Tỉnh Cà Mau yêu cầu báo cáo vụ việc buộc thôi việc cô giáo ở huyện Cái Nước
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã yêu cầu kiểm tra, làm rõ quy trình buộc thôi việc cô giáo ở Trường Tân Hưng Đông tại huyện Cái Nước.
Ngày 31/10/2018, ông Trần Văn Trung – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã có những chỉ đạo đối với việc cô Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước bị buộc thôi việc.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo, căn cứ vào chủ trương của tỉnh về việc rà soát, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước và các cơ quan có liên quan có báo cáo cụ thể về trường hợp của cô Hoàng Thị Hoài Thanh, theo quy trình sắp xếp và xử lý giáo viên dôi dư của tỉnh.
Trích quyết định của Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (ảnh: CTV)
Sở Nội Vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước và các đơn vị có trách nhiệm khác rà soát, báo cáo cụ thể trường hợp của nữ giáo viên này bị xử lý kỷ luật là buộc thôi việc có đúng với quy trình quy định không?
Các báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh cần được gửi về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chậm nhất là ngày 1/11/2018.
Trước đó, theo thông tin của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được, ngày 27/10, ông Phạm Bá Quyển – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước đã ký quyết định 03/QĐ-THCSTHĐ, xử lý kỷ luật viên chức Hoàng Thị Hoài Thanh.
Cô Thanh bị buộc thôi việc, do đã không chấp hành sự phân công của Hiệu trưởng, tự ý nghỉ việc tổng cộng 36 ngày không có lý do, vi phạm Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Qua thông tin mà cô Hoàng Thị Hoài Thanh chia sẻ, sở dĩ cô Thanh không chấp nhận sự phân công của Hiệu trưởng, là do cô là giáo viên Sinh học từ nhiều năm nay, giờ bị Hiệu trưởng phân công làm thư viện, thu nhập hàng tháng của cô bị sụt giảm nghiêm trọng.
Theo giaoduc.net.vn
Cà Mau: Ký hợp đồng giáo viên khi chưa được phép: Sẽ xử lý trách nhiệm nếu để ra sai sót
Nói về việc xử lý trách nhiệm nhiều địa phương ký hợp đồng giáo viên khi chưa được tỉnh đồng ý, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết sẽ có đánh giá để xem xét xử lý trách nhiệm một cách hợp lý.
Liên quan đến việc hơn 1.400 giáo viên dôi dư khi các địa phương ký hợp đồng mà chưa có sự đồng ý của tỉnh, theo ông Nguyễn Đức Thánh- Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, theo quy định, khi cắt hợp đồng thì phải thông báo trước 30 ngày.
"Sau khi rà soát, những giáo viên không đạt chuẩn, không nằm trong diện được xét ưu tiên thì cũng sẽ thực hiện việc cắt hợp đồng theo quy định", ông Thánh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Luân- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, đợt rà soát này cũng là dịp để sàng lọc lại đội ngũ, không chỉ những giáo viên hợp đồng mà ngay cả giáo viên nằm trong biên chế (viên chức) cũng được xem xét đến.
"Những giáo viên đã là biên chế nhưng vị trí việc làm đó hiện tại đang dôi dư, không phù hợp, hoặc đối chiếu các quy định đang thiếu chuẩn, hay những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, sức khỏe kém,... thì điều chuyển sang vị trí khác, hoặc động viên cho nghỉ chính sách", ông Luân thông tin.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, ngày 10/8/2018 tới đây là hạn chót để các địa phương rà soát lại trường lớp, giáo viên theo yêu cầu. Từ đó, mới biết cụ thể là có bao nhiêu giáo viên sẽ bị cắt hợp đồng.
Đề cập vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những địa phương (tổ chức, cá nhân) ký hợp đồng giáo viên mà chưa có sự đồng ý của tỉnh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh cho hay, sau khi sắp xếp trường lớp, giáo viên xong, sẽ có báo cáo đánh giá những mặt đạt được và chưa được, yếu tố khách quan và chủ quan.
