Tín chỉ giúp học sinh vào đại học sớm
Có ý kiến đề nghị nên áp dụng học chế tín chỉ ngay từ bậc THPT để đạt hiệu quả cao. Đây xem như là một trong những thay đổi cụ thể cho đổi mới giáo dục sau năm 2015.
Học chế tín chỉ có thể áp dụng cho học sinh các trường THPT chuyên để học sinh có khả năng sớm vào ĐH – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh chủ động, nhà trường đánh giá toàn diện
Vào tháng 7 năm nay trong một hội nghị giáo dục tại TP.HCM do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề xuất nên áp dụng học chế tín chỉ ngay từ bậc phổ thông. “Tại một trường trung học ở Mỹ mà tôi có dịp đến nghiên cứu năm 2011, một số môn như toán và văn gồm nhiều tín chỉ xuyên suốt trong 3 năm học. Đồng thời, ở mỗi môn học, có thể chia nhỏ thành nhiều học phần với những phần bắt buộc và tự chọn”, ông Minh nói.
Với khả năng của mình, HS trường chuyên có thể hoàn thành sớm chương trình phổ thông hiện hành và dư sức tiếp cận những kiến thức ở các bậc học ĐH. Vì vậy, đưa học chế tín chỉ từ THPT sẽ tạo điều kiện cho HS vào ĐH sớm
Ông Nguyễn Thanh Hùng _ Phó hiệu trưởng Trường PT Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo ông Minh, đây là mô hình đào tạo tiên tiến mà học sinh (HS) và nhà trường đều được hưởng lợi. HS tăng cường khả năng tự học, phát huy tính tích cực, chủ động. Học chế này cũng giảm tải được chương trình học cho HS (học những học phần yêu thích, phù hợp với bản thân). Về mặt tổ chức quản lý, cũng có lợi khi các trường không phải thực hiện một kỳ thi nặng nề mà vẫn đánh giá tổng thể được sự phát triển toàn diện của HS.
Tại Việt Nam, thật ra một số trường phổ thông quốc tế cũng đang dạy theo học chế này. Một phụ huynh có con học trường quốc tế đang dạy chương trình phổ thông của Anh chia sẻ: “Ngay từ lớp 10, HS đã được định hướng và lựa chọn ngành nghề. Sau đó, tùy vào sức học mà đăng ký các tín chỉ phù hợp, lựa chọn giáo viên yêu thích”. Phụ huynh này nhận xét thêm: “Các môn học thiết thực, không thấy nặng nề vì HS luôn trong thế chủ động tiếp nhận kiến thức”.
Có thể bắt đầu từ trường chuyên
Tuy có nhiều lợi điểm nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT ở TP.HCM thừa nhận đưa tín chỉ vào giảng dạy ở bậc THPT là quá mới mẻ và e ngại tính khả thi trong điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên của nước ta hiện nay còn thiếu thốn. Tình trạng quá tải trường lớp như hiện nay thì việc bố trí phòng ốc theo học tín chỉ là không đơn giản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bác Dụng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), có thể thực hiện học chế này từ các trường chuyên. Ông Dụng cho biết: “Chế độ tín chỉ phù hợp với trường chuyên và tránh lãng phí với chương trình ở ĐH”. Ông Dụng phân tích: HS năng khiếu đã có định hướng và tiếp nhận kiến thức chuyên sâu ở bậc phổ thông nhưng khi lên đến bậc ĐH lại học chương trình bình thường, không có sự liên thông nên rất lãng phí. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường PT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định: “Tín chỉ rất phù hợp với HS các trường chuyên, năng khiếu”. Ông Hùng giải thích: “Với khả năng của mình, HS trường chuyên có thể hoàn thành sớm chương trình phổ thông hiện hành và dư sức tiếp cận những kiến thức ở các bậc học ĐH. Chẳng hạn, có khi mới lớp 11 nhưng nhiều HS đã hoàn thành chương trình phổ thông. Vì vậy, đưa học chế tín chỉ từ THPT sẽ tạo điều kiện cho HS vào ĐH sớm”. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: “Vào ĐH như thế nào còn phụ thuộc vào quy chế tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH “.
Video đang HOT
Để làm được điều này, theo nhiều chuyên gia, cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục và chương trình hiện hữu. Theo ông Huỳnh Công Minh, có thể thực hiện học chế tín chỉ với điều kiện giảm số lượng môn học phổ thông hiện nay. Ông Minh cho biết: “Chương trình THPT của các nước bao gồm 6-8 môn với 2 môn công cụ là toán và văn, tích hợp các môn lý, hóa, sinh thành môn khoa học tự nhiên, tương tự đối với các môn khoa học xã hội”.
Một trong những thay đổi được đánh giá cao của đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” vừa được thông qua là đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Theo đó, sau năm 2015, ở bậc THPT thay vì phải học 13 môn như hiện nay, HS chỉ học 6 môn (trong đó có 3 môn tự chọn). Sự thay đổi này có thể xem là tiền đề giúp học chế tín chỉ có điều kiện triển khai ở THPT.
Ý kiến:
Định hướng nghề nghiệp rõ ràng
“Phải thay đổi cách xây dựng, biên soạn để có một chương trình tích hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế. Khi đó học chế tín chỉ không những giúp HS chủ động học tập mà còn định hướng nghề nghiệp rõ ràng, hiệu quả”. Hoàng Thị Hồng Hải _ (nguyên Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM)
Cần đặt ra trong tương lai
“Chế độ học tập này cần đặt ra trong tương lai, có quy hoạch cụ thể để giúp HS linh hoạt và nhà trường thể hiện năng lực”.
Nguyễn Kim Dung _ (Viện phó Viện Nghiên cứu giáo dục)
Học tín chỉ là gì ?
Một cách hiểu đơn giản, theo học chế tín chỉ, HS, SV được phép tự lựa chọn chương trình miễn sao đáp ứng đủ số tín chỉ với ngành/môn học đó là có thể tốt nghiệp. Nếu theo niên chế, mỗi học kỳ, trường sẽ đưa ra thời khóa biểu và bắt buộc người học phải theo đúng thời khóa biểu đó. Học tín chỉ, người học tự đề ra thời khóa biểu, giảm bớt số môn hoặc học vượt trong học kỳ đều được. Người học có thể ra trường sớm hơn các bạn cùng khóa nếu đủ khả năng.
Theo TNO
"Dị nhân da cam" đỗ 2 trường ĐH danh tiếng
Gần 20 tuổi nhưng Ma Văn Tụ chỉ cao hơn 1m. Thế nhưng, không vì thế mà em đầu hàng số phận. Vượt qua những nghịch cảnh, Tụ đã nỗ lực vươn lên và đỗ 2 trường đại học danh tiếng ở Hà Nội.
Hình ảnh cậu học trò Ma Văn Tụ (người dân tộc Tày, ngụ xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bước vội vàng trong sân ký túc xá để đón khách khiến tôi ấn tượng. Tụ in đậm trong suy nghĩ tôi cả về hình dáng bên ngoài lẫn nghị lực sống.
Tuổi thơ bất hạnh và nghị lực của cậu bé "da cam"
Biết bao lần hẹn gặp nhân vật nhưng không hiểu sao lần này, trong những thời khắc chờ gặp cậu học trò người dân tộc Tày - Ma Văn Tụ, tôi lại có cảm giác hồi hộp đến lạ. Lẩn trong nhóm sinh viên sau giờ tan học, Tụ lọt thỏm, người thấp bé, trông rất đặc biệt. Tụ sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Ảnh hưởng từ ông ngoại nên Tụ bị nhiễm chất độc màu da cam. Gần 20 năm qua, em mang hình hài của một đứa trẻ lên 6. Tuổi thơ của Tụ phủ kín nỗi buồn và mặc cảm.
Cậu học trò người dân tộc Tày Ma Văn Tụ chỉ cao 1m.
Gặp tôi, Tụ tâm sự, ngày cậu chào đời, cả gia đình như vỡ òa hạnh phúc. Nỗi lo về bệnh tật với em như được trút bỏ. Thế nhưng, niềm vui ấy quá ngắn ngủi. Tưởng đứa con sẽ vẹn nguyên, khỏe mạnh nhưng mẹ em đã khóc lặng khi đôi tay và đôi chân của em tự dưng phát triển không bình thường. Thời gian sau đó, những trận ốm đau quặt quẹo cứ nối tiếp nhau, ai cũng nghĩ Tụ chẳng thể nào sống nổi. Năm lên 3, chân tay Tụ bắt đầu co rúm, em chỉ lê lết quanh nhà, không thể dò dẫm đi lại như bao đứa trẻ khác. Các ngón tay ngắn cũn, hai cánh tay của em dần trở nên bị khoèo. Tụ như con sâu đo quằn quại trong đau đớn mỗi lúc di chuyển.
Mẹ chạy chợ ngược xuôi, bố đi làm thuê, Tụ chỉ quẩn quanh nơi xó nhà với nỗi khát khao được chạy nhảy. Lên 4 tuổi, cậu bé biết đọc, biết viết và làm các phép tính cộng trừ một cách thành thạo. Em kể: "Mẹ chạy chợ bán hàng chè, cứ tối tối mẹ ngồi cạnh bậu cửa đếm tiền, em thường ngồi học lỏm. Nhìn mẹ tính, nhìn mẹ đếm, em lặng lẽ học theo mà chẳng biết mình làm được cộng trừ thành thạo từ lúc nào.
Nghe mấy bạn cạnh nhà ê a đọc thơ, đánh vần câu chữ em cứ ngẩn ngơ, ao ước được đi học. Bố thương em nên cho đi học. Ngày ngày bố cõng em đến lớp để hòa nhập cùng môi trường mới. Thế nhưng, khoảng ký ức trong những ngày đi học với em phủ một màu xám. Trong mắt mọi người em như vật thể lạ. Các bạn kỳ thị, tò mò. Chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần em khóc một mình vì sợ và tủi thân. Họ gọi em là "thằng lùn" mà trêu ghẹo, giật tóc, kéo áo".
Năm học lớp 3, bố mẹ gom góp tiền đưa Tụ xuống Trung tâm Phẫu thuật chỉnh hình tỉnh Thái Nguyên để mổ ghép khớp chân, nhằm hy vọng việc đi lại của em bớt khó khăn. Khi đó, Tụ được mổ chân phải trước, sau 2 tháng bó bột không thể di chuyển được, Tụ lại tiếp tục mổ bên chân còn lại.
Ròng rã hơn 6 tháng trời Tụ phải chiến đấu với những trận đau sau mỗi ca phẫu thuật. Suốt thời gian nằm viện, Tụ không ngừng đọc sách, học bài để kịp với các bạn trên lớp. Ra viện, Tụ xin vào lớp 4 và được xét duyệt. Mặc dù thiệt thòi hơn các bạn nhưng trái lại, bằng nghị lực vươn lên của chính mình, suốt 12 năm học từ lớp 1 - 12, Tụ đều dẫn đầu lớp và đạt học sinh giỏi. Trong đó năm học lớp 9, Tụ đạt giải nhì cấp huyện, giải khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay. Ngoài ra, Tụ còn nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác đội và phong trào thiếu nhi suốt 5 năm (2005 - 2010).
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Ma Văn Tụ còn vinh dự thay mặt cho toàn trường nhận bằng khen của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Tuyên Quang trong sự ngưỡng mộ của biết bao người.
Cuộc sống chật vật của "chú lùn" sau khi đỗ 2 trường đại học
Tham dự kỳ thi đại học năm 2013 cả khối A lẫn B, "chú lùn" Ma Văn Tụ đã trúng tuyển vào 2 trường đại học: khoa công nghệ thông tin Trường đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) với tổng điểm 22 gồm: toán 7; lý 6,5, hóa 8,5 và khoa công nghệ sinh học Trường đại học Lâm nghiệp cũng với số điểm 22 gồm: toán 7; sinh 6,5; hóa 8,5.
Chiếc giường là góc học tập của Tụ.
Tụ chọn ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Công nghệ để theo đuổi. Tụ tâm sự với tôi rằng: "Em biết đến máy tính từ năm học lớp 3. Đó là những ngày nằm ở trung tâm chỉnh hình tỉnh Thái Nguyên, em được cô chủ quán cơm cho mượn máy tính. Chính từ những lần sử dụng ấy đã thôi thúc trong em niềm đam mê với công nghệ thông tin. Em đã chọn Trường đại học Công nghệ để thực hiện ước mơ trở thành một lập trình viên về game nổi tiếng".
Quãng thời gian xa nhà, cậu sinh viên ấy bước vào cuộc sống tự lập một cách khó khăn, chật vật. Tụ phải đối mặt với t hử thách từ những điều nhỏ nhất, từ cách giặt giũ, sắp xếp đồ đạc đến cả cách di chuyển đến trường. Tụ nói, "tất cả đều không dễ dàng như em từng tưởng tượng. Gần 20 năm không xa bố mẹ, những ngày đầu tiên rời quê hương đến một nơi lạ lẫm, em cũng lo lắng cho sự thích nghi với môi trường mới".
