Tín hiệu tích cực từ Doha
Vòng đàm phán thứ 3 về hòa bình cho Afghanistan diễn ra ở Doha, Qatar từ ngày 1 đến 6/7 đã kết thúc với nhiều tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội khôi phục hòa bình tại quốc gia đã chìm trong hỗn loạn suốt 2 thập kỷ qua.
Giai đoạn hỗn loạn
Trong vòng vài tuần sau khi Mỹ và NATO rút quân, lực lượng Taliban quay trở lại kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8/2021, gần 20 năm sau khi họ bị quân đội Mỹ và đồng minh đánh bại. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), Taliban đã kiểm soát 80% lãnh thổ trước khi chiếm được Kabul. Điều này có nghĩa là Taliban gần như đã giành được quyền kiểm soát đất nước và tái áp đặt pháp luật Hồi giáo hà khắc trở lại. Đó cũng là thời điểm một cuộc khủng hoảng sâu rộng bắt đầu bùng nổ trong xã hội Afghanistan.
Liên Hợp Quốc dành nhiều sự quan tâm cho hòa bình ở Afghanistan.
Theo ước tính của LHQ, khoảng 23 triệu người Afghanistan (hơn một nửa dân số) phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Hơn 9 triệu người có nguy cơ chết đói nếu không nhận được viện trợ khẩn cấp. Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights cho biết, phụ nữ Afghanistan đã bị cấm làm việc trong hầu hết các lĩnh vực và bị hạn chế học tập trên lớp 6.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng tại Afghanistan. Chính phủ Afghanistan trước đây, do Tổng thống Ashraf Ghani lãnh đạo, bị cáo buộc tham nhũng và thiếu hiệu quả. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Afghanistan đứng thứ 165 trong số 180 quốc gia về mức độ tham nhũng trong năm 2020. Chính quyền cũng hoạt động không hiệu quả do Afghanistan là một quốc gia đa sắc tộc với nhiều nhóm như Pashtun, Tajik, Hazara và Uzbek. Mâu thuẫn giữa các nhóm này đã gây ra xung đột và bất ổn kéo dài. Lợi dụng điều này, nhóm IS-K (Nhà nước Hồi giáo tại Khorasan) đã thực hiện nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Afghanistan làm tăng thêm sự bất ổn.
Bà Deborah Lyons nỗ lực khôi phục hoạt động của Liên hợp quốc tại Afghanistan.
Sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền, tình hình cũng không trở nên sáng sủa hơn. Chính quyền Taliban không được công nhận rộng rãi trên quốc tế. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, đã từ chối công nhận chính quyền này, gây khó khăn trong việc nhận viện trợ và hỗ trợ quốc tế. Tiếp quản nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng cũng gây nhiều khó khăn cho chính quyền Taliban. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, GDP của Afghanistan giảm tới 30% vào cuối năm 2021. Việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở nước ngoài và cắt giảm viện trợ quốc tế đã làm trầm trọng thêm tình hình.
Theo báo cáo của LHQ, chỉ 5% dân số Afghanistan được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ vào năm 2021. Sự thiếu hụt nguồn lực y tế và cơ sở hạ tầng càng làm gia tăng khó khăn trong việc đối phó với đại dịch và các vấn đề sức khỏe khác. Trong khi đó, sự can thiệp, ủng hộ của nước ngoài cho các phe nhóm khác nhau làm tình hình nội bộ càng trở nên phức tạp. Cuộc nội chiến có nguy cơ tiếp tục kéo dài. Hơn 2,6 triệu người Afghanistan phải tị nạn và hơn 3,5 triệu người bị di cư nội địa do xung đột, bất ổn. Theo UNHCR, đây là một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới.
Video đang HOT
Tiến sĩ Ashley Jackson, chuyên gia về Afghanistan tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách nhân đạo của LHQ nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có tại Afghanistan. Cộng đồng quốc tế cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo”.
Lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan.
