TikTok – vũ khí mới trong chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ
TikTok được coi là mạng xã hội ngớ ngẩn nhất thế giới, nhưng ngày càng giống công cụ chính trị đầy uy lực trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Kể từ khi được phát hành ở Trung Quốc năm 2016, ứng dụng stream video đã ngày càng phổ biến nhờ các trào lưu, nội dung lạ lùng thu hút sự chú ý của hàng trăm triệu người dùng.
Với 800 triệu người dùng thường xuyên, trong đó 45 triệu người ở Mỹ, ứng dụng của tập đoàn Trung Quốc Bytedance đang dần trở thành một công cụ rất mạnh, có thể được tận dụng triệt để cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm nay.
Với lượng lớn người dùng trẻ bắt đầu tận dụng nền tảng này cho mục đích chính trị, liệu TikTok trong năm 2020 có thể gây ảnh hưởng như Facebook và Twitter hồi năm 2016 hay không? Đã có một số dấu hiệu cho thấy điều này sẽ xảy ra.
Mary Jo Laupp, một người dùng Tiktok, được cho là đã dẫn đầu nỗ lực trên mạng xã hội nhằm “phá hoại” cuộc mít tinh của Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ.
Laupp đăng video kêu gọi mọi người đăng ký tham dự sự kiện nhưng không đến. Lời kêu gọi thu hút sự ủng hộ rộng rãi, với hơn 700.000 lượt thích video, cùng sự hưởng ứng của nhiều fan K-pop.
Sự kiện ở Tulsa là cuộc vận động tranh cử đầu tiên sau ba tháng của Trump. Ban tổ chức ban đầu cho biết “có hơn một triệu người đã đăng ký tham dự”. Tuy nhiên, trung tâm BOK với 19.000 chỗ ngồi vẫn còn rất nhiều ghế trống tối hôm đó. Sở Cứu hỏa Tulsa cho biết chỉ khoảng 6.200 người có mặt tại cuộc mít tinh.
Tim Murtaugh, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump, cho hay, họ đã loại bỏ hàng chục nghìn số điện thoại không có thật khi tính toán số người có khả năng tới dự. Ban tổ chức đổ lỗi cho truyền thông kích động cử tri không tham gia mít tinh và gây rối bên ngoài trung tâm BOK.
TikTok có thể gặp nhiều trở ngại trong thời gian tới. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
Dù vẫn còn nhiều câu hỏi về ảnh hưởng thực sự của hành động trên, rõ ràng, nhiều người dùng TikTok không chỉ sử dụng nền tảng này để mau qua thời gian mà còn nhằm huy động lực lượng vì mục đích chính trị.
Sophia Ignatidou, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia có trụ sở tại Anh, cho rằng cuộc vận động ở Tulsa có thể trở thành yếu tố thay đổi cách nhìn nhận và tận dụng TikTok. “Tôi chưa từng chú ý đến nó, nhưng sự việc này buộc tôi thay đổi. Trước đây, nó chưa bao giờ được coi là nền tảng đủ sức ảnh hưởng tới các chiến dịch chính trị hoặc kết quả bầu cử”, bà cho hay.
Rob Grey, người dùng TikTok với hơn 114.000 người theo dõi và hơn 1,2 triệu lượt like video, đã chứng kiến sự biến đổi từ một nền tảng chỉ toàn “video ngốc nghếch gây sốt” thành nơi mọi người “có thể chia sẻ thông tin về những sự kiện hiện tại và quan điểm của riêng họ”.
“Tôi nghĩ cộng đồng đã phản ứng rất nhanh với những gì xảy ra trong năm nay. Những người làm nội dung đang nhận ra sức ảnh hưởng của ứng dụng này nhờ số lượng khán giả tiềm tàng khổng lồ”, Grey nói.
