Tính bền vững của quan hệ đối tác an ninh 3 bên Mỹ – Nhât Hàn
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Trại David hôm 18/8, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố quan hệ đối tác 3 bên của họ đã bước vào “kỷ nguyên mới”, cùng cam kết tăng cường nỗ lực trong việc xử lý các thách thức an ninh chung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay trong hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Trại David, Maryland. Ảnh: Reuters
Trong tuyên bố chung đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết hành động thống nhất đối phó với các mối đe dọa chung. Các nhà lãnh đạo cũng nói rằng quan hệ đối tác 3 bên đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Trao đổi với tờ Korea Times hôm 20/8, giới chuyên gia nhận định hội nghị thượng đỉnh do Washington tổ chức là sự kiện mang tính lịch sử, đem lại nhiều cơ hội và hứa hẹn cho Hàn Quốc. Trong đó, lợi ích rõ ràng và quan trọng nhất đó là khả năng răn đe mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên – quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo về những rủi ro địa chính trị lớn hơn, cùng với những vấn đề ngoại giao mà Seoul sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Ông Kim Yeoul-soo, nhà phân tích tại Viện Quân sự Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn, cho rằng: “Điều quan trọng hơn việc chiếm ưu thế trong căng thẳng với Triều Tiên chính là ngăn chặn Bình Nhưỡng ngay từ đầu bằng lực lượng quân sự áp đảo. Về vấn đề này, hội nghị thưởng đỉnh lần này chính là thành công đối với Hàn Quốc, quốc gia không thể một mình đối phó với các mối đe dọa đó vào thời điểm hiện nay”.
Theo ông Kim, những vấn đề do các nhà lãnh đạo nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ được duy trì ngay cả khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Ông nhấn mạnh đây chính là một trong những yếu tố rủi ro nhất đối với mối quan hệ đối tác này, bởi nó bao gồm các lợi ích cốt lõi và hệ thống trao đổi ở cấp độ sâu sắc và thường xuyên của 3 bên.
Video đang HOT
“Các thỏa thuận bao gồm tăng cường khả năng răn đe đối phó với Triều Tiên dành cho Hàn Quốc, nỗ lực chung chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku dành cho Nhật Bản, và chương trình nghị sự toàn cầu của Mỹ – bao gồm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu Á”, ông Kim nói.
Với kế hoạch tổ chức các cuộc gặp 3 bên thường xuyên – không chỉ giữa các nhà lãnh đạo mà còn với các quan chức hàng đầu khác, cùng sự ủng hộ của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ đối với các biện pháp đối phó với Trung Quốc, chuyên gia Kim bình luận khả năng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ không thể lật ngược tình thế ngay lập tức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Fumio Kishida và nhà lãnh đạo Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bắt tay trong hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Trại David, Maryland, hôm 18/8. Ảnh: Kyodo
Thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu, với sự tham gia của các đồng minh châu Á, cũng nhấn mạnh những thách thức an ninh do Trung Quốc đặt ra và phản ứng thống nhất của các nhà lãnh đạo, chẳng hạn đối với vấn đề bảo mật công nghệ. Các công ty Hàn Quốc lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ trong thị trường rộng lớn mà họ không thể rời bỏ.
Tuy nhiên, ông Chung Jae-hung, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, lo ngại rằng việc Hàn Quốc đặt cược lớn vào Mỹ và Nhật Bản có thể phản tác dụng.
“Các lợi ích an ninh mà Hàn Quốc tìm cách đạt được từ thỏa thuận là không miễn phí. Trớ trêu thay, Hàn Quốc đang phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị lớn hơn không chỉ liên quan đến Triều Tiên mà còn cả Trung Quốc và Nga”, ông nhận định.
Ông Chung lấy ví dụ đối với hành động đáp trả việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, Hàn Quốc cuối cùng có thể bị bỏ lại một mình, gánh chịu mọi thiệt hại ngoại giao với rất ít, thậm chí không có sự hỗ trợ từ Mỹ hoặc Nhật Bản. Thậm chí, ngay cả khi Chính phủ Hàn Quốc khẳng định họ có quan hệ tốt với Trung Quốc và Nga khi triển khai hệ thống này. Ông Chung lưu ý điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Xuyên suốt các tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Mỹ – Nhật – Hàn đều nhấn mạnh sự đoàn kết mạnh mẽ. Song ông Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng nghịch lý là điều này lại cho thấy mối quan hệ đối tác này rất dễ bị tổn thương.
