Tín dụng đen biến cả chủ nợ lẫn con nợ thành tội phạm
Nhiều trường hợp người cho vay và cả người vay đã biến mình thành nạn nhân hay tội phạm khi sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp tiền bạc.
Mặc dù luật dân sự đã có những quy định rõ ràng về mức lãi suất cho vay, nhưng trong thực tế, tình trạng cho vay với lãi suất cao hay tín dụng đen vẫn không ngừng phát triển và hoạt động ngày càng công khai. Tín dụng đen đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, cho chính người vay và cả người cho vay.
Băng nhóm tội phạm nguy hiểm tự xưng là “ Tập đoàn Nam Long” vừa bị Công an Thanh Hóa và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá
Tín dụng đen được dùng để chỉ các dạng hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng chính thức, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép, không tuân thủ và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. Hình thức giao dịch này không chỉ gây bất ổn về an ninh chính trị, thậm chí thiệt hại đến tính mạng con người mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (Bộ Công an), 9 tháng năm 2017, cả nước xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen.
Vì sao tín dụng có thể hoành hành ghê gớm như vậy? Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra đó là do nó đánh vào lòng tham của con người với sự hứa hẹn về lãi suất cao ngất ngưởng, muốn làm giàu nhanh, nhiều người đã rút toàn bộ vốn liếng, tài sản cho vay, huy động cả của người khác để cho vay nặng lãi nhằm kiếm lời chênh lệch dù người vay nhận biết được rủi ro có thể đến với mình nhưng họ vẫn chấp nhận bởi nhiều lý do. Nhưng chỉ khi vào vòng xoáy của tín dụng đen rồi mới thấy rất khó có thể trả hết được các khoản vay của chủ nợ bởi sự gia tăng từ lãi mẹ đẻ lãi con. Khi con nợ không thanh toán được khoản vay đúng hẹn, kẻ cho vay sẽ dùng mọi biện pháp kể cả bạo lực để đòi nợ, siết nợ.
Dẫn ra một số vụ án giết người, cố ý gây thương tích hay cưỡng đoạt tài sản mà nguyên nhân bắt nguồn từ tranh chấp nợ nần tín dụng đen như vụ án tập đoàn tội phạm tín dụng đen ở Thanh Hóa núp bóng Công ty Nam Long vừa bị triệt phá hay vụ án Trần Đông Quốc (quê Đồng Nai) bị Tòa án Nhân dân TP HCM tuyên phạt tử hình về tội giết người vì đã tước đi mạng sống của con nợ; rồi ở Đà Nẵng, vợ chồng Nguyễn Hùng Dũng và Lê Thị Phương Oanh đã giết chết chủ nợ khi không có khả năng thanh toán khoản vay 200 triệu đồng, Tiến sĩ Đỗ Thị Hải Yến, giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định: Nhiều trường hợp người cho vay và cả người vay đã biến mình thành nạn nhân hay tội phạm khi sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp tiền bạc. Bằng chứng là chính những hành vi tấn công từ phía các chủ nợ và trong nhiều trường hợp để tránh sự đe dọa cho bản thân mình, các con nợ cũng dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo nhiều chuyên gia về tội phạm học và tài chính ngân hàng, hoạt động cho vay nóng với lãi suất cao đang diễn biến phức tạp. Một số nhóm đối tượng lợi dụng tài chính khó khăn, hình thành các đường dây cho vay lãi suất cao, đối tượng chúng nhằm vào là sinh viên, những người ham mê cá độ bóng đá, cờ bạc, lô đề hoặc những người làm ăn nhỏ lẻ ít vốn.
Dù lực lượng công an thường xuyên đấu tranh phòng ngừa hoạt động của tội phạm liên quan đến vay nợ tiền bạc nhưng hệ lụy của nó gây ra nhiều phức tạp cho xã hội. Rất nhiều trường hợp vay tín dụng đen đã tán gia bại sản, nhiều vụ án đau lòng xảy ra mà có cả con nợ, chủ nợ đều trở thành tội phạm đặc biệt nguy hiểm.Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, giảng viên Luật Hình sự (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, hoạt động cho vay lãi cao luôn tiềm ẩn những phức tạp khi phát sinh tranh chấp. Từ những những tranh chấp khó giải quyết giữa các bên rất dễ dẫn tới hành động “tự xử” trái pháp luật, gây thêm phức tạp về an ninh trật tự.
Là người từng xét xử nhiều vụ án hình sự liên quan đến vay nợ với lãi suất cao, ông Nguyễn Xuân Hùng, Thẩm phán Tòa án cấp cao ở Hà Nội cảnh báo: “Người dân có nhu cầu vay nợ nên tìm đến những nơi uy tín. Khi đã giải quyết xong công việc nên nhanh chóng thu xếp để trả nợ. Đối với những người cho vay, khi đòi nợ phải tuân thủ quy định của pháp luật, không nên có các hành vi vi phạm pháp luật, không kéo đông người để gây sức ép cho con nợ, ném chất bẩn, gây thương tích hoặc bắt giữ người trái pháp luật để thu hồi nợ. Đấy là những hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc”.
Để phòng ngừa những phát sinh phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến hoạt động vay nợ tiền bạc, lực lượng an ninh ở cơ sở cần nắm chắc các đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi để có đối sách quản lý. Điều quan trọng nhất, mỗi người cần cân nhắc kỹ lưỡng khi vay nợ từ các loại hình dịch vụ này đồng thời có những ứng xử hợp với đạo lý và pháp luật khi có tranh chấp nợ nần. Đừng vì những món hời được hứa hẹn từ lãi suất cao mà dẫn mình lôi kéo người khác vào con đường phạm pháp./.
Video đang HOT
Theo VOV
Chiêu trò khiến "Tập đoàn Nam Long" đình đám trong thế giới ngầm
Không chỉ tuyển nhân viên lý lịch sạch rồi răn đe như thời trung cổ, "Tập đoàn Nam Long" còn có nhiều chiêu trò cho vay cũng như tổ chức siết nợ dã man.
Che giấu dưới lớp vỏ bọc lý lịch "sạch"
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, đối tượng cầm đầu Nguyễn Đức Thành, giám đốc công ty Nam Long từng tốt nghiệp Đại học Luật nên rất am hiểu pháp luật và có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.
Nguyễn Đức Thành là giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động của tổ chức tín dụng đen.
Mặc dù hoạt động trong "thế giới ngầm" với vai trò là ông "trùm", nhưng Thành là đối tượng chưa tiền án, tiền sự. Đồng thời, nhiều nhân viên cũng chưa có tiền án, tiền sự, có học hành tử tế.
Việc tuyển dụng nhân viên có lý lịch "sạch", có tiêu chí cho vay rõ ràng nên nhiều khách hàng nhầm tưởng Công ty Nam Long là một công ty tài chính thực sự, được cấp phép nên đăng ký vay.
Mô hình cấu trúc công ty rất bài bản, từ chủ tịch HĐQT, giám đốc, đến hệ thống quản lý nhân sự, khách hàng.
Để thu hút khách hàng vay, Thành chỉ đạo đồng bọn đăng thông tin trên mạng để khách hàng biết đến; trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của những người dân trên địa bàn rồi đến gặp gỡ, đề xuất việc cho vay với thủ tục nhanh gọn.
Hơn nữa, vì có phương pháp làm khác với những nhóm cho vay lãi nặng thông thường nên tổ chức tín dụng đen của Nguyễn Đức Thành nhanh chóng vươn xa được đến các địa phương. Hơn nữa, bản thân Thành từng mở tiệm cầm đồ nên có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực này.
Tổ chức tín dụng đen của Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Cao Thắng nhanh chóng vươn xa đến các địa phương trong thời gian ngắn hoạt động.
Thành đã soạn ra hẳn "giáo trình" để đào tạo nhân viên, cách thẩm định tín dụng, phương pháp đòi nợ, các tình huống xử lí khi khách hàng chây ì không trả nợ.
Thậm chí Thành còn dạy nhân viên biện pháp để biến mình thành bị hại hoặc người làm chứng khi đi đòi nợ gặp tình huống khách hàng tự huỷ hoại tài sản.
