Tìm hướng đi cho ngành xuất bản
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – cho rằng nâng cao tỷ lệ đọc sách cho người dân là giải pháp mấu chốt quyết định sự phát triển của toàn ngành.
Năm 2021, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị trong ngành không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn, mà còn phải tìm ra hướng đi mới nhằm đa dạng hóa hình thức, nội dung xuất bản phẩm để phù hợp thị hiếu của độc giả trong thời đại 4.0.
Mới đây, hội thảo giao lưu với chủ đề “Đi tìm tầm nhìn mới cho ngành xuất bản” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, thu hút hàng trăm người làm công tác xuất bản và sinh viên theo học ngành xuất bản tham dự.
Số liệu tổng hợp từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thu.
Giới làm sách đối mặt nhiều khó khăn
Nhìn lại hành trình 2 năm qua, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT Alpha Books – nhận thấy đại dịch Covid-19 mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra thách thức mới cho giới làm sách.
Ông Bình cho rằng toàn ngành gặp khó khăn do thị trường xuất bản trong nước còn nhỏ hẹp. Trước những khủng hoảng của dịch bệnh, người làm sách phải chịu ràng buộc bởi nhiều quy chế, quy định chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước.
Bàn về những khó khăn này, ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – đưa ra những số liệu cụ thể. Năm 2019, số sách bán được là 440 triệu bản, trong đó có tới 80% là sách giáo khoa.
“Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Nguyên nhân nằm ở tỷ lệ đọc của người dân còn thấp, dẫn đến sức mua kém. Đây là rào cản lớn cho sự phát triển của ngành sách”, ông Lê Hoàng nhận định.
So sánh với Malaysia, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết năm 2002, tỷ lệ đọc của nước bạn là 2 cuốn/người/năm. Đến năm 2019, con số này là 15.
Còn ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), nếu tính cả sách giáo khoa, tỷ lệ đọc trong năm 2019 chỉ đạt 4,13 cuốn/người/năm.
Số đầu sách từ năm 2014 đến 2019 tăng 30%. Trong khi đó, số lượng bản in/đầu sách chỉ tăng 19%. Điều này cho thấy số lượng sách bán được chưa khả quan và không tỷ lệ thuận với số lượng đầu sách được xuất bản.
Theo ông Lê Hoàng, việc đầu tư để cho ra đời một cuốn sách tốn nhiều công sức, nhưng hiệu quả mang lại (số sách in được, bán được) lại “không như mong đợi”, từ đó cho thấy số lượng đầu sách dù có tăng, vẫn không quyết định hiệu quả kinh doanh của ngành xuất bản.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân mà ông Nguyễn Cảnh Bình chỉ ra là sự nổi lên của phong trào tự xuất bản sách để phục vụ nhu cầu riêng. Điều này tạo cơ hội cho các cá nhân không chuyên được làm sách, song cũng “vô tình khiến các đơn vị xuất bản mất đi thị phần”.
Cuối năm 2021, Hội Xuất bản Việt Nam công bố “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học”. Ảnh: Thu Thủy.
Đi tìm giải pháp
Trước những thực trạng đó, ông Lê Hoàng cho rằng nâng cao sức đọc của người dân là giải pháp mấu chốt giúp tháo gỡ nhiều khó khăn của toàn ngành.
“Chúng ta cần tìm cách để tạo dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng. Việc tổ chức các hội sách, sự kiện về sách chỉ góp phần tác động đến phong trào mua và đọc sách của người dân, chứ không tạo nên thói quen đọc. Thói quen đó phải được hình thành từ khi còn nhỏ tại hai môi trường chính: Trường học và gia đình”, ông Lê Hoàng nói.
Những năm qua, Hội Xuất bản Việt Nam đã luôn nỗ lực để tìm cách tác động thông qua việc dạy và học. “Danh mục sách hỗ trợ dạy và cấp tiểu học” (do Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam, Công ty Đường sách TP.HCM cùng các nhà xuất bản, công ty sách thực hiện), các thư viện nhà trường, mô hình tủ sách… là những việc làm cụ thể.
Song theo ông Lê Hoàng, trong mỗi gia đình, cha mẹ cũng cần ý thức về vai trò của sách và duy trì thói quen đọc cùng con. Việc tác động mạnh mẽ từ nhiều phía sẽ tạo nên sự xoay chuyển tích cực, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.
Đồng tình với ý kiến đó, bà Vũ Thùy Dương – Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cũng nhận định rằng nên giáo dục thói quen đọc sách cho trẻ từ cấp bậc nhỏ nhất, để trẻ ý thức được tầm quan trọng của sách.
“Đây cũng là vai trò, trách nhiệm của nhà trường. Các hoạt động này sẽ vừa mang tính chất bắt buộc, vừa khuyến khích tình yêu sách. Chúng ta có thể tổ chức các cuộc thi nhỏ về sách và trao quà để khích lệ các em”, bà Dương gợi ý.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành xuất bản. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tận dụng công nghệ
Nhìn nhận về vai trò của ứng dụng công nghệ trong bối cảnh đại dịch và nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, ông Lê Hoàng đánh giá sự phát triển của công nghệ là tiền đề cho nhiều hướng đi mới của toàn ngành.
Cụ thể, nếu biết tận dụng công nghệ, giới làm sách trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các đơn vị xuất bản trên thế giới. Từ đó, việc mua, bán bản quyền sách sẽ diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, công nghệ còn khiến quá trình truyền thông, quảng bá sách được rút ngắn, nhưng lại lan rộng đến bạn đọc nhiều hơn.
Là giảng viên với 24 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bà Vũ Thùy Dương thông tin hiện nay, trường đã xây dựng thư viện số, sinh viên có thể đọc tham khảo tất cả tài liệu, giáo trình liên quan các môn học.
Trong các chuyên ngành của Khoa Xuất bản tại trường, xuất bản điện tử đang là lĩnh vực được đông đảo sinh viên và người làm công tác giảng dạy quan tâm.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều đơn vị xuất bản chuyên làm ebook, audio book đang rất cần nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên ngành này. Đó cũng là một trong những hướng đi mới của toàn ngành”, bà Dương lý giải.
Công bố 'Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học'
Sáng 14/12, buổi họp báo công bố "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học" diễn ra tại TP.HCM với 691 đầu sách đến từ hơn 30 nhà xuất bản.
"Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học" do Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam, Công ty Đường sách TP.HCM cùng các nhà xuất bản, công ty sách thực hiện với sự hỗ trợ từ 50 giáo viên của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chia sẻ danh mục sách nhằm giúp học sinh thu thập và xử lý thông tin thông qua đọc sách phù hợp, phát triển năng lực tự học. Sách trong danh mục sát với nội dung bài học và chương trình giáo dục năm 2018 nên phù hợp nhu cầu của học sinh, giáo viên.
Các đại biểu tham dự họp báo công bố "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học" sáng 14/12. Ảnh: T.V.
Danh mục sách bám sát chương trình giáo dục hiện hành
Với mục đích giới thiệu các đầu sách phù hợp học sinh, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam đã tổng hợp danh mục các chủ đề môn học theo từng cấp lớp; tổ chức họp lấy ý kiến nhà xuất bản, công ty sách, chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo để xây dựng kế hoạch và tiến hành triển khai thực hiện.
Từ hơn 4.000 tựa sách được các nhà xuất bản tuyển chọn gửi về, hơn 50 thầy cô dạy tiểu học trên địa bàn thành phố đã đọc, thẩm định để cho ra danh mục sách gần 700 đầu sách.
"Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học" hoàn thành và chính thức được Hội Xuất bản Việt Nam công bố gồm 691 quyển, trải đều ở các phân môn: Đạo đức, Khoa học/Tự nhiên Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, Đọc mở rộng môn Toán, Đọc mở rộng môn Tiếng Việt, Tìm hiểu lịch sử địa phương (TP.HCM)...
Tại buổi họp báo, ông Lê Hoàng cho biết việc hình thành danh mục sách xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm tư liệu phục vụ công tác dạy và học của giáo viên, học sinh. Từ việc hình thành thói quen tìm đọc sách tư liệu cho bài học, các em sẽ phát triển được năng lực tự đọc, tìm kiếm thông tin chuẩn bị cho bài học nhanh hơn.
"Đây giống như một thực đơn không chỉ dành cho giáo viên, học sinh mà còn giúp phụ huynh tìm kiếm tựa sách phù hợp bổ sung cho tủ sách gia đình. Cha mẹ có thể cùng con đọc sách, giải đáp cho trẻ thắc mắc, rắc rối trong quá trình học tập", ông Lê Hoàng nói thêm.
Các tựa sách được phân loại theo phân môn để các em học sinh dễ dàng theo dõi, tìm kiếm. Ảnh: Phương Lâm.
Đánh giá về vai trò của danh mục sách này, cô Lê Thị Kim Lan, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5), nói: "Các đầu sách được tuyển chọn rất sát với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây sẽ là sự bổ trợ đắc lực cho các em".
Cô Kim Lan cũng cho rằng "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học" đồng thời là nguồn tài liệu tham khảo chính thống, đã được chọn lọc kỹ lưỡng.
Phổ biến danh mục đến học sinh, giáo viên
Ông Lê Hoàng thông tin bên cạnh 691 đầu sách đã được tuyển chọn, "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học" tiếp tục được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện.
Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam sẽ phối hợp các nhà xuất bản phát triển danh mục dành cho bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việc này sẽ giúp tạo nên một tủ sách tham khảo được đầu tư, chọn lọc cho các em.
Đây giống như một thực đơn không chỉ dành cho giáo viên, học sinh mà còn giúp phụ huynh tìm kiếm các tựa sách phù hợp.
Ông Lê Hoàng
Hội Xuất bản dự kiến phối hợp sở GD&ĐT các tỉnh đưa danh mục sách đến trường học ở địa phương khác.
Đặc biệt, đầu sách tham khảo ở phân môn Lịch sử sẽ do các sở phối hợp thầy cô lựa chọn tựa sách phù hợp địa phương mình.
Là đơn vị phát hành đồng hành "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học", Công ty Cổ phần Sbooks đã triển khai mang sách đến các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Anh Dũng, nhà sáng lập Sbooks, cho biết đơn vị này đã bước đầu làm việc với sở, ban, ngành, nhà trường, thư viện của một số tỉnh như Long An, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Nai, Bến Tre, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ... về việc tổ chức hội thảo, chương trình gặp gỡ để giới thiệu nội dung, mục đích của danh mục sách.
Hiện, "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học" cũng được trưng bày tại Đường sách TP.HCM nhằm thuận tiện cho bạn đọc đến tham khảo. Phiên bản trực tuyến của danh mục cũng sẽ được Hội Xuất bản Việt Nam công bố trong thời gian sớm nhất.
Ông Đỗ Quý Doãn: 'Muốn nhiều người đọc phải có sách hay' Ông Đỗ Quý Doãn khẳng định sách hay mới có độc giả, vì vậy cần những chương trình xây dựng tủ sách thiết yếu, mang giá trị lâu bền. Dù đã nghỉ công tác theo chế độ nhiều năm nay, ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam -...