Tỉnh dậy người Anh đau đớn hối hận đã bỏ phiếu rời EU
Trước hiện thực phũ phàng ập đến, rất nhiều người Anh bày tỏ nỗi hối tiếc vì đã bỏ lá phiếu ủng hộ phương án nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều người Anh sững sờ trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU. Ảnh: AFP
“Quyền tự do đi lại đã bị bố mẹ, ông bà, chú bác tước đoạt từ chúng tôi, như một cú đòn giáng vào thế hệ vốn đã chìm đắm trong nợ nần của những người đi trước”, đó là bình luận của một người Anh dưới bài viết của tờ Financial Times về việc Anh tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bình luận này đã được chia sẻ hàng nghìn lần trên mạng xã hội.
“Thế hệ trẻ chúng tôi đã mất quyền sinh sống và làm việc tại 27 quốc gia khác. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được hết hậu quả của những cơ hội, tình bằng hữu, quan hệ hôn nhân bị đánh mất và những trải nghiệm chúng tôi sẽ bị khước từ”, người này viết tiếp.
Đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người dân nước Anh vào sáng hôm qua, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố, với 52% người dân ủng hộ phương án rời khỏi EU (Brexit). Dòng hashtag “Chúng ta đã làm gì thế này” trở nên phổ biến trên mạng xã hội ở Anh, hé lộ những nỗi tức giận, hối tiếc và buồn bã mà nhiều người trẻ ở Anh cảm nhận về kết quả này.
Ngay cả những cử tri đã bỏ phiếu cho phương án Brexit cũng bày tỏ nỗi hối tiếc vì đã lựa chọn để Anh rời khỏi EU. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy hơn 17,4 triệu người Anh ủng hộ Brexit, trong khi 16,1 triệu người muốn ở lại cùng EU.
Trả lời phỏng vấn tờ BBC, một cử tri tên là Adam đến từ Manchester, bày tỏ sự choáng váng trước kết quả bỏ phiếu, dù anh cũng là người ủng hộ Brexit. “Tôi không nghĩ nó sẽ diễn ra như thế này. Tôi cứ nghĩ rằng lá phiếu của mình sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì cho rằng chúng tôi chắc chắn sẽ ở lại với EU”.
“Nói thật lòng, việc Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức đã khiến tôi bị sốc. Tôi nghĩ rằng thời kỳ bất định mà chúng tôi sẽ phải trải qua trong vài tháng tới khiến tôi cảm thấy lo lắng”, Adam thú nhận.
Nhiều cử tri khác cũng bày tỏ sự hối tiếc về quyết định ủng hộ Brexit của mình trên Twitter. “Vì tin vào những lời dối trá đó, tôi đã bỏ phiếu rời EU, và giờ đây tôi hối tiếc về quyết định đó hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi cảm thấy như lá phiếu của mình đã bị tước đoạt”, một người viết.
“Tôi cũng đang cảm thấy hối tiếc vì lá phiếu của mình, tôi chẳng có lý do gì để đưa ra lựa chọn như vậy cả”, một người khác viết. Có người thì chỉ đơn giản là đăng lên dòng chữ “Tôi đang thực sự thấy hối tiếc vì lá phiếu của mình”.
London là một trong những vùng ít ỏi ở Anh có tỷ lệ người lựa chọn phương án ở lại với EU áp đảo, khi chỉ có 5 trên tổng số 33 khu vực bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã khiến người dân London rất thất vọng, và họ đang kêu gọi thành phố giành quyền độc lập để vẫn có thể được ở lại với EU. Đơn kiến nghị này kêu gọi Thị trưởng Sadiq Khan tuyên bố rằng London là một thành phố độc lập, và đã thu hút được hơn 26.000 chữ ký chỉ trong vài giờ đầu tiên.
Cũng như người dân London, rất nhiều người Anh khác sau khi bỏ phiếu, về nhà ngủ vào tối 23/6 với niềm tin rằng nước này chắc chắn sẽ vẫn ở lại với EU, như kết quả rất nhiều cuộc dự đoán trước đó. Thế nhưng khi họ tỉnh dậy vào sáng hôm sau, hiện thực làm họ ngỡ ngàng.
