Tin học trở thành môn trọng tâm trong giáo dục phổ thông
Thay vì là môn tự chọn như hiện nay, trong chương trình mới Tin học trở thành môn bắt buộc có phân hóa.
Hội thi tin học trẻ của học sinh THCS ở Đà Nẵng. Ảnh: Phòng Giáo dục huyện Hòa Vang.
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xác định, Tin học giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa. Môn học cũng hỗ trợ đắc lực học sinh tự học và tập nghiên cứu; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả môn học.
Vì thế, so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vị trí, vai trò của môn Tin học đã thay đổi. Thay vì là môn tự chọn như hiện nay, Tin học trở thành môn bắt buộc có phân hóa, xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 9. Ở cấp THPT, Tin học là môn được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, phân hóa theo hai định hướng “Tin học ứng dụng” và “Khoa học máy tính” (trong chương trình hiện hành không phân hóa).
Ban soạn thảo xác định, môn Tin học sẽ kế thừa chương trình hiện hành, khai thác chương trình tin học phổ thông của các nước tiên tiến; đảm bảo tính cơ bản, khoa học và sư phạm. Chương trình chọn lọc nội dung cơ bản hòa quyện của ba mạch tri thức: Khoa học máy tính (Computer Science), Công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technology) và Học vấn số hóa phổ dụng (Digital Literacy); quan tâm đúng mức đến nội dung về đạo đức, văn hóa, pháp luật và ảnh hưởng của tin học lên xã hội.
Nhằm đạt được ba mạch tri thức trên, nội dung của chương trình được tổ chức thành 7 chủ đề lớn xuyên suốt trong cả ba cấp học là: (A) Máy tính và xã hội tri thức; (B) Mạng máy tính và Internet; (C) Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; (D) Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa; (E) Ứng dụng tin học; (F) Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính và (G) Hướng nghiệp với tin học.
Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Tin học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực ứng dụng tin học, làm quen và sử dụng Internet; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong và trao đổi thông tin.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nội dung môn Tin học được tổ chức từ các chủ đề bắt buộc và chủ đề lựa chọn theo định hướng Tin học ứng dụng hoặc theo định hướng Khoa học máy tính.
Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng mục đích sử dụng máy tính và hệ thống máy tính để nâng cao hiệu quả học tập, làm việc, góp phần phát triển năng lực thích ứng và năng lực phát triển các dịch vụ kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu của cuộc sống con người trong xã hội số hóa.
Video đang HOT
Định hướng Khoa học máy tính đáp ứng mục đích bước đầu tìm hiểu nguyên lý hoạt động của hệ thống máy tính, phát triển tư duy tin học, năng lực tìm tòi khám phá, phát triển phần mềm và dịch vụ giá trị gia tăng trên hệ thống máy tính.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/lớp/năm), trong mỗi năm, học sinh có thể chọn học một số chuyên đề (35 tiết/lớp/năm) tùy theo sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp.
Điều kiện thực hiện chương trình
Theo Ban soạn thảo, các cơ sở giáo dục cần quan tâm đầu tư để phòng máy tính được kết nối Internet. Các trường có điều kiện nên trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật số hiện đại như máy ảnh số, máy tính bảng, thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, robot giáo dục…). Với những trường chưa đủ điều kiện, có thể thu thập hình ảnh các thiết bị đó trên mạng để giới thiệu cho học sinh.
Đối với hệ điều hành, bộ công cụ văn phòng và các phần mềm khác, chương trình chỉ yêu cầu mức độ cần đạt mà không xác định bắt buộc sử dụng phần mềm cụ thể nào; không phân biệt là mã nguồn mở hay mã nguồn đóng. Giáo viên được khuyến khích lựa chọn các phiên bản mới, thông dụng và miễn phí; các phần mềm học tập, vui chơi giải trí…
Về thiết bị thực hành, phòng máy tính của nhà trường phải được kết nối Internet và nối mạng LAN. Các máy tính để bàn cần có cấu hình đáp ứng cài đặt được các hệ điều hành và phần mềm thông dụng, có loa, tai nghe, micro, camera. Cần đảm bảo trong giờ học thực hành số lượng tối đa học sinh sử dụng chung một máy tính ở tiểu học là 3, ở THCS là 2 và ở THPT là 1 học sinh.
Mỗi phòng học tin học (cả lý thuyết và thực hành) cần có một máy chiếu. Trong giờ học chuyên đề về robot mỗi nhóm 8 học sinh cần có ít nhất một robot giáo dục để sử dụng. Về phần mềm, các máy tính của nhà trường cần được cài đặt hệ điều hành và phần mềm ứng dụng có bản quyền, mã nguồn mở hoặc miễn phí.
Dự thảo chương trình Tin học sắp được công bố cùng với các môn học khác để lấy kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành. Theo nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất từ năm học 2020-2021 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
Theo VNE
Toán - Văn sẽ thay đổi như thế nào trong chương trình phổ thông mới
Chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ công bố dự thảo các môn học trong tháng 1/2018.
Môn Toán ở chương trình phổ thông mới là môn bắt buộc và được phân theo 2 giai đoạn.
Môn Toán được tích hợp xoay quanh ba mạch kiến thức
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình phổ thông mới cho hay, môn Toán ở chương trình mới là môn bắt buộc và được phân theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn giáo dục cơ bản giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm, những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về Toán học, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Môn Toán cần góp phần hình thành, phát triển các năng lực chung cũng như năng lực toán học gồm năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hoá toán học, Năng lực giải quyết vấn đề toán học, Năng lực giao tiếp toán học; Năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học Toán
Nội dung chương trình môn Toán được tích hợp xoay quanh ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất và có cấu trúc dựa trên sự phối hợp cả cấu trúc tuyến tính với cấu trúc "đồng tâm xoáy ốc" (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần).
Với môn Văn, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp
Môn Văn được xây dựng theo hướng mở
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn mới cho hay, về mục tiêu, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp (với 4 kỹ năng chính là đọc, viết, nói và nghe).
Như vậy, chỉ có những kiến thức giúp cho việc phát triển năng lực có hiệu quả mới được lựa chọn vào. Chương trình sẽ được xây dựng thống nhất từ lớp 1 cho tới lớp 12 chứ không tách làm 3 cấp như trước đây.
Về nội dung, chương trình sẽ không tổ chức theo trục lịch sử văn học hay kiểu văn bản như chương trình (THCS và THPT) hiện hành.
Tất cả kiến thức được chọn đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng tới chủ thể người học và khả năng ứng dụng tri thức ngữ văn vào cuộc sống. Các kiến thức văn học, tiếng Việt sẽ tích hợp thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các kỹ năng này.
Chương trình cũng sẽ được xây dựng theo hướng mở bằng cách chỉ quy định một số nội dung cốt lõi và 6 tác phẩm bắt buộc (gồm bài thơ Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập.
6 tác phẩm này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà chương trình đề ra, quan trọng nhất đều là thành tựu tiêu biểu về tư tưởng, văn học và văn hóa dân tộc). Còn lại đưa ra một danh sách gợi ý để các tác giả SGk và giáo viên tự chọn.
Theo Giaoducthoidai.vn
Yêu cầu dừng cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A,B,C Từ ngày 15/12/2016, Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng việc cấp phôi chứng chỉ tin học ứng dụng A,B,C. Từ ngày mai, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở dừng cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A,B,C đối với những trung tâm tự thành lập Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi tới các Sở giáo dục và đào tạo, các đại học,...