Bắt toàn bộ dê, lợn của người dân
Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Mặc dù quy chế công ty được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ nhưng thực tế nhân viên của công ty thường xuyên sử dụng cách thức đe dọa bạo lực. Thậm chí, chúng sẵn sàng sử dụng bạo lực như gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ khi cần thiết.
Không chỉ dùng bạo lực với khách hàng mà tổ chức tín dụng này còn có những hình thức "kỷ luật" theo kiểu thời trung cổ với nhân viên.
Đội "xử lý nợ xấu" sẽ gọi điện cho khách hàng đe dọa, sau đó có từ 2 - 4 đối tượng sẽ đến nhà khách hàng đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như ăn, ngủ tại nhà, chửi bới, gây sức ép.
Nếu tất cả những việc trên vẫn không đòi được, chúng tổ chức người theo dõi người nhà của khách hàng đe dọa sẽ hành hung.
Trong số những người bị siết nợ phải kể đến trường hợp bà N.T.X, ở Trấn Yên, Yên Bái. Bà X làm trang trại, có hàng chục con dê, lợn sắp đến kỳ xuất chuồng nhưng vì thiếu vốn, không đủ tiền mua cám nên đã vay của Công ty Nam Long 70 triệu đồng với gói "lãi góp" 41 ngày.
Bà X. đã trả 20 triệu đồng, đến hạn, bà X. chưa có tiền trả, các đối tượng đi 2 xe ôtô đến bắt tất cả gia súc, gia cầm gồm 21 con dê, hơn 30 con lợn với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng của gia đình bà X. Mặc dù đã lấy toàn bộ tài sản của bà X., các đối tượng tuyên bố bà vẫn còn nợ 5 triệu đồng nữa.
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chuyên án, cho biết: Ngay sau khi anh Nguyễn Văn Minh bị chết, lập tức các chi nhánh khác của Công ty Nam Long đã đóng cửa, gỡ biển, thay điện thoại, xoá dấu vết.
Các bị hại ở nhiều địa phương khác nhau nên việc gặp gỡ, lấy lời khai gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nhiều người có liên quan đến việc vay nợ không muốn tố cáo các đối tượng, sợ bị trả thù... Chính vì vậy, công tác điều tra, thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ban chuyên án đã huy động những trinh sát, điều tra viên am hiểu về các lĩnh vực tài chính, kế toán, công nghệ cao để lần tìm trên hệ thống tài khoản, danh sách khách hàng, số tiền để lần ra bị hại.
Đến nay, Cơ quan CSĐT đã khám xét hàng chục điểm ở nhiều tỉnh, thành phố, thu được một số tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của Công ty Nam Long; đã tiến hành triệu tập và làm việc với 10/26 trưởng khu vực.
Đồng thời,lực lượng chức năng đã xác định có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền. "Tập đoàn Nam Long" có 70 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Qua sao kê 30 tài khoản, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá xác định có trên 200 bị hại chuyển vào với tổng số tiền lên đến hơn 510 tỷ đồng.
Các chi nhánh của Nam Long đều đăng ký kinh doanh dưới tên chi nhánh Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam.
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Đức Thành thừa nhận là người điều hành Cty Nam Long. Các chi nhánh của Nam Long đều đăng ký kinh doanh dưới tên chi nhánh Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam. Trong 26 chi nhánh, mới đăng ký hoạt động 13 chi nhánh, số còn lại hoạt động "chui".
Về việc đặt ra luật lệ hà khắc đối với nhân viên, theo Nguyễn Đức Thành, việc kỷ luật nghiêm để giữ uy tín cho công ty và khiến những nhân viên khác không dám vi phạm.
Hiện nay, Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án, xác định bị hại, xác định số lượng tiền vay, số tiền tổ chức này chiếm đoạt; làm việc với hệ thống ngân hàng, trưởng chi nhánh các khu vực để xác định tổng số tiền giao dịch.
Trần Lê
Theo Dantri
Tín dụng đen bủa vây dân nghèo Với những lời chào mời thủ tục đơn giản, trong thời gian ngắn có thể vay số tiền lớn, nhiều người rơi vào bẫy lãi suất cao, khi chưa trả kịp thì bị đe dọa xiết tài sản Ngày 17-10, đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết công an đang tiếp tục điều tra băng...