Tin sáng 5-9: Giá xăng có thể giảm, dầu tăng; TP.HCM họp bàn dự án ngăn triều 10.000 tỉ
Giá xăng có thể giảm từ chiều nay; Ngân hàng vẫn đang chờ được cấp thêm room tín dụng; Chủ tịch TP.HCM họp bàn dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng; Giá thủy sản miền Tây vẫn neo cao… là những tin đáng chú ý sáng nay.
Nhiều khả năng xăng sẽ giảm giá vào kỳ điều hành chiều 5-9 – Ảnh: NGỌC HIỂN
Hôm nay xăng khả năng giảm 400 đồng/lít, dầu tăng “sốc” 2.000 đồng/lít
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết phiên điều hành vào chiều 5-9 nhiều khả năng sẽ điều chỉnh theo hướng xăng quay đầu giảm giá, còn dầu sẽ tăng giá mạnh.
Theo tính toán của doanh nghiệp, giá xăng có khả năng giảm khoảng 400 đồng/lít nếu giữ nguyên mức trích quỹ bình ổn (493 đồng/lít đối với xăng RON95). Nếu giảm mức trích quỹ, giá xăng sẽ có cơ hội giảm sâu hơn và ngược lại.
Còn đối với dầu DO, giá dầu sẽ tăng mức cao, dự kiến tăng đến khoảng 2.000 đồng/lít. Nếu muốn kìm đà tăng giá dầu, liên bộ Tài chính – Công thương buộc phải ngưng trích quỹ (250 đồng/lít) và chi xả quỹ bình ổn.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp đầu mối, đến ngày 22-8, quỹ bình ổn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex) là 644 tỉ đồng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) âm hơn 862 tỉ đồng, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là hơn 230 tỉ đồng và Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội là 145 tỉ đồng…
Tại Hà Nội, ông Trần Việt Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết trong ngày 4-9, ngày cuối kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, qua phản ánh của người dân và quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, giám sát đã ghi nhận 10 cây xăng dừng bán do hết xăng A95, E5 hoặc dầu DO.
Tất cả các trường hợp này đều được các đội quản lý thị trường tiến hành làm việc, xác minh, đo bể chứa và xác định không còn hàng để bán. Đại diện các cây xăng giải thích lý do chủ yếu là đang chờ nhập xăng, dầu DO hoặc thương nhân phân phối chưa có hàng để cung cấp.
Chủ tịch TP.HCM họp bàn dự án ngăn triều 10.000 tỉ
Video đang HOT
Nước ngập sâu trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn gần giao lộ Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) sau một cơn mưa lớn – Ảnh: CHÂU TUẤN
Dự kiến tuần này, chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ họp với các sở ngành, đơn vị liên quan để nghe báo cáo về “Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”.
Đây là dự án trọng điểm của TP nhưng đã kéo dài 7 năm, tạm dừng 3 lần vì nhiều nguyên nhân.
Gần đây nhất, Tổ đàm phán phụ lục hợp đồng BT dự án chống ngập này (gồm Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ban hạ tầng đô thị, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Trung tâm Phát triển quỹ đất và chủ đầu tư Công ty Trung Nam) vừa thống nhất đưa ra các phương án thanh toán quỹ đất để thúc đẩy tiến độ dự án này.
Tổ đàm phán đánh giá phương án điều chỉnh thời gian, quỹ đất cùng lúc có thể tạo sự đồng thuận giữa UBND TP, Ngân hàng BIDV, nhà đầu tư để phụ lục hợp đồng BT có thể được ký kết.
Trước đó tháng 6 năm nay, Văn phòng UBND TP.HCM cũng có kết luận chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án chống ngập của TP vào vận hành, trong đó có dự án chống ngập trên, vào đầu năm 2023.
Ngân hàng vẫn đang chờ được cấp thêm room tín dụng
Trao đổi với Tuổi Trẻ cuối ngày 4-9, lãnh đạo một số ngân hàng cho hay vẫn đang hồi hộp chờ được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức (room) tín dụng.
Trước đó, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 được tổ chức ngày 26-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay “chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
Tuy nhiên đến 4-9, một số ngân hàng cho biết chưa nhận được room tín dụng.
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định áp lực nới room tín dụng đang mạnh, do đó Ngân hàng Nhà nước có thể phải linh hoạt hơn trong việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
VDSC dẫn số liệu thống kê của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6-2022 đạt 9,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước. Diễn biến theo tháng cho thấy tín dụng tăng tốc khá mạnh cho đến cuối tháng 6, nhưng sau đó đã chững lại đáng kể do Ngân hàng Nhà nước chưa cấp room tín dụng.
Tính đến 15-8, tín dụng tăng hơn 9,6%; trong gần 1 tháng rưỡi, tín dụng chỉ tăng thêm gần 0,3%, là mức khá thấp so với mức tăng bình quân 1,6%/tháng trong nửa đầu năm.