Nhiều người đã biến các tính năng thường thấy của TikTok thành công cụ thể hiện quan điểm chính trị. Diễn viên hài Mỹ Sarah Cooper dùng TikTok để làm những video chỉ trích Tổng thống Trump và thu hút lượng lớn người theo dõi. Evan Berger, tài khoản có 1,8 triệu người theo dõi, đã tạo ra loạt video châm biếm nhằm thể hiện ông chủ Nhà Trắng không đủ trình độ lãnh đạo nước Mỹ.
Dù phần lớn người dùng TikTok vẫn chỉ dùng nó để giải trí, một nhóm không nhỏ đang sử dụng nó để thu hút sự chú ý tới những vấn đề chính trị. Sharon Kann, Giám đốc nghiên cứu ở tổ chức Media Matters for America, cho rằng, điều này là ví dụ thể hiện rằng mạng lưới người dùng trên mạng xã hội có thể cản trở những mô hình truyền thông chính trị truyền thống ở Mỹ.
Từ khi được phát hành tại Mỹ hồi năm 2018, TikTok đã có khoảng 45 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, mang tới nhiều không gian để tuyên truyền ý tưởng. Có nhiều lo ngại cho rằng TikTok sẽ không chỉ có những video châm biếm và nhại chính trị gia, mà còn trở thành nền tảng diễn ra những cuộc tranh luận chính trị và phát đi thông điệp của các đảng phái.
“Bản chất gây sốt và tạo xu hướng trên TikTok là thử thách với các cuộc bầu cử. Loại bỏ thông tin giả mạo không có nghĩa là nó sẽ biến mất khỏi nền tảng. Chúng ta đã chứng kiến những video sai lầm hoặc thiếu chính xác về Covid-19 trên TikTok. Nhưng ngay cả khi nó bị xóa, vẫn có quá nhiều người sao chép hoặc phản ứng với nội dung nguyên gốc”, Kann nói.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, nhóm của Kann đã phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy tin giả về dịch bệnh được lan truyền qua TikTok. Thuật toán đề xuất của ứng dụng này khiến người dùng sẽ thấy hàng loạt video có nội dung tương đồng.
Hệ thống của TikTok tính tới hàng loạt yếu tố của người dùng và cách họ tương tác với các video. Dù người dùng có thể không thấy nhiều video liên tiếp từ một tài khoản, họ sẽ được đề xuất video được nhiều người có chung sở thích đánh giá cao. Điều này có nghĩa là lượng người xem một video nhất định có thể nhanh chóng tăng lên.
Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Tulsa hôm 19/6. Ảnh: AFP.
Nguy cơ tin giả chính trị lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến nhiều quan chức lo lắng. “Còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của TikTok với phân cực chính trị tại Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, tôi biết các báo cáo nội bộ gần đây của Facebook kết luận rằng thuật toán của họ có khả năng gây chia rẽ quan điểm chính trị”, Kann nói.
Một vấn đề khác với các chính trị gia Mỹ là chủ sở hữu của TikTok – Bytedance – đang là startup có giá trị cao nhất thế giới ở mức 100 tỷ USD và đặt trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã được cảnh báo không dùng TikTok vì các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trong khi nhiều người lo ngại khả năng nhiều công dân Mỹ đã bị thu thập dữ liệu.
TikTok không bình luận về những nghi ngờ này, nhưng chủ sở hữu Bytedance dường như đã tiến hành nhiều bước đi nhằm giảm bớt lo ngại. Họ đã bổ nhiệm cựu lãnh đạo bộ phận streaming của Disney vào vị trí CEO TikTok, đồng thời tỏ ý sẽ đặt trụ sở toàn cầu ở ngoài Trung Quốc, tách khỏi văn phòng Bytedance ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những hành động đó có thể là chưa đủ. Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang nóng lên và ngày càng nhiều người chú ý tới TikTok, mạng xã hội này có thể gặp nhiều trở ngại trong tương lai gần. “Có thể họ sẽ gặp phản ứng dữ dội vì không phải công ty Mỹ. Nguồn gốc Trung Quốc có thể khiến họ bị kéo vào những cáo buộc nước ngoài can thiệp bầu cử Mỹ, dù các động thái gần đây đều do giới trẻ Mỹ khởi xướng”, Kann nhận xét.
