Tin vịt: Mẹo để tết nghèo vẫn sang trọng
Một số mẹo nho nhỏ để cho dù tiền thưởng tết hẻo bà con vẫn có cái tết tươm tất.
Biện pháp chống hái lộc
Một ngôi chùa Tết năm ngoái đã bị người đi hái lộc vặt sạch lá hoa, từ mẫu đơn, đỗ quyên, đến cả những cây hoa đại (bông sứ) cũng không thoát khỏi cảnh cành lìa khỏi gốc. Rút kinh nghiệm việc đó, năm nay sư trụ trì đã cho thay bằng cây dừa, cây cau. Số cây hoa còn lại gần tầm tay với thì được treo biển gắn những cái tên như: Cây xúi quẩy, cây thất bại, cây mạt vận,… Quả nhiên đến hết ngày mùng 1 Tết cây lá trong chùa vẫn còn nguyên.
*
* *
Ngửi Tết
Năm nay có lẽ do kinh tế khó khăn nên mặc dù những ngày giáp Tết, lượng khách đổ về các siêu thị tại những thành phố lớn có tăng lên đôi chút, tuy nhiên 1/3 trong số đó là đi… ngắm. Số còn lại đa phần chỉ tập trung mua mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến, đồ uống, hạt dưa, hạt bí… Thậm chí có vị khách còn dẫn vài đứa trẻ đến hàng bánh chưng, giò lụa… chỉ vào đó rồi nói: “Các con hãy nhìn kỹ và cầm lên ngửi nhiều nhiều một chút. Coi như là Tết này ăn mấy món đó rồi nhé!” Nhiều chị em phụ nữ đã mua mâm ngũ quả bằng nhựa để có thể dùng nhiều lần, có nơi quần áo ông Công, ông Táo cũng được thay bằng tranh vẽ với 2 màu đen trắng chứ không phải là loại hàng mã cầu kỳ đắt tiền như mọi năm. Thậm chí chai rượu Tây cũng được làm bằng gỗ, treo giữa nhà, bên ngoài đề: “Rượu nặng, chỉ nhìn 1 lần, chép miệng 1 cái, đủ say 3 ngày tết”.
*
* *
Cuộc thi gói bánh trưng Tết
Cuộc thi gói bánh trưng, bánh tét dành cho các cô gái khéo tay thành phố được tổ chức vào ngày 3 Tết. Đối tượng tham dự là những cô gái khéo tay, đảm đang nhất từ các quận. Các cô tai đeo ipod, tay đeo găng (để giữ vệ sinh) mặc váy ngắn ngồi xổm… đùm bánh trông khá thuần thục. Cuối ngày là lễ trao giải gói bánh đẹp, giải nhất thuộc về một cô ở quận 3 có chiếc bánh độc đáo gói hình ngôi sao năm cánh. Sáng ngày mùng 4, trước sự chứng kiến của đông đảo thí sinh tham dự cùng những người dân đi chơi Tết, ban giám khảo tiến hành… bóc bánh… thưởng thức để trao giải “chiếc bánh ngon nhất” thì phát hiện ra đại đa số bánh bị sống, sượng, rất nhiều cái quên không cho thịt heo, nhiều cái đỗ xanh bị phòi ra ngoài, riêng cô giải nhất gói đẹp ngày mùng 3 có bánh hình ngôi sao thì nhận được giải đặc biệt: “Lá dong đùm cháo nếp có hình dáng độc đáo nhất”
*
* *
Một loại lá gói bánh chưng, bánh tét mới
Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các nhà sinh học ở trường Nông Nghiệp cho ra đời một loại cây lai ghép giữa Dừa và Chuối. Kết quả thu được là một loại cây “Chuối dừa” cho lá y như lá chuối nhưng to cỡ tàu dừa. Loại lá này được dùng để gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết rất tiện lợi, chỉ cần một lá nhỏ có thể gói được hai cái bánh. Tuy nhiên sau khi loại cây “Chuối dừa” có lá khủng này ra đời thì các nhà hàng, khách sạn thi nhau mua về làm cảnh bởi đây vừa là loại “hàng độc” vừa cho bóng mát nên các cơ sở gói bánh chưng, bánh tét không đủ khả năng mua bởi giá thành quá cao. Các nhà khoa học trường Nông Nghiệp cho biết, qua Tết họ sẽ tiến hành nghiên cứu lai ghép với một loại cây khác nữa để có được năng suất cao, giảm giá thành sản phẩm. Hy vọng từ Tết năm sau bà con sẽ được ăn bánh chưng, bánh tét gói bằng loại lá mới!
*
* *
Mâm ngũ quả và các thứ kiêng kỵ
Người dân Nam Bộ thường nói sao làm vậy nên trong mâm ngũ quả ngày Tết thường có những quả sau: Mãng cầu, dưa đỏ, đu đủ, xoài, sung với ý nghĩa nếu đọc những cái tên này liền nhau và phát âm theo tiếng Nam bộ sẽ nghe như: Cầu vừa đủ xài sung. Nghe vừa dân dã lại vừa ý nghĩa. Một số địa phương như Vĩnh Long trong các món ăn truyền thống ngày Tết còn có nồi canh khổ qua (mướp đắng), ăn để cho “qua” những nỗi “khổ” năm cũ. Đặc biệt có địa phương còn kiêng ăn mứt bí đao (vừa bí vừa đau), hạt tiêu (tiêu đời), cam (cam chịu), tỏi (ngủm củ tỏi),…
Theo 24h
Tin vịt: Thông tin nóng bỏng về bà Táo
Bà con đã bao giờ thắc mắc về bà Táo: Tính cách thế nào? Bả có... ghen không?
