Tình cờ phát hiện 4 núi lửa nằm san sát ngoài khơi Sydney
Một chuỗi 4 ngọn núi lửa có niên đại khoảng 50 triệu năm đã ngừng hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Sydney, Úc mới đây đã được phát hiện một cách tình cờ. Dãy núi lửa này được cho sẽ giúp vén màn những bí ẩn vẫn còn đang chìm sâu dưới đáy biển.
Hình ảnh của chuỗi 4 núi lửa. (Ảnh: Telegraph)
Một đoàn nghiên cứu đang đi tìm vùng sinh sản của tôm hùm trên tàu Investigator thì tình cờ phát hiện chuỗi 4 núi lửa nằm cách bờ biển Sydney 250 km, Telegraph ngày 13/7 đưa tin.
Đoàn nghiên cứu trên tàu Investigator gồm 28 nhà khoa học đến từ các trường đại học của Úc, Canada và New Zealand. Khi phát hiện ra khu vực núi lửa, đoàn tìm kiếm hoàn toàn bất ngờ bởi họ chưa từng có một chút dữ liệu nào về điều này. “Chúng tôi không hề chủ định tìm kiếm núi lửa. Chúng tôi đang đi tìm ấu trùng tôm”, Carlos cho hay.
Có bề ngang lên tới 20 km, vùng địa chất này bao gồm các miệng núi khổng lồ nằm kề nhau, được hình thành do sự phun trào của núi lửa, dẫn tới đất đai xung quanh đó bị sụp đổ. Miệng núi lớn nhất có đường kính lên tới hơn 1,6 km và nhô cao khoảng hơn 800 m so với đáy biển. Dãy núi này được dự đoán có niên đại lên tới 50 triệu năm.
Telegraph dẫn lời giáo sư Richard Arculus, chuyên gia về núi lửa ở đại học Quốc gia Úc, cho biết những cấu trúc địa chất này thực ra đã được kiểm tra nhưng không được phát hiện ra vì các tàu nghiên cứu trước đây không đủ trang thiết bị để đo đạc ở độ sâu như vậy.
“Với chiếc tàu mới Investigator, chúng tôi có thể sử dụng thiết bị sóng âm phản xạ (sonar) để vẽ bản đồ đáy biển ở bất cứ độ sâu nào. Do đó, việc dựng lại bản đồ của toàn bộ vùng đại dương thuộc lãnh thổ Úc giờ đây hoàn toàn nằm trong tầm tay”, giáo sư Arculus cho biết.
Video đang HOT
Ông cũng cho biết thêm rằng dãy núi lửa này sẽ giúp vén màn những bí ẩn vẫn còn đang chìm sâu dưới đáy biển. “Nó sẽ cho chúng ta biết một phần câu chuyện làm thế nào New Zealand và Úc đã tách rời nhau khoảng 40 đến 80 triệu năm trước. Đồng thời cũng sẽ giúp các nhà khoa học tập trung hơn vào các cuộc thám hiểm đáy biển trong tương lại nhằm giải mã các bí ẩn của lớp vỏ trái đất”, ông cho biết.
Nghiên cứu sinh Carlos Rocha, người cũng tham gia đoàn tìm kiếm cho rằng phát hiện này sẽ thách thức giới khoa học về những gì họ đã biết về các mảng kiến tạo địa chất trong khu vực.
Telegraph cũng cho hay trong chuyến đi may mắn gần đây, đoàn thám hiểm trên tàu Investigator không chỉ tìm thấy dãy núi lửa mà còn tìm ra vùng cư trú của ấu trùng tôm hùm.
“Chúng tôi không chỉ phát hiện ra núi lửa ở cửa ngõ Sydney, chúng tôi rất phấn khích khi biết rằng vùng xoáy nước ở đây chính là địa điểm tập trung của ấu trùng tôm hùm vào thời điểm chúng ta không hy vọng sẽ thấy chúng”, nhà nghiên cứu Iain Suthers ở đại học New South Wales phấn khởi cho biết.
Khánh Trần
Theo Dantri/ Telegraph
Hy Lạp chính thức được EU giải cứu
Kết thúc các cuộc đàm phán căng thẳng suốt đêm Chủ nhật sang sáng thứ Hai, các lãnh đạo Eurozone và Hy Lạp cuối cùng cũng đạt được đồng thuận về một gói giải cứu, trong đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ được "bơm" khẩn cấp 25 tỷ euro.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) bắt tay Chủ tịch hội đồng EU Donald Tusk (Ảnh: Getty)
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch hội đồng EU Donald Tusk khẳng định các nhà lãnh đạo đã chấp thuận "về mặt nguyên tắc" gói giải cứu, mà "nói cách khác chính là tiếp tục những hỗ trợ dành cho Hy Lạp".