Tổng thống Donald Trump đặt cược vào nền tảng internet lượng tử
Trong yêu cầu ngân sách năm 2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định dành 237 triệu USD kinh phí để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu thông tin lượng tử.
Cấu trúc bên trong một nguyên mẫu máy tính lượng tử do IBM phát triển
Trong những năm 1960, chính phủ Mỹ đã tài trợ cho một loạt thí nghiệm phát triển các kỹ thuật đưa thông tin từ máy tính này sang máy tính khác. Ban đầu, sự kết nối xuất hiện từ thiết bị trong các phòng thí nghiệm đơn lẻ, sau đó các phòng thí nghiệm lân cận đã hình thành nên những liên kết với nhau. Không bao lâu, mạng lưới kết nối này đã nở rộ giữa các tổ chức nghiên cứu khắp cả nước, thiết lập nguồn gốc của điều mà chúng ta gọi là internet và biến đổi mãi mãi cách mọi người sử dụng thông tin. Giờ đây, 60 năm sau, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đang đặt mục tiêu làm lại hành trình kỳ diệu này một lần nữa.
Theo CNBC, trong yêu cầu ngân sách năm 2021 đang được Quốc hội Mỹ xem xét, chính quyền ông Trump đã đề xuất cắt giảm tổng chi phí nghiên cứu khoa học gần 10%, nhưng lại tăng chi tiêu cho khoa học thông tin lượng tử khoảng 20%, lên tới 237 triệu USD, trong đó, DOE đã yêu cầu 25 triệu USD để đẩy nhanh sự phát triển của internet lượng tử. Mạng lưới internet lượng tử được xây dựng sẽ thúc đẩy hành vi phản trực giác của các hạt tự nhiên để vận dụng và chia sẻ thông tin theo những cách hoàn toàn mới. Với đề xuất ngân sách năm 2021, chính quyền ông Trump đang cố gắng đẩy mạnh nỗ lực nghiên cứu lượng tử, vì không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác hiện cũng theo đuổi lĩnh vực này.
Khoa học đằng sau mạng internet lượng tử
Trong khi lưu lượng truy cập internet hiện đại kết nối trực tiếp giữa các máy tính cổ điển, điện thoại thông minh, máy tính bảng, loa hoặc bộ điều nhiệt, internet lượng tử về cơ bản sẽ mang một đơn vị thông tin khác được gọi là bit lượng tử hoặc qubit. Qubit đại diện cho một ngôn ngữ khác hoàn toàn, một ngôn ngữ dựa trên hành vi của các nguyên tử, electron, các hạt tự nhiên khác và các vật thể bị chi phối bởi những quy tắc bất thường của cơ học lượng tử. Các đối tượng này luôn "trôi chảy" tự do và khó nắm bắt hơn nhiều so với đối tác của chúng trong điện toán cổ điển. Ví dụ, một nam châm ổ đĩa cứng luôn luôn hướng lên hoặc hướng xuống, nhưng không ai có thể biết được hướng đi của electron cho đến khi đo lường.
Các hạt lượng tử cũng có thể được kéo lại với nhau trong một mối quan hệ gọi là rối lượng tử (entanglement). Các cặp hạt rối lượng tử chia sẻ liên kết mật thiết giống như mối quan hệ giữa hai mặt của một đồng xu, nhưng khác ở chỗ chúng có thể di chuyển ra xa nhau và vẫn duy trì kết nối.
