Tin ở hoa hồng
TT – “Chúng tôi vừa đạt suất ăn thứ một triệu” – anh Lê Văn Chính, chủ tịch Quỹ từ thiện Tình thương TP.HCM, chủ nhiệm dự án quán cơm 2.000 (Nụ Cười), thông báo.
Khách đến ăn tại quán cơm xã hội Nụ Cười – Ảnh tư liệu
Tuần rồi, diễn đàn của các nhóm Người tôi cưu mang, Những ước mơ xanh, Sao Khuê lao xao lời nhắn chuyển tiền, quà, hướng dẫn cách xếp lồng đèn, làm bánh để chuẩn bị một mùa trăng yêu thương.
Những ngày qua, nhiều tân sinh viên đã yên tâm soạn sửa hành trang lên đường nhập học sau suất học bổng Tiếp sức đến trường của nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp cho báo Tuổi Trẻ…
“Dẫu cho lắm cam go, điều tốt vẫn nhiều hơn điều xấu” – anh Chính nói và khẳng định bằng những con số sau ba năm hoạt động của các quán cơm Nụ Cười: 8.154 lượt nhà hảo tâm đã đóng góp hơn 18,6 tỉ đồng và rất nhiều hiện vật, thực phẩm; hàng trăm tình nguyện viên không quản ngày mưa ngày nắng đi chợ, nhặt rau, thái thịt, làm cá, nấu nướng, bưng bê, rửa chén, lau nhà…
Một triệu suất ăn 2.000 đông là một triệu lượt người nghèo có được một bữa no bụng, vừa được ấm lòng trong sự quan tâm, chia sẻ vừa được thư thả tích thêm tí tiền lo cho con nhỏ, mẹ già.
Hơn tám năm hoạt động, mười mấy ngàn thành viên của Người tôi cưu mang cũng tự hào với những con số như thế: ba quán cơm 2.000 đông, hàng chục nồi cháo từ thiện, những người nghèo, người bệnh được cưu mang, những căn nhà tình thương…
“Tin vào lòng nhân ái” là điều tất cả thành viên trong nhóm đoan chắc và chọn làm khẩu hiệu của mình. “Chung vòng tay, góp hơi ấm” là lời kêu gọi của Sao Khuê. “Tình nguyện vì cuộc sống tốt đẹp hơn” là cái nắm tay của Những ước mơ xanh…
Vậy mà đọc báo, theo dõi tin tức mỗi ngày ai cũng cảm giác thấy có nhiều điều xấu hơn điều tốt. Bởi bản chất của cái tốt là lặng lẽ, âm thầm. Bởi sự lan tỏa của cái tốt thường thấm thía tận trong lòng người chứ không ồn ào, hoa hòe, đình đám. Bởi đối tượng thụ hưởng cái tốt thường là những người nghèo, chỉ biết nỗ lực để không phụ lòng tốt chứ không biết nói lời hoa mỹ cảm ơn…
Là bởi chính chúng ta đôi khi để cho rào cản thành hố sâu, để cho mệt mỏi thành bất lực, để cho chán nản thành buông xuôi, để cho hiểu biết thành tiêu cực… Và thế là để cho cái xấu lấn át cái tốt trong tâm tưởng, trong cái nhìn, trong hành động.
Video đang HOT
Không phải làm thiện nguyện là xuôi chèo mát mái. Dự án không lợi nhuận nhưng những người điều hành lúc nào cũng phải vắt óc nghĩ cách… kiếm tiền. Đã có lúc những cái khó khiến nhiều ban quản trị của các quỹ, các nhóm tưởng phải buông tay, bỏ cuộc. Đã không ít những phán đoán về ngày… dẹp tiệm của dự án này, chương trình nọ. Nhưng rồi tất cả vẫn an nhiên phát triển.
Như hôm nay vượt qua dấu mốc một triệu suất ăn, Quỹ từ thiện tình thương đang chuẩn bị khai trương quán Nụ Cười thứ 7, tiếp tục thành hình các dự án khác: Ngăn ngừa trốn viện, Giúp giảm đau, Đừng tuyệt vọng, Em đến trường…
Vượt lên trên cuộc mưu sinh gian khó của bản thân, hàng trăm, hàng ngàn tình nguyện viên mỗi ngày mỗi miệt mài thổi vào suất cơm, chén cháo, cái nắm tay hơi ấm của sự chia sẻ, bao dung.
Hơi ấm ấy mang lại những nụ cười ấm áp, những bước chân mưu sinh vững vàng hơn, tự tin hơn trong đời.
Hơi ấm ấy lan tỏa niềm tin rằng cuộc đời đáng sống, và nỗi tuyệt vọng sẽ phải lùi bước.
