Tình cờ – những “cặp đôi” ẩm thực
Không chỉ con người và động vật có được niềm hạnh phúc với một nửa của mình, ngay cả trong ẩm thực – lĩnh vực người ta quan tâm nhiều đến việc làm thỏa mãn cái dạ dày, cũng tìm cho mình một nửa để kết hợp, dù đó là tình cờ.
Một chiều lang thang bên hồ, ngắm những cặp tình nhân bên nhau, những đôi thiên nga “âu yếm” trìu mến, mới chợt nghiệm ra một điều rằng tình yêu không phải là đặc quyền của loài người. Nhưng cũng không chỉ con người và động vật có được niềm hạnh phúc với một nửa của mình đâu, ngay cả trong ẩm thực – lĩnh vực người ta quan tâm nhiều đến việc làm thỏa mãn cái dạ dày, cũng tìm cho mình một nửa để kết hợp, dù đó là tình cờ.
Hồng cốm tốt đôi
Mùa thu và cốm, thu Hà Nội và cốm Vòng, cái màu xanh mướt của cốm dường như đã kết đôi với lá thu vàng, tiết thu dịu dàng. Nhưng cốm chỉ thực sự được nâng đỡ khi tình cờ gặp hồng.
Video đang HOT
Hai màu ấy, một xanh ngọc bích, một thạch ngọc lựu, hai vị ấy, một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hòa hợp với nhau, vương vít trong nhau. Có lẽ mùa thu mà không thưởng thức một đĩa cốm Vòng xanh ủ trong tấm lá sen đã héo đi chút ít và một vài trái hồng Đà Lạt đỏ rực nắng phương Nam thì ắt hẳn chưa thể hiểu vì sao Trịnh Công Sơn chỉ ra Hà Nội một lần nhưng đã trao tặng thủ đô một ” Hà Nội mùa thu” hay đến thế, tình tứ đến thế!
Những tưởng cuộc sống hiện đại sẽ cuốn đi hết những thói quen đẹp như mua hồng để thưởng thức cùng cốm. Ấy thế mà đâu đó, trên những diễn đàn, những trang báo, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ hoài niệm về một thời hàng nước cô Dần, về những cafe Giảng, cafe Nuôi như về cốm với hồng vậy. Thế nên chẳng có gì phải lo nữa khi giả sử một ngày nào đó cốm Vòng chỉ còn là ký ức thì mối duyên tình đẹp giữa hồng – cốm vẫn còn được nhắc nhớ trong văn hóa ẩm thực của người Việt.
Hẳn nhiều người băn khoăn hỏi nhau, sao cứ nói đến bánh khảo lại phải nhắc cả kẹo lạc vào đây? Ăn kèm ư? Mùi vị giống nhau ư? Câu trả lời là không. Hay chăng bánh khảo và kẹo lạc có một “tiểu sử” gần gũi nào đó chăng? Thực khách chắc ít người biết đến những điều sâu sa như thế. Có lẽ vì hầu hết những gia đình làm bánh khảo trên phố Hàng Đường đều làm và bán kẹo lạc. Hai thứ quà ấy được sinh ra trong cùng một hoàn cảnh, nên người ta cứ hay gọi kèm nó bên nhau. Có thể coi đó cũng là một thứ duyên trời se rồi.
Kẹo lạc thì ai nấy đều biết rồi, còn bánh khảo chắc nhiều bạn trẻ hôm nay chỉ nghe tên chứ chưa thấy mặt. Đó là thứ bánh có màu trắng tinh tươm và nhân đậu xanh. Năm xưa trên phố Hàng Đường có hai hiệu bánh khảo, kẹo lạc nổi tiếng, ấy là Ngọc Anh và Cự Hương. Nói về bánh khảo, cửa hàng Cự Hương được đánh giá cao hơn vì bột bánh mềm dẻo, nhân đậu nhuyễn trong và cách bài trí, trình bày đẹp mắt, nhưng nói đến kẹo lạc thì khó hiệu nào sánh được với Ngọc Anh. Lạc vừng rải đều, mùi vị không hăng sống và cũng không khét cháy, đường ăn giòn tan chứ không dính răng. Bây giờ, kẹo lạc vẫn được thực khách ưa chuộng lắm, nhất là các quán trà đá vỉa hè, vì không chỉ rẻ mà còn hợp vị với cốc trà đắng, làm ta ngọt giọng mà không bị chuếnh choáng vì say trà nếu lỡ uống trong lúc mà bụng hơi cồn cào.
Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến những cặp đôi ăn ý trong ẩm thực mà bỏ qua những bánh cuốn nóng gà tần, thịt chó rượu mơ, cháo quẩy … và còn nhiều lắm, nhưng có lẽ xin khất bạn đọc một dịp khác sẽ quay trở lại. Bởi lẽ hơn hết, hạnh phúc tình yêu kể cả trong ẩm thực cũng cần có sự kiểm nghiệm của thời gian.
Theo Tạp chí món ngon