Các nhà khoa học phát triển internet lượng tử
Khoa học thông tin lượng tử hứa hẹn kết hợp các hiện tượng với nhau theo một cách mới, phong phú hơn trong xử lý thông tin, tương tự như việc chuyển từ đồ họa 2D sang 3D. Ví dụ, các thiết bị lượng tử thông thạo ngôn ngữ của tự nhiên có thể giúp các nhà khoa học thiết kế vật liệu và thuốc bằng cách mô phỏng cấu trúc nguyên tử mà không cần phải kiểm tra tính chất của chúng trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, vẫn còn cần đến hàng năm, thậm chí hàng thập niên để những điều kỳ diệu như vậy diễn ra.
Song, giống như những năm 1960, Bộ Năng lượng Mỹ giờ đây lại gieo hạt giống mới cho mạng lưới internet tương lai tại các phòng thí nghiệm quốc gia. Ngầm trong lòng đất vùng ngoại ô phía tây bang Chicago là cáp quang dài 52 dặm (hơn 83 km) mở rộng ra hai phòng thí nghiệm bắt nguồn từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne. Đầu năm nay, David Awschalom, kỹ sư lượng tử tại Đại học Chicago, đã giám sát hệ thống thử nghiệm thành công đầu tiên. "Chúng tôi đã tạo ra những trạng thái rối lượng tử của ánh sáng và cố gắng dùng nó như phương tiện để kiểm tra cách rối lượng tử hoạt động trong thế giới thực, bên dưới các tuyến đường ở Illinois, chứ không phải chỉ ở trong phòng thí nghiệm".
Thí nghiệm tương tự cũng đang được tiến hành tại Bờ Đông nước Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu đã gửi photon rối lượng tử trên cáp quang kết nối Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven ở New York với Đại học Stony Brook, một khoảng cách khoảng 11 dặm. Các nhà khoa học ở Brookhaven cũng đang thử nghiệm sự truyền không dây của các photon rối lượng tử với khoảng cách tương tự trong không khí.
Việc gửi và nhận các photon rối lượng tử như vậy tương đương với các bộ định tuyến lượng tử, và bước tiếp theo các nhà nghiên cứu cần là một ổ cứng lượng tử để lưu giữ thông tin được trao đổi. Khi các photon mang thông tin từ mạng lưới kết nối, bộ nhớ lượng tử sẽ lưu trữ các qubit đó dưới dạng nguyên tử rối lượng tử, giống như cách ổ cứng hiện tại đang dùng nam châm lật để giữ bit. Ông Awschalom hy vọng Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne và Đại học Chicago sẽ cùng phát triển bộ nhớ lượng tử trong mùa hè này, đồng thời trong khoảng thời gian đó mở rộng mạng lưới sang một điểm nút khác, đưa Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia Fermi ở vùng lân cận vào thế giới lượng tử, kéo dài khoảng cách ra 100 dặm. Tuy nhiên, trước khi các nhà nghiên cứu mở rộng mạng lưới lớn hơn nữa, họ sẽ cần phát minh ra bộ lặp lượng tử, một loại thiết bị giúp tăng tín hiệu bị suy yếu cho hành trình dài 100 dặm. Và các nhà nghiên cứu hiện cũng đã có một số bộ lặp lượng tử nguyên mẫu đang chạy. "Tuy nó chưa đủ tốt, nhưng chúng tôi đã học được rất nhiều", kỹ sư Awschalom nói.
Nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn yêu cầu ngân sách dành cho khoa học thông tin lượng tử theo yêu cầu của chính quyền ông Trump, thì tương lai một ngày nào đó mạng lưới internet lượng tử đi từ các phòng thí nghiệm lan rộng khắp cả nước sẽ thành hiện thực.
Người Trung Quốc - vũ khí bí mật giúp Mỹ dẫn đầu ngành AI Các nhà khoa học Trung Quốc giúp Mỹ độc chiếm nhiều lĩnh vực công nghệ cao, nhưng căng thẳng chính trị có thể khiến Washington mất lợi thế này. Khi Lầu Năm Góc khởi động Dự án Maven - hiện đại hóa công nghệ quân sự Mỹ nhờ AI, họ trông đợi vào nhóm hơn 10 kỹ sư làm việc tại Google. Nhiều...