Tin nhắn 3 từ lật tẩy vụ thủ tiêu tình địch
Vợ và 3 con trai đang lo lắng nhìn mưa giông rợp trời, đợi Michael OLeary đi làm về thì nhận được tin nhắn của ông: “I’m so sorry”, tối 27/1/2020.
Không thấy chồng về sau đó, gia đình đã trình báo chính quyền. Cảnh sát đã lục soát ngôi làng yên tĩnh Nantgaredig, phía tây nam xứ Wales, cuối cùng tìm thấy chiếc ôtô của OLeary gần bờ sông Towy, cùng dấu giày của ông trong bùn dẫn lên mặt nước. Các nhà điều tra cho rằng đây là vụ tự sát.
Nhưng người thân nhanh chóng nảy sinh nghi ngờ. OLeary là một người xứ Wales nổi tiếng kiêu hãnh, chỉ nói tiếng mẹ đẻ của mình (tiếng Welsh) ở nhà. Vậy tại sao ông lại viết lời tạm biệt vợ con bằng tiếng Anh? Ông cũng luôn giao tiếp thông qua dịch vụ WhatsApp, vì vậy thật kỳ lạ khi lời cuối lại được gửi qua số điện thoại.
Bạn bè tập hợp tại câu lạc bộ bóng bầu dục của OLeary để tìm kiếm ông. Nhiều người lo sợ điều tồi tệ nhất, rằng ông ta đã tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy xuống sông vào ban đêm. Nhưng, kỳ lạ thay, không có dấu hiệu của một thi thể đang trôi dạt vào bờ.
Nạn nhân Michael OLeary và vợ. Ảnh: Mirror
Khi cảnh sát vào cuộc, họ thừa nhận “vô cùng thuận lợi” cho quá trình điều tra khi vụ án xảy ra ở cộng đồng nông thôn chặt chẽ như Carmarthenshire, nơi người dân quen biết mật thiết và cởi mở nói chuyện với cảnh sát.
Nhờ đó, họ nhanh chóng phát hiện ra OLeary đã ngoại tình với một phụ nữ đã có gia đình ở địa phương khi gặp nhau câu lạc bộ bóng bầu dục. Cảnh sát tìm thấy dữ liệu từ camera an ninh ghi lại cảnh cặp tình nhân trò chuyện tại quán bar của câu lạc bộ bóng bầu dục 48 giờ trước khi OLeary mất tích.
Gia đình của OLeary không biết việc ông ta không chung thủy khiến cho cuộc nói chuyện với họ trở nên khó khăn với giới điều tra. Thanh tra Jones nói: “Đó là một thử thách cực kỳ khó khăn, nhưng tôi nghĩ cần nói ra sự thật. Nó quan trọng với vụ án”.
Trong khi đó, các chuyên gia kỹ thuật số đã phân tích chiếc điện thoại di động của OLeary, được tìm thấy trong chiếc xe bị bỏ rơi của ông. Dữ liệu cho thấy, vào đêm mất tích, ông đã đi đến một trang trại xa xôi, hoang phế gần Newtown.
Trang trại thuộc sở hữu của một doanh nhân địa phương thành đạt tên là Andrew Jones, hay làm từ thiện, hỗ trợ các câu lạc bộ thể thao và hỗ trợ cộng đồng.
Ông ta có lý lịch sạch sẽ, trước đây chưa từng bị cảnh sát chú ý đến. Ở vụ án này, ông ta là bạn thân của OLearys, cũng là chồng của cô nhân tình. Sự nghi ngờ nhanh chóng tăng lên.
Video đang HOT
Andrew Jones và vợ. Ảnh: DailymailUK
Cảnh sát bắt Andrew. Khi ở phía sau xe cảnh sát, ông này bất ngờ nói với các cảnh sát rằng có một chiếc điện thoại di động khác của OLeary trong túi quần jean ở nhà. Ông ta thừa nhận hai người gặp nhau tại trang trại bỏ hoang vào đêm mưa gió đó, song khẳng định OLeary đã lái xe đi mà không hề hấn gì. Trong nhà của Jones, cảnh sát tìm thấy 8 khẩu súng được cấp phép, 21 khẩu súng tự chế.
Các thám tử cho biết nếu không tìm ra thi thể thì rất khó để buộc Andrew vào tội giết người. Sau một cuộc lục soát gắt gao trang trại vô chủ của Andrew và các lán xung quanh, cảnh sát tìm thấy hai chiếc cúc áo sơ mi nhỏ, với bông sợi quấn chặt xung quanh. Tất cả bị xé toạc. Gần đó, họ tìm thấy một vỏ đạn. “Tôi nghĩ, Andrew đã dụ tình địch đến đây và bắn anh ta,” thám tử Jones suy luận.
Trên chiếc nút, các nhà khoa học pháp y tìm thấy một dấu vết nhỏ của máu; một cuộc phân tích DNA sau đó đã chứng minh nó thuộc về OLeary.
Andrew bị buộc tội giết người. Ngay sau đó, một loạt các bằng chứng khác đã minh chứng điều này. Vỏ đạn được tìm thấy tại trang trại được các chuyên gia về đạn đạo khớp với khẩu súng thuộc sở hữu của Jones. Một vết máu của OLeary được tìm thấy trên một chiếc quần jean của Jones.
Camera an ninh cho thấy chiếc xe của OLeary được lái đến bờ sông vào đêm biến mất, nhưng dữ liệu điện thoại di động cho thấy chính Andrew đang lái xe. Một lúc sau, trên đoạn đường này bỗng xuất hiện một người đạp xe đơn độc đi quay trở lại theo hướng của trang trại vô chủ. Các thám tử vẫn tin rằng đó là Andrew. Các cảnh quay khác cho thấy Andrew đốt một đống lửa ở cuối sân vào đầu giờ sáng, trong năm giờ liền.
Cảnh sát tìm thấy là một mẩu thịt 10g trong trang trại và được một nhà nghiên cứu bệnh học xác định là một đoạn ruột non của con người. Hồ sơ ADN của mẫu vật, trùng khớp với nạn nhân OLeary.
Trang trại bỏ hoang, hiện trường vụ án. Ảnh: ITV Cymru Wales
Trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Swansea Crown vào tháng 10 năm ngoái, Andrew thừa nhận đã sử dụng điện thoại di động của vợ mình để dụ OLeary đến trang trại, nhưng “chẳng may” bắn một phát súng trúng. Andrew bị kết tội giết người và sau đó bị kết án tù chung thân với thời hạn tối thiểu xét ân xá là 30 năm.
Trước tòa, vợ của OLeary cho biết một năm trước khi chồng cô qua đời là quãng thời gian tình cảm rạn nứt nhưng vợ chồng họ luôn cố gắng hàn gắn. “Tôi biết anh ấy yêu tôi và điều đó mang lại cho tôi niềm an ủi lớn lao. Chúng tôi đã cố gắng vượt qua một số bất đồng nhỏ. Chúng tôi đã nói về việc già đi cùng nhau”, bà khóc, nói.
Cảnh sát tự hào về việc họ đã điều tra thành công một vụ án phức tạp và rùng rợn như vậy. Lịch sử nước Anh, chỉ có 22 thủ phạm bị kết tội giết người trong trường hợp không tìm thấy thi thể, và đây là vụ 23. Cuộc điều tra kéo dài 9 tháng của cảnh sát được dựng lại và phân tích qua bộ phim tài liệu tội phạm của ITV, No Body Recovery , vừa phát sóng ngày 29/7 vừa qua.
Các thám tử cho rằng Andrew đã đốt ngọn lửa trại 5 giờ để “phân xác và tiêu hủy” hài cốt của OLeary. Nhưng Andrew cương quyết không hé răng. Ông ta là người duy nhất thực sự biết chuyện gì đã xảy ra vào buổi tối tháng giêng lạnh giá đó.
Miễn dịch cộng đồng: Mục tiêu rượt đuổi
Đạt miễn dịch cộng đồng là mục tiêu quan trọng nhất để chấm dứt một đại dịch. Song với COVID-19, mục tiêu này đang liên tục "di động", phải rượt đuổi vì các biến thể mới liên tục xuất hiện và tâm lý ngại vắc xin gia tăng.
Bảng điện tử thông báo "khu vực này có biến thể đáng lo ngại" ở thị trấn Bolton, hạt Greater Manchester, phía tây bắc nước Anh, ngày 17-5-2021 - Ảnh: Reuters
Miễn dịch cộng đồng với chủng virus gốc năm ngoái lẽ ra có thể đạt được. Nhưng chúng ta đang đối mặt với các biến thể khác, những loại sẽ tiếp tục xuất hiện và lây nhiễm trong số những người đã tiêm vắc xin.
Ông Andrew Pollard, trưởng nhóm vắc xin Oxford thuộc khoa nhi ĐH Oxford.
Miễn dịch cộng đồng là khái niệm mô tả trạng thái một tỉ lệ dân số đã có thể miễn dịch với mầm bệnh (hoặc do miễn dịch tự nhiên có được sau khi khỏi bệnh, hoặc nhờ tiêm chủng vắc xin) đạt đến một ngưỡng nhất định đủ để xóa sổ căn bệnh.
Liên tục điều chỉnh
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác biệt về "ngưỡng" này. Theo báo Financial Times, lúc dịch mới bùng, một số nhà khoa học hy vọng ngưỡng đó là 60%. Trong năm ngoái, ông Peter Hale - giám đốc điều hành Quỹ Nghiên cứu vắc xin tại Washington DC - cho rằng các cơ quan y tế Mỹ nhận định một cách không chính thức ngưỡng đó khoảng 75%.
Nhưng rồi, sau khi căn cứ vào thực tế biến thể B.1.1.7 phát hiện lần đầu ở Anh hiện đang lây lan mạnh tại Mỹ, ông Peter Hale điều chỉnh lại ngưỡng để đạt miễn dịch cộng đồng hiện nay là gần 80%.
Trong khi đó, bà Lauren Ancel Meyers, giám đốc Liên minh nghiên cứu mô hình COVID-19 của ĐH Texas, cho rằng để đạt được miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ dân số đã được tiêm chủng phải từ 60 - 80%.
"Tôi sẽ không nói là không thể đạt được miễn dịch cộng đồng - bà Lauren Ancel Meyers nói - Nhưng tôi muốn nói rằng miễn dịch cộng đồng sẽ rất khó đạt được trong tương lai gần, tại hầu hết các cộng đồng và tại hầu hết các thành phố của Mỹ cũng như trên toàn thế giới".
Các ước đoán của giới chuyên gia về ngưỡng tỉ lệ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng có biên độ khá lớn lvì họ đang bị chi phối bởi hai yếu tố rất khó đoán: virus biến đổi và tâm lý con người.
Cho tới nay, các nhà khoa học không thể biết các biến thể virus mới sẽ còn giúp nó dễ lây lan và nguy hiểm hơn thế nào, cũng như không thể biết bao nhiêu người sẽ chịu đi tiêm vắc xin COVID-19. Dù nhiều nước tặng quà, tiền, học bổng để dân đi tiêm vắc xin, nhưng theo thăm dò mới đây của Gallup, có đến 1 tỉ người trên thế giới "ngại" tiêm.
Hãy quên miễn dịch cộng đồng?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Elpais những ngày cuối tháng 5, ông Andrew Pollard - trưởng nhóm vắc xin Oxford thuộc khoa nhi ĐH Oxford, cũng là người đã phụ trách các thử nghiệm lâm sàng với vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca - đã nói: "Chúng ta nên quên đi chuyện miễn dịch cộng đồng. Đó là một quan niệm sai vì các biến thể virus".
Ông Pollard cho rằng không giống như châu Âu, tại nhiều nơi trên thế giới cuộc chiến chống virus corona chỉ vừa mới bắt đầu. Theo ông, không nên bàn về miễn dịch cộng đồng nữa vì các biến thể virus mới - vốn thường xuyên xuất hiện - sẽ khiến mục tiêu đó không thể đạt được.
Cũng theo ông Pollard, việc mọi người chỉ tập trung lo lắng về biến thể tìm thấy ở Ấn Độ cũng là điều không hợp lý. "Vì nó chỉ là một trong nhiều biến thể sẽ xuất hiện trong các tháng tiếp theo", ông nói.
Nhà khoa học này tin rằng trong tương lai, các chủng biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ tìm ra những cách thức lây nhiễm và gây ra những ca bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không triệu chứng.
Lại có những nhà khoa học có quan điểm cho rằng nên nhìn nhận miễn dịch cộng đồng như một quá trình tích lũy thay vì một "vạch đích" cần phải vượt qua.
Ông John Edmuns, giáo sư tại Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London, cho rằng đó không phải là "cái công tắc tắt - mở". "Mức độ miễn dịch trong dân số càng cao thì nó càng làm cho virus lây lan chậm lại", ông nói.
Tóm lại, dù ngưỡng miễn dịch cộng đồng có đạt được hay không, tăng cường tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vẫn là cách tốt nhất để tiến tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh, đồng thời hạn chế lây nhiễm và tử vong do dịch bệnh.
Nhiều nước khổ sở với biến thể Delta
Theo trang New Scientist, tại Vương quốc Anh, số ca mắc biến thể Delta (hay B.1.617.2) - biến thể virus corona đầu tiên tìm thấy tại Ấn Độ - đang tăng lên chóng mặt, đe dọa kế hoạch gỡ bỏ những hạn chế phòng dịch dự kiến cuối tháng này.
Theo Đài BBC, tính tới ngày 31-5, Anh đã ghi nhận gần 8.000 ca mắc biến thể Delta, trong khi ở Scotland là hơn 1.000 ca, xứ Wales là 82 ca và Bắc Ireland là 19 ca.
Theo trang Nymag, cho tới nay biến thể Delta đã lây lan tới hơn 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phần tử cực đoan Israel tấn công người Palestine Những kẻ cực đoan Israel thành lập hơn 100 nhóm mới trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp để kích động các cuộc tấn công người Palestine tại nước này. Hôm 12/5, một thông báo xuất hiện trong nhóm WhatsApp có tên "Cái chết cho người Arab", kêu gọi người Israel tham gia một cuộc ẩu đả trên đường phố nhằm vào người Palestine...