Tìm lại ý nghĩa của ngày khai giảng
“ Sao đi học cả tháng rồi mới khai giảng vậy mẹ?” – câu hỏi của cậu con trai học lớp 2 khiến chị Nguyễn Thuỳ Linh (TX.Sơn Tây, Hà Nội) bối rối bởi chính chị cũng không lý giải nổi. Đem câu chuyện này đi hỏi, chị Linh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Tìm lại đúng ý nghĩa của ngày khai giảng là trăn trở của nhiều chuyên gia, phụ huynh. Ảnh: Hải Nguyễn
Học cả tháng mới khai giảng
Trong ký ức của thế hệ học sinh 8x, trở về trước, ngày tựu trường là những ngày đầu tháng 9, sau một vài ngày nhận lớp, lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5.9. Đây cũng là thời điểm học sinh bắt đầu học những bài học đầu tiên, làm quen với những bạn mới. Vài năm trở lại đây, thời điểm tựu trường được đẩy lên sớm hơn, có tỉnh sớm nhất là ngày 1.8, gần như tỉnh nào cũng dạy trước 2-3 tuần. Tổ chức khai giảng như thế khiến cho nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh không cảm nhận được hết sự háo hức, ý nghĩa của ngày đầu năm học mới. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đâu đó, khai giảng chỉ còn là thủ tục, hình thức.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh (TX.Sơn Tây, Hà Nội, có con học lớp 2) chia sẻ: “Năm học này, con tôi lớn hơn nên đã biết hỏi mẹ tại sao đi học cả tháng trời mới khai giảng. Tôi cũng không biết phải trả lời con như thế nào. Câu hỏi ngây ngô của trẻ con khiến phụ huynh phải suy ngẫm”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Anh (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ: “Đã đến lúc “học trước, khai giảng sau” cần được Bộ GDĐT và các cơ quan chức năng điều chỉnh hợp lý. Việc đi học rồi mới khai giảng khiến cho từ cán bộ quản lý đến giáo viên, học sinh, phụ huynh tổ chức khai giảng như một thói quen, một công việc định sẵn. Điều này vô tình biến công việc quan trọng đầu tiên của mỗi năm học lẽ ra thiêng liêng và ngập tràn cảm xúc trở nên khô cứng, nhàm chán”.
Theo anh Văn Anh, không ai phủ nhận lễ khai giảng rất cần cho một năm học nhưng cũng cần đổi mới hơn nữa cả về hình thức lẫn nội dung. Sự thay đổi trước hết là quay trở về giá trị nguyên bản của nó: Ngày khai trường là ngày đầu tiên học sinh tới trường.
Cần trở về ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng
Video đang HOT
Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng những năm gần đây, các trường đều học trước khai giảng sau. Nhìn từ phía trường học, cách làm này có một số điểm lợi như học sớm thì sẽ có thêm thời gian ôn tập, phục vụ thi cử; khi học sinh đã vào học ổn định thì khâu tổ chức cho ngày khai giảng cũng tiện lợi hơn, đỡ được công sức liên lạc với phụ huynh, học sinh.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, “Trong tiềm thức của người Việt, khai giảng là sự kiện diễn ra vào ngày đầu tiên trẻ đến trường cho nên giờ đây khi làm ngược lại đôi phần nó tạo ra sự phản cảm. Khai giảng là khi trẻ em, thầy cô được trải nghiệm cảm giác mới mẻ của năm học mới với bao cảm xúc thì giờ đây học cả tuần thậm chí cả nửa tháng mới khai giảng thì cảm xúc đó không còn nữa. Sâu xa hơn, cách cho học sớm rồi khai giảng sau thể hiện tâm lý và tư duy khoa cử bao phủ trường học. Điều này rất có hại cho việc hình thành con người đúng nghĩa” – ông Vương phân tích.
Ông Vương cho biết, ở nước Nhật, học sinh sẽ nhập học vào mùa xuân (tháng tư) và ngày đi học sẽ có lễ nhập học, giống như ngày khai giảng ở Việt Nam. Lễ nhập học được tổ chức đơn giản, chủ yếu là phần giới thiệu và hướng dẫn dành cho học sinh mới vào trường. Vì thế, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng cần có những thay đổi, cải tiến để khai giảng trở lại đúng với ý nghĩa của nó.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam – bày tỏ: “Khai giảng là một sự kiện quan trọng, chuẩn bị cho học sinh một tâm thế phấn khởi bước vào năm học mới. Những tích cực trong đổi mới ngày khai giảng gần đây đã không còn báo cáo, phát biểu dài dòng khiến học sinh mệt mỏi vì nắng nóng. Tuy nhiên, vẫn có một mâu thuẫn là học sớm nhưng lại muốn có một ngày tựu trường thống nhất cả nước ngày 5.9. Học sớm và khai giảng, mỗi một việc làm đều có một ý nghĩa, mục đích nhất định. Vì thế, các nhà quản lý cùng cần cân nhắc để tìm ra giải pháp”.