"Sẽ không còn cái gọi là Hy Lạp ra đi", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thì cho biết, sau một "cuộc chiến khó khăn", Hy Lạp đã giành được "một gói hỗ trợ tăng trưởng" trị giá 35 tỷ euro, kèm các chương trình cơ cấu nợ vay.
"Thỏa thuận này rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã tránh được nguy cơ tài sản nhà nước bị đưa ra nước ngoài", ông Tsipras hồ hởi khẳng định. "Chúng tôi đã đảo ngược kế hoạch bóp nghẹt tài chính và làm sụp đổ hệ thống ngân hàng".
Quốc hội Hy Lạp giờ sẽ phải bỏ phiếu thông qua những chương trình cải cách được Eurozone đưa ra trước ngày thứ Tư.
Chủ tịch nhóm Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone, Jeroen Dijsselbloem cho biết thỏa thuận vừa đạt được bao gồm thành lập một quỹ hỗ trợ 50 tỷ Euro tại Hy Lạp, để tư nhân hóa hoặc quản lý các tài sản của nước này. Trong số đó, 25 tỷ Euro sẽ được dùng để tái cấp vốn các ngân hàng Hy Lạp.
Suốt 2 tuần qua, các ngân hàng Hy Lạp đã phải đóng cửa, còn hạn mức rút tiền mặt của người dân bị giới hạn ở 60 Euro/ngày, sau khi các biện pháp kiểm soát nguồn vốn được áp dụng. Tình hình khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trong khi nhiều người dân đổ xô tích trữ lương thực do lo sẽ xảy ra khan hiếm.
Dự kiến trong hôm nay (13/7), các Bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ có một cuộc họp nữa, để thảo luận các "khoản tài trợ bắc cầu", giúp đáp ứng nhu cầu vốn trước mắt của Hy Lạp.
"Chặng đường phía trước còn dài, và theo như những gì diễn ra trong các cuộc đàm phán đêm nay, còn nhiều khó khăn phía trước", Thủ tướng Đức Angela Merkel nói sau khi kết thúc đàm phán.
Tổng thống Pháp Francois Hollande thì khẳng định thỏa thuận giúp châu Âu "bảo toàn sự toàn vẹn và đoàn kết". "Chúng tôi cũng cho thấy châu Âu có khả năng giải quyết một cuộc khủng hoảng đã diễn ra tại Eurozone trong nhiều năm", ông Hollande tuyên bố.
Tóm tắt các yêu cầu của lãnh đạo EU 1. Hy Lạp sẽ tiếp tục đề nghị IMF hỗ trợ từ tháng 3/2016 2. Trước ngày 15/7, Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách, bao gồm đơn giản hóa thuế VAT, và áp dụng loại thuế này rộng rãi hơn. 3. Giảm trợ cấp và tách cơ quan thống kê quốc gia thành cơ quan độc lập. 4. Trước ngày 22/7, Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách hệ thống tư pháp và áp dụng các quy định hỗ trợ ngân hàng của EU. 5. Hy Lạp phải đưa ra lộ trình rõ ràng về các biện pháp sau: 6. Cải cách trợ cấp, thị trường sản phẩm, bao gồm giao dịch ngày Chủ nhật, sở hữu trong ngành dược phẩm, sữa và sản phẩm bánh kẹo. 7. Tư nhân hóa hệ thống truyền tải điện. 8. Củng cố ngành tài chính, bao gồm tình hình nợ xấu và loại trừ sự can thiệp chính trị.
* Hy Lạp cũng sẽ thực hiện các công việc sau: 1. Tư nhân hóa, bao gồm chuyển nhượng tài sản cho một quỹ độc lập tại Hy Lạp, được hình thành để huy động 50 tỷ euro. 3/4 số tiền này sẽ được dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng và giảm nợ. 2. Cắt giảm chi phí quản lý công và giảm những tác động chính trị trong quản lý công. Đề xuất đầu tiên phải được đưa ra trước 20/7. 3. Các điều luật then chốt phải được chủ nợ phê chuẩn, trước khi đưa ra trưng cầu dân ý hoặc bỏ phiếu tại quốc hội.
Thanh Tùng
Theo Dantri/BBC, AFP
Tới quán cafe âm độ C giữa lòng sa mạc bỏng giẫy Khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới trên 40 độ C, bước chân vào quán cafe, thực khách phải mặc thêm áo khoác, mũ lông dày, giầy tất để giữ ấm cơ thể. Đây cũng là quán cafe băng đầu tiên của khu vực Trung Đông. Dubai, thành phố của những kỷ lục ấn tượng trên thế giới, luôn biến nhiều...