“Khi tỉnh dậy sáng nay, hiện thực phũ phàng đã giáng đòn mạnh vào tôi. Nếu có cơ hội được bầu lại, tôi chắc chắn sẽ chọn ở lại với EU”, một cử tri tên là Mandy bày tỏ nỗi hối tiếc, dù anh là người bỏ phiếu ủng hộ Brexit..
“Tôi cảm thấy quay cuồng, thật sự sốc”, Hannah Lucas, một cô gái 28 tuổi ở London, nói với phóng viên WSJ. “Sốc” cũng là từ được nữ y tá 29 tuổi Rafi Sahin dùng để mô tả phản ứng của mình với kết quả bỏ phiếu, dù cô cũng là người ủng hộ Brexit.
“Đây là ngày tồi tệ nhất đời tôi. Tệ hơn cả khi tuyển xứ Wales bị Anh đánh bại trong trận bóng mới đây”, anh Hywyn Pritchard, người gốc xứ Wales đang sống ở thành phố Manchester, cho hay.
Một phụ nữ Anh bị sốc sau khi đa số người Anh ủng hộ Brexit. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Những người phản đối Brexit từng cảnh báo rằng nền kinh tế Anh sẽ càng suy thoái trầm trọng hơn vì những bất ổn tài chính nếu nước này lựa chọn phương án rời khỏi EU. Thế nhưng những lời cảnh báo đó không lay chuyển nổi nhiều cử tri Anh, chẳng hạn như người đàn ông 54 tuổi Simon Doyle.
“Tôi như đang ở trên mây. Sẽ có tình trạng bất ổn, nhưng thế thì đã sao? Tương lai chúng tôi giờ đang nằm trong tay chúng tôi”, người môi giới chứng khoán này nói.
Cụ bà 93 tuổi Colette Cowing ở Upminster, London, cho rằng cụ đã nhìn thấy “tương lai rạng ngời” khi Anh gia nhập EU, nhưng rồi trở nên vỡ mộng trước thực tế mà cụ gọi là “quá nhiều quan liêu”.
Thực tế phũ phàng
Chỉ vài giờ sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, đồng bảng Anh bắt đầu lao dốc. Các thị trường tài chính trở nên hỗn loạn, và nhiều người dân Anh sững sờ với tuyên bố từ chức của Thủ tướng Cameron, người đã đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc bỏ phiếu.
“Tôi không nghĩ rằng sẽ còn nguồn vốn nào chảy vào Anh trong vài tháng tới nữa”, Rich Pleeth, tổng giám đốc của hãng cung cấp ứng dụng tìm bạn Sup ở London, nhận định. “Kết quả này có thể thổi bay nỗ lực gọi vốn của tôi, và nó cũng có thể là dấu chấm hết cho rất nhiều công ty khởi nghiệp của Anh khác”.
Nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Anh cũng cảm thấy bất an trước thực tế mới. “Đó thực sự là một thảm họa. Tôi cảm thấy như bị ai đó tát vào mặt. Tôi có cảm giác mình không được chào đón ở đây”, anh Jerome Meillet, một người nhập cư Pháp làm việc ở Anh, nói. “Luôn có thứ gì đó tiêu cực trong cách nghĩ của người Anh, họ chỉ nghĩ cho riêng mình”.
Trước nguy cơ đánh mất những quyền lợi đi lại và làm việc trong Liên minh châu Âu, nhiều công dân Anh bắt đầu cuống cuồng tìm cách bảo lưu quyền công dân EU của mình, theo CNN. Dữ liệu tìm kiếm của Google cho thấy lượng từ khóa “xin hộ chiếu Ireland” tăng đột biến trong cộng đồng sử dụng mạng của Anh.
Cuộc trưng cầu dân ý mở đầu cho quá trình Anh rời khỏi EU, kéo dài trong hai năm. Đồ họa: BBC
Nếu Anh rời khỏi EU, những người cầm hộ chiếu nước này sẽ không còn được hưởng quyền tự do đi lại trong khối như trước đây. Trong khi đó, những người Anh có hộ chiếu Ireland vẫn được hưởng đặc quyền này. Trước số lượng đơn xin cấp hộ chiếu tăng vọt, Phòng Hộ chiếu Ireland ở Dublin hôm qua đã hết sạch mẫu đơn và phải ban hành văn bản hướng dẫn cho những người tìm kiếm thông tin.
