Tìm hiểu một số kiến thức về bo mạch chủ trên máy tính
Bo mạch chủ là một bản mạch đóng vai trò là trung gian giao tiếp giữa các thiết bị với nhau.
Trong các thiết bị điện tử, bo mạch chủ là một bản mạch đóng vai trò là trung gian giao tiếp giữa các thiết bị với nhau. Một cách tổng quát, nó là mạch điện chính của một hệ thống hay thiết bị điện tử. Trong bài viết dưới, tôi xin giới thiệu một số các khái niệm liên quan cũng như giải thích các khái niệm đó nhằm giúp độc giả hiểu biết thêm về thành phần thiết bị này.
Hình thức bộ mạch chủ
Hình thức ở đây là tôi muốn nói đến kích thước của bộ mạch chủ. Hiện tại kích thước phổ biến nhất là chuẩn ATX đã xuất hiện cách đây 18 năm. Hai kích thước phổ biến khác nhỏ hơn là micoroATX và mini- ITX. Ngoài các kích thước nhỏ còn xuất hiện 2 kích thước khác lớn hơn bao gồm: Extended-ATX và XL-ATX, đây vẫn chỉ là chuẩn ATX nhưng chúng được mở rộng hơn với nhiều cổng kết nối hơn…Ngoài ra Intel đã cố gắng phát triển thêm chuẩn BTX để thay thế cho ATX nhưng họ đã thất bại và hiện tại BTX không được phổ biến và chưa được các hãng sản xuất nhiều. Và tính đến thời điểm này nhờ sự linh hoạt cũng như phong phú trong các lựa chọn chuẩn ATX đã đáp ứng được đến 90% nhu cầu của người đam mê máy tính. Các chuẩn micoroATX và mini- ITX nhỏ gọn hơn được dùng trong các nhu cầu đặc biệt khác tuy nhiên cũng chính vì kích thước hạn chế mà chúng bị cắt giảm nhiều tính năng cao cấp khác
Socket
“socket” là số chân cắm của CPU trên bộ mạch chủ, nó chính sự tương thích với CPU của bộ mạch chủ và tất nhiên thông số này cũng có trên CPU. CPU và Bộ mạch chủ cùng socket thì mới có thể tương thích và làm việc được. Hiện tại có 2 loại socket trên bộ mạch chủ bao gồm Intel và AMD. Các socket phổ biến nhất hiện nay bao gồm : LGA1155, LGA1150, LGA2011 của Intel và AM3 , FM2 của AMD trong đó LGA1150 là socket mới nhất của intel hiện tại và AMD cũng đang phát triển một socket mới để thay thế cho FM2
Chipset
Chipset trong bo mạch chủ giữ chức năng rất quan trọng. Chipset đưa dữ liệu từ đĩa cứng qua bộ nhớ rồi tới CPU, và đảm bảo các thiết bị ngoại vi và các card mở rộng đều có thể thể “nói chuyện” được với CPU và các thiết bị khác. Chipset quản lý các chức năng cơ bản như USB, PCIe, và cổng SATA… và một số chức năng khác mà nhà sản suất thêm vào. Bạn nên đặc biệt chú ý đến chipset nếu bạn đang tìm kiếm những chức năng mà mình cần. Vì một số chức năng chỉ được hỗ trợ trên các chipset nhất định mà thôi, ví dụ các chipset P67 không hỗ trợ bộ nhớ đệm của Intel như các chipsetZ68… Hiện tại các chipset cao cấp nhất có thể kể đến như Z77, Z87, X79 (Intel) hay A85X,990X và 990FX (AMD)
Hỗ trợ SLI/CrossFire
Video đang HOT
Nghe có vẻ phức tạp nhưng đây chính là tính năng hỗ trợ chạy nhiều VGA trên bộ mạch chủ. Đại đa số các game thủ thường chỉ dùng một VGA cho cỗ máy chơi game của mình. Nhưng đây cũng là lựa chọn khá tốt cho việc nâng cấp của bạn khi muốn tăng hiệu năng đồ họa cho máy tính. Cũng cần chú ý thêm, với AMD thông số crossfire sẽ là hỗ trợ chạy hai VGA, crossfireX sẽ là trên 2 VGA. Với Intel thì ta có : SLI (hỗ trợ 2 VGA), tri SLI (hỗ trợ 3 VGA) và four way – SLI (hỗ trợ 4 VGA). Và việc sử dụng nhiều VGA trên một bộ mạch chủ chịu ảnh hưởng của khá nhiều yếu tố khác nhau (Nguồn,VGA …) chính vì vậy các bạn hãy tìm hiểu cũng như đọc kĩ điều này nếu có ý định chạy nhiều VGA.