Cơ thể Tụ cao chỉ 1 mét, so với các bạn cùng tuổi, em chỉ đứng đến ngang lưng họ, mọi sinh hoạt của Tụ dường như khó khăn. Ngày mới nhập trường, nhận phòng ở ký túc xá, Tụ được giao cho ở tầng 2 nhưng vì đi lại khó khăn, em được một anh khóa trên nhường tầng 1 để di chuyển thuận lợi. Từ khi xuống Hà Nội học, thương và lo lắng cho con thiệt thòi vì bệnh tật, bà Trần Thị Dung (mẹ của Tụ) mấy bận bắt xe từ Tuyên Quang xuống Hà Nội để thiết kế vật dụng cho con.
Tụ kể: "Mẹ thương em nên chẳng quản đường dài, từ khi nhập trường mẹ xuống thăm em 3 lần rồi. Khi nào thăm em, mẹ cũng lễ mễ mang bao nhiêu đồ. Tuần trước mẹ mang cho em một chiếc giá treo quần áo nhỏ cao ngang lưng em để phơi đồ cho tiện". Góc học tập của cậu bé người dân tộc Tày Ma Văn Tụ nằm gọn phía trong cùng của phòng 105, ký túc xá Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Mọi đồ đạc, sách vở được cất giữ gọn gàng, ngăn nắp.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Đặng Viết Hải (thầy giáo dạy Tụ bộ môn vật lý hồi phổ thông) cho biết: "Gia đình Tụ thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên vượt lên hoàn cảnh và số phận, Tụ luôn là học sinh đứng nhất, nhì của lớp về thành tích học tập tốt. Là học sinh ngoan, có lòng tự trọng cao, Mai Văn Tụ luôn được thầy cô trong trường và bạn bè yêu mến, tự hào".
Chia sẻ với tôi về những dự định trong tương lai, "dị nhân da cam" tự tin nói rằng: "Mục tiêu của em là học tập cho thật tốt, trau dồi kiến thức để trang bị sau này ra trường làm việc...". Tuy nhiên qua mỗi bước đi, mỗi lời tâm sự, tôi biết Tụ còn nhiều khó khăn, chật vật trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trên con đường học tập ở giảng đường. Thế nhưng, Tụ vẫn quyết tâm không ngừng trên con đường mà em đã chọn...
Ma Văn Tụ khiến tôi nhớ đến mẩu chuyện chôn sống con lừa mà tôi đã đọc. Đại để, chú lừa của một người nông dân bị ngã xuống giếng. Người dân trong làng nọ vì nghĩ con vật đã quá già và vô ích nên tìm cách đổ đất xuống giếng chôn. Thoạt đầu, chú lừa sợ nên rống lên thảm thiết. Nhưng sau trấn tĩnh lại, nó đàng hoàng đứng yên. Mỗi xẻng đất đổ lên đầu con vật, nó rũ xuống rồi đạp lên đó để mỗi lúc lại nhích lên thêm một chút. Chẳng bao lâu, mọi người ngạc nhiên khi thấy chú lừa đã bước lên khỏi miệng giếng và chạy đi mất.
Cuộc sống cũng vậy, đôi khi có vô vàn khó khăn đổ lên đầu mình, thì điều tuyệt vời nhất mà chúng ta nên làm là vượt qua thử thách. Ma Văn Tụ đã làm được điều tuyệt vời đó! Suốt tuổi thơ chiến đấu với bệnh tật và những ánh mắt tò mò, nhưng trong em khát vọng vươn lên, rũ bỏ khó khăn không bao giờ lụi tắt. Mai Văn Tụ hệt như một nhân vật bước ra từ câu chuyện cổ tích mà tôi từng được đọc thuở nhỏ. Những nhân vật bất hạnh, "tí hon" nhưng bằng khát vọng sống phi thường họ đã làm được nhiều điều đáng cảm phục.
Theo TNO
Tích hợp môn học, làm bộ SGK chuẩn Chương trình giáo dục trong nước sau năm 2015 sẽ hướng đến việc học sinh làm được gì sau khi học chứ không phải là học được cái gì. Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ triển khai trên cơ sở dạy học tích hợp, kết hợp chủ đề, tích hợp nội môn, liên môn, xuyên môn trong lĩnh vực...