Hơi ấm ấy thủ thỉ với mỗi người trong nỗi chông gai riêng mình: Tin ở hoa hồng.
Theo Zing
Trào nước mắt với những tấm gương vượt khó
TT - Chiều 19-9, chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 402 và 403 của báo Tuổi Trẻ đã diễn ra ở hai nơi là Bình Định và Huế.
Các sinh viên nhận học bổng ở TP Quy Nhơn chiều 19-9 - Ảnh: Trần Mai
142 tân sinh viên của ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và 97 tân sinh viên ở hội trường ĐH Huế mỗi người mỗi cảnh, tựu trung đều rất khó khăn nhưng có ý chí vươn lên, học giỏi và đậu ĐH.
Tôi mong các bạn đem nỗ lực vượt khó trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường vào giảng đường, tiếp tục gặt hái được những thành công. Mong các bạn sẽ tiếp nối những đàn anh, đàn chị trong chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ giúp đỡ những lứa sinh viên tiếp theo sau
Bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN LÊ QUỐC PHONG
"Tiếp sức đến trường" đã quá thân quen
Tại Quy Nhơn, câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Thị Hồng Nhi vừa trở thành tân sinh viên khoa xét nghiệm Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng khiến khán phòng chùng lại. Thời thơ ấu của Nhi là những tháng ngày buồn tủi, không có cha, từ lớp 1 đã bắt đầu theo mẹ bắt ốc mưu sinh, lớn lên một tí Nhi cùng mẹ ra đồng quần quật làm việc để có cái ăn. Đây là lần thứ hai Nhi trở thành tân sinh viên. Năm ngoái Nhi là sinh viên khoa luật của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhưng vừa bước vào học kỳ 2 được hơn một tuần đành nghỉ vì gia đình có tới hai người đau bệnh. "Đó là quyết định khó khăn nhất mà em phải làm" - Nhi nói.
Có mặt ở lễ trao học bổng, cô giáo Võ Thị Thuận, chủ nhiệm lớp 7 và 8 của Nhi, đã trao tặng cô học trò chiếc áo. Cô Thuận tâm sự: "Đối với tôi, Nhi là cô học trò giỏi nhất, không chỉ trong học tập mà còn là sự hiếu thảo. Em đã bỏ học một năm để chăm sóc ông và mẹ rồi lại tiếp tục thi đậu ĐH. Hi vọng năm nay em sẽ đủ điều kiện để học hết năm năm ĐH mà không phải nghỉ học giữa chừng thêm một lần nữa".
Những câu chuyện xúc động không chỉ đến từ các tân sinh viên mà còn đến từ những người đã thành đạt sau khi nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường" nhiều năm trước. Dược sĩ Đào Thị Kiều Nhi, hiện công tác tại khoa dược Viện Tim TP.HCM, từng nhận học bổng thời sinh viên, chia sẻ: "Những người từng nhận học bổng như tôi chẳng hi vọng gì hơn là nhìn thấy các em hôm nay sẽ trở thành người thành đạt và có ích sau khi ra trường".
Có một chuyện đặc biệt khác là trước ngày trao học bổng một ngày, ông Trần Văn Khuê, phó chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Dược - trang thiết bị y tế Bình Định, liên lạc với chương trình trao hai suất học bổng không nằm trong danh sách cho hai tân sinh viên Nguyễn Thị Như Hảo và Kiều Thị Mỹ Hạn (cùng ĐH Quy Nhơn). "Khi biết hoàn cảnh của hai em, tôi đã vận động công đoàn hỗ trợ cấp tốc" - ông Khuê nói.
Tại buổi lễ, ông Mai Thanh Thắng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" đã trở nên quen thuộc đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mười mấy năm qua. Ông kêu gọi cộng đồng cùng nhau chia sẻ khó khăn để các tân sinh viên viết tiếp giấc mơ của mình. Ông Nguyễn Tấn Danh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt, đại diện cho các đơn vị tài trợ học bổng "Tiếp sức đến trường", cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các số phận nghèo vượt khó vào giảng đường ĐH trong thời gian tới.
Tấm vé vào đời nồng ấm tình nghĩa
Tại Huế, hầu hết những người đến dự đều rưng rưng khi xem phóng sự về hoàn cảnh của bạn Võ Thị Huệ, nhân vật trong bài báo "Em không muốn nghỉ học thêm lần nữa thầy ơi!". Huệ năm nay đậu ĐH cùng với hai em sinh đôi. Gia cảnh vốn quá khốn khó, nay có thêm ba gánh nặng nếu cả ba cùng đi học ĐH. Do đó, nguy cơ cả ba chị em không được đến trường là rất rõ.