Nhiều tỉnh miền Tây hút khách du lịch dịp lễ
Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) ngày 2-9 – Ảnh: CHÍ QUỐC
Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, có khoảng 66.500 lượt người đến tỉnh tham quan, tăng 16,6% so với năm 2019. Tổng thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh trong kỳ nghỉ lễ cũng tăng đáng kể, đạt khoảng 53 tỉ đồng, tăng 15,9% so với năm 2019.
Các khu, điểm du lịch tập trung khách tham quan tham quan gồm: khu Quán âm Phật đài, nhà thờ Tắc Sậy, Vườn nhãn, quảng trường Hùng Vương, khu nhà Công tử Bạc Liêu…
Còn tại TP Cần Thơ, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cũng cho biết những ngày lễ có hơn 200.000 lượt khách du lịch tham quan thành phố, tăng 15% so với dịp lễ năm 2019. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú đạt 90%, doanh thu du lịch đạt 199 tỉ đồng.
Trong những ngày nghỉ lễ, Cần Thơ tổ chức nhiều sự kiện thu hút khách tham quan như: giải đua xe mô tô toàn quốc tranh Cúp liên đoàn xe đạp – mô tô thể thao năm 2022 vòng đua tại Cần Thơ; giải đua vỏ composite quốc gia lần 2 năm 2022; hội thi và triển lãm hoa lan mở rộng…
Giá thủy sản miền Tây vẫn neo cao do khan hiếm
Một người dân hái bông điên điển bán kèm cá đồng – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ngày 4-9, ghi nhận một vòng quanh các chợ tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, các loại cá đồng đặc trưng bắt đầu đa dạng hơn, tuy nhiên do số lượng chưa nhiều nên giá vẫn neo cao, một số loại cá khan hiếm.
Chị Huỳnh Thị Đậm, tiểu thương chợ Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, cho biết hiện tại cá linh vẫn neo ở mức 200.000 đồng/kg, cá lòng tong 100.000 đồng/kg, cua đồng 70.000 đồng/kg, lươn 150.000 – 200.000 đồng/kg tùy cỡ. Trong khi đó bông điên điển đầu mùa có giá 50.000 – 70.000 đồng/kg…
“Ngoài cá linh, một số loài cá đặc trưng như: cá chạch, cá rô, cá sặc bướm… số lượng còn rất ít. Mấy hôm nay mưa nhiều, nước dâng cao, hy vọng khoảng 1 tuần nữa cá đồng sẽ có nhiều hơn”, bà Đặng Thị Thắm, tiểu thương chợ Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên, cho hay.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lý giải lợi nhuận công ty mẹ bị âm sau soát xét
Lợi nhuận sau thuế giữa niên độ sau soát xét của công ty mẹ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) đã âm gần 704 tỷ đồng trong khi con số này của cùng kỳ năm 2021 là hơn 1.137 tỷ đồng.
Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh cuối tháng 8 vừa qua, Petrolimex cho biết lợi nhuận sau thuế giữa niên độ sau soát xét của công ty mẹ giảm mạnh so với cùng kỳ và phát sinh lỗ là do giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, Phương Tây với lĩnh vực năng lượng của Nga đã khiến cho giá dầu thế giới biến động khó lường.
Theo đó, giá dầu thô thế giới (WTI) đã tăng từ 91,59 USD/thùng vào ngày 25/2 lên mức 120-122 USD/thùng (tăng hơn 30%) vào đầu tháng 6, sau đó quay đầu giảm còn 105,76 USD/thùng vào ngày 30/6 và tiếp tục đà giảm mạnh về mức 96,42 USD/thùng vào ngày 28/7.
Trong khi đó, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, tại những thời điểm khó khăn về nguồn hàng khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất và trong các chu kỳ giá thế giới tăng cao, Petrolimex đã tăng cường nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu bị suy giảm lớn trong quý II/2022.
Đặc biệt, do giá bán xăng dầu trong nước từ tháng 7 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch cho các nhà đầu tư, Công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được của lượng hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính với giá trị trích lập dự phòng là 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Công ty mẹ là 295 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số công ty con thuộc lĩnh vực hoá dầu, gas, kinh doanh kho, vận tải cũng chịu tác động nhất định từ hoạt động kinh doanh xăng dầu và biến động giá dầu thế giới, dẫn đến kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ.
Với việc lợi nhuận sau thuế giữa niên độ sau soát xét của công ty mẹ bị âm gần 704 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giữa niên độ sau soát xét của Petrolimex chỉ đạt hơn 308 tỷ đồng trong khi con số này của cùng kỳ năm 2021 là hơn 2.330 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu PLX giảm 0,12% và đóng cửa ở mức 42.200 đồng/cổ phiếu. Tính chung 8 tháng qua, thị giá giảm 3,65%; trong đó giá đóng cửa cao nhất là 43.900 đồng/cổ phiếu (ngày 25/8) và giá đóng cửa thấp nhất là 42.200 đồng/cổ phiếu (ngày 31/8).
Doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu vẫn được thông quan dù dịp nghỉ lễ Tối 31/8, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Tổng cục Hải quan vừa có văn bản số 3684/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý...