Tìm về hương bánh pía quê dẻo ngọt
Người miền Tây xưa luôn đặt bánh pía trong mâm cỗ những dịp quan trọng của gia đình như cưới hỏi, đám tiệc.
Thậm chí, bánh pía đã từng được chọn là loại bánh đón trăng mỗi rằm tháng Tám – Tết đoàn viên của người Việt. Sau, bánh pía phổ biến như một món ăn tinh thần, tượng trưng cho sự tròn đầy sum họp.
Bánh pía xưa có nhân mặn kết hợp giữa đậu xanh, củ cải muối với mỡ heo – mang tên can xại – sau thất truyền và người tiêu dùng quen với loại bánh pía nhân sầu riêng, mặc định rằng bánh pía ngọt ngây và dễ gây ngán. Nhưng thực chất, sầu riêng chỉ là một trong số nhiều loại nhân mà bánh pía có, như đậu xanh, trứng muối và hỗn hợp nhân mặn vậy.
Dò tìm lại công thức nhân bánh pía xưa, vẫn với thời gian nướng được tính chính xác, tiết chế độ ngọt, hiện nay người sành ăn dễ dàng tìm ra nhóm bánh pía đúng chất Sóc Trăng xưa – thơm, dẻo, ngọt vừa và rất đẹp mắt thông qua việc đặt bánh hand – made (làm tại nhà).
Video đang HOT
Phần vỏ bánh phải đủ mỏng để có thể bóc từng lớp (nên bánh pía còn có tên gọi dân dã là “bánh lột da”), mẻ bánh trở vàng đẹp mắt sau thời gian nướng, thân bánh mềm dẻo, không khô cứng – không bở… thể hiện tất cả sự tinh tế của người thợ làm bánh.
Chia đôi bánh pía, người thưởng thức khó cưỡng lại được với vệt mỡ dẻo đổ dài đẹp mắt đầy kích thích cùng với mùi thơm của nhân bánh. Thưởng cùng trà nóng – có thể chỉ đơn giản là lá trà xanh hãm, hoặc các loại trà đen ướp hoa – thật sự bánh pía để lại một dư vị rất khó quên.
Trong những dịp trang trọng, bánh pía nhắc nhớ đến những buổi sum họp gia đình bên chén trà ấm, thẩm bánh và chia sẻ yêu thương.
Ăn cơm với cá
Bữa cơm nhà, chỉ cơm với cá, nhưng thấm đậm tình thân, khiến tôi nhớ mãi dù bao năm sống xa quê hương.
Sống ở London đã lâu, tôi vẫn không sao lý giải nổi chuyện một hòn đảo được bao quanh bởi biển cả mà hải sản tươi sống lại đắt đỏ và khan hiếm đến vậy. Chẳng bù cho Sài Gòn của tôi, dù không ở gần biển, nhưng những bữa cơm với cá là chuyện thường ngày quá đỗi quen thuộc trong gia đình tôi.
Ba má tôi là dân miền Trung, cả nhà nội ngoại đều gần biển, nên chỉ quen ăn cá tươi. Tôi nhớ nhất là những bữa cơm với nồi cá kho "tổng hợp". Má đi chợ gặp bữa có bán cá "xô", tức đủ loại cá be bé được cân ký bán chung, má mua về kho cả nồi. Đĩa cá dọn lên nào là cá nục, cá đù, cá bạc má... mỗi loại có mỗi vị và mềm cứng khác nhau, nhưng kho chung lại tạo ra một sự háo hức đủ để đàn con khua đũa rào rào.
Có hôm tôi đi học gần về tới nhà thì trời chợt đổ cơn mưa lớn. Tôi chạy ào về nhà thay vì kiếm chỗ trú. Má mở cổng, thấy tôi ướt nhẹp thì la cho vài câu rồi giục đi lau người để cùng cả nhà ăn cơm. Hồi đó không có điện thoại cầm tay, trẻ con như tôi cũng chẳng có đồng hồ, nhưng bữa cơm nào cũng có mặt đông đủ mọi người. Má cũng đi làm theo ca, nhưng chị em tôi đi học về đến nhà là đã nghe mùi thức ăn dậy từ trong bếp. Ba tôi cũng vừa đi dạy về vừa kịp ngồi vào bàn ăn để còn đủ thời gian chợp mắt rồi lại đến trường dạy ca chiều.