Được mời lên sân khấu giao lưu, Huệ tâm sự về một giai đoạn gia đình nghèo ngặt đến mức em phải bỏ học để giúp việc cho người ta trong ba năm. Đã nghỉ học một lần rồi nên Huệ rất sợ phải bỏ học thêm lần nữa. Vì vậy, Huệ nói quá mừng khi các nhà tài trợ trong CLB Tiếp sức đến trường Thừa Thiên - Huế quyết định trao học bổng cho cả ba chị em. Vậy là cả ba sẽ được đi học tiếp. Huệ cho biết sẽ thu xếp thời gian để đi làm thêm, dạy kèm, đồng thời hướng dẫn hai em tìm việc phù hợp để tranh thủ làm thêm.
Một câu chuyện khác cũng gây nhiều cảm xúc cho mọi người. Đó là bạn Lương Thị Phương Tâm, nhân vật trong bài "Báo đáp ân tình cho quê hương" (Tuổi Trẻ ngày 19-9). Tâm cho biết mọi chuyện thay đổi đến mức gần như không thể tin là có thật. Suất học bổng đặc biệt dành cho Tâm trị giá 10 triệu đồng, trở thành tấm vé để em kịp lên "chuyến tàu ĐH", mở ra cánh cửa ước mơ mà trước đó tưởng chừng đã khép lại.
Thật bất ngờ, bà Lê Thị Liễu, mẹ của Tâm, đang rửa chén bát ở một quán ăn gần nơi trao học bổng cũng đã được mời lên sân khấu trong tràng vỗ tay của mọi người. Bà Liễu cảm động đến rơi nước mắt, bởi vì bà đã hoàn toàn bất lực trước việc học hành của con. "Rứa mà bỗng nhiên có người tốt giúp cho con tui đi học ĐH. Tui mừng quá, không biết nói chi hơn!" - bà Liễu tâm sự.
Cả hội trường cũng chăm chú lắng nghe lời chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chủ nhiệm CLB Tiếp sức đến trường Thừa Thiên - Huế, về quá trình vận động đóng góp học bổng.
Ông Tống cho biết nhiều người khó khăn, xin góp vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có trường hợp góp đến 100 triệu đồng.
Dù ít hay nhiều đều hết sức trân trọng. PGS.TS Tống cũng đùa với các tân sinh viên rằng đây không phải là khoản tiền cho không, mà là tiền đầu tư, là khoản mà các bạn "vay ưu đãi" và sẽ tự giác trả bằng việc đóng góp giúp cho đàn em nghèo khó trong tương lai.
Ông Đặng Phước Mỹ, phó giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho rằng học bổng này "rất có ý nghĩa vì nó tiếp sức cho sinh viên nghèo đúng vào thời điểm quan trọng và bức thiết nhất!".
Ông Huỳnh Văn Mão (bìa trái) trao tặng xe máy cho Quỳnh tại văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Huế - Ảnh: G.Hưng
Món quà bất ngờ
Chứng kiến câu chuyện thương tâm của bạn Nguyễn Diệu Quỳnh tại buổi lễ trao học bổng ở Quảng Trị vào đêm 18-9, Công ty cổ phần Dược phẩm Eco (Hà Nội) đã quyết định tặng Quỳnh một chiếc xe máy để bạn có thể thường xuyên về nhà chăm sóc mẹ. Quỳnh vừa nhập học Trường ĐH Nông lâm Huế. Ở quê chỉ còn một mình mẹ Quỳnh đang trong tình trạng bệnh viêm đa khớp nặng, nằm một chỗ.
Chiều 19-9, ông Huỳnh Văn Mão - đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Eco - cùng với Quỳnh đi mua xe và Quỳnh đã chọn chiếc xe hiệu Yamaha trị giá 18 triệu đồng. Diệu Quỳnh nói quá bất ngờ vì món quà đến quá nhanh.
"Chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ có được một chiếc xe máy riêng như vậy. Em nghĩ rằng bây giờ em và mẹ đã gần nhau hơn rất nhiều. Em thật sự rất biết ơn công ty và mọi người đã thương em" - Quỳnh nói.
Theo TTO
Lại một thí sinh 29 điểm có nguy cơ không được vào trường công an Dù thi đại học vào Học viện Công an nhân dân và đạt số điểm cao, nhưng đến khi thông báo nhập học và thẩm tra lý lịch, Ngà đã phải dừng làm thủ tục vì bố từng có tiền án. Đó là hoàn cảnh của em Nguyễn Đức Ngà (học sinh lớp 12C4, trường THPT Nam Đàn 2, Nam Đàn, Nghệ An),...