“Tôi là một công dân của EU, tôi ủng hộ Anh ở lại EU vì hòa bình, an ninh, đoàn kết, thống nhất, quyền lợi, tự do đi lại và thịnh vượng”, Leon Ward, một thanh niên ở xứ Wales có bố là người Ireland, nói. “Anh đã quyết định đi đường riêng, nhưng tôi vẫn muốn là công dân EU vì tất cả những lợi ích nó mang lại”.
Scott Edgar, người sinh ra và lớn lên ở Bắc Ireland nhưng có hộ chiếu Anh, cho biết anh vừa mới làm đơn xin cấp hộ chiếu ở Belfast cho mình cùng mẹ và em trai để đảm bảo rằng anh có thể tiếp tục tự do đi lại và làm việc ở nước ngoài.
Trong khi đó, những anh chàng độc thân có hộ chiếu Ireland đang sinh sống ở Anh lại coi đây như một cơ hội quý giá để kiếm tiền. “Hỡi các quý cô ở Anh, anh chàng độc thân có hộ chiếu Ireland này đã sẵn sàng để kết hôn giả. Khuyến mãi thêm quyền tự do đi lại”, anh chàng Dave Molloy viết trên Twitter.
Theo Danviet
Cuộc chia tay lịch sử Anh - EU qua hình họa con thuyền
Lựa chọn rời khỏi EU của người Anh được giải thích dễ hiểu qua hình ảnh những con thuyền tượng trưng cho các nước.
Người dân Anh đã có quyết định lịch sử trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc "ly hôn" đình đám này không chỉ là kết quả 4 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU (Brexit), mà còn là hậu quả của chủ nghĩa hoài nghi EU kéo dài nhiều thập kỷ.
Vì sao EU tồn tại
Theo Vox, châu Âu là một tập hợp các nước từng chiến đấu chống lại nhau, chẳng hạn như trong Thế chiến II. Vì vậy, sau Thế chiến II, nhiều nước cảm thấy cần hợp nhất để đoàn kết các nước châu Âu, bắt đầu với các ngành công nghiệp than, thép và sau đó mở rộng đến các vấn đề thương mại.
Thông thường, các nước đặt ra quy định riêng cho việc nhập khẩu. Ví dụ, nếu bạn muốn chế tạo xe hơi ở Pháp và bán sang Anh, bạn sẽ phải trả thuế để làm như vậy.
Hoặc giả sử bạn là người Pháp nhưng muốn sống và làm việc tại Anh, bạn sẽ phải trải qua một quá trình nhập cư kéo dài để làm việc đó hợp pháp.
Tây Âu có hàng chục quốc gia, mỗi nước có chính sách thương mại, nhập cư, và kinh tế riêng. Liên minh châu Âu (EU) về cơ bản bắt đầu từ một câu hỏi: sẽ thế nào nếu các quốc gia đều có những quy tắc tương tự? Điều gì xảy ra nếu tất cả rào cản biến mất?
Và đó là những gì EU làm.
Hầu hết các nước Tây Âu tham gia nhóm để hợp nhất quy định kinh tế của họ vào năm 1993. Họ làm điều này bằng cách cho phép người, hàng hóa, dịch vụ và vốn di chuyển tự do giữa các nước thành viên.
EU đã giúp tạo ra thời kỳ thịnh vượng kinh tế lâu dài và giữ gìn hòa bình cho khu vực.
Cuộc chia tay
Tuy nhiên, có những thách thức cho việc hợp tác này. Khi điều gì xấu xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước. Ví dụ như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không ứng phó hiệu quả. hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng, các ngân hàng cần hỗ trợ, và nợ tại một số nước EU tăng vọt.
Nhìn thấy EU trong cơn khủng hoảng như vậy, một số nước đặt ra nghi ngờ về liên minh. Nhiều nước giàu có (như Anh) lo ngại rằng họ có thể phải mang gánh nặng giải cứu các quốc gia kém giàu có gặp khó khăn.