Cổng kết nối
Có thể nói các cổng kết nối tạo nên sự khác biệt lớn giữa các bộ mạch chủ và quyết định cả việc bộ mạch chủ đó là cao cấp hay trung bình. Các cổng kết nối có thể kể đến như cổng galore, FireWire, USB 3.0, âm thanh kỹ thuật số, eSATA, SATA 3, Thunderbolt … nhưng các cổng kết nối này không quyết định việc bộ mạch chủ này tốt hơn bộ mạch chủ kia mà nó còn phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn, chẳng hạn thunderbolt là cổng kết nối cao cấp với tốc độ cao và là xu thế phát triển trong tương lại tuy nhiên nó lại rất đắt và ít khi được sử dụng, và tất nhiên bạn sẽ phải trả tiền cho tính năng mà mình không cần đến, hay với USB 3.0 đây là cổng kết nối cho tốc độ khá cao với chi phí thấp và đang dần phổ biến bạn cũng nên cân nhắc cho lựa chọn của mình
Khe cắm
Nếu bạn bắt gặp 1 khe cắm PCIe dài x16 slot, đừng nghĩ rằng đó là tốc độ của chúng mà thật ra nó chỉ là thông số kích thước vật lí của khePCIe mà thôi. Thường thì tốc độ băng thông của chúng chỉ là X8 hoặc X4 . Express 16X là tên của loại khe cắm card màn hình của bo mạch chủ. Khe PCI Express là loại khe cắm mới nhất, hỗ trợ tốc độ giao tiếp dữ liệu nhanh nhất hiện nay giữa bo mạch chủ và Card màn hình. Con số 16X thể hiện một cách tương đối băng thông giao tiếp qua khe cắm, so với AGP 8X, 4X mà bạn có thể thấy trên một số bo mạch chủ cũ. Tuy băng thông giao tiếp trên lý thuyết là gấp X lần, thế nhưng tốc độ hoạt động thực tế không phải như vậy mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như lượng RAM trên card, loại GPU (Vi xử lí trung tâm của card màn hình)
Backup Bios
Đây là chức năng trên bộ mạch chủ cho phép bạn có thể backup(phục hồi) lại bios khi nó bị hỏng. Thường thì việc hỏng bios trên bộ mạch chủ là khá hiếm tuy nhiên nó cũng là chức năng tốt vì dù sao có sự đề phòng vẫn hơn là không có gì
Các thông số khác
Wireless, âm thanh cao cấp, bộ điều khiển quạt tản nhiệt …là những tính năng đặc biệt mà các nhà sản xuất sử dụng để “móc túi” thêm bạn. Bạn hoàn toàn có thể không cần đến chúng nhưng đôi khi nhiều tính năng cũng rất đáng giá để bạn lưu tâm nếu thật sự có nhu cầu.
Theo PLXH/Maximumpc
Những điều cần lưu ý về CPU khi mua máy tính
Socket, số nhân, tốc độ xung nhịp, bộ nhớ đệm...là những yếu tố liên quan tới CPU bạn cần biết.
Với nhiều người dùng máy tính hiện nay, việc sắm một dàn máy không đơn thuần chỉ là nhằm phục vụ công việc, giải trí...Với niềm đam mê các công nghệ máy tính mới, họ sẽ phải tính toán để làm sao dàn máy của mình có thể dễ dàng trong việc nâng cấp sau này. Hiểu về các kiến thức liên quan tới CPU sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn đúng khi mua máy để phục vụ cho nhu cầu nâng cấp sau này.
Socket
Những người sử dụng máy tính thường có 2 nhóm đối tượng: Những người ít hoặc không có ý định nâng cấp CPU cho máy; và ngược lại là những người đam mê, có nhu càu nâng cấp chip xử lý để khám phá các công nghệ mới. Với bạn rơi vào trường hợp thứ nhất, bạn không cần quá quan tâm tới yếu tố socket. Với những người này thì ngay cả khi CPU được hàn thẳng vào bo mạch chủ cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn rơi vào trường hợp thứ 2, bạn cần chú ý tới socket của CPU, bởi nó là một trong những yếu tố chỉnh ảnh hưởng tới khả năng nâng cấp của bạn.