Nỗ lực của Liên Hợp Quốc
Khi tình hình ở Afghanistan trở lên hỗn loạn, còn các cường quốc trên thế giới đang có quá nhiều mối bận tâm thì LHQ thể hiện vai trò của mình, đã, đang và vẫn tiếp tục thực hiện nhiều nỗ lực để đưa các phe phái ở Afghanistan đến bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và ổn định cho quốc gia này. LHQ từng tổ chức và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và các nhóm đối lập, bao gồm cả Taliban. Các cuộc đàm phán này thường được tổ chức tại các quốc gia trung lập như Qatar. Chỉ tính từ đầu năm 2024, LHQ đã đứng ra tổ chức 3 vòng đàm phán về hòa bình tại Afghanistan, với sự tham dự của nhiều phe nhóm đang có mâu thuẫn với nhau.
LHQ cũng thường xuyên bổ nhiệm các đặc phái viên để làm việc trực tiếp với các bên liên quan tại Afghanistan, nhằm thúc đẩy đối thoại và giải quyết xung đột. Bà Deborah Lyons, đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ là một người như vậy. Với những nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm, bà Lyons là người mở đường cho các tổ chức quốc tế quay trở lại hoạt động tại Afghanistan sau khi bị chính quyền Taliban từ chối hợp tác thời gian đầu. Nhờ đó, LHQ đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, bao gồm thực phẩm, y tế và hỗ trợ tái thiết, nhằm giảm bớt những khó khăn do xung đột gây ra và tạo điều kiện cho hòa bình. Đây cũng chính là cách để cộng đồng quốc tế tiếp cận trở lại với vấn đề Afghanistan sau giai đoạn xa lánh.
Cùng với những nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ, kết nối với các quốc gia, tổ chức quốc tế có ảnh hưởng tại Afghanistan, LHQ đã đi đầu trong nỗ lực giảm bớt xung đột và hướng tới xây dựng một nền tảng lâu dài cho hòa bình ở đất nước Nam Á này.
Nhiều hội nghị hòa bình cho Afghanistan được Liên hợp quốc tổ chức trong thời gian qua.
Cơ hội cho hòa bình
Vòng đàm phán mới đây diễn ra trong những ngày đầu tháng 7 đã đạt được một số tiến triển tích cực, đặc biệt trong việc tăng cường hỗ trợ nhân đạo và phát triển bền vững cho Afghanistan. Chương trình “Cung cấp như một” của LHQ đã giúp phối hợp các nỗ lực của nhiều tổ chức quốc tế, cung cấp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. Quỹ tín thác đặc biệt cho Afghanistan (STFA) đã huy động được hơn 230 triệu USD từ 13 nhà tài trợ, cho thấy cộng đồng quốc tế đã sẵn sàng quay lại với Afghanistan, tạo điều kiện cho các chương trình chung của 17 tổ chức LHQ nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và xây dựng khả năng phục hồi dài hạn.
Các cuộc đàm phán ở Doha do LHQ khởi xướng đã mở ra cơ hội cho một quá trình đối thoại, trong đó có sự tham gia của phụ nữ và các nhóm thiểu số. Điều này là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng một quy trình chính trị hợp pháp và toàn diện, tạo điều kiện cho hòa bình và ổn định lâu dài. Các cuộc đàm phán đã chứng kiến sự tham gia của nhiều bên liên quan quan trọng, bao gồm đại diện từ chính quyền Taliban ở lần đàm phán mới nhất. Việc các nhóm đối địch chịu ngồi lại với nhau đã tạo ra một nền tảng đối thoại bao trùm, cho phép mọi tiếng nói và lợi ích được lắng nghe và xem xét.
Taliban đã chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế để tuân thủ các cam kết về quyền con người và hòa bình nên sau 2 lần từ chối tham dự, những ngày đầu tháng 7 vừa qua, phái đoàn của Taliban cũng đã có mặt tại Doha để ngồi vào bàn đàm phán. Sự cam kết của Taliban trong các cuộc đàm phán đã đem đến những hy vọng lớn. Các nước láng giềng của Afghanistan, như Pakistan và Iran vốn ủng hộ Taliban cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình hòa bình. Điều này rất quan trọng vì sự ổn định của Afghanistan có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực.