“Tôi nghĩ điều cuối cùng mà Mỹ muốn là một liên minh quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều đó là bất khả thi về mặt chính trị vào thời điểm này, do Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tồn tại bất đồng lịch sử sâu sắc”, ông nói.
Ông Cho tin rằng rủi ro lớn nhất đối với quan hệ đối tác an ninh ba bên chính là mối quan hệ Seoul – Tokyo.
“Nhiều vấn đề ngoại giao giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết và có khả năng sẽ vẫn như vậy. Nhật Bản vẫn đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Ngoài ra, mối quan hệ đối tác này sẽ sớm gặp thử thách khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima”, ông nói.
Trong khi đó, các quan chức của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Yoon đã bày tỏ ý định tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ 2 tại thủ đô Seoul vào đầu năm 2024.
Chuyên gia Nga đánh giá về việc Mỹ chấp thuận bán hệ tên lửa Arrow-3 của Israel cho Đức
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một số quốc gia châu Âu đã nghiêm túc hơn nhiều trong việc chi cho quốc phòng của họ.
Tên lửa Arrow-3 của Israel khai hỏa. Ảnh: Jpost.com
Theo tờ Vedomosti (Nga), Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã phê chuẩn việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) Arrow-3 của Israel cho Đức với giá hơn 3,5 tỷ USD. Trong tương lai gần, Đức sẽ đảm bảo khoản tạm ứng 600 triệu USD cho nhà thầu để bắt đầu thực hiện đơn hàng. Thỏa thuận trên là lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực quốc phòng của Israel, theo Bộ Quốc phòng nước này.
Các chuyên gia nhận định với Vedomosti rằng hệ thống phòng thủ tên lửa không phải của châu Âu sẽ khiến Berlin tốn ít chi phí hơn khi vũ khí trong kho dự trữ của phương Tây đang giảm dần.
Mikhail Barabanov, nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, tổ chức tư vấn có trụ sở ở Moskva, đánh giá quyết định của Đức có ý nghĩa từ quan điểm kỹ thuật quân sự.
Ông Barabanov nói với Vedomosti: "Tất cả các dự án quốc phòng của châu Âu đều mất nhiều thời gian và tốn kém, nhưng ở đây chúng ta đang nói về việc mua một sản phẩm hoàn chỉnh. Việc Đức quyết định từ bỏ hợp tác với đối tác Pháp quen thuộc của mình trong một lĩnh vực quan trọng như hệ thống phòng thủ tên lửa làm dấy lên lo ngại về chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo FCAS (Hệ thống Chiến đấu Không quân Tương lai) của châu Âu, hiện đang bị đình trệ".
Theo ông Barabanov, Pháp và Đức hiện là một số nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, một chính sách đang dẫn đến sự cạn kiệt các kho vũ khí ở châu Âu. Do đó, nhu cầu sản xuất vũ khí mới đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các nhà thầu quốc phòng của hai nước.
"Một cuộc chạy đua vũ trang thông thường mới đang diễn ra ở châu Âu và không công ty quân sự châu Âu nào muốn nhường thị phần cho các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, tổ hợp công nghiệp - quân sự châu Âu khó có thể đáp ứng nhu cầu của quân đội các nước thành viên EU: Cho đến nay, họ vẫn chưa thể thay thế Mỹ, quốc gia sản xuất nhiều loại vũ khí hơn", chuyên gia Barabanov lưu ý.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra sự thiếu hụt hệ thống phòng không trên mặt đất, chẳng hạn như Patriot của Mỹ hay IRIS-T của Đức được phát triển gần đây, ở nhiều quốc gia phương Tây. Trong khi các hệ thống Patriot và IRIS-T có khả năng phòng thủ ở tầm trung, thì hệ thống Arrow-3 cung cấp khả năng phòng thủ ở tầm cao hơn.
Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn Quan chức Mỹ nhận định hội nghị thượng đỉnh ba bên sắp tới giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản có tầm quan trọng "lịch sử" đối với khu vực cũng như thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc gặp ba bên tại Hội...