Hiện nay, các chip Intel sử dụng 3 loại socket gồm LGA2011, LGA1155, và socket mới nhất - LGA1150. Trong 3 socket này, LGA1155 là socket sẽ có vòng đời thấp nhất và không lâu nữa sẽ bị ngừng phát triển để nhường đường cho LGA1150. Theo lộ trình của Intel, LGA1150 và LGA2011 sẽ còn được phát triển trong ít nhất vài năm tới đây.
Còn về phía AMD, AM3 chính là socket mà hãng dùng cho khá nhiều phân khúc chip, từ 2 nhân giá rẻ cho tới các mẫu 8 nhân. Ngay cả các chip Piledriver đời mới của AMD cũng sử dụng socket này. Trong khi đó, dòng socket FM của AMD lại không được như vậy. FM1 không hỗ trợ quá nhiều CPU, còn FM2 lại không hướng tới đối tượng người dùng có nhu cầu nâng cấp. Hầu hết người dùng socket FM2 sẽ mua máy sử dụng một thời gian rồi mua máy mới.
Tổng kết lại, nếu có nhu cầu nâng cấp CPU về lâu dài, bạn nên chọn dùng các socket gồm LGA2011, và LGA1150 của Intel. Với AMD, bạn nên chọn AM3 .
Số nhân (Core Count)
Số nhân là thông số mà các nhà sản xuất thường thích dùng để quảng cáo cho CPU của mình. Thông thường thì chip có số nhân càng cao được hiểu là càng mạnh. 4 nhân mạnh hơn 2 nhân, còn 6 nhân mạnh hơn 4 nhân...
Điều này tuy đúng nhưng chưa đủ. Số nhân xử lý càng nhiều thì chip càng mạnh chỉ đúng khi bạn thực sự dùng đến chúng. Đồng thời, nó chỉ đúng khi so sánh giữa các chip ở cùng một dòng. Ví dụ như nếu bạn so sánh và kết luận rằng chip FX 8 nhân của AMD mạnh hơn chip Core i7 6 nhân của Intel là hoàn toàn sai lầm. Ngoài ra, nếu nhận định rằng chip 6 nhân của Intel sẽ giúp bạn chơi game mượt hơn so với chip 4 nhân cũng của hãng này cũng là cách hiểu sai.
Vậy đâu là cách hiểu đúng để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp. Để quyết định xem nên mua chip 4 nhân hay 6 nhân, 8 nhân, bạn cần xác định được nhu cầu sử dụng máy tính của mình. Nếu mua máy để chơi game, sau đó lướt web, xử lý văn bản, chỉnh sửa biên tập ảnh...hay các tác vụ có độ nặng tương đương, một con chip 4 nhân là đã đủ đáp ứng. Còn nếu bạn có nhu cầu encode video, tạo mô hình 3D, sử dụng các ứng dụng siêu phân luồng, hay thậm chí là sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc...bạn hãy nghĩ tới việc sở hữu một mẫu chip có càng nhiều nhân xử lý càng tốt. Nếu chỉ thỉnh thoảng phải encode video, bạn nên cân nhắc tới model 4 nhân với công nghệ siêu phân luồng Hyper-Threading (cung cấp 2 luồng trên mỗi nhân xử lý giúp nhân đôi số tác vụ mà vi xử lý có thể thực thi).
Tóm lại, việc lựa chọn vi xử lý cần dựa vào nhu cầu sử dụng của bạn thay vì các thông số mà nhà sản xuất quảng cáo.
Tốc độ xung nhịp
Cũng giống như số nhân, việc so sánh tốc độ xung nhịp chip chỉ có tác dụng với các model trong cùng dòng và cùng nhà sản xuất. Bạn không thể kết luận chip Pentium 4 3,8GHz có hiệu năng ngang với Sandy Bridge 3,8 GHz. Nguyên nhân nằm ở cách xử lý lệnh của CPU. Lượng tải (work) được hoàn thành trong mỗi chu kì đồng hồ (clock cycle) là khác nhau trên các kiến trúc CPU khác nhau. Một ví dụ như chip Pentium 4 phải cần tới nhiều chu kì đồng hồ hơn để làm cùng lượng công việc giống chip Pentium đời đầu, do đó tốc độ xung nhịp của Pentium 4 sẽ cao hơn cho cùng lượng công việc đó.