Lý do Táo bà không được lên báo cáo
Tại sao hàng năm chỉ có ông Táo lên dâng sớ báo cáo Ngọc Hoàng mà không phải bà Táo? Mọi chuyện đều có căn nguyên của nó. Thứ nhất bà Táo là phụ nữ nên cũng có tật buôn dưa lê, bán dưa chuột, chuyện nọ xọ chuyện kia, dây cà ra dây muống... nên nếu để bà Táo đi không chừng hết rằm tháng giêng bả cũng chưa chịu về. Rồi thì tụ tập quần quần áo áo, son son phấn phấn với mấy bà vợ Thác Tháp Lý Thiên Vương, Thái Thượng Lão Quân, Trấn Nguyên Đại Tiên... và quên hết việc lo tết ở nhà. Thứ hai, việc này quan trọng hơn và là lý do chính cho việc Táo bà không được đi báo cáo, đó là Táo ông rất cảnh giác, bà Táo vốn đã đa phu (hai ông Táo lấy 1 bà), lên thiên đình biết đâu nổi máu... Táo bà lại à ơi luôn cả... Ngọc Hoàng rồi trở thành Ngọc Hoàng phu nhân thì tan nát hạnh phúc gia đình nhà Táo.
*
* *
Bà Táo giận chồng
23 Tết khi về trời báo cáo tổng kết, ông Táo vội quá không kịp chào bà xã. Chiều 30, không thấy bà Táo ở nhà làm cỗ bàn, hóa vàng, đốt cá chép để đón mình về hoặc gọi điện gì ráo. Ở trên thiên đình Táo ông sốt ruột lắm đành mượn xe mây của Thiên Lôi tự về. Đến nhà, Táo ông thấy mẩu giấy: "Bữa tất niên ở trong cuốn dạy nấu ăn trang 107, còn nguyên liệu chế biến để trên nhà ngoại. Xem ông có mài sớ ra mà ăn được không?!"
*
* *
Ông Táo bị liệt dương?
Người ta đã chứng minh được rằng, chắc chắn một trong hai ông Táo bị bệnh yếu sinh lý, thậm chí bị... liệt dương, bởi hai ông Táo lấy một bà Táo, mà theo "triết lý" thơ của nữ sĩ Hồ Sinh Hư thì: "Chém cha cái cảnh lấy... vợ chung / Kẻ rúc trong chăn, kẻ... nằm chờ". Thật vậy, đàn ông ai mà đủ kiên nhẫn để nằm chờ như thế được kia chứ. Trừ phi 1 trong 2 ông Táo phải có ông bị bệnh oái oăm nói trên.Tuy nhiên mấy năm trước có gã bị bắt vì tội hiếp dâm đã khai mình bị liệt dương thì Hội Quán Cười mới giật mình thấy rằng mọi suy đoán cũng chỉ là suy luận. Không biết chừng ông Táo lên báo cáo Ngọc Hoàng lại cao tay giả vờ "không có năng lực hành vi", trốn Táo bà sồ sề để lên tăm tia mấy em tiên nữ tiếp viên trên thiên đình cũng nên.
*
* *
Tại sao ông Táo không được cưỡi mây?
Mới đây các nhà nghiên cứu mới tìm được nguyên nhân tại sao hàng năm cứ đến 23 Tết ông Táo lại phải cưỡi cá chép lên thiên đình. Chuyện là thế này, ông Táo là người vốn yêu cái đẹp, đặc biệt là phụ nữ, hễ cứ thấy phụ nữ đẹp là ông quên hết cả trời đất. Bà Táo lại có máu Hoạn Thư nặng, nên đã tìm cách trấn áp ngay, thay vì cho chồng cưỡi mây như thường lệ, bà bắt cưỡi cá chép, tệ hơn nữa bà chỉ cho Táo ông mặc áo mà không mặc quần. Ai cũng biết cá chép còn có bộ vây lưng rất sắc nhọn, ông Táo chỉ cần sơ ý một chút là "tự cung" ngay. Do đó dọc đường ông phải hết sức tập trung không dám nhìn ngang liếc dọc các em tiên nữ tham dự hội xuân dọc đường lên thiên đình. Hơn nữa với bộ vây lưng cá chép kinh hoàng như vậy, ông Táo có cho vàng cũng không có em tiên nữ nào dám ngồi cá... ôm với ông. Bà Táo cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, mài lại vây lưng cá chép cho sắc. Âu cũng là một cách giữ chồng thường tình của phụ nữ.
*
* *
Danh tính của ông Táo lên chầu trời
Vậy theo kết quả nghiên cứu và chứng minh trên, ta dễ dàng suy ra được ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời hàng năm chính là ông Táo... "khỏe". Bởi ông Táo "yếu" mà lên thiên đình thì có lẽ Táo bà đã không cần bắt cưỡi cá chép. Vậy tại sao ông Táo "khỏe" phải lên thiên đình mà không ở nhà phục vụ bà xã? Lý do rất đơn giản: Tết mà lị! (Đầu năm bà Táo kiêng!)
Theo 24h
Tin vịt: Một số phát hiện... cũ về ông Táo Vì sao ông Táo không đi máy bay? Ông Táo có liên quan gì đến "môn"... tá lả (phỏm)? Lý do ông Táo không đi máy bay Lý giải tại sao ở thời buổi ngày nay, phương tiện giao thông rất hiện đại nhưng ông Táo vẫn phải ì ạch cưỡi cá chép lên thiên đình mà không đi bằng máy bay? Câu...