Đồng thời, một số người Anh không thích việc người nước ngoài chuyển sang Anh sinh sống ngày một nhiều. EU khiến cho việc công dân nước này di cư đến nước khác dễ dàng hơn. Và số người Anh có gốc gác nước ngoài cũng tăng vọt sau khi Anh gia nhập EU.
Các chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này. Thứ nhất, EU đã mở rộng quy mô và kết nạp thêm các nước nghèo hơn. Nhiều người dân ở các nước này di cư sang các nước giàu, như Anh. Thứ hai, khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến một số nước châu Âu đặc biệt khó khăn. Khi người dân chưa thể tìm được việc tại nước nhà, họ phải tìm việc ở nơi khác, như Anh.
Căng thẳng về nhập cư đã tăng đáng kể ở Anh trong những năm gần đây. Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, 45% người Anh cho rằng nhập cư là một trong những vấn đề hàng đầu nước này phải đối mặt. 77% người Anh tin rằng số lượng người nhập cư vào nước này nên được giảm.
Ngày 23/6, Anh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU. Người Anh đã chọn rời khỏi EU. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức.
Anh và EU sẽ có hai năm để thống nhất về thỏa thuận cho cuộc chia ly. Anh nhiều khả năng mất đi các lợi thế và ưu đãi của EU.
Nhà kinh tế Jacob Funk Kirkegaard nói rằng vào thời điểm hiện giờ, các hãng xe Anh có thể yên tâm rằng họ có thể bán xe ở bất kỳ quốc gia EU nào, bởi vì các nước đều có cùng một tiêu chuẩn. Nhưng một khi Anh rời EU, nếu hai bên không thống nhất được thỏa thuận, việc doanh nghiệp bán Anh xe cho các nước EU có thể phức tạp hơn nhiều.
Không chỉ có xe hơi, các sản phẩm dược, công nghệ, thực phẩm, hay bất cứ sản phẩm nào của Anh cũng sẽ khó được nhập dễ dàng vào các nước EU.
Đồng thời, người Anh cũng sẽ gặp khó khăn khi di chuyển qua biên giới. Khoảng 1,2 triệu người Anh đang sống ở các nước EU khác. Họ đang làm việc ở các nước này mà không gặp nhiều rắc rối. Nhưng điều đó sẽ thay đổi.
Có kịch bản rằng Anh sẽ cố giữ thỏa thuận kinh tế với EU, cho phép họ giữ các đặc quyền kinh tế, giống như Na Uy. (Na Uy không phải là thành viên EU, nhưng đã đồng ý tuân theo một số quy định của EU để đổi lấy quyền truy cập thuận lợi thị trường chung châu Âu). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng EU nhiều khả năng sẽ "chơi rắn" với Anh, và nếu thỏa thuận như vậy, Anh có thể vẫn bị ràng buộc bởi của quy định của EU.
Những tác động lớn hơn
EU giúp cho Mỹ tiến hành thương mại với châu Âu dễ dàng hơn, và cũng giúp Mỹ dễ dàng hơn khi đề nghị châu Âu giúp đỡ về địa chính trị. Thay vì nói chuyện với hàng chục quốc gia khác nhau, các quan chức Mỹ có thể đến cơ quan EU đàm phán.
Nếu Anh rời EU, Anh có thể sẽ không còn được tham gia vào các cuộc đàm phán đó nữa.
Sự ra đi của Anh cũng có thể có tác động xuyên suốt châu Âu. Hiệu quả kinh tế kém và việc xử lý không phù hợp cuộc khủng hoảng di cư khiến nhiều người dân ở một số nước, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha, nói rằng họ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giống Anh. Vì vậy, quyết định của Anh có thể là mở màn cho một tương lai không mấy tươi sáng với châu Âu.
Phương Vũ
Đồ họa: Vox
Theo VNE
Nhiều người Scotland muốn độc lập sau khi Anh chọn rời EU Hơn một nửa số người Scotland được khảo sát ủng hộ độc lập, sau khi người Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Một phụ nữ cầm cờ Anh trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6. Ảnh: Reuters Theo AFP, cuộc khảo sát của Panelbase vào hôm nay cho thấy 52% số người Scotland được hỏi muốn ly khai với...