"Trường hợp đơn vị hay cá nhân nào tùy theo mức độ, nếu chủ quan dẫn đến có sai sót thì tôi nghĩ cũng phải có hình thức để xử lý như kiểm điểm rút kinh nghiệm hay như thế nào đó cũng có kết luận cụ thể.", ông Thánh nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Thánh- Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ có đánh giá để xem xét xử lý thích hợp việc ký hợp đồng giáo viên mà chưa có ý kiến của tỉnh.
Không xóa đồng loạt các điểm trường lẻ
Ông Nguyễn Minh Luân- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, cuối năm học 2017 - 2018 (cuối tháng 5/2018), tổng số điểm trường lẻ là 606 điểm; trong đó Mầm non: 262, Tiểu học: 333 và THCS: 11 điểm. Tính đến hết tháng 7/2018, tỉnh đã xóa được 148 điểm lẻ; trong đó Mầm non: 30, Tiểu học: 113 và THCS: 5 điểm.
Theo kế hoạch của ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau, năm học 2019 - 2020, dự kiến xóa 87 điểm lẻ; trong đó Mầm non: 21, Tiểu học: 64 và THCS: 2 điểm. Đến năm học 2020 - 2021, dự kiến tiếp tục xóa 125 điểm lẻ; trong đó, Mầm non: 30, Tiểu học: 94 và THCS: 1 điểm.
"Theo báo cáo của các huyện, thành phố, sau năm 2021, toàn tỉnh còn 246 điểm trường lẻ, trong đó Mầm non: 181, Tiểu học: 62 và THCS là 3 điểm", lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho rằng, việc xóa những điểm trường lẻ không còn phù hợp, tập trung ở điểm chính là để tránh đầu tư dàn trải cả về nhân lực và vật lực.
"Với những cơ sở vật chất ở các điểm lẻ, sau khi xóa thì địa phương sẽ xem xét dùng vào công năng khác phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương đó, chứ không thể bỏ không gây lãng phí", ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nói về việc xóa điểm trường lẻ.
Nói về các điểm trường lẻ, ông Nguyễn Đức Thánh- Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây, địa bàn tỉnh Cà Mau giao thông đi lại còn khó khăn, dân sống rải rác, không tập trung,... Để đáp ứng nhu cầu cho con em học tập nên tỉnh hình thành các điểm trường lẻ. Đây cũng là điều khách quan ở một thời điểm lịch sử của tỉnh Cà Mau.
Theo ông Thánh, sau này giao thông phát triển, đi lại tốt hơn, các điểm lẻ không còn vai trò đúng nghĩa như trước đây nữa. Nhiều gia đình cũng xác định các điểm lẻ đào tạo chất lượng không tốt bằng điểm tập trung.
"Và chúng ta phải công nhận là phần lớn điểm lẻ chất lượng đào tạo không bằng điểm chính. Từ xu hướng này, các điểm lẻ mất đi vai trò, càng giảm số lượng xuống", ông Thánh đánh giá.
Tuy nhiên, theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, không phải tỉnh xóa hết 606 điểm lẻ, mà có những điểm vẫn còn phù hợp nên cần rà soát lại thật kỹ. "Trên tinh thần là những điểm lẻ còn nhu cầu thật sự, đi lại còn khó khăn, đào tạo chất lượng còn tốt, còn giữ chân được học sinh thì vẫn duy trì", ông Thánh khẳng định.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
Cà Mau: Không chấp hành phân công, một nữ giáo viên bị buộc thôi việc Không chấp hành sự phân công của hiệu trưởng, một nữ giáo viên ở tỉnh Cà Mau bị kỷ luật buộc thôi việc. Ảnh minh họa Ngày 27/10, nguồn tin của PV Dân trí cho biết, lãnh đạo Trường THCS Tân Hưng Đông (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã có quyết định kỷ luật đối với bà H.T.H.T....