Việc so sánh chip FX-8350 4,1 GHz của AMD mạnh hơn chip Core i7-3770K xung nhịp thấp hơn - 3,5 GHz của Intel là phiến diện. Chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng Core i5 xung nhịp 3,4 GHz chắc chắn sẽ mạnh hơn so với Core i5 3,1GHz (tương tự với chip AMD). Đồng thời, khẳng định này chỉ đúng trong trường hợp mọi thành phần khác của máy là như nhau.
Bộ nhớ đệm (Cache)
Sau số nhân xử lý và tốc độ chip, bộ nhớ đệm cũng là thông số mà nhà sản xuất thường đưa ra để "mồi chài" bạn. Hiện nay, cache của CPU dao động từ 3 MB đến 8 MB. Cũng có CPU có cache dưới 3 MB.
Trước tiên, bạn cần lưu ý rằng trong nhiều trường hợp khi mới được sản xuất ra, các con chip là như nhau. Khi Intel và AMD tiến hành kiểm tra chất lượng để phê chuẩn mẫu chip đó, họ sẽ loại bỏ các chip lỗi. Nếu một con chip có 8 MB bộ nhớ đệm L2 và một phần trong đó bị lỗi, nó sẽ được bán ra với quảng cáo là chip có 6 MB hoặc 4 MB bộ nhớ L2. Tuy nhiên, điều này không phải áp dụng cho mọi model, bởi có những model sẽ được vô hiệu hóa hoặc loại bỏ cache để tiết kiệm chi phí.
Vậy liệu bộ nhớ đệm có ảnh hưởng tới hiệu năng hay không? Câu trả lời là vừa có lại vừa không. Bộ nhớ đệm có đem lại cải thiện về hiệu năng, nhưng thường chỉ cho các tác vụ tiêu tốn nhiều băng thông như encode hay nén video. Ngoài ra, với nhiều ứng dụng, chip có bộ nhớ L2 cao cũng chỉ cho hiệu năng tương đương với chip có L2 dung lượng thấp hơn.
Đồ họa tích hợp
Có thể nói những cải thiện về hiệu năng đồ họa tích hợp là bước tiến lớn nhất của CPU trong mấy năm gần đây. Tất nhiên chúng ta không thể so sánh đồ họa tích hợp trên chip với card đồ họa rời, nhưng với các dòng laptop siêu mỏng, máy AiO, dòng máy tính giá rẻ, những cải tiến về GPU trên chip lại đem đến sự khác biệt rất lớn.
So với Intel, đồ họa tích hợp của AMD luôn được đánh giá cao hơn, nhất là khi so sánh với thế hệ chip Ivy Bridge, Sandy Bridge trở về trước. Tuy nhiên, Intel cũng đã cải thiện đáng kể hiệu năng đồ họa tích hợp trên dòng chip mới nhất hiện nay của họ là Haswell.
Tất nhiên, AMD cũng không chịu ngồi yên nhìn đối thủ của họ. Dòng APU mới của hãng cũng được trang bị chip đồ họa Radeon HD 7000 cho hiệu năng tốt. Còn với người dùng, khi lựa chọn đồ họa tích hợp, yếu tố đáng quan tâm nhất là số đơn vị xử lý (EU - graphics execution units) và tốc độ xung nhịp. GPU càng có nhiều EU hơn, có xung nhịp cao hơn, chắc chắn sẽ mạnh hơn.
Theo PLXH/Maximumpc
Asus cho ra mắt loạt bo mạch chủ nền tảng Haswell tại Việt Nam Loạt bo mạch chủ mới của Asus trải rộng từ phân khúc hiệu năng với Z87 Deluxe cho đến dòng TUF hoạt động bền bỉ hay ROG Maximus dành cho cấu hình chuyên game và người dùng đam mê công nghệ. Các mẫu bo mạch chủ nền tảng Haswell mới của Asus. Z87 Deluxe Dual thuộc dòng bo mạch chủ hiệu năng cao...