Phái đoàn Taliban đến Qatar dự hội nghị hòa bình.
Theo các chuyên gia LHQ, Afghanistan vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm vấn đề an ninh, nhân đạo và quyền con người. Mặc dù Taliban đã tham gia vào các cuộc đàm phán, vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng của họ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là về quyền phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng, để đạt được hòa bình thực sự, cần có sự hợp tác mạnh mẽ từ các bên liên quan khu vực và quốc tế. Sự tham gia của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế là rất cần thiết để hỗ trợ quá trình hòa bình và phát triển ở Afghanistan.
Đại diện của Pháp và Vương quốc Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Taliban phải thay đổi hành vi và tôn trọng quyền con người cơ bản. Họ cũng cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan thông qua các tổ chức phi chính phủ và đối tác LHQ. Trong khi đó, đại diện của Nga và Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì sự hỗ trợ cho Afghanistan và không áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, nhằm tránh làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của đất nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đã đánh giá tích cực về tiến triển của các cuộc đàm phán và các nỗ lực hòa bình. Họ tin rằng với sự cam kết và hỗ trợ liên tục từ cộng đồng quốc tế, Afghanistan có thể đạt được hòa bình và ổn định lâu dài
Tia hy vọng mới cho Dải Gaza
Những nỗ lực nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Gaza đã đạt được bước tiến trong ngày 5/7 sau khi Hamas đưa ra đề xuất sửa đổi về các điều khoản trong thỏa thuận và Israel cho biết các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục vào tuần tới.
Ngày 6/7, một nguồn tin cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas cho biết, đề xuất sửa đổi về thỏa thuận giữa lực lượng này và Israel đã được nhất trí. Theo đó, những cuộc đàm phán nhằm trả tự do cho các con tin Israel, bao gồm binh lính và những người còn lại, sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian 16 ngày sau giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận. Nguồn tin trên xác nhận, đề xuất này đảm bảo rằng, các bên trung gian sẽ bảo đảm lệnh ngừng bắn tạm thời, cung cấp viện trợ và rút quân Israel miễn là những cuộc đàm phán gián tiếp tiếp diễn để thực hiện giai đoạn hai của thỏa thuận.
Trước đó, ngày 5/7, người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết vẫn còn "khoảng cách" với Hamas về đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza và vấn đề thả con tin nhưng song Tel Aviv sẽ cử một phái đoàn đến đàm phán với các nhà hòa giải Qatar vào tuần tới. Ông nêu rõ: "Tuần tới các nhà đàm phán của Israel sẽ tới Doha để tiếp tục các cuộc đàm phán. Vẫn còn những khoảng cách giữa các bên". Tuyên bố này được đưa ra sau khi phái đoàn do Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel David Barnea dẫn đầu, đã có cuộc gặp đầu tiên với các nhà hòa giải ở Doha (Qatar) ngày 5/7.
Xe tăng Israel ở biên giới với Gaza. Ảnh: Reuters.
Một nguồn tin trong nhóm đàm phán Israel cho biết, đề xuất mới do Hamas đưa ra "bao gồm một nội dung đột phá rất đáng kể" có thể giúp thúc đẩy đàm phán. Nguồn tin này nhấn mạnh "có cơ hội để thực hiện một thỏa thuận" về vấn đề này. Cùng ngày, truyền thông khu vực đưa tin Hamas đã giảm bớt các điều kiện để chấp nhận lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 9 tháng ở Dải Gaza, đồng thời gửi các đề xuất mới tới các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar.
Theo các đề xuất mới, Hamas từ bỏ yêu cầu đối với cam kết bằng văn bản của Israel về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn khi kết thúc giai đoạn 45 ngày ban đầu của kế hoạch gồm ba giai đoạn. Bên cạnh đó, Hamas sẽ chấp nhận các đảm bảo quốc tế rằng, đàm phán về ngừng bắn vĩnh viễn sẽ được tiến hành ngay khi bắt đầu giai đoạn đầu tiên và kết thúc vào cuối giai đoạn này. Hamas cũng sẵn sàng chấp nhận việc Israel rút dần khỏi Gaza, từ bỏ yêu cầu "việc rút quân phải được hoàn thành vào cuối giai đoạn đầu".
Phản ứng trước diễn biến tích cực này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông hi vọng "lệnh ngừng bắn cuối cùng" có thể được đảm bảo "trong vài ngày tới". Nhà lãnh đạo này đồng thời kêu gọi các nước phương Tây gây sức ép để buộc các bên chấp nhận những điều khoản được đưa ra. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hoan nghênh quyết định của ông Netanyahu về việc nối lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ nhằm nỗ lực hoàn tất thoả thuận.
Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết: "Chúng ta đau buồn trước những hình ảnh từ Gaza trong nhiều tháng qua. Tất cả chúng ta đều muốn thấy lệnh ngừng bắn ngay lập tức và tôi sẽ làm mọi cách có thể về mặt ngoại giao để ủng hộ nỗ lực nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn đó. Chúng tôi cũng muốn các con tin được thả ra và chúng tôi muốn viện trợ không bị cản trở được đưa vào Gaza".
Về phần mình, lãnh đạo phong trào Hezbollah ở Lebanon khẳng định một khi đạt được thoả thuận ngừng bắn ở Gaza, họ sẽ từng tấn công ngay lập tức. Tổ chức này cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái vào miền Bắc Israel là nhằm ủng hộ người Palestine.
Đề xuất mới của Hamas được cho là câu trả lời cho một kế hoạch gồm 3 giai đoạn được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào cuối tháng 5, bao gồm việc thả khoảng 120 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza và một lệnh ngừng bắn. Kế hoạch này bao gồm việc thả dần các con tin và lực lượng Israel rút quân trong hai giai đoạn đầu. Giai đoạn thứ ba liên quan đến việc tái thiết Gaza.
Nhận định về các đề xuất mới của Hamas, một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng phong trào này đã có một sự điều chỉnh quan trọng trong quan điểm để hướng đến một thỏa thuận với Israel về trao trả con tin. Quan chức này hy vọng các đề xuất mới sẽ đưa đến một thỏa thuận đánh dấu bước tiến hướng tới một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn; bày tỏ tin tưởng Israel và Hamas có "cơ hội khá quan trọng" để đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, quan chức này cho biết vẫn còn những vấn đề tồn đọng liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận, do đó các bên sẽ khó có thể hoàn tất thỏa thuận trong vài ngày tới.
Trong khi đó, một quan chức Palestine quen thuộc với các nỗ lực hòa bình do quốc tế làm trung gian cho biết đề xuất mới nhất của Hamas có thể dẫn đến một thỏa thuận khung nếu được Israel chấp nhận. Ông cho biết Hamas không còn yêu cầu điều kiện tiên quyết là Israel phải cam kết ngừng bắn vĩnh viễn trước khi ký thỏa thuận và sẽ cho phép điều kiện đó được đưa ra thảo luận trong giai đoạn đầu kéo dài 6 tuần. Quan chức này nói thêm: "Nếu các bên cần thêm thời gian để đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, hai bên nên đồng ý rằng sẽ không quay trở lại giao tranh cho đến khi họ làm điều đó".
Theo thống kê của cơ quan y tế Gaza, hơn 38.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công nhằm đáp trả cuộc tập kích Israel do Hamas dẫn đầu vào ngày 7/10/2023. Cuộc chiến đã khiến hàng trăm nghìn người Gaza phải di dời và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nó cũng làm gia tăng căng thẳng trên toàn khu vực, gây ra các cuộc đọ súng xuyên biên giới phía Bắc của Israel với lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Hamas cân nhắc việc chuyển trụ sở chính trị ra khỏi Qatar Ban lãnh đạo chính trị của Hamas đang tìm cách rời khỏi nơi đặt trụ sở hiện tại ở Doha, Qatar trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ gây áp lực lên quốc gia vùng Vịnh này để họ thúc đẩy Hamas tiến hành các cuộc đàm phán ngừng bắn. Hamas rục rịch "rời đô" Các quan chức Arập cho biết trong...