HUYÊN NGUYỄN
Theo laodong.vn
"Rốn lũ" Chương Mỹ sẵn sàng vào năm học mới
Với sự nỗ lực của thầy, trò và các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) đã hoàn tất.
Tiết học đầu tiên của Trường tiểu học Nam Phương Tiến A kể từ sau đợt ngập lụt vừa qua
Theo ghi nhận của phóng viên báo Giáo dục & Thời đại, học sinh của các trường bị ngập lụt đã tựu trường. Việc dạy - học đã từng bước ổn định, sẵn sàng cho năm học mới 2018 - 2019.
Học sinh hân hoan tựu trường
Theo cô Nguyễn Thị Xuân Loan - Trường tiểu học Nam Phương Tiến A, với sự giúp sức, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh, cùng toàn thể cán bộ, giáo viên đã tổng vệ sinh trường lớp, khử trùng, tiêu độc, sẵn sàng đón các em học sinh tựu trường.
"Công tác khắc phục những hư hỏng, thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị đang tiếp tục được khắc phục và trước ngày khai giảng sẽ hoàn tất, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất (có thể) để thầy, trò yên tâm dạy và học" - Cô Loan trao đổi.
Cô Nguyễn Thị Xuân Loan cho biết: Ngày 15/8, toàn thể 250 em học sinh đã tựu trường. Việc dạy và học chính thức được bắt đầu từ ngày 16/8. Hiện nay, nhà trường tiếp tục phối hợp với cơ quan y tế để xử lý ô nhiễm môi trường, nhằm đảm sức khỏe cho thầy và trò trong quá trình dạy - học.
Còn tại trường THCS Hoàng Văn Thụ, gần 400 học sinh cũng đã tựu trường và bắt đầu học tập từ ngày 15/8. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng cho biết: Đợt ngập lụt vừa qua, nhiều trang thiết bị dạy - học của nhà trường bị hư hỏng nặng.
Đơn cử như: Bàn ghế học sinh, một số đồ dùng dạy học bị nước cuốn trôi hoặc phá hủy. "Với phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp và khắc phục đến đó, nên đến trước ngày 15/5 toàn bộ bàn ghế đã được sửa chữa, khắc phục, sẵn sàng đón thầy và trò tựu trường" - thầy Nguyễn Bá Thắng cho hay.
Cũng theo thầy Nguyễn Bá Thắng, hiện tâm lý thầy và trò đều ổn định. Tâm thế tự tin, sẵn sàng cho việc dạy và học ngay từ những tiết học đầu tiên.
"Thời gian này, ngoài việc tổ chức ôn tập, dạy học văn hóa cho các em học sinh, nhà trường còn tổ chức lồng ghép hướng dẫn học sinh kỹ năng xử lý tình huống và ứng phó với thiên tai.
Qua đó, nhằm trang bị cho các em kỹ năng sinh tồn trước những diễn biến bất thường của thời tiết" - thầy Nguyễn Bá Thắng chia sẻ.
Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội) đã tựu trường
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho năm học mới
Qua tìm hiểu được biết, đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường học của xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) bị thiệt hại nặng nề như: Sân trường, tường bao, mái tôn, bàn ghế bị sụt lún, hư hỏng không thể tái sử dụng. Nhiều phòng học bị ngập nước, mưa dột nên bị thấm mốc.
Tuy nhiên với tinh thần khẩn trương, tích cực; đến nay công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ đã cơ bản xong. Đến thời điểm này toàn bộ 7 trường học của xã Nam Phương Tiến đã không còn bị ngập lụt. Nước đã rút, học sinh đã tựu trường theo kế hoạch của UBND huyện đề ra.
Bà Tạ Thị Thu Hương - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết: Công việc quan trọng lúc này là ổn định việc dạy và học. Cùng với đó là khắc phục sửa chữa, hoặc thay thế bổ sung những thiết bị hư hỏng nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất (có thể) cho thầy và trò trước khi vào năm học mới.
"Chúng tôi cũng đã có kế hoạch, trong trường hợp mưa lũ có thể kéo dài, các trường xây dựng phương án học bù nhằm đảm bảo dạy đúng, dạy đủ chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trước mắt, đề nghị các trường chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức Ngày khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường" - bà Tạ Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Ông Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: UBND huyện vẫn đang hướng dẫn các trường kiểm kê thiệt hại tài sản do mưa lũ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa hoặc mua sắm bổ sung. Trong trường hợp ngoài khả năng ngân sách của huyện, sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa. Quan điểm là "giáo dục phải là quốc sách hàng đầu".
Theo giaoducthoidai.vn
Năm học mới, nhà trường phải biết "chọn mặt gửi vàng" Bộ GD&ĐT vừa có Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với GD mầm non, GD phổ thông và GDTX; áp dụng từ năm học 2018 - 2019. Theo đó, các trường học trên toàn quốc tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8, chậm nhất ngày 25/8 và tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Việc sắp xếp,...