thời gian thí điểm sẽ chỉnh lý và ban hành chính thức. "TTGT TP.HCM không thể tự sáng tác ra quy trình xử phạt nguội được, việc này phải do cơ quan quản lý nhà nước cấp cao, chuyên ngành là Bộ GTVT soạn thảo, ban hành" - ông Việt khẳng định.
Hơn 760 camera giám sát giao thông
Theo ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đến nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm chia sẻ, phục vụ cho việc phạt nguội của CSGT, TTGT đã từng bước hoàn thiện. Theo đó, tới đây sẽ hoàn thành một trung tâm điều khiển giao thông hiện đại kết nối và chia sẻ dữ liệu từ hơn 760 camera giám sát giao thông toàn TP. "Cạnh đó, trung tâm hầm còn thu thập thông tin từ 67.000 hộp đen (thiết bị giám sát hành trình - GPS) gắn trên các loại xe kinh doanh vận tải như xe buýt, xe tải, xe khách... Qua dữ liệu này sẽ kiểm soát được xe đang chạy ở đâu, tài xế đã lái bao nhiêu giờ, có quá tốc độ cho phép hoặc đi vào đường cấm, giờ cấm hay không... Các thông tin này hoàn toàn có thể chia sẻ cho CSGT, TTGT để xử phạt nguội theo thẩm quyền" - ông Triết nói.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Theo PL
TP. Hồ Chí Minh: Cần công bố thông tin chính xác về dự án BOT An Sương - An Lạc BOT Cai Lậy hiện vẫn "xả trạm" từ cuối 2017 tới nay, nhưng vẫn là từ khóa "nóng" trên trang tìm kiếm Google, được xem là sự "bắt đầu" của chuỗi BOT có sai phạm được các cơ quan thanh kiểm tra phát hiện sau đó. BOT An Sương - An Lạc cũng bị TTCP "nêu tên" từ tháng 6/2017, nhưng tới nay...