Bữa cơm trưa ngày mưa hồi đó không hiểu sao vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi. Trong mâm còn vài món nữa, nhưng tôi chỉ nhớ mùi mắm cá cơm đậm đà, đĩa rau muống luộc xanh ngắt, nồi cơm trắng bốc khói tỏa mùi thơm ngọt ngào. Có lẽ cái cảm giác mình vừa thoát khỏi trận mưa gió vẫn đang còn rầm rập ngoài sân, cả nhà quay quần đông đủ không thiếu một ai, cái bụng rỗng đang sôi được lấp đầy làm cho vị giác càng thêm kích thích, tất cả hòa lại tạo thành cái cảm giác an toàn, đầm ấm và no đủ.
Hôm nào ngoài chợ có cá mối và cá nhồng, má tôi lại làm món canh chả cá. Món này tốn nhiều công sức, nhưng dĩ nhiên chị em tôi rất sung sướng vì nó rất ngon. Cá mối, cá nhồng làm sạch rồi nạo lấy thịt trắng, ướp gia vị rồi quết cho đến khi thật nhuyễn, thịt đen và da băm nhỏ, cũng ướp gia vị và vo viên nhỏ. Một nửa số cá để nấu canh, một nửa má nắn dẹp ra để chiên.
Cá ngọt thịt nên chỉ cần nấu với thơm, cà chua và nêm với rau ngò gai là đã ngon lắm rồi. Tô canh dọn ra đủ màu sắc, tụi nhỏ chúng tôi tha hồ vớt viên đen viên trắng.
Má đi xa, tôi chưa kịp hỏi bí quyết, chỉ nhớ rằng món chả cá này chỉ ngon khi làm chung hai loại cá mối và cá nhồng, tỷ lệ ra sao tôi cũng không còn nhớ rõ vì ra chợ giờ cũng ít thấy hai loại cá này.
Rồi những bữa có cá thu tươi, má làm món cá thu xốt cà, cá thu nấu ngót. Hai món này dọn lên mâm thì thấy cuộc đời tươi tắn và sang trọng hơn hẳn, nhưng không hiểu sao tôi lại thấy nhớ cái vị và màu sắc đậm đà của những nồi cá kho hơn. Tôi cũng nhớ cái nồi cá kho mẳn của bà ngoại. Cá nục nhỏ, bà không kho như má mà để nhiều nước để chan cơm và cuốn bánh tráng. Tôi ít được ăn cơm ngoại nấu vì là đứa cháu ở xa, nhưng tôi không thể nào quên nồi cá kho của ngoại. Tôi cũng chưa lần nào được thưởng thức lần thứ hai vì không thể nào tả lại được cái vị ngon và lạ của nó.
Ngoại và má đều đi xa, những bữa cơm cá thân quen vắng hẳn trên bàn ăn của cả nhà. Chị em tôi học thêm được từ bạn bè những cách kho cá mới khác: cá kho nghệ, cá kho rau răm, cá kho dứa, kho dưa... lạ miệng và cũng ngon.
Thỉnh thoảng, tôi nhớ những món cá theo cách nấu của ngoại và má, mà nghĩ kỹ lại, chắc là tôi nhớ má và nhớ ngoại thôi, chứ cá kho theo kiểu nào, nhất là với một người đang sống xa quê như tôi, đều thấy ngon mà!
Tằm cọ Phú Thọ đậm đà hương vị quê hương Tằm cọ Phú Thọ hấp dẫn người thưởng thức bởi chất men say đậm đà của hương rừng, hương đất trong một sự giao hoà tinh tế. Các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực tìm hiểu đôi nét về món tằm cọ Phú Thọ qua bài viết sau nhé! Tằm cọ Phú Thọ Tằm cọ Phú Thọ đậm đà hương vị quê...