Tìm “vắc-xin” cho nền kinh tế
Trước tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có loại “ vắc-xin” để đạt được mục tiêu kép là vừa ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vừa giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam
Ngày 25-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia. Đây là cuộc họp đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị chủ tịch hội đồng nhằm phân tích, đánh giá tình hình trong nước, quốc tế thời gian qua do tác động của dịch Covid-19; đồng thời bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Giãn, hoãn nợ cho người bị ảnh hưởng
Về các mục tiêu Quốc hội giao trong năm nay, phát biểu tại phiên họp, nhiều chuyên gia đồng tình kiến nghị trước mắt chưa nên điều chỉnh các mục tiêu này, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, thái độ quyết liệt trong chống dịch cần tiếp tục được phát huy bởi khó khăn hiện nay chính là do Covid-19 gây nên.
Các ý kiến cho rằng cần hết sức lưu ý kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, dù muốn tăng trưởng đạt mục tiêu. Nhiều chuyên gia đề nghị không điều chỉnh gì nhiều đối với chính sách tiền tệ, thay vào đó cần triệt để tận dụng chính sách tài khóa còn nhiều dư địa. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đầu tư cho y tế, giáo dục, môi trường. Đây là thời điểm “vàng”, một mũi tên trúng hai đích, vừa kiểm soát dịch bệnh về lâu dài vừa tạo niềm tin của nhân dân.
Về định hướng phát triển thị trường, các chuyên gia lưu ý cần tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang EU sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thay vì tập trung vào một số thị trường. Việc đa dạng hóa thị trường cần thực hiện với cả hàng hóa nhập khẩu, bởi hiện tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp khá lớn.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ( NHNN), cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch Covid-19 nên Việt Nam cần bình tĩnh, đưa ra thông tin chuẩn xác. Quan điểm của NHNN là không nên nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ nhưng cũng không được chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ phải thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp (DN) và người dân, ông Lê Minh Hưng thông tin thêm: NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng. Hỗ trợ của ngân hàng tập trung vào các nội dung như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến 31-3.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia Ảnh: Quang Hiếu
Bảo đảm thực hiện mục tiêu kép
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các chuyên gia nêu nhiều ý kiến tâm huyết, sắc sảo và có cơ sở khoa học, cho rằng đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng đưa ra các quyết sách điều hành kinh tế – xã hội trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn, nhất là tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng giao NHNN tập trung các ý kiến, có báo cáo tóm tắt để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dịch Covid-19 tác động đến kinh tế toàn cầu, kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị đứt gãy. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng đặt vấn đề: Cần có loại “vắc-xin” chữa trị căn bệnh sụt giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu kép, đó là ưu tiên ngăn ngừa Covid-19 lây lan, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân; đồng thời giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo Thủ tướng, đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải quyết liệt, cải cách mạnh mẽ, đồng tâm hiệp lực để đưa đất nước tiến lên. Các cấp, các ngành cần thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp. Thủ tướng quán triệt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Trong thời điểm này, chưa có cơ sở để điều chỉnh tăng trưởng, điều chỉnh mục tiêu vĩ mô.
Với từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế – xã hội do dịch Covid-19. Đồng thời, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Kiến nghị tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công
Tại phiên họp, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia kiến nghị cần tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có các công trình trọng điểm quốc gia; giải tỏa các dự án bất động sản tại các đô thị lớn đang bế tắc, nhất là TP HCM; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, khơi thông vốn tín dụng, ưu tiên vốn cho các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…
MINH CHIẾN
Theo nld.vn
Đáp ứng vốn cho nền kinh tế
Năm 2019, hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành cơ bản hoàn thành; thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá, lãi suất được duy trì, góp phần giúp ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tín dụng tăng trưởng hiệu quả, phù hợp với mục tiêu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế...
Kết quả năm qua
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, đối với hoạt động ngân hàng, năm 2019 được xem là năm bản lề, đóng vai trò quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020. Từ việc xác định đó, năm qua NHNN đã bám sát các định hướng của Quốc hội, Chính phủ và cụ thể hóa, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 thông qua 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (lạm phát bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua và thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra). Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ có hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Điều hành chủ động, linh hoạt theo cơ chế tỷ giá trung tâm, phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu điều hành chính sách (trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới một số giai đoạn biến động mạnh); từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ trong chủ trương tổng thể về chống đô la hóa của Chính phủ.
Vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Quy mô dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, đến ngày 31-12-2019, đạt xấp xỉ 79 tỷ USD. Đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Điều hành tín dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho DN và người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; triển khai nhiều giải pháp tích cực góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"...
Đối với hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh, năm qua được xem là năm mà hoạt động của ngành có nhiều điểm sáng, điển hình là việc huy động vốn trên địa bàn tăng hơn 18%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%, dư nợ tín dụng tăng gần 11%, cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng gần 10%, cho vay DN nhỏ và vừa tăng gần 7%, các chương trình tín dụng chính sách cho vay cũng tăng trưởng gần 7% ; chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, nên nợ xấu chỉ ở mức 0,93%/tổng dư nợ (thấp nhất trong 10 gần đây); đặc biệt 24/24 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả (sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế nhà nước vẫn có lợi nhuận hợp lý).
Định hướng năm tới
"Qua theo dõi hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, tôi cho rằng, ngành ngân hàng hết sức cầu thị, nhanh chóng nhìn lại mình để từ đó luôn chủ động, kịp thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho DN, phục vụ sản xuất, phát triển kinh doanh. Quan hệ giữa DN và ngân hàng bây giờ là quan hệ "cộng sinh", thắng lợi của DN cũng là thắng lợi của ngân hàng và ngược lại. Những dự án tốt, các ngân hàng đua nhau để dành phần cho vay, đây là một tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế" - ông Nguyễn Thành Nam (doanh nghiệp tư nhân TX. Tân Châu) chia sẻ.
Bên cạnh việc nhanh chóng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, năm qua, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, thông qua xư ly dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, phôi hơp chăt che vơi toa an, thi hanh an đê xử lý tài sản đảm bảo và các hình thức xử lý nợ xấu khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội của tỉnh trong năm 2019, với số tiền 40 tỷ 409 triệu đồng.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của NHNN Việt Nam, các chủ trương, chương trình kinh tế trọng điểm của UBND tỉnh đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng chức năng; tham mưu, giúp Thống đốc NHNN thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc NHNN về biện pháp quản lý hoạt động của tổ chức tín dụng, về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những bất cập cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế...
"Năm 2019 được xem là năm mà các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc các quy định, chỉ đạo của NHNN, nhất là về lãi suất, phí. Trong năm, các tổ chức tín dụng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ và NHNN; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục ngân hàng, tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, các tổ chức này còn hỗ trợ tốt về vốn vay có lãi suất ưu đãi, phù hợp cho người dân và DN" - ông Nguyễn Tuấn Dũng thông tin
Bài, ảnh: MINH HIỂN
Theo baoangiang.vn
Giữa dịch Corona, nên mua vàng, chứng khoán hay trái phiếu? Ray Dalio nói rằng đã nghiên cứu rất nhiều các đại dịch và virus bùng phát, tin rằng chiến lược tốt nhất để đầu tư hiện nay là đa dạng hóa các khoản đầu tư giữa các khu vực địa lý cũng như các loại tài sản và tiền tệ. Ray Dalio, người sáng lập đồng thời là